Tại sao cần nâng khớp cắn

Niềng răng không đơn thuần chỉ có hệ thống mắc cài – dây cung mà còn có sự hỗ trợ của nhiều khí cụ khác, trong đó có khí cụ nâng khớp cắn. Đây có lẽ là khái niệm khá quen thuộc với những ai đang điều trị chỉnh nha. Nếu bạn đang có ý định niềng răng mà chưa biết “Nâng khớp là gì? Có tác dụng gì và phải thực hiện trong thời gian bao lâu?” thì tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.   

Tại sao cần nâng khớp cắn

Mục lục

  • Nâng khớp cắn là gì?
  • Các trường hợp nào cần nâng khớp cắn?
    • Khớp cắn sâu
    • Khớp cắn chéo
    • Người hay nghiến răng
  • Có những kỹ thuật nâng khớp nào?
    • Sử dụng máng chuyên dụng
    • Nâng khớp bằng cục nâng khớp cắn
  • Nâng khớp cắn trong bao lâu?
  • Nâng khớp cắn có đau không?
  • Những khó khăn gặp phải khi nâng khớp cắn
    • Ăn uống khó khăn hơn
    • Có thể gây đau họng do không thể khép chặt 2 hàm
    • Gặp khó khăn khi phát âm
  • Những lưu ý quan trọng khi nâng khớp cắn

Nâng khớp cắn là một kỹ thuật nha khoa được thực hiện trong niềng răng, sử dụng loại khí cụ đặc biệt như hàm nâng khớp hoặc cục nâng khớp gắn vào một số vị trí như răng hàm, mặt sau răng cửa nhằm tách các răng và ngăn hai hàm tiếp xúc sai lệch với nhau ở trạng thái cũ, giải phóng hàm dưới, tránh rơi rụng mắc cài khi cắn, đưa khoảng cách giữa hàm trên và hàm dưới về vị trí của một khớp cắn chuẩn.

Nâng khớp cắn sẽ hỗ trợ các răng dịch chuyển một cách nhanh và chính xác nhất, giúp quá trình niềng răng diễn ra thuận lợi hơn, mang lại hiệu quả cao và rút ngắn thời gian điều trị.

Không phải trường hợp nào cũng cần nâng khớp cắn. Tùy vào từng tình trạng răng bác sĩ sẽ chỉ định có phải nâng khớp hay không.

Các trường hợp nào cần nâng khớp cắn?

Vậy những trường hợp nào cần nâng khớp cắn? Nâng khớp cắn trong niềng răng thường được bác sĩ áp dụng trong các trường hợp khớp cắn sâu, khớp cắn chéo và có tật nghiến răng.

Khớp cắn sâu

Là tình trạng mà khi cắn hai hàm lại, hàm dưới lọt thỏm và bị che khuất hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn bởi hàm trên, không thấy hoặc trông thấy rất ít hàm răng dưới. Cắn sâu rất hay gặp, gây ra những hậu quả như các bệnh lý răng miệng, cười hở lợi, khó ăn nhai, rối loạn chức năng khớp thái dương hàm,…

Đọc chi tiết về tình trạng khớp cắn sâu và cách điều trị

Tại sao cần nâng khớp cắn

Với một số trường hợp nặng, rìa răng hàm dưới sẽ không chạm vào răng hàm trên, mà chạm vào nướu trong của hàm trên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng ăn nhai cũng như tính thẩm mỹ.

Chính vì thế, nếu niềng răng không nâng khớp cắn, khi ăn nhai, hoạt động hàm sẽ khiến cho mắc cài ở cả hai hàm va chạm, cọ xát với nhau, gây tổn thương nướu, kênh khớp cắn và ảnh hưởng tới tiến độ niềng răng.

Xem thêm: Niềng răng xong bị khớp cắn sâu nên xử lý thế nào?

Khớp cắn chéo

Cắn chéo có thể xảy ra ở một vài răng hoặc một nhóm răng. Những người bị khớp cắn chéo sẽ có nhóm răng trong và ngoài đều xô lệch, không theo thứ tự và cân xứng với nhau, mỗi răng ngả về một hướng. Khi cắn hai hàm lại, sẽ thấy đường đi qua trán – mũi – cằm bị gấp khúc ở khe răng cửa hoặc đường nối này không thằng nhau.

Cũng tương tự như trường hợp bị khớp cắn sâu, nếu không nâng khớp quá trình niềng răng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Để các giai đoạn niềng răng diễn ra nhanh chóng, đúng lộ trình cũng như đạt hiệu quả chỉnh nha tốt nhất, các bác sĩ sẽ thực hiện nâng khớp cắn.

Tại sao cần nâng khớp cắn

Người hay nghiến răng

Đây là một bệnh lý rất có hại cho răng, cần phải điều chỉnh và khắc phục ngay. Giải pháp loại bỏ thói quen này ngoài sử dụng đến các liệu pháp giãn cơ như tiêm botox (nhằm làm trương lực các cơ nhai không siết quá mạnh lúc ngủ, nhờ vậy sẽ hạn chế nghiến răng), sử dụng máng chống nghiến răng còn có thể sử dụng kỹ thuật nâng khớp cắn để hỗ trợ giảm áp lực cho răng, dễ dàng hơn khi kéo răng và điều chỉnh khớp cắn về vị trí chuẩn.

Nếu bạn đang niềng răng mà mắc bệnh lý này thì hãy cố gắng hạn chế nhé vì nó không chỉ gây hại tới quá trình niềng răng, mà sau khi tháo niềng răng cũng sẽ bị ảnh hưởng không tốt.

Có những kỹ thuật nâng khớp nào?

Hiện nay, có 2 kỹ thuật nâng khớp cắn phổ biến, được các bác sĩ thường xuyên sử dụng là nâng khớp bằng máng chuyên dụng và nâng khớp bằng cục nâng khớp.

Sử dụng máng chuyên dụng

Nâng khớp cắn bằng máng sẽ được bác sĩ áp dụng chủ yếu với người bị khớp cắn chéo. Việc này sẽ tạo ra một lớp đệm ở giữa hai hàm. Khi người niềng răng ngậm miệng hay ăn nhai sẽ không còn bị tình trạng răng hàm trên cắn quá sâu xuống hàm dưới nữa, nhóm răng cửa phía trên cũng không thể khép lại được như trạng thái ban đầu. Sau một thời gian, khớp cắn sẽ dần trở về vị trí chuẩn.

Tại sao cần nâng khớp cắn

Để tạo máng nâng khớp cắn, bác sĩ sẽ sử dụng một loại dung dịch đặc biệt trong nha khoa và phủ lên bề mặt hai răng hàm. Sau đó, khách hàng cắn xuống khoảng 4 – 5 giây để tạo hình cho khớp cắn và bác sĩ sẽ chiếu tia laser làm đông cứng dung dịch, tạo thành một lớp đệm ngăn cách giữa hai hàm.

Nâng khớp bằng cục nâng khớp cắn

Kỹ thuật này sẽ chủ yếu được sử dụng đối với những người bị khớp cắn sâu. Cục nâng khớp này được chế tạo từ chất liệu bằng nhựa, kim loại hoặc cao su có hình tam giác. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ gắn vào mặt sau của nhóm răng cửa, đảm bảo trong quá trình ăn nhai hoặc ngậm miệng, răng cửa hàm dưới không nhô lên quá cao.

Trong một vài trường hợp bị khớp cắn sâu quá nặng thì những cục nâng khớp cắn này sẽ được chuyển qua nhóm răng nanh để tránh va chạm quá mạnh.

Với những người lựa chọn phương pháp niềng răng trong suốt Invisalign, cục nâng khớp sẽ được tích hợp luôn vào trong các khay niềng.

Tại sao cần nâng khớp cắn

Nâng khớp cắn trong bao lâu?

Thông thường, việc nâng khớp cắn sẽ được thực hiện đồng thời với quá trình niềng răng mắc cài hoặc đeo khay niềng trong suốt. Vì vậy bạn sẽ không mất thêm thời gian cho công đoạn này.

Việc nâng khớp cắn thường kéo dài từ 3 – 12 tháng. Trong quá trình niềng răng, khi khớp cắn dần được cải thiện và ổn định hơn, hai hàm có sự cân đối tương quan chuẩn hơn, bác sĩ sẽ tiến hành tháo bỏ cục nâng khớp cắn hoặc máng nâng khớp cho bạn. Vì thế mà bạn không cần lo lắng khi phải thực hiện nâng khớp từ khi gắn mắc cài tới khi tháo niềng.

Tùy theo từng trường hợp mà thời gian điều trị nâng khớp cắn sẽ khác nhau. Với người bị sai lệch nhẹ thì thời gian nâng khớp sẽ nhanh hơn, còn người có mức độ sai lệch nặng, phức tạp thì cần phải mất nhiều thời gian mới mang lại hiệu quả.

Nâng khớp cắn có đau không?

Việc phải đặt cục nâng khớp hoặc máng nâng khớp trong miệng khiến nhiều người ái ngại vì nghĩ nó có thể gây đau. ê nhức răng. Tuy nhiên, nâng khớp hoàn toàn không quá đau mà chỉ mang lại cảm giác hơi vướng víu và cộm cắn.

Có một điều chắc chắn sẽ xảy ra là việc ăn nhai trở nên khó khăn hơn, khó cắn xé thức ăn. Nhưng sau vài ngày, khi bạn quen dần với sự hiện diện của khí cụ nâng khớp cắn thì bạn sẽ thấy thoải mái và dễ dàng hơn khi ăn uống, nói chuyện. Thời gian này cố gắng nhai chậm để thức ăn được nghiền kỹ hơn, tránh ảnh hưởng tới dạ dày. Hơn nữa, sau giai đoạn này, bạn sẽ thấy sự thay đổi rõ rệt, khớp cắn dần chuẩn và đẹp hơn, khiến những khó khăn ban đầu trở nên có giá trị.

Những khó khăn gặp phải khi nâng khớp cắn

Ăn uống khó khăn hơn

Cả hàm răng của chúng ta chỉ có một vài điểm chạm như ở nhóm răng hàm. Nhưng bỗng một ngày xuất hiện điểm chạm nâng cao lên bất thường khiến hàm răng lúc nào cũng có cảm giác cộm, vướng, gây khó khăn trong việc ăn uống. Các răng nâng khớp chịu áp lực cho cả hàm nên sẽ hơi đau một chút khi nhai, nghiền thức ăn.

Tại sao cần nâng khớp cắn

Trường hợp nào cần nâng khớp ở vùng răng cửa thì sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Cách tốt nhất để vượt qua khoảng thời gian đầu này là sử dụng các đồ ăn mềm, lỏng như cháo, súp, sinh tố,… Vừa dễ ăn lại vừa bổ sung được chất dinh dưỡng cần thiết.

Có thể gây đau họng do không thể khép chặt 2 hàm

Nâng khớp tạo ra khoảng cách giữa 2 hàm khiến chúng không thể chạm vào nhau. Khi ngủ mà nằm điều hòa hay quạt, hoặc trời trở lạnh, không thể khép miệng được, gió lùa vào gây khô, rát họng. Bạn có thể ngậm nước muối ấm hoặc sát khuẩn thật kỹ để đảm bảo họng luôn sạch. Ngoài ra hãy giữ ấm cổ bằng cách quấn thêm khăn, không nằm điều hòa quá lạnh, giữ ẩm không khí trong nhà,…

Tại sao cần nâng khớp cắn

Gặp khó khăn khi phát âm

Khi nâng khớp các âm gió bạn không thể phát âm được do miệng không khép được kín. Tư thế lưỡi cũng bị sai, ảnh hưởng rất nhiều đến việc giao tiếp đặc biệt là khi phát âm tiếng anh.

Bạn cần lưu ý rằng những khó khăn này diễn ra tạm thời trong khoảng thời gian đầu mới đặt nâng khớp. Sau này, khi đã quen thì việc này cũng trở nên dễ chịu hơn. Bạn cũng không cần quá lo lắng bởi không phải ai cũng cần thực hiện nâng khớp. Nếu vẫn còn băn khoăn thì tốt nhất là bạn nên tới nha khoa để bác sĩ tiến hành thăm khám kỹ càng hơn.

Hơn nữa, việc nâng khớp hiện nay các bác sĩ cũng thường sử dụng những tấm cắn to hơn, gắn vào răng nhẹ nhàng hơn, nên trải nghiệm vì thế cũng thoải mái hơn phần nào.

Những lưu ý quan trọng khi nâng khớp cắn

Lưu ý những điều sau để bảo vệ răng miệng một cách tốt nhất trong suốt quá trình niềng răng:

  • Thường xuyên theo dõi và kiểm tra khí cụ nâng khớp cắn trong miệng để kịp thời khắc phục những sai lệch như cục nâng khớp bị lỏng, rơi ra khỏi vị trí. Tránh chần chừ, vì để lâu sẽ ảnh hưởng tới quá trình dịch chuyển răng và khớp cắn.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày sau khi ăn. Sử dụng thêm máy tăm nước để hiệu quả làm sạch tối đa. Hãy chải răng thật nhẹ nhàng, vừa loại bỏ được thức ăn thừa vừa không gây tổn thương nướu. Chuẩn bị thêm kem đánh răng có chứa Fluor giúp bảo vệ men răng, cho răng chắc khỏe trong suốt quá trình niềng.
  • Hạn chế ăn đồ ăn quá cứng, dai, dính,…dễ làm bung tuột mắc cài cũng như khó nhai nghiền thức ăn khi đang thực hiện nâng khớp. Đặc biệt, tránh uống rượu, bia, chất kích thích,…vừa ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, vừa gây hại cho răng, giảm hiệu quả điều trị.
  • Nếu bạn thấy quá đau và khó chịu, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để có hướng giải quyết phù hợp. Không tự ý uống thuốc giảm đau hoặc tháo khí cụ nâng khớp cắn.
  • Thực hiện tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.

Trên đây là những thông tin chi tiết về kỹ thuật nâng khớp cắn trong niềng răng. Nếu bạn còn thắc mắc hay có câu hỏi nào liên quan đến niềng răng thì hãy liên hệ qua HOTLINE 093.186.3366 – 086.690.7886 hoặc đăng ký tư vấn (không mất phí) với bác sĩ Đức AAO để được hỗ trợ sớm nhất nhé.