Trận đánh mở đầu chiến dịch biên giới thu - đông năm 1950 của quân dân việt nam diễn ra ở đâu?

70 năm qua, Chiến dịch Biên giới 1950 đã đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc, những những chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với hình ảnh Người trực tiếp chỉ đạo chiến dịch tại trận địa vẫn gây nên sự xúc động mạnh mẽ trong lòng mỗi người dân Việt Nam, tạo nên sức thuyết phục về hình ảnh Người anh hùng dân tộc - Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – linh hồn của Chiến dịch

Nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần vùng biên giới phía Bắc, phá thế bao vây của địch, tiến tới giành quyền chủ động về chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, tháng 6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng quyết định mở Chiến dịch Biên giới, mang mật danh Chiến dịch Lê Hồng Phong II. Bộ Chỉ huy Bộ Chỉ huy Chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 12/8/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị cho các cấp Đảng bộ lãnh đạo quân dân địa phương đánh địch mạnh để tiêu hao lực lượng địch, kiềm chế địch, phối hợp với “một chiến dịch lớn” do Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ đạo; do Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lệnh phát động, đồng thời phát động trong toàn quốc tuần lễ “thi đua giết giặc lập công”.
Từ cuối tháng 8/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Người kiểm tra kế hoạch tác chiến, xem xét công tác chuẩn bị hậu phương, theo dõi kịp thời diễn biến của chiến dịch, góp những ý kiến chỉ đạo và động viên cán bộ, bộ đội, dân công.

Do quy mô của Chiến dịch tương đối lớn, có nhiều lực lượng tham gia, trên địa bàn rộng, rừng núi hiểm trở, lại xa căn cứ hậu cần của ta, nên việc chuẩn bị, bảo đảm cho Chiến dịch rất khó khăn. Thấy trước được điều đó, trong Hội nghị Quốc phòng [ngày 2/9], Bác Hồ đã đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo tiếp tế cho Chiến dịch Biên giới và chỉ thị cho các lực lượng tham gia Chiến dịch: “Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng rất quan trọng. Chúng ta quyết đánh thắng trận này”. Ngày 9/9/1950, Người ra Lời kêu gọi đồng bào ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng: “Đồng bào hãy tiến lên làm gương kiểu mẫu cho nhân dân toàn quốc, giúp cho Chiến dịch được thắng lợi".

Thực hiện Lời kêu gọi của Bác, hàng vạn đồng bào các dân tộc Cao Bằng rời nhà lên đường đi chiến dịch, làm dân công hỏa tuyến bạt núi, mở đường, bắc cầu, vận chuyển lương thực, đạn dược phục vụ chiến dịch.

Ban đầu, ý định tác chiến của Bộ chỉ huy Chiến dịch là đánh Cao Bằng trước, sau đó chuyển xuống đánh Đông Khê, Thất Khê. Nhưng sau khi phân tích tình hình, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định đánh Đông Khê để mở màn Chiến dịch. Phân tích chủ trương đánh Đông Khê, Người chỉ rõ: "Ta đánh vào Đông Khê là đánh vào nơi quân địch tương đối yếu, nhưng lại là vị trí rất quan trọng của địch trên tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn. Mất Đông Khê, địch buộc phải cho quân đi ứng cứu, ta có cơ hội thuận lợi tiêu diệt chúng trong vận động". Tại Chiến dịch này, lần đầu tiên ta huy động một lực lượng lớn gồm một đại đoàn và 2 trung đoàn chủ lực cơ động của Bộ ba tiểu đoàn chủ lực của Liên khu Việt Bắc và các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du lích hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.

Cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường đi Chiến dịch Biên giới, trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Trên đường đi, ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong làm đường phục vụ chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thanh niên bốn câu thơ:

“Không có việc gì khó,

Chỉ sợ lòng không bền,

Đào núi và lấp biển,

Quyết chí ắt làm nên”.

Ngày 13/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Sở Chỉ huy chiến dịch để đến Mặt trận Đông Khê, trực tiếp theo dõi bộ đội đánh trận mở màn chiến dịch. Người chỉ thị cho bộ đội: "Dù khó khăn đến đâu cũng kiên quyết khắc phục đánh cho kỳ thắng trận đầu". Đêm 16/9, quân ta bất ngờ tấn công cứ điểm Đông Khê. Sau 2 ngày chiến đấu ác liệt, quân ta đã tiêu diệt hòan toàn cụm cứ điểm Đông Khê. Ngay lúc này, Người vạch ý đồ tác chiến của ta là "nhử thú vào tròng" để "khép vòng lưới thép" tiêu diệt chúng. Tiếp đó ta truy kích và bắt gọn quân địch rút chạy từ Cao Bằng. Ngày 8/10/1950, quân ta tiêu diệt hai binh đoàn ứng cứu của Pháp.

Trong những ngày truy kích địch, Bác Hồ trực tiếp theo dõi diễn biến và chỉ đạo trận mở màn Chiến dịch tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê tại đài quan sát Chiến dịch, liên tục gửi nhiều thư, điện động viên bộ đội. Như được tiếp thêm sức mạnh, bộ đội ta nhất tề xông lên tiêu diệt địch, giành chiến thắng vang dội.

Sau 29 ngày chiến đấu ở vùng biên giới [từ 26/9-4/10], ta đã tiêu diệt và bắt sống gần 8.300 địch, tiêu diệt 10 tiểu đoàn, thu trên 3000 tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh, giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập [Lạng Sơn]. Phối hợp với chiến dịch Biên giới, quân và dân ta tăng cường chiến đấu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Tính chung cả nước ta đã tiêu diệt 12.000 tên địch, giải phóng 5 thị xã, 13 thị trấn và nhiều vùng rộng lớn.

Hình ảnh “Bác Hồ ra chiến dịch”

Đây là lần đầu tiên ta mở một chiến dịch tiến công lớn thắng lợi đánh vào một tuyến phòng thủ mạnh của địch. Chiến dịch đã làm phá sản kế hoạch Rơ-ve, khiến ý chí xâm lược của Thực dân Pháp bị lung lay. Ta mở được đường giao thông quốc tế nối liền Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa sau 5 năm bị đế quốc bao vây. Căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và củng cố, đường liên lạc giữa Việt Bắc với đồng bằng Bắc Bộ và Liên khu IV được thông suốt.


Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát trận đánh mở màn của bộ đội ở Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới [1950]

Thắng lợi này đã mở ra bước ngoặt quan trọng chuyển cuộc kháng chiến của ta từ hình thái chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy, đánh dấu bước trưởng thành lớn của Đảng trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh, đưa cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn ta nắm quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, chuyển hẳn sang liên tục tiến công địch, tiến lên giành nhiều thắng lợi to lớn.

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đã thể hiện rõ tư duy chiến lược, nghệ thuật quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị tư lệnh tối cao trong Chiến dịch, củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.

Sau khi Chiến dịch Biên giới kết thúc, Người đã trực tiếp đi thăm chiến trường Đông Khê, Thất Khê; thăm hỏi và động viên các thương binh, các đơn vị tham gia chiến dịch, thăm dân công, gửi thư gửi thư cám ơn và khen ngợi đồng bào Cao - Bắc - Lạng. Trong niềm vui chiến thắng, Người không quên nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ và nhân dân: “Không vì thắng lợi mà kiêu căng, chủ quan, khinh địch, chúng ta phải nhớ rằng: trong toàn cuộc trường kỳ kháng chiến thì thắng lợi này mới chỉ là bước đầu. Chúng ta cần phải đánh thắng nhiều trận gay go hơn, to tát hơn nữa, mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”.

Thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Người, cùng với khí thế của chiến thắng Biên giới 1950, quân và dân ta đã anh dũng tiến lên chiến đấu và giành được thắng lợi to lớn hơn trong giai đoạn tiếp theo của cuộc kháng chiến, mà quan trọng là trong chiến cuộc đông xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ.

Với mỗi quyết định, chỉ đạo Chiến dịch của Bác thể hiện một tư tưởng quân sự vĩ đại, một cái đầu nhạy bén trước những biến động của lịch sử; mỗi lời động viên, khích lệ của Bác với nhân dân thể hiện sự gần gũi, tin tưởng, yêu thương.

Việc Người ra chỉ đạo tại mặt trận làm cho mọi người càng thấm sâu ý nghĩa quan trọng của Chiến dịch, là lời động viên mạnh mẽ nhất, xúc động nhất lan truyền trong sâu thẳm toàn thể đội ngũ dân công, bộ đội tham gia Chiến dịch, góp phần động viên, khích lệ chiến sĩ giết giặc lập công.

Những chỉ đạo sáng suốt, nhạy bén của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những hình ảnh Bác Hồ ra trận trong Chiến dịch trở thành hình ảnh đẹp đẽ, thiêng liêng, có sức hiệu triệu mạnh mẽ để mỗi người dân sẵn sàng hiến dâng sức người, sức của, sẵn sàng hy sinh hết thảy vì chủ quyền non sống. Những quyết định sáng suốt đó, sự động viên kịp thời đó góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Biên giới 1950. Điều đó càng thể hiện được tính đúng đắn của đường lối kháng chiến mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”.

Nguồn tham khảo: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tập 4.

Theo //hochiminh.vn/

Chiến dịch Biên giới [Thu - Đông 1950] là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân dân Việt Nam, mở ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi ấy là kết quả hợp thành từ nhiều nhân tố, nhưng sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vai trò quyết định. Thắng lợi ấy có sự đóng góp to lớn của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. 

Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn phương án tác chiến cho Chiến dịch Biên giới 1950. Ảnh: TTXVN

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến dịch.

Tháng 6/1950, Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định mở chiến dịch quy mô lớn ở vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc nhằm mục đích: “Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng một phần biên giới, mở thông đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc”. Tuy nhiên, việc lựa chọn hướng chính của chiến dịch vẫn chưa thống nhất. 

Để bảo đảm giành thắng lợi, ngày 25/7/1950, Thường vụ Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận Biên giới và Bộ Chỉ huy chiến dịch. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng [Tư lệnh] kiêm Chính ủy chiến dịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng quyết định sẽ trực tiếp đi mặt trận tham gia chỉ đạo, theo dõi, động viên cán bộ, chiến sĩ, đồng bào. Ngoài ra, chiến dịch còn được sự giúp đỡ tích cực về vũ khí, lương thực từ chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là có Đoàn cố vấn Trung Quốc bên cạnh Sở chỉ huy.

Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ thị: “Chiến dịch này hết sức quan trọng, chỉ được thắng không được thua!”. Thường vụ Trung ương Đảng cũng nhấn mạnh lại quyết tâm: “Phải thực hiện cho bằng được những nhiệm vụ chiến dịch đã nêu ra ở trên”.

Bác Hồ thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ tham gia Chiến dịch Biên giới 1950. Ảnh: TTXVN

Như vậy, chiến dịch Biên giới mang ý nghĩa chiến lược rất to lớn. Sự thành bại của chiến dịch ảnh hưởng quyết định đến sự thay đổi của cục diện chiến tranh, đến lòng tin của quân và dân ta đối với đường lối kháng chiến của Đảng, đến quá trình xây dựng, trưởng thành của quân đội trong giai đoạn cách mạng mới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao “trọng trách đặc biệt” với quyền hạn lãnh đạo, chỉ huy lớn. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng để Đại tướng có những quyết đoán mang tính độc lập sáng suốt, thể hiện tài thao lược và phong cách cầm quân đặc trưng.

Thay đổi phương án tác chiến: Mở màn chiến dịch bằng trận đánh Đông Khê 

Để bảo đảm trận đầu ra quân chắc thắng, tránh sự chủ quan khinh suất, ngày 5/8/1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ cơ quan tham mưu trực tiếp đi trinh sát nghiên cứu thực địa Cao Bằng. Đại tướng nhận thấy: Địch ở Thị xã Cao Bằng có lực lượng khá đông [gồm hai tiểu đoàn Âu - Phi tinh nhuệ], có hệ thống công sự trận địa phòng thủ rất kiên cố; nếu ta cố đánh sẽ gặp khó khăn to lớn, bộ đội thương vong nhiều.

Bộ đội ta trên đường tiến vào giải phóng thị trấn Đông Khê. Ảnh: TTXVN

Mặt khác, khi ta giải phóng Thị xã Cao Bằng, nhiều khả năng địch sẽ không đưa quân tái chiếm. Trong khi đó, nếu chuyển hướng xuống đánh Đông Khê [cách Thị xã Cao bằng 40 km về phía Đông] là nơi địch yếu hơn [chỉ khoảng một tiểu đoàn chốt giữ] thì vừa bảo đảm chắc thắng, vừa dễ kéo quân viện từ Thất Khê lên giải tỏa, đồng thời buộc địch từ Cao Bằng rút về, ta có điều kiện vận động chiến tiêu diệt phần lớn quân địch ngoài công sự.

Từ nhận định đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị thay đổi phương án tác chiến, đó là: Đánh Đông Khê trước để mở màn chiến dịch. Chiến dịch sẽ thực hiện theo hai bước: Bước thứ nhất, tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê, đồng thời đánh địch ra ứng cứu Đông Khê bằng cả đường bộ và đường không; sau đó chuyển lực lượng xuống đánh Thất Khê hoặc đánh địch vận động quanh Thất Khê. Bước thứ hai, sau 10 - 15 ngày nghỉ ngơi chỉnh đốn, bộ đội sẽ chuyển lên đánh Cao Bằng. Phương châm chiến dịch là “đánh điểm diệt viện”.

Tuy nhiên, trong Đảng ủy Mặt trận cũng có ý kiến cho rằng: Thường vụ Trung ương Đảng đã có quyết định đánh Cao Bằng, mọi công tác chuẩn bị về tham mưu, hậu cần đã hướng cả về Cao bằng, nêu bây giờ thay đổi, chiến dịch sẽ bị chậm lại! Với trọng trách đặc biệt được giao, ở thời khắc quan trọng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết đoán: “Thường vụ quyết định mục tiêu chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch quan trọng, giải phóng Cao Bằng để mở thông biên giới. Chủ trương mở đầu chiến dịch bằng đánh Cao bằng là do Tổng Quân ủy đề xuất. Nếu thấy mở đầu chiến dịch như vậy không bảo đảm thực hiện mục tiêu chiến dịch, ta cần báo cáo xin quyết định của Thường vụ. Trong khi chờ sự chỉ đạo của Trung ương, mọi công tác chuẩn bị vẫn tiếp tục” .

Đề nghị mở màn chiến dịch bằng trận đánh Đông Khê đã được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp thuận; sau đó được chính thức phổ biến thông qua trong nghị quyết của Đảng ủy chiến dịch [ngày 21/8/1950] . Phương án tác chiến mới cũng nhận được sự đồng tình ủng hộ của Đoàn cố vấn Trung Quốc.

Phút nghỉ ngơi của bộ đội ta giữa hai trận đánh trong Chiến dịch Biên giới 1950. Ảnh: TTXVN

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, sáng ngày 16/9/1950, ta sử dụng hai trung đoàn bộ binh [174 và 209] được tăng cường 2 tiểu đoàn bộ binh [11, 426] tiến công cụm cứ điểm Đông Khê. Địch dựa vào hệ thống công sự chống cự quyết liệt. Sau 3 ngày liên tục chiến đấu, sáng ngày 18/9, ta tiêu diệt toàn bộ quân phòng ngự, kết thúc thắng lợi trận then chốt mở màn chiến dịch, tạo ra thời cơ rất thuận lợi đánh quân địch tiếp viện ứng cứu. Thắng lợi mở đầu này cũng khẳng định quyết định thay đổi hướng mở đầu chiến dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đúng đắn, sáng suốt, là bài học rất quý báu cho các cấp lãnh đạo, chỉ huy của quân đội, đúng như Trung tướng Vương Thừa Vũ - nguyên Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 trực tiếp tham gia chiến dịch Biên giới 1950 đánh giá: “Nếu nói đây là bài học về tác phong sâu sát thực tế cần có của một người chỉ huy quân sự cũng đúng; và, nếu nói đây là một trong những nội dung của nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch của người chỉ huy cũng cũng hoàn toàn là điều có lý” .

Ngày 14/10/1950, chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi, hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra. Trải qua 29 ngày đêm chiến đấu [16/9 - 14/10/1950], ta diệt và bắt hơn 8.000 địch, thu 3.000 tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh, giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập [Lạng Sơn], góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh. Riêng lượng vũ khí thu được có thể đủ trang bị cho hai trung đoàn chủ lực của ta. Suốt 30 năm chiến tranh cách mạng [1945 - 1975], hiếm có một chiến dịch nào đánh tiêu diệt hay và gọn quân địch trong vận động như chiến dịch Biên giới [Thu - Đông 1950].

Chiến dịch Biên giới [Thu - Đông 1950] là minh chứng khẳng định tài thao lược và phong cách cầm quân đặc trưng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là: nắm chắc tình hình địch - ta, tìm cách đánh phù hợp nhất để giảm thiểu tổn thất hy sinh của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, mà vẫn hoàn thành mục tiêu cao nhất đề ra. Tài thao lược, phong cách cầm quân ấy đã làm nên “vị tướng huyền thoại” của Quân đội nhân dân Việt Nam; và sẽ được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp tái hiện ở mức độ cao nhất, rõ nhất trong chiến dịch Điện Biện Phủ năm 1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp.

70 năm đã qua đi, song Chiến dịch Biên giới [Thu - Đông 1950] mãi là dấu mốc quan trọng trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Thắng lợi ấy là minh chứng góp phần khẳng định đường lối kháng chiến độc lập tự chủ, đúng đắn sáng tạo của Trung ương Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng.

Những bài học lịch sử quý báu

Thắng lợi chiến dịch lịch sử này đã để lại cho cách mạng Việt Nam những bài học lịch sử quý báu.

Một là, cách mạng Việt Nam muốn giành thắng lợi, thì trước tiên phải có đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, nhất là tại thời điểm có ý nghĩa quyết định “xoay bản lề” cho cục diện chiến tranh. 

Hai là, biết phát huy cao độ sức mạnh tinh thần yêu nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong hoàn cảnh bị bao vây cô lập, gặp vô vàn khó khăn như vậy, mà ta có thể huy động lực lượng dân công lên đến 12 vạn người phục vụ bảo đảm cho chiến dịch thắng lợi. Đây rõ ràng là một thành công rất lớn, vượt ra ngoài dự đoán của phía thực dân Pháp. 

Ba là, phải xây dựng những binh đoàn chủ lực mạnh làm nòng cốt cho kháng chiến. Và thực tế, ngay sau chiến thắng Biên giới 1950, ta thành lập thêm các 5 đại đoàn chủ lực mạnh [312, 316, 320, 325, 351], trên cơ sở đó, chủ động mở thêm nhiều chiến dịch lớn, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 giành thắng lợi quyết định. 

Bốn là, trên tinh thần độc lập, tự chủ, cần tranh thủ sự ủng hộ, viện trợ quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp cao hơn địch. Những bài học lịch sử ấy được Trung ương Đảng tiếp tục chắt lọc, vận dụng sáng tạo trong các chặng đường lãnh đạo cách mạng giai đoạn sau, nhất là những năm cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước [1954 - 1975]./.

TS Trần Hữu Huy- Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
vov.vn

Video liên quan

Chủ Đề