Trụ thế là gì

Điều này cũng vô cùng quan trọng. Hiện tại Phật không còn ở thế gian, cho nên chúng ta chỉ có thể đắp nắn tượng Phật để cúng dường, tượng trưng cho Phật pháp thường trụ ở thế gian. Những vị pháp sư đại đức thay Phật nói pháp, chúng ta phải nên mời họ lưu lại nơi này, giảng kinh nói pháp thời gian dài cho chúng ta thì chúng ta mới có thể nhận được lợi ích chân thật. Vì sao vậy? Các vị thử nghĩ xem, có mấy người nghe một bộ Kinh thì liền khai ngộ, liền chứng quả? Không hề có. Không có thì phải làm sao? Ngày ngày phải nghe Kinh. Phước báo của chúng ta ngày nay không bằng người xưa. Vào thời xưa, ở trong Tòng Lâm tự viện của Trung Quốc, mỗi ngày giảng Kinh không hề gián đoạn. Trong Tự viện có giảng đường. Trong lịch sử có ghi chép, Đại Sư Thanh Lương năm xưa ở đời giảng Kinh Hoa Nghiêm, có thể nói là người trước đó cũng như người đời sau đó, tôi thấy không có người nào có được cơ hội này. Cả đời Đại Sư Ngài giảng qua năm mươi lần. Những người thân cận với Đại Sư Thanh Lương nếu như có lòng nhẫn nại, ở dưới hội của Ngài nghe qua năm mươi lần thì có lý nào mà không thành tựu chứ? Một biến giảng qua chí ít là một năm. Nghe năm mươi biến thì phải nghe năm mươi năm. Năm mươi năm ngày ngày huân tập thì có lý nào mà bạn không khai ngộ? Chúng ta ngày nay nghe Kinh khó khăn là do đâu vậy? Một ngày nóng, đến mười ngày lạnh. Mỗi ngày ở nơi đây giảng Kinh, mỗi ngày huân tập cũng không quá hai giờ đồng hồ. Một ngày có hai mươi bốn giờ, chúng ta nghe Kinh chỉ có hai giờ, còn hai mươi hai giờ khởi vọng tưởng, bạn nói xem, làm gì có thành tựu chứ? Pháp sư ở Tòng Lâm vào thời xưa, mỗi ngày giảng Kinh tám giờ đồng hồ. Một bộ Kinh Hoa Nghiêm mỗi ngày giảng tám giờ đồng hồ, một năm giảng viên mãn. Vậy chúng ta một ngày giảng hai giờ đồng hồ thì phải giảng bốn năm, tiêu chuẩn thời gian bốn năm thì mới giảng viên mãn. Nếu một ngày giảng tám giờ thì một năm mới giảng viên mãn. Ngài Thanh Lương quả thật hơn người. Ngài sống hơn 100 tuổi, người thời đó gọi Ngài là Bồ Tát Hoa Nghiêm, thật không thể nghĩ bàn. Mỗi ngày giảng Kinh tám giờ đồng, ngoài ra ở niệm Phật đường niệm Phật tám giờ đồng hồ, họ làm gì còn thời gian để khởi vọng tưởng, chỉ còn có đi ngủ, không có thời gian để khởi vọng tưởng. Loại đạo tràng này ở trong đó ba năm có hiệu quả hơn chúng ta ngày nay tu hành ba mươi năm. Chúng ta tu hành ba mươi năm cũng không bằng người ta ở đạo trang đó một năm. Đây gọi là gì vậy? Trường kỳ huân tu, sức huân tập quá lớn.

Nam Mô A Di Đà Phật!

Trích Kinh Vô Lượng Thọ Lần 10, năm 1998, tập 11- HT. Tịnh Không chủ giảng

Video liên quan

Chủ Đề