Tiêu chuẩn 4453-1995 được thay thế bằng tiêu chuẩn nào

TIÊU CHUẨN BẮT BUỘC ÁP DỤNG TỪNG PHẦN - KẾT CẤU BÊ TÔNG VÀ BÊ TÔNG CỐT THÉP TOÀN KHỐI - QUY PHẠM THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU

Monlithic concrete and reinforced concrete structures - Codes for construction, check and acceptance

1.1. Tiêu chuẩn này áp dụng cho việc thi công bê tông do các tổ chức xây dựng thực hiện. Các công trình có công tác thi công bê tông do nước ngoài đầu tư hoặc liên doanh góp vốn, nếu không có các chỉ dẫn kỹ thuật riêng cũng áp dụng tiêu chuẩn này.

1.2. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu để kiểm tra và nghiệm thu chất lượng thi công các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép toàn khối nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường của khu vực xây dựng công trình.

1.3. Tiêu chuẩn này chỉ áp dụng cho việc thi công các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép toàn khối bằng bê tông nặng thông thường (khối lượng thể tích hỗn hợp bê tông 1800kg/m3 – 2500kg/m3) được trộn ngay tại công trường hoặc bê tông chế trộn sẵn (bê tông thương phẩm) vận chuyển từ các trạm trộn bê tông tập trung.

1.4. Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với:

  1. Các kết cấu làm bằng các loại bê tông tổ ong, bê tông cốt liệu rỗng, bê tông siêu nặng và bê tông chịu hóa chất;
  1. Các kết cấu thi công bằng phương pháp đổ bê tông trong nước, bê tông vữa dâng;
  1. Các kết cấu bê tông ứng suất trước;
  1. Các kết cấu đặc biệt khác quy định riêng theo thiết kế;

2. Các tiêu chuẩn trích dẫn trong TCVN 4453 : 1995

TCVN 5574 : 1991: Tiêu chuẩn thiết kế bê tông cốt thép

TCVN 2737 : 1990: Tiêu chuẩn thiết kế - Tải trọng và tác động. TCVN 4033 : 1985: Xi măng pooclăng – puzolan.

TCVN 4316 : 1986: Xi măng pooclăng – xỉ lò xo. TCVN 2682 : 1992: Xi măng pooclăng.

TCVN 1770 : 1986: Cát xây dựng – Yêu cầu kỹ thuật.

TCVN 1771 : 1986: Đá dăm, sỏi, sỏi dăm dùng trong xây dựng – Yêu cầu kỹ thuật. TCVN 4506 : 1987: Nước cho bê tông và vữa – Yêu cầu kỹ thuật.

TCVN 5592 : 1991: Bê tông nặng – Yêu cầu bảo dưỡng ẩm tự nhiên.

TCVN 3105 : 1993: Bê tông nặng - Lấy mẫu, chế tạo và bảo dưỡng mẫu thử. TCVN 3106 : 1993: Bê tông nặng – Phương pháp thử độ sụt.

TCVN 3118 : 1993: Bê tông nặng – Phương pháp xác định cường độ nén.

TCVN 3119 : 1993: Bê tông nặng – Phương pháp xác định cường độ kéo khi uốn.

TCVN 5718 : 1993: Mái bằng và sàn bê tông cốt thép trong công trình xây dựng - Yêu cầu chống thấm nước.

TCVN 1651 : 1985: Thép cốt bê tông.

3. Cốp pha và đà giáo

3.1. Yêu cầu chung

3.1.1. Cốp pha và đà giáo cần được thiết kế và thi công đảm bảo độ cứng, ổn định, dễ tháo lắp, không gây khó khăn cho việc đặt cốt thép, đổ và đầm bê tông.

3.1.2. Cốp pha phải được ghép kín, khít để không làm mất nước xi măng khi đổ và đầm bê tông, đồng thời bảo vệ được bê tông mới đổ dưới tác động của thời tiết.

3.1.3. Cốp pha và đà giáo cần được gia công, lắp dựng sao cho đảm bảo đúng hình dáng và kích thước của kết cấu theo quy định thiết kế.

3.1.4. Cốp pha và đà giáo có thể chế tạo tại nhà máy hoặc gia công tại hiện trường. Các loại cốp pha đà giáo tiêu chuẩn được sử dụng theo chỉ dẫn của đơn vị chế tạo.

3.2. Vật liệu làm cốp pha và đà giáo.

3.2.1. Cốp pha đà giáo có thể làm bằng gỗ, hoành bè, thép, bê tông đúc sẵn hoặc chất dẻo. Đà giáo có thể sử dụng tre, luồng và bương.

Chọn vật liệu nào làm cốp pha đà giáo đều phải dựa trên điều kiện cụ thể và hiệu quả kinh tế.

3.2.2. Gỗ làm cốp pha đà giáo được sử dụng phù hợp với tiêu chuẩn gỗ xây dựng TCVN 1075 : 1971 và các tiêu chuẩn hiện hành, đồng thời có thể sử dụng cả loại gỗ bất cập phân.

3.2.3. Cốp pha đà giáo bằng kim loại nên sử dụng sao cho phù hợp với khả năng luân chuyển nhiều lần đối với các loại kết cấu khác nhau.

3.3. Thiết kế cốp pha và đà giáo.

3.3.1. Cốp pha và đà giáo phải được thiết kế đảm bảo các yêu cầu của mục 3.1, số liệu để thiết kế được ghi ở phụ lục A.

3.3.2. Cốp pha vòm và dầm với khẩu độ lớn hơn 4m phải được thiết kế có độ vồng thi công. Trị số độ vồng được tính theo công thức:

f = 3L/1000

Trong đó: L là khẩu độ, tính bằng m.

3.3.3. Các bộ phận chịu lực của đà giáo nên hạn chế số lượng các thanh nối. Các mối nối không nên bố trí trên cùng một mặt cắt ngang và ở vị trí chịu lực lớn.

Các thanh giằng cần được tính toán và bố trí thích hợp để ổn định toàn bộ hệ đà giáo cốp pha.

3.4. Lắp dựng cốp pha và đà giáo.

3.4.1. Lắp dựng cốp pha đà giáo cần đảm bảo các yêu cầu sau:

  1. Bề mặt cốp pha tiếp xúc với bê tông cần được chống dính;
  1. Cốp pha thành bên của các kết cấu tường, sàn, dầm và cột nên lắp dựng sao cho phù hợp với việc tháo dỡ sớm mà không ảnh hưởng đến các phần cốp pha và đà giáo còn lưu lại để chống đỡ (như cốp pha đáy dầm, sàn và cột chống);
  1. Trụ chống của đà giáo phải đặt vững chắc trên nền cứng, không bị trượt và không bị biến dạng khi chịu tải trọng và tác động trong quá trình thi công.

3.4.2. Khi lắp dựng cốp pha cần có các mốc trắc đạc hoặc các biện pháp thích hợp để thuận lợi cho việc kiểm tra tim trục và cao độ của các kết cấu.

3.4.3. Khi ổn định cốp pha bằng dây chằng và móc neo thì phải tính toán, xác định số lượng và vị trí để giữ ổn định hệ thống cốp pha khi chịu tải trọng và tác động trong quá trình thi công.

3.4.4. Trong quá trình lắp dựng cốp pha cần cấu tạo một số lỗ thích hợp ở phía dưới để khi cọ rửa mặt nền nước và rác bẩn có chỗ thoát ra ngoài. Trước khi đổ bê tông, các lỗ này được bịt kín lại.

3.5. Kiểm tra và nghiệm thu công tác lắp dựng cốp pha và đà giáo.

3.5.1. Cốp pha và đà giáo khi lắp dựng xong được kiểm tra theo các yêu cầu ở bảng 1, các sai lệch không được vượt quá các trị số ghi trong bảng 2.