Tiểu luận nhận thức, thái độ, hành vi của giới trẻ đối với người thuộc cộng đồng lgbt

Báo cáo phân tích về bối cảnh thế giới, bao gồm phân tích về luật nhân quyền quốc tế, không gian xã hội dân sự, nguồn tài trợ, tác động của COVID-19, v.v. Báo cáo cũng phân tích về phong trào LGBTI ở Việt Nam, bao gồm lịch sử, bối cảnh hiện tại, các hoạt động vận động chính sách và đưa ra phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức [SWOT].

Nguồn: COC Hà Lan [01/2021]

Trương Hồng Quang

Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp

[Bài đăng trên Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số tháng 3/2012]

1. Hiểu như thế nào về người đồng tính?

Khái niệm đồng tính luyến ái [hay đồng tính] được dùng để chỉ việc bị hấp dẫn trên phương diện tình yêu hay tình dục hoặc việc yêu đương hay quan hệ tình dục giữa những người cùng giới tính với nhau trong hoàn cảnh nào đó hoặc một cách lâu dài. Đây là quan niệm phổ biến hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được các dạng người đồng tính cũng như bản chất của đối tượng này. Có thể đề cập một số thuật ngữ liên quan đến đồng tính như sau[1]:

– Straight: là người dị tính luyến ái [chỉ yêu, quan hệ tình dục với người khác giới, chiếm đa số trong xã hội hiện nay].

– Gay: là người đồng tính nam, thường chia làm 2 dạng [gay lộ: là người đồng tính nam ăn mặc, cử chỉ như phụ nữ; gay kín: là người đồng tính nam có nam tính, và mọi người khó phát hiện là gay].

– Lesbian [hoặc les] là người đồng tính nữ, có thể chia làm 3 dạng [Fem: chỉ người đồng tính nữ có nữ tính và mọi người khó phát hiện là les; Butch: là người đồng tính nữ có nam tính, cử chỉ điệu bộ giống đàn ông; Soft butch: là từ để chỉ một dạng khác của người đồng tính nữ, có bề ngoài và cá tính mạnh mẽ nhưng ở mức độ chừng mực, không cố gắng hết sức nhằm loại bỏ những đặc điểm nữ tính của mình [như cố tình ép ngực, cắt tóc ngắn,…]].

– Come out: là hành động công khai cho mọi người biết mình là người đồng tính.

– Pê-đê [chỉ người đồng tính nam] và ô môi [có thể chỉ người đồng tính nữ]. Trong đó thực chất từ “Pede” là một danh từ được Việt hóa từ khi tiếng Pháp trở nên phổ biến tại nước ta từ đầu thế kỷ XX và thường được đọc thành “Pê đê” để dùng gọi một nhóm người trong xã hội với nhiều cách dùng và ẩn ý khác xa với nguyên nghĩa ban đầu. Ngày nay, đa số người Việt [dị tính] hiện tại dùng từ này với ý miệt thị, để chỉ những nhóm người có xu hướng tình cảm và tình dục cùng giới. Vậy Pê đê có nghĩa là gì? Đồng tính có nghĩa là gì? Liệu tất cả Pê đê có phải là Đồng tính hay ngược lại, tất cả Đồng tính đều là Pê đê không? Trong thực tế, từ pê đê mà người Việt vẫn thường dùng, là tiếng đọc trại và đọc gọn của từ Pederaste trong tiếng pháp, dùng để ám chỉ những Pedophile [những kẻ ấu dâm trẻ em]. Vậy người Pháp đã hiểu và dùng Pederaste như thế nào? Theo tự điển online “Dictionnaire d’argot fin-de-siècle” của Charles Virmaître, mục từ số 17708, 17709, 17710, thì Pederaste được giải nghĩa như sau: “Ce mot est trop connu pour avoir besoin de l’expliquer autrement que jar ceci: homme qui commet volontairement des erreurs de grammaire et met au masculin ce qui devrait être au féminin [Argot du peuple]“. Dịch nghĩa: Pederaste là một từ quá thông dụng và luôn được hiểu và được giải thích để chỉ: những người đàn ông đã mắc phải những tội lỗi hoặc sai lầm cơ bản [des erreurs de grammaire] một cách cố ý [volontairement] và dù là mang hình thể giống đực, nhưng cần được xem là thứ lại cái [ce qui devrait être au feminine]. Trong thực tế, người Pháp áp dụng cách hiểu đó cho Pederaste để dùng chỉ tất cả các đối tượng nào là bị cho là đồng tính. Nghĩa là thay vì dùng l’homosexualité, họ lại dùng pederaste. Nói cách khác, họ đồng hóa l’homosexualité thành pederaste. Như vậy, đối với cách dùng và cách hiểu trong tiếng Pháp, Pederaste được dùng một cách thông dụng để miệt thị và sỉ nhục [a derogatory term and affront] những người đồng tính, và đồng hóa họ với Pedophile, nghĩa là những người ấu dâm, có huynh hướng cưỡng chế tình dục với trẻ em. Nói gọn lại, theo cách hiểu của tiếng Pháp: đồng tính nghĩa là những kẻ ấu dâm trẻ em, không có sự phân biệt giữa hai loại người. Thực chất điều này nghe có vẻ quy chụp, nhưng thực tế nó là như thế. Theo chúng tôi, việc sử dụng từ trên là quá ấu trĩ và thực sự nếu ai hiểu đúng nghĩa của từ này thì vô hình chung đã hiểu sai về người đồng tính. Có thể nhận thấy, các từ đồng tính luyến ái, gay, lesbian là từ khoa học và mang tính trung lập song các từ pê-đê, xăng pha nhớt, bóng lộ, bóng kín, hai thì, hifi mang tính xúc phạm ít hoặc nhiều.

– Thế giới thứ ba: mặc dù không mang tính xúc phạm và được dùng phổ biến bởi người dân và báo chí nhưng nó không có định nghĩa rõ ràng và thường để chỉ cộng đồng người đồng tính và người hoán tính/chuyển đổi giới tính một cách không phân biệt.

Hiện nay, phần lớn người dân chưa hiểu biết nhiều và đúng về đồng tính luyến ái[2]. Nhiều người không phân biệt được những khái niệm người đồng tính luyến ái, người hoán tính/chuyển đổi giới tính, người lưỡng tính mặc dù đây là những khái niệm khác nhau. Hơn nữa, đa số cho rằng đàn ông nữ tính hoặc phụ nữ nam tính là những người đồng tính. Thực chất, người chuyển giới là người khi sinh ra về mặt y học là giới tính nam/nữ nhưng bản thân họ lại tự nhận thấy, cho rằng mình phải mang giới tính ngược lại nên đã tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính; người lưỡng tính là người bị hấp dẫn, quan hệ tình dục với cả 2 giới [nam và nữ]. Có bài báo chỉ ra việc hiểu sai của nhiều người và giải thích rõ ràng sự khác biệt của ba khái niệm này. Một bài báo nêu ra rằng những người đồng tính nam hiện nay thuộc ba nhóm chủ yếu: 70% là người có bề ngoài giống như những người đàn ông bình thường, khoảng 10% người ăn mặc, trang sức, tác phong như phụ nữ và khoảng 20% thuộc nhóm nằm giữa hai nhóm này. Bên cạnh đó, quan niệm cho rằng ngày nay càng có nhiều người đồng tính là do đua đòi cũng khá phổ biến. Tuy vậy, một bác sĩ cho biết ngày nay lượng người đồng tính dám thể hiện mình nhiều hơn không phải vì họ tăng lên mà chỉ vì cái nhìn của xã hội đã dần thông thoáng.

Về vấn đề nguyên nhân của hiện tượng đồng tính cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức. Đầu tiên có thể nhận thấy một nguyên nhân sâu xa đó là do xuất phát từ tác động của xã hội, gia đình, môi trường sống. Hoàn cảnh sống bị khiếm khuyết, thiếu sự chăm sóc của người cha/mẹ trong một thời gian dài [nhất là giai đoạn tuổi thơ], gia đình không quan tâm, có nhiều biến cố xảy ra trong gia đình khiến người đó sống khép kín, bị dồn nén tâm lý từ nhỏ, là con một trong gia đình… nên dẫn đến tính cách khác những người bình thường khác, dần hình thành nên sự lệch lạc về giới tính khác với người xung quanh. Thực tế cũng đã chứng minh điều này. Khi tìm hỏi 10 bạn là đồng tính thì đã có đến 8 bạn có hoàn cảnh sống như thế. Bên cạnh đó ngay cả những gia đình giàu có, con một nhưng cũng là đồng tính. Điều đó cho thấy, không quan trọng giàu nghèo, dù có sự đầy đủ vật chất đến đâu nhưng nếu thiếu sự quan tâm chăm sóc của đầy đủ bố mẹ và môi trường sống cần thiết thì cũng hoàn toàn có thể dẫn đến sự lệch lạc về giới tính.

Tuy vậy, không phải cứ ai rơi vào những hoàn cảnh như trên cũng đều sẽ có xu hướng lệch lạc về giới tính. Dường như điều này còn xuất phát từ nguyên nhân về gen và hệ thần kinh. Khía cạnh này đã được khoa học thế giới nghiên cứu và có sự đồng thuận nhất định. Xét tất cả các khía cạnh, có thể hầu hết với một người đồng tính thì nguyên nhân của tình trạng đó đều được tổng hợp từ hoàn cảnh sống [như đã nêu ở trên] và về thần kinh, tâm lý. Bên cạnh đó, cũng có người có hoàn cảnh sống rất hoàn hảo nhưng vẫn là người đồng tính. Khi đó, những người này chỉ đơn thuần do vấn đề gen hoặc thần kinh gây ra. Với những nguyên nhân này, không thể nói đồng tính là bệnh. Từ trước đến nay chưa có ai chứng minh được điều này. Điều mà các nhà khoa học vẫn băn khoăn nhất đối với vấn đề đồng tính, đó là sự kết hợp các nguyên nhân bởi chúng khá phức tạp và chưa có sự rõ ràng, thống nhất.

Để minh họa cho những điều trên xin trích lại một điều tra nhỏ trên một website dành cho lesbian như sau: Khi được hỏi rằng “Tại sao bạn là người định hướng cho giới tính bạn đang có, bạn sẽ trả lời như thế nào?”, kết quả là:  “Hơn 60% tin rằng họ đã được sinh ra là người đồng tính nữ hay – lưỡng tính và chỉ 6% cho rằng sự định hướng tình dục của họ có được do sự nuôi dưỡng hay ảnh hưởng từ các sự kiện trong cuộc sống. 7% nói tình dục của họ là một sự lựa chọn có ý thức. 1/5 người được hỏi đã chọn một câu trả lời trung hoa rằng : Sự định hướng của họ về mặt tình dục là một sự kết hợp của thiên nhiên, điều kiện xã hội và sự lựa chọn cá nhân”.

Bên cạnh đó, những vấn đề mà một người đồng tính sẽ phải đối mặt là:

– Sự kỳ thị của xã hội, thậm chí là của gia đình. Đây là thách thức lớn nhất của cộng đồng giới tính này. Nhiều người đồng tính thực sự chỉ muốn gia đình họ biết, công nhận và thông cảm còn xã hội như thế nào dường như không còn quan trọng nữa. Nhưng, không phải gia đình nào cũng đủ nhận thức cũng như can đảm để chấp nhận điều đó.

– Không được sống bình thường như phần đông người khác trong xã hội. Muốn sống đúng với bản thân mình thì phải sống lén lút, lo sợ bị người khác phát hiện; không có được những quyền đầy đủ như những người khác.

– Người đồng tính có thể có gia đình với người khác giới nếu họ cố gắng, nhưng đó là sống giả dối và đôi khi gây ra đau khổ cho vợ hoặc chồng của mình.

– Nhiều người đồng tính tự cho bản thân là rác rưởi của xã hội, là sự nhục nhã và không đáng sống.

– Nhiều người rơi vào con đường sa ngã, làm cho cộng đồng xã hội nhận thức sai về giới đồng tính.

– Nhìn chung, họ thành đối tượng yếu thế trong xã hội.

Các nội dung tiếp theo dưới đây chỉ xin đề cập đến sự nhận thức về người đồng tính cũng như nhận thức về quyền của người đồng tính trên thế giới và Việt Nam, chưa tham vọng đi sâu đánh giá thực trạng các quyền của người đồng tính hiện nay.

2. Nhận thức về người đồng tính và quyền của người đồng tính trên thế giới

Thực chất của vấn đề đồng tính là ở thiên hướng tình dục. Đây là từ dùng để chỉ sự hấp dẫn về tình cảm, sự lãng mạn, trìu mến và hấp dẫn về tình dục của một người đối với những người cùng giới, khác giới hay đối với cả hai. Nhận thức về thiên hướng tình dục có cả một quá trình lâu dài trên thế giới. Một người bị hấp dẫn bởi những người khác giới được gọi là heterosexual [người có thiên hướng tình dục với người khác giới] – bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp heteros có nghĩa là “khác”. Nhiều người sử dụng từ straight [thẳng] để chỉ những nam giới hay phụ nữ có thiên hướng tình dục với người khác giới. Một người bị hấp dẫn bởi những người cùng giới được gọi là homosexual [đồng tính luyến ái] [bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp homos có nghĩa là “cùng”]. Những cuộc thảo luận ngày nay xung quanh khái niệm sở thích tình dục [sexual preference], hay đối tượng ham muốn tình dục của một người. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà tình dục học và các chuyên gia khác chọn cụm từ thiên hướng tình dục [sexual orientation] thay vì sở thích tình dục, vì sở thích tình dục cho thấy rằng sự hấp dẫn tình dục luôn là vấn đề của sự lựa chọn. Nhà tình dục học John Money [1987] đã viết:

“Sở thích tình dục là một thuật ngữ mang tính đạo đức và chính trị. Về mặt khái niệm, nó dùng để chỉ sự lựa chọn tự nguyện, có nghĩa là một người chọn hoặc thích trở thành người đồng tính luyến ái thay vì là người có thiên hướng tình dục với người khác giới hay là người ái nam ái nữ và ngược lại. Về mặt chính trị, sở thích tình dục là một thuật ngữ nguy hiểm vì nó ám chỉ rằng nếu người đồng tính luyến ái chọn được sở thích của mình thì họ có thể bị pháp luật ép buộc, dưới sự đe doạ của việc sẽ bị trừng phạt, để phải chọn trở thành người có thiên hướng tình dục với người khác giới. Ở đây có thể thấy khái niệm về sự lựa chọn tình nguyện là sai, và cũng là sai khi áp dụng nó để nói về sự lựa chọn của người có khuynh hướng chỉ dùng một tay hay sự lựa chọn tiếng mẹ đẻ. Bạn không thể chọn tiếng mẹ đẻ của mình, cho dù bạn sinh ra chưa có nó”[3].

Vào những năm 1940 và 1950, Alfred Kinsey và các đồng nghiệp của ông đã đưa ra ý kiến rằng thiên hướng tình dục tồn tại dọc một thể liên tục. Trước nghiên cứu của Kinsey về thói quen tình dục của người Mỹ, các chuyên gia [cũng như công chúng] nói chung tin rằng hầu hết mọi người hoặc là người đồng tính luyến ái hoặc là người có xu hướng tình dục với người khác giới. Kinsey đoán rằng các loại thiên hướng tình dục không hề rõ ràng như mọi người vẫn tưởng. Trong thang 7 điểm của Kinsey dùng để đo thiên hướng tình dục [0 điểm có nghĩa là một người hoàn toàn có thiên hướng tình dục với người khác giới, 6 điểm có nghĩa là một người hoàn toàn đồng tính luyến ái], những người trong thử nghiệm mẫu của ông đều từng ít nhất đã bị hấp dẫn một chút với những người cùng giới, tuy nhiên hầu hết những người đó đều không thể hiện khao khát đó của mình. Giống với trường hợp của nhiều nghiên cứu khoa học xã hội, các kết luận của Kinsey về tình trạng ái nam ái nữ bị nghi ngờ. Ví dụ, hai nhà tâm lý học Robert Carson và James Butcher [1992] đã viết: “Trên quan điểm của chúng tôi, nhiều con số mà Kinsey và các đồng nghiệp đưa ra không khẳng định được tính phổ quát của tình trạng ái nam ái nữ như một số loại trung lập dục tính cơ bản. Điều mà họ nêu là nhiều đàn ông từ chối không quan hệ tình dục với phụ nữ có thể và có “sự thỏa mãn tối đa” bằng cách quan hệ tình dục với người đàn ông khác, là do nghiên cứu của họ, giờ thì ai cũng biết, được thực hiện trên những người tù, hoặc tương tự”. Điều quan trọng là cần phải nhớ rằng tình dục hướng giới tính khác cũng là vấn đề thuộc thiên hướng tình dục, giống như đồng tính luyến ái hay ái nam ái nữ. Mặc dù nhiều người cho rằng có thể chuyển đổi thiên hướng tình dục của một người, thường là những người có thiên hướng tình dục với người khác giới nói về những người đồng tính luyến ái, thì câu nói đó [dù đúng hay sai] cũng cần phải được áp dụng một cách công bằng cho tất cả mọi người thuộc tất cả các thiên hướng tình dục[4].

Năm 1990, tổ chức Y tế thế giới [WHO] đã loại đồng tính ra khỏi danh sách các loại bệnh. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cộng đồng giới tính này. Trước năm 1990, dường như các kiến thức về đồng tính trên thế giới cũng chưa được biết đến nhiều, chưa được định hình một cách cụ thể, và do đó các quan niệm cũ, các tác động ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân khác nhau đã khiến cho các tổ chức có cái nhìn chưa đúng đắn về hiện tượng đồng tính. Nguồn gốc của hiện tượng này đều được các tài liệu nghiên cứu cho rằng đã xuất hiện từ rất xa xưa trên trái đất[5]. Tập quán tình dục thay đổi theo thời gian. Khái niệm “đồng tính luyến ái” hiện đang được hiểu ở các nước Tây phương là một khái niệm mới, không tương ứng với khái niệm trước đây. Trong cuộc đời của nhiều người quan trọng trong lịch sử như Alexandre Đại Đế, Leonardo da Vinci, Michelangelo, Plato,… có thể được xem là có quan hệ tình dục với người cùng phái, nhưng khái niệm “đồng tính luyến ái” hiện đại là một khái niệm họ chưa được biết đến. Tại châu Á việc ái tình đồng tính là một việc hằng ngày từ xưa. Những người Tây phương đến các khu này thường sửng sốt về việc nó được chấp nhận và trưng bày công khai. Tại Trung Quốc, quan hệ đồng tính được ghi nhận từ năm 600 TCN. Nhiều từ nói trại được dùng để miêu tả việc này. Các mối quan hệ thường giữa những người có tuổi tác và địa vị xã hội khác biệt nhau. Trong quyển Hồng Lâu Mộng, những việc âu yếm và quan hệ tình dục giữa những người đồng giới không gì xa lạ đối với độc giả. Tại Nhật Bản, thói quen này được gọi là shudo [chúng đạo] hay nanshoku [nam sắc], đã được ghi lại trong nhiều tài liệu trên một nghìn năm và là một phần quan trọng trong các tu viện đạo Phật cũng như truyền thống samurai. Nền văn hóa ái tình đồng tính này đã dẫn đến một truyền thống hình vẽ và văn chương ghi nhận và ca tụng các quan hệ này. Tương tự, tại Thái Lan không có khái niệm “đồng tính luyến ái” mãi đến cuối thế kỷ XX. Tuy nhiên, kathoey hay “trai nữ” [cô chàng] là một phần trong xã hội Thái trong nhiều thế kỷ. Họ là những người nam giới ăn mặc quần áo phụ nữ, có thể đã cắt bỏ phần ngoài của bộ phận sinh dục nam. Họ thường được xã hội chấp nhận, không bị phiền toái, tuy nhiên một gia đình có con trai trở thành kathoey thường thất vọng. Quan niệm của đạo Phật trong xã hội Thái chấp nhận một giới tính thứ ba.

Tại phương Tây, những tài liệu Tây phương lâu đời nhất [trong hình thức mỹ thuật, văn học, và truyền thuyết] về mối quan hệ đồng tính được tìm thấy từ Hy Lạp thời thượng cổ, nơi các mối quan hệ đồng tính được xã hội tạo nên, được thành lập qua thời gian từ thành phố này đến thành phố khác. Lệ này, một hệ thống của những mối quan hệ giữa một người đàn ông lớn tuổi và một thanh niên đang trưởng thành, được xem là có giá trị dạy dỗ, đồng thời để kiềm chế mức độ gia tăng dân số, đôi khi bị xem là làm mất trật tự. Plato đã ca ngợi những lợi ích của việc này trong các tác phẩm lúc đầu, nhưng trong các tác phẩm sau này ông đã đề nghị ngăn cấm nó. Trong thời Phục Hưng, những thành phố ở miền bắc nước Ý, đặc biệt là Firenze và Venezia, rất nổi tiếng về việc ái tình đồng tính, được phần đông dân số nam theo và được tạo theo kiểu mẫu ở Hy Lạp và La Mã [Ruggiero, 1985; Rocke, 1996]. Tuy nhiên, trong khi phần đông dân số người nam theo tục lệ này, những nhà chức trách vẫn khởi tố, phạt và bắt bớ nhiều người. Chính nhạc disco có nguồn gốc từ sự liên kết ban đầu với lối sống của một bộ phận giới đồng tính luyến ái nam ở thành phố New York và sau đó được phát triển trên nền tảng nhạc đại chúng da đen trong những năm của thập niên 1970.

Trong những năm tháng đó, nhiều quốc gia đã đưa đồng tính vào danh sách các bệnh về tâm thần. Quan niệm đồng tính luyến ái là rối loạn tâm lý là một quan niệm phổ biến ở phương Tây từ thế kỷ XIX và sang đến một phần thế kỷ XX, và có lẽ nó lan truyền cùng với sự phổ biến của y học phương Tây. Đến những thập niên cuối thế kỷ XX, khoa học đã khẳng định đồng tính luyến ái không phải là bệnh. Nhiều nước lần lượt loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi danh sách bệnh tâm thần, bắt đầu là Hiệp hội tâm lý Hoa Kỳ đã loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh tâm thần vào năm 1973. Tại Trung Quốc năm 2001 cũng đã loại đồng tính luyến ái khỏi danh sách bệnh tâm thần. Đồng tính luyến ái được coi là một phần của đa dạng tính dục con người, chứ không phải là bệnh. Đến năm 1990, như đã nêu ở trên, Tổ chức Y tế Thế giới, là cơ quan của Liên Hợp Quốc cố vấn chuyên môn cho các quốc gia về y tế, đã loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi danh sách bệnh tâm thần. Động thái này đã một lần nữa khẳng định đồng tính chỉ là một xu hướng tính dục như bao xu hướng khác [lưỡng giới, vô tính,..] góp phần xua đuổi quan niệm nặng nề tại các nước trên thế giới về giới đồng tính. Đến thời điểm hiện tại đã hình thành hai quan điểm quan trọng về nguyên nhân của xu hướng tình dục này, đó là do các mặt tác động về xã hội và do mặt sinh lí, thần kinh của con người.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy, việc tổ chức WHO loại bỏ đồng tính khỏi danh sách bệnh dường như chưa được tác dụng như mong đợi tại các quốc gia cụ thể trên thế giới trong những giai đoạn tiếp theo. Trong giai đoạn đó, các tổ chức quốc tế khác vẫn chưa ban hành những tuyên bố nào bảo vệ những người có xu hướng lệch lạc tình dục, các quốc gia phần lớn là không đồng tình với xu hướng đồng tính, thậm chí có một số quốc gia còn cho đó là tội, phải bị xử phạt, thậm chí là đi tù, tử hình,… [chẳng hạn như Ba Lan năm 1932, Đan Mạch năm 1933, Thụy Điển năm 1944 và Anh năm 1967, cộng đồng đồng tính vẫn chưa có quyền hợp pháp dẫu chỉ là hạn chế cho đến giữa những năm 70]. Thực sự đây quả là những điều rất đau đớn đối với giới đồng tính.

Sau khi sự xuất hiện của nhiều tổ chức đồng tính trong bộ phận khác nhau của thế giới thì bắt đầu thảo luận vấn đề nhân quyền liên quan đến đồng tính. Năm 1993, các vấn đề về định hướng giới tính được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị Liên hợp quốc về Nhân quyền tại Vienna [Áo] nhưng bị phản đối bởi các nước bảo thủ, bao gồm cả Singapore. Tuy nhiên, trong năm 1990 tại Mỹ, bang San Francisco đã thành lập một tổ chức quốc tế cho giới Gay [đồng tính nam] và Lesbian [đồng tính nữ] với tên gọi Ủy ban Nhân quyền [IGLHRC]. Năm 1994, vấn đề định hướng tình dục lại bùng nổ từ cuộc tranh luận tại Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển [ICPD, Cairo, Ai Cập], và các đảng đối lập bảo thủ. Indonesia là quốc gia đã có những bác bỏ một cách rõ ràng về vấn đề này. Trong cùng năm đó, Nam Phi trở thành quốc gia đầu tiên ghi nhận vấn đề đảm bảo không phân biệt đối xử dựa trên khuynh hướng tình dục trong Hiến pháp. Vào tháng 4/2001, Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân cho giới đồng tính nam và đồng tính nữ. Theo luật của nước này, một trong hai người đồng tính muốn kết hôn với nhau phải là công dân hoặc đã cứ trú lâu dài tại Hà Lan. Hiệp ước Quốc tế về Quyền chính trị và Quyền dân sự [ICCPR], mà Hoa Kỳ là một thành viên ký kết, cấm phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính[6]. Năm 1994, trong vụ Nicholas Toonen kiện Australia, Uỷ ban Nhân quyền Liên hiệp quốc [cơ quan theo dõi sự tuân thủ và phân xử bạo hành theo ICCPR] nhận định các luật trừng phạt hành vi đồng giới ở người trưởng thành liên ứng là xâm phạm các nguyên tắc bảo vệ chống kỳ thị trong ICCPR[7]. Đặt biệt, Uỷ ban Nhân quyền cho rằng “khuynh hướng tình cảm giới tính” là một tình trạng được bảo vệ trước sự phân biệt đối xử, theo ICCPR, nhận định rằng tham chiếu đến “tính dục” trong các điều khoản 2 và 26 là đã bao gồm khuynh hướng tính dục[8]. Nên, cùng một ứng dụng đúng lý đối với hôn nhân, việc ngăn chặn những người đồng giới nam và nữ đi đến hôn nhân dân sự là một hình thức kỳ thị về thiên hướng tình cảm giới tính[9]. Giai đoạn 2001-2003, các cuộc tranh luận sự phân biệt giới tính ảnh hưởng đến nhân quyền càng mạnh mẽ. Brazil đã đề nghị Ủy ban nhân quyền của Liên hợp quốc nên có những động thái ghi nhận nhân quyền con người trong đó có khuynh hướng tình dục như một khía cạnh của quyền con người. Từ đó đến nay, các tuyên ngôn nhân quyền của tổ chức Liên hợp quốc [UNESCO], đặc biệt là Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc [tháng 6/2011] đã khẳng định “mọi người đều có quyền bình đẳng, bất kể thiên hướng tình dục như thế nào”. Liên hiệp quốc cũng có một phạm vi rộng rãi trong việc xác thực những tiến triển – thay vì cố định – của định nghĩa về gia đình. Uỷ ban Nhân quyền LHQ đã lưu ý rằng “khái niệm gia đình có thể khác biệt trong vài khía cạnh, giữa các quốc gia, và ngay cả giữa các tôn giáo, và vì thế không thể đưa ra một định nghĩa chuẩn mực chung”[10]. Uỷ ban Quyền trẻ em LHQ đã tuyên bố điều này trong “Nhận định về môi trường gia đình”, rằng cần phản ánh “những cấu trúc gia đình khác nhau, phát sinh từ các mẫu hình văn hóa và các quan hệ tình cảm gia đình đa dạng đang nổi lên”[11].

Hiện nay, trên thế giới, có thể nhận thấy đồng tính là một hiện tượng không xa lạ dưới nhiều góc độ. Sự kì thị, sự phân biệt của người dân các nước phương Tây đối với cộng đồng giới tính này đã có sự biến chuyển tích cực một cách rõ rệt hơn. Cho dù người đồng tính chắc chắn vẫn phải trải qua các giai đoạn đấu tranh lâu dài hơn nữa nhưng thực tế, nhận thức về họ đã rõ ràng và phổ biến hơn nhiều so với các nước phương Đông. Điều này đã được chứng minh qua thực tế ngày càng có thêm các quốc gia cho phép kết hôn đồng giới và hoàn thiện hệ thống quyền của người đồng tính [nhất là quyền dân sự của các cặp đôi kết hôn đồng tính]. Chấm dứt kỳ thị trong tiếp cận hôn nhân dân sự đã trở thành vấn đề bức bách ở nhiều quốc gia. Đến thời điểm hiện tại, các quốc gia sau đây đã công nhận kết hôn đồng giới: Hà Lan [Luật hôn nhân đồng giới ban hành năm 2001], Bỉ [ban hành Luật hôn nhân đồng giới năm 2003], Tây Ban Nha [năm thông qua: 2005], Canada [năm thông qua: 2005], Nam Phi [năm thông qua: 2006], Na Uy [năm thông qua: 2008], Thụy Điển [2009], Bồ Đào Nha [2010], Iceland [2010], Argentina [15/7/2010, là quốc gia đầu tiên ở khu vực Mỹ la tinh công nhận], Brazin [2011], Hoa Kỳ [các bang Massachusetts, Connecticut, Iowa, Vermont,… và gần đây nhất là TP. New York công nhận vào tháng 6/2011]. Bên cạnh đó, theo báo cáo của ILGA [International Lesbian, Gay, Bisexual, Trans and Intersex Association] cho đến tháng 5/2010, có 32 quốc gia trên thế giới chấp nhận đồng tính nữ nhưng không chấp nhận đồng tính nam[12]. Cũng theo báo cáo này, quan hệ đồng tính bị cấm tại 44 quốc gia trên thế giới, trong đó có một số quốc gia như Iran, Mauritania, Saudi Arabia, Sudan, Yemen và một phần của Nigeria + Somalia có thể xử phạt đến chết nếu phát hiện quan hệ đồng tính. Trong báo cáo này không đề cập tới Việt Nam nhưng chúng ta biết rằng tại Việt Nam không có quy định ủng hộ hay xử phạt về quan hệ đồng tính. Có thể thấy, dù đã có những tiến bộ trong việc giảm kỳ thị và từng bước tôn trọng quyền của người đồng tính nhưng những nỗ lực đó còn quá ít ỏi. Nhìn chung, trên phạm vi toàn thế giới hiện nay, người đồng tính vẫn chưa thực sự được bảo vệ bởi hệ thống chính sách pháp luật và thêm vào nữa một số quyền tự do cơ bản của họ vẫn bị vi phạm[13].

Hiện nay tuy đồng tính luyến ái đã có được cái nhìn tích cực từ phía cộng đồng nhưng thực tế ở nhiều nơi trên thế giới người đồng tính vẫn còn bị coi thường và nhiều quyền lợi của họ bị vi phạm nghiêm trọng[14]. Gay gắt và hà khắc nhất có thể nói đến việc họ bị tước đoạt quyền được sống. Không những thế, họ còn bị xâm hại về thân thể và bạo hành bởi những người có quan niệm cực đoan về vấn đề đồng tính và thậm chí là bởi cả những người thân thiết trong gia đình, ở trường học, trong cộng đồng làng xóm và nơi làm việc. Ở mức độ nhẹ hơn, người đồng tính còn bị phân biệt đối xử trong việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản: y tế, giáo dục, văn hóa… Họ cũng bị phân biệt đối xử trong lĩnh vực lao động việc làm. Nhiều người lãnh đạo và chủ nơi làm việc cho rằng người đồng tính có ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa chung của nơi làm việc và họ có thể sẽ lôi kéo những người lao động khác. Pháp luật nhiều nước cũng không cho phép người đồng tính kết hôn.

Ở những nước từ chối đi đến hôn nhân cho các cặp đồng giới, các bất bình đẳng có hệ thống như vậy, theo lệ thường, vẫn được khoan thứ. Trong tường trình này, tổ chức Human Rights Watch xem xét sự bất bình đẳng đó qua lăng kính của luật pháp và thực tiễn nhân quyền quốc tế. Quyền hôn nhân là một quyền con người cơ bản. Việc áp dụng không thoái thác sự bảo vệ quốc tế chống đối xử bất bình đẳng phát ra một đòi hỏi rằng các cặp đồng giới nam và nữ – trong phạm vi luật pháp quốc tế chống phân biệt đối xử, – không kém gì các cặp dị giới, cần thụ hưởng quyền không có bất kỳ “loại trừ” hôn nhân dân sự nào. Hơn nữa, các dẫn chứng tóm tắt trong văn bản này cho thấy xu hướng ở nhiều quốc gia đi tới công nhận quyền này. Nhiều phán lệnh đã đáp lại lời kêu gọi bình đẳng trong công nhận các quan hệ tìmh cảm, bằng việc tạo nên một chế định tương đương nhằm điều tiết các quan hệ đồng giới. Các luật về điều được gọi là “kết hợp dân sự” hay “đối ngẫu gia đình” được chấp nhận ở nhiều nước và vô số các vùng. Các bước như vậy thể hiện sự tiến bộ, nhưng là tiến bộ không đầy đủ. Những nỗ lực này gần như tạo nên địa vị tương đồng với hôn nhân tuy vẫn giữ những khác biệt quan trọng. Chúng có lẽ phản ánh định kiến rơi rớt lại đối với các đôi cùng giới, hay quan niệm bất bình đẳng vốn có về cái tạo nên một “quan hệ tình cảm sai phạm”. Chính quyền nào cam kết với bình đẳng thì không thể đảo ngược hợp pháp phạm vi nào đó của đời sống dân sự khi cho phép miễn trừ trước những vùng bất bình đẳng. Các nguyên tắc nhân quyền đòi hỏi chính quyền chấm dứt phân biệt đối xử trong hôn nhân dân sự trên cơ sở thiên hướng tình cảm giới tính, và để mở địa vị hôn nhân đến tất cả.

3. Nhận thức về người đồng tính và quyền của người đồng tính tại Việt Nam

Mặc dù hiếm có ghi nhận, đồng tính luyến ái trong các thời kỳ của lịch sử Việt Nam từng được nhắc tới trong một số tài liệu[15]. Hiện nay, tuy không có luật cấm quan hệ tình dục đồng tính, nhưng Luật hôn nhân và gia đình cấm hôn nhân giữa những người cùng giới tính và chưa có nhiều nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau của đồng tính luyến ái. Đại bộ phận người dân còn kỳ thị cũng như có những suy nghĩ sai lệch về người đồng tính. Điều này có thể tác động xấu đến không chỉ những người đồng tính mà còn đến xã hội nói chung. Các chính quyền trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ đưa ra luật về quan hệ đồng tính. Luật Hồng Đức có đề cập đến hãm hiếp, ngoại tình, và loạn luân nhưng không nhắc gì đến đồng tính. Chính quyền thực dân Pháp cũng không cấm đoán các hành vi đồng tính trong các thuộc địa. Mặc dù mại dâm nữ là phạm pháp, luật pháp không đề cập gì đến mại dâm nam. Tuy nhiên, những hành vi đồng tính có thể bị khởi tố dưới các tội danh như “vi phạm luân lý”. Trong những trường hợp hiếm hoi mà hành vi đồng tính bị trừng phạt, tội danh là “ngoại tình” hay “hãm hiếp”. Tuy vậy, đám cưới đồng tính từng được tổ chức ở Việt Nam. Ngày 7/4/1997, hãng thông tấn Reuters đưa tin về đám cưới đồng tính đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh giữa 02 người nam[16]. Tiệc cưới diễn ra tại một khách sạn với 100 khách mời, và bị nhiều người dân phản đối. Ngày 7/3/1998, hai người đồng tính nữ làm đám cưới tại Vĩnh Long, nhưng giấy xin phép kết hôn không được chấp nhận. Sau các đám cưới này, Quốc hội thông qua đạo luật cấm hôn nhân đồng tính vào năm 2000. Năm 2002, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kêu gọi liệt kê đồng tính luyến ái trong các “tệ nạn xã hội” cần phải bài trừ như mại dâm và ma túy nhưng đến nay Chính phủ Việt Nam vẫn không có chính sách nào về quan hệ đồng tính. Ngày 05/08/2008, chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 88/2008/NĐ-CP quy định việc xác định lại giới tính đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Những người này là khác với người đồng tính. Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có hệ thống chính sách nào về nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này mặc dù đã có những quan tâm đặc biệt đến các nhóm xã hội yếu thế khác [trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, dân tộc thiểu số…][17]. Chính vì thế chúng ta cần xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ nhằm bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người đồng tính. Những phân biệt đối xử trong việc tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu cần được phát hiện và xử phạt.

Trong tổng số 813 người là đồng tính nam tại Việt Nam được phỏng vấn trong nghiên cứu của STD/HIV/AIDS Prevention Center [SHAPC, Trung tâm phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục/virus gây ra suy giảm miễn dịch ở người] đã chỉ ra rằng kiến thức, nhận thức về tình dục đồng giới rất hạn chế [đây là một xu hướng tình dục, có thể do bẩm sinh, có thể do yếu tổ xã hội, hoặc do cả bẩm sinh lẫn xã hội]: có tới 36% người dân được hỏi cho biết họ coi tình dục đồng giới là tệ nạn xã hội; 68% cho rằng đó là một căn bệnh; 48% cho rằng đây là một thứ quan hệ bệnh hoạn; 27% cho rằng tình dục đồng giới là đua đòi, hư hỏng; 56% cho rằng tình dục đồng giới là điều trái với tự nhiên[18]. Có thể nhận thấy, khó khăn và bi kịch lớn nhất là người đồng tính không được thừa nhận, không được sống với con người thật của mình. Nhìn chung, ở Việt Nam thái độ của xã hội đối với đồng tính luyến ái là kỳ thị ở các mức độ khác nhau hoặc không thể hiện thái độ rõ ràng như phớt lờ, không quan tâm. Một tỉ lệ rất nhỏ người dân có thái độ cởi mở với người đồng tính. Nhiều người bắt đầu kêu gọi nên có thái độ cởi mở hơn đối với người đồng tính. Chưa có ghi nhận nào về sự khuyến khích, cỗ vũ việc đồng tính luyến ái. Nghiên cứu của Viện ISEE [Viện nghiên cứu xã hội – kinh tế và môi trường] về sự kỳ thị của người đồng tính nam tại Việt Nam cho thấy[19]:

– 1,5% cho biết đã bị đuổi học khi bị phát hiện là người đồng tính.

– 4,1% : bị kỳ thị về vấn đề nhà ở.

– 4,5% : cho biết từng bị tấn công và bị đánh đập vì là người đồng tính.

– 15,1% : cho biết bị gia đình chửi mắng vì là người đồng tính.

Nhiều người coi đồng tính luyến ái là không bình thường thậm chí là bệnh hoạn đặc biệt là ở nông thôn. Do đó hành vi âu yếm của hai người cùng giới có thể làm cho nhiều người cảm thấy ghê tởm. Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy bị tổn thương, kinh ngạc, giận dữ, mắc cỡ hoặc hoang mang khi biết con mình đồng tính. Một số người tìm cách thay đổi con mình, trong khi một số người khác thì không quan tâm đến con nữa. Tuy nhiên, một số ít người bắt đầu nhìn nhận người đồng tính cũng như khẳng định đồng tính luyến ái không phải là bệnh. Thái độ đối với người đồng tính có xu hướng cởi mở hơn. Một số nhà tư vấn tâm lý cũng khuyên mọi người nên có thái độ bình tĩnh, tìm cách thấu hiểu và hỗ trợ khi biết người thân hoặc bạn bè là người đồng tính đặc biệt là cha mẹ khi biết sự thật về con mình. Cha mẹ cũng cần thời gian để dần dần chấp nhận việc này. Trong cuộc thăm dò năm 2007 của Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, với câu hỏi “Người đồng tính luyến ái có xấu hay không?”, hơn 80% học sinh trả lời là “không”. Các học sinh này giải thích rằng vì đó là quyền tự do của mỗi người hoặc việc là người đồng tính không phải lỗi do bản thân người đó. Khi phát hiện trong lớp có bạn đồng tính, 72% học sinh khẳng định vẫn giữ mối quan hệ bình thường với bạn, kèm theo động viên [34%] và giữ kín bí mật cho bạn [35%], 2% học cảm thấy khinh bỉ và 13% thấy sợ[20]. Vài chuyên gia tâm lý cho rằng giáo viên cần tôn trọng sự riêng tư của học sinh đồng tính và nên động viên họ để họ không tự đánh giá thấp bản thân, còn cha mẹ của những học sinh này cũng cần được cung cấp kiến thức về vấn đề này để tạo mối quan hệ gần gũi, thông cảm để họ không cảm thấy bị cô lập.

Trong xã hội, thường những đối tượng nào bị đẩy vào nhóm yếu thế mới thấy được sự bất bình đẳng dù ít dù nhiều trên nhiều phương diện. Đối với vấn đề đồng tính nói riêng và nhóm đối tượng yếu thế nói chung thường có điểm chung là bình thường thì không mấy ai nhắc đến nhưng nếu có một sự kiện nào đó nổi bật liên quan đến sự bình đẳng của họ trong xã hội thì tự nhiên sẽ thành “tâm điểm”, nhận được sự quan tâm của hầu hết tầng lớp trong xã hội. Tuy nhiên, để “tâm điểm” hay sự quan tâm này tồn tại lâu dài, phát triển thành làn sóng ủng hộ hay không thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Tại Việt Nam, hiện tượng đồng tính đã không còn là điều xa lạ, thậm chí nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao càng ngày có nhiều người đồng tính như vậy. Nhìn chung, trong quan niệm của đại bộ phận dân chúng Việt Nam, đồng tính vẫn là một loại bệnh, là những đối tượng “đáng bỏ đi” của xã hội. Hơn nữa, người đồng tính tại nước ta chưa được công nhận, chưa có quyền kết hôn[21]. Để tìm hiểu nhận thức về đồng tính cũng như quyền của người đồng tính tại Việt Nam, xin được phân tích thông qua một số sự kiện gần đây. Những “đám cưới đồng tính” trong thời gian qua ở Việt Nam là một trong những loại sự kiện mang tính chất “tâm điểm dư luận” rõ rệt.

3.1. Những hiệu ứng

Phải nói rằng trong thời điểm như hiện nay khi vấn đề nhân quyền đang thực sự rất nóng từ quốc gia này đến quốc gia khác thì ngày càng có nhiều nhóm đối tượng muốn lên tiếng để mong nhận được sự bình đẳng trong xã hội, chí ít là những quyền liên quan đến hạnh phúc cá nhân. Khi đó, hai “đám cưới” của hai cặp đồng tính [nữ, Hà Nội, tháng 12/2010] và đồng tính [nam, TP. Hồ Chí Minh, tháng 6/2011] thực sự trở thành hiện tượng vì thực tế pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa cho phép kết hôn đồng giới. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, dù những hiện tượng này chưa được pháp luật công nhận nhưng đã tạo ra những hiệu ứng nhất định:

– Thường thì các cặp đôi đồng tính rất ngại công khai [come out] với gia đình, xã hội về giới tính và tình yêu của mình. Vì vậy, mỗi khi có ai đó dám công khai sự thật về giới tính thì luôn nhận được sự ủng hộ, sự ngưỡng mộ [đôi khi chỉ là ủng hộ hay ngưỡng mộ ngầm] và thậm chí là “ước gì mình được như họ” của cộng đồng người trong giới. Có thể với hai cặp đôi nói trên đã công khai với gia đình, với bạn bè từ trước đó nhưng việc họ tổ chức một buổi tiệc [mà giới truyền thông và mọi người vẫn gọi nó là “đám cưới”] thì việc công khai đã rộng rãi hơn. Giờ đây, hai cặp đôi ấy không chỉ lên tiếng cho bản thân mình mà đã đại diện cho cộng đồng trong giới công khai và khẳng định, hoàn toàn có thể có tình yêu trong giới của mình. Dũng cảm và tiên phong là những điều mà mọi người ca ngợi.

– Tại Việt Nam hiện nay, kiến thức cũng như nhận thức của xã hội, các tầng lớp còn khá hạn chế về đồng tính, ví dụ như hầu như ai cũng cho đây là bệnh, là sự đi ngược lại các giá trị cuộc sống cũng như nhân văn vì nó “không bình thường”. Vì vậy, trong bối cảnh đó, việc không ít người phản đối các sự kiện “đám cưới” này là điều cũng dễ hiểu. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người đồng tính có lối sống không lành mạnh, gây ra nhiều bức xúc cho các tầng lớp khác trong xã hội, làm cho cái nhìn không thiện cảm ngày càng tăng lên. Chính vì vậy, người ta còn e dè với vấn đề nhạy cảm này, không muốn nhắc đến, không muốn luận bàn quá sâu, đôi khi còn hiểu sai trầm trọng về giới này. Từ đó, người đồng tính khó được sự cảm thông của xã hội, khó tiến tới công khai và tìm quyền lợi cho bản thân. Xuất phát từ những điều trên, Việt Nam chưa có được những thông tin, những định hướng đúng đắn cho vấn đề cộng đồng người đồng tính. Các hoạt động liên quan đến cộng đồng nhằm tìm kiếm bình đẳng khá manh mún, nhỏ lẻ thông qua các nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn và gần đây nhất là những hoạt động của Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường [ISEE, Hà Nội]. Vì vậy, từ những “đám cưới” đồng tính này đã góp phần tạo nên một làn sóng, hay chính xác hơn là một cơ hội để các chủ thể có liên quan được lên tiếng về quan điểm của mình cho cộng đồng. Có lẽ, phải bắt nguồn từ báo chí, từ những làn sóng nhỏ để có thể tiến đến những đấu tranh liên quan đến xây dựng hệ thống thể chế.

3.2. Những tồn tại

Thực sự hai “đám cưới” đồng tính nói trên đã mang lại những hiệu ứng khả quan như vậy và qua đó đã cho chúng ta thấy những vấn đề có lẽ nên nhìn nhận lại:

– Hầu như ai cũng xem đây là “kết hôn đồng giới”, là “kết hôn” trái phép. Hầu hết các phản hồi trên các diễn đàn, các trang tin đều nhận định chung như vậy. Tuy nhiên, thực tế những sự kiện như thế chưa thể được xem là “kết hôn” vì đơn giản pháp luật hiện nay chưa cho phép. Vì vậy nếu những cặp đôi này muốn “kết hôn” thực sự cũng không thể kết hôn được [trừ khi UBND xã/phường đồng ý cho cặp đôi này đăng ký kết hôn thì mới xem là đăng ký kết hôn trái phép]. Hãy nhìn nhận cái mà mọi người gọi là “đám cưới” ấy chỉ là một buổi tiệc, một cơ hội để họ công khai với nhiều người hơn. Chúng tôi cho rằng, thông thường, hôn nhân không đơn giản chỉ là để ràng buộc nhau mà là để hai người có trách nhiệm hơn với nhau. Nếu không có trách nhiệm, thì dù có hôn nhân, có kết hôn hay không thì cũng như nhau. Đối với các cặp đồng tính ở Việt Nam thì bản thân việc yêu nhau đã là sự dũng cảm, công khai càng đáng quý [tuy không có sự công nhận của pháp luật nhưng sẽ rất hạnh phúc nếu họ vẫn luôn ở bên nhau lâu dài]. Điều đó, nếu có xảy ra thì sẽ hạnh phúc hơn nhiều lần những cặp đôi nam nữ được Nhà nước công nhận mà lại sống không có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Vì vậy, các lập luận cho quan niệm hôn nhân là thể chế giữa một người nam và một người nữ dường như đã bị lung lay.

 – Có nhiều người đặt ra câu hỏi: “Tương lai đất nước sẽ như thế nào, sẽ hy vọng gì vào những cặp đôi như thế này?”. Trong hàng loạt phản hồi về hai “đám cưới” nói trên cũng thấp thoáng những nội dung như câu hỏi này nhưng nó nhanh chóng bị lu mờ bởi những phản hồi ủng hộ, đồng tình, chúc mừng khác. Đây cũng là một câu hỏi đáng để suy nghĩ [có mặt được và chưa được]. Đúng là các cặp đôi đồng tính chỉ có thể xin con nuôi hoặc nhờ người mang thai hộ [như vậy là không thể có con của mình hoặc chỉ có thể có con của 1 trong 2 người]. Nhưng nếu nói tương lai đất nước không chờ đợi được gì ở họ thì e là còn quá phiến diện. Bản thân họ cũng là những con người – một bộ phận của xã hội hiện đại. Hàng ngày họ vẫn góp sức mình cho xã hội qua công việc, cho dù là ở vị trí nào đi chăng nữa. Sự cống hiến cho đất nước có thể bằng nhiều cách, không thể chỉ nhận định việc không sinh sản bình thường là không mang lại điều gì cho tương lai đất nước. Thực tế, hầu hết những người đồng tính khá thành đạt, nhiều người rất tài năng, đóng góp trong nhiều lĩnh vực cho xã hội. Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc và lựa chọn hạnh phúc cho bản thân.

– Hiện nay, tại Việt Nam, tại Việt Nam, nhiều quan niệm vẫn thực sự chưa hiểu về người đồng tính, vẫn xem đây là một căn bệnh, không có sự công bằng xã hội đối với các chủ thể bình thường khác. Nhưng thực tế trên thế giới đã dần công nhận cộng đồng giới tính này, trao cho họ quyền kết hôn. Với xu hướng đó, Việt Nam không thể không thể hiện quan điểm của mình. Thực tế, trong chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội Khóa XIII của Việt Nam đã đưa tên Luật bảo vệ người đồng tính, người chuyển giới vào chương trình. Đây có thể xem là một bước tiến khá quan trong việc xây dựng và ban hành pháp luật tại Việt Nam về khía cạnh bảo vệ những đối tượng yếu thế trong xã hội. Cho dù đề xuất đó có thể không thành hiện thực giống như vấn đề quyền được chết [được đưa vào dự thảo sửa đổi Bộ luật dân sự năm 2005 nhưng Quốc hội không đồng ý thông qua] nhưng ít nhất, các nhà làm luật sẽ có sự ghi nhận, có sự tìm hiểu và nghiên cứu. Điều quan trọng nhất là nó có thể tạo nền tảng cho việc thay đổi được tầm nhìn và nhận thức. Trong thời gian sắp đến Bộ luật dân sự, Luật hôn nhân và gia đình cũng sẽ được tiến hành sửa đổi. Đây có thể được xem là những sự kiện sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội.

– Bên cạnh đó, còn có một số quan niệm về hôn nhân đồng giới cần được xem xét lại như: các cặp đồng tính không phải là môi trường tốt để nuôi dưỡng con cái, quan hệ đồng tính là trái với đạo đức và xâm phạm sự thiêng liêng của thể chế hôn nhân, hôn nhân đồng tính sẽ đe dọa thể chế hôn nhân, không nên thay đổi hôn nhân dị tính vì đó là một thể chế truyền thống lâu đời,… Các quan niệm này hầu như chỉ xuất phát từ góc độ của người dị tính [yêu người khác giới], chỉ nên tôn trọng người dị tính nên còn khá phiến diện và gay gắt.

– Thực tế, nhiều người là đồng tính nhưng vẫn chưa thực sự hiểu về chính bản thân của mình. Một số quan niệm cho rằng hãy cố gắng hiểu bản thân mình trước, sau đó hãy mong mọi người, xã hội hiểu được mình, hiểu được cộng đồng của mình. Đối tượng yếu thế cần được lên tiếng nhưng nó phải xuất phát từ nền tảng vững chắc về kiến thức cũng như nhận thức. Vì vậy, sự nhỏ lẻ, manh mún sẽ phải nhường bước cho những bước đi có quy mô hơn.

4. Kết luận

Cuộc chiến đấu tranh đòi bình đẳng giới tính trên thế giới thực sự rất lâu dài và đôi khi phải trả giá khá đắt. Tự thân những vấn đề liên quan đến giới, nhân quyền, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm luôn khó đạt được sự thống nhất quan niệm của toàn xã hội. Bài viết này muốn khẳng định, với vấn đề bảo vệ các đối tượng yếu thế nói chung và đối tượng người đồng tính [rộng hơn là người lưỡng giới, chuyển giới] phải tiến hành từ những vấn đề liên quan đến nhận thức, kiến thức và quan trọng là tạo được làn sóng mạnh mẽ có quy mô hơn nữa. Từ đó, sẽ có những căn cứ cùng những cơ sở tác động nhất định cho việc pháp luật công nhận kết hôn đồng giới, tạo sự bình đẳng với các giới tính khác trong xã hội. Bản thân những đối tượng yếu thế này cũng cần tạo thêm sự thiện cảm từ những người xung quanh bằng những hành vi, lối sống lành mạnh, có ý thức hơn nữa./.

[1] Các thuật ngữ này sẽ góp phần phân biệt giữa đồng tính với các đối tượng giới tính khác cũng như làm rõ được đặc điểm của người đồng tính.

[3] Money, John, Gay, Straight, and In-Between: The Sexology of Erotic Orientation, New York, Oxford University Press, 1988. ISBN 0-19-505407-5.

[4] Thiên hướng tình dục là gì?, Bác sĩ George D. Zgourides, Thạc sĩ Christie S. Zgourides.

[5] Phần nguồn gốc hình thành đồng tính trong lịch sử được tác giả tập hợp từ nhiều trang thông tin điện tử khác nhau về đồng tính.

[6] Hiệp ước Quốc tế về Quyền dân sự và Quyền chính trị, [ICCPR], G.A. res. 2200A [XXI], 21 LHQ. GAOR Bổ sung. [Số. 16] tại 52, Văn bản LHQ. A/6316 [1966], 999 U.N.T.S. 171, đã có hiệu lực vào ngày 23/03/1976. Điều 26 của ICCPR tuyên bố: “Mọi người đều bình đẳng trước luật pháp và không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào trước sự bảo vệ bình đẳng của luật pháp. Theo đó, luật pháp phải ngăn cấm mọi sự kỳ thị và bảo đảm cho mọi người sự bảo vệ bình đẳng và có hiệu quả chống lại sự phân biệt đối xử trên cơ sở của bất kỳ điều gì, như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị hay tư tưởng, xuất thân xã hội hay dân tộc, tài sản, bẩm sinh, hay một tình trạng tình trạng nào khác”.

[7] Nó cũng cho rằng họ xâm phạm những bảo vệ cho sự riêng tư trong Điều 17 của ICCPA. điều này viết: “Không ai phải chịu sự can thiệp độc đoán và phi pháp vào sự riêng tư, vào gia đình, chỗ ở và thư tín, cũng không ai phải chịu những công kích phi pháp vào nhân phẩm và danh dự“.

[8] Nicholas Toonen kiện Australia, Uỷ ban Nhân quyền, Vụ kiện số 488/1992, Văn bản LHQ.CCPR/c/50/D/488/1992, tại 8.7.

[9] Cấm cản hôn nhân đồng giới có thể xem như sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính vì hôn nhân được mở ra cho mọi người mà không vì giới tính của đối ngẫu họ chọn lựa.

[10] “Nhận định chung thứ 19: Bảo vệ gia đình, quyền hôn nhân và bình đẳng của các phối ngẫu”, Uỷ ban Nhân quyền, Văn kiện LHQ. HRI/GEN/1/Rev.2 [1990], tại 2.

[11] “Báo cáo về Kỳ họp thứ năm”, Uỷ ban Quyền trẻ em, Văn kiện LHQ. CREC/C/24, Phụ lục V.

[12] Danh sách các quốc gia này bao gồm có: Bangladesh, Belize, Brunei, Ghana, Grenada, Guyana, Jamaica, Kenya, Kiribati, Kuwait, Lesotho, Malawi, Mauritius, Myanmar, Namibia, Nauru, Nigeria, Pakistan, Palau, Papua New Guinea, St. Kitts and Nevis, Samoa, Seychelles, Sierra Leone, Singapore, Swaziland, Tonga, Turkmenistan, Tuvalu, Uzbekistan, Zambia, và Zimbabwe.

[13] Điển hình như một số quyền đã được nêu trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, năm 1948 mà hiện nay người đồng tính chưa được thụ hưởng đầy đủ:

– Điều 1: Mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và các quyền [quyền được tôn trọng về phẩm giá của mỗi cá nhân]

– Điều 3: Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân [quyền sống hay quyền tồn tại]

– Điều 5: Không ai có thể bị tra tấn hoặc nhục hình, bị đối xử hoặc chịu hình phạt tàn nhẫn vô nhân đạo [quyền không bị xâm phạm thân thể]

– Điều 16: Nam và nữ khi đủ tuổi đều có quyền kết hôn và xây dựng gia đình, không có bất kỳ sự hạn chế nào về chủng tộc, quốc tịch và tôn giáo. Họ được hưởng mọi quyền bình đẳng như nhau khi kết hôn, trong thời gian chung sống và sau khi ly hôn [quyền kết hôn và xây dựng gia đình]

– Điều 21: Mọi người đều có quyền được tham gia bình đẳng vào các dịch vụ công cộng ở nước mình [quyền bình đẳng trong việc huởng các dịch vụ xã hội]

– Điều 23: Quyền được làm việc, tự do chọn nghề, được có những điều kiện làm việc thuận lợi, chính đáng và được bảo vệ chống lại nạn thất nghiệp [quyền làm việc tạo thu nhập].

Nguồn: Bùi Thị Cẩm Tú [Viện Nghiên cứuMôi trường & Phát triển bền vững, Viện Khoa học xã hội Việt Nam], Bảo vệ quyền của người đồng tính – Một vấn đề đáng được lưu tâm, Hội thảo “Quyền con người: tiếp cận liên ngành KHXH” do Đoàn Thanh niên Viện KHXH Việt Nam tổ chức ngày 01/08/2011.

[14] Bùi Thị Cẩm Tú [Viện Nghiên cứuMôi trường & Phát triển bền vững, Viện Khoa học xã hội Việt Nam], Bảo vệ quyền của người đồng tính – Một vấn đề đáng được lưu tâm, tlđd.

[17] Bùi Thị Cẩm Tú [Viện Nghiên cứuMôi trường & Phát triển bền vững, Viện Khoa học xã hội Việt Nam], Bảo vệ quyền của người đồng tính – Một vấn đề đáng được lưu tâm, tlđd.

[21] Quy định tại khoản 5, điều 10, Luật hôn nhân gia đình năm 2000.

Explore posts in the same categories: Bài nghiên cứu nhỏ, Bài đăng Tạp chí chuyên ngành, Human Rights, Luật Dân sự, Pháp luật Dân sự, Pháp luật hành chính Nhà nước

Video liên quan

Chủ Đề