So sánh moka pot và máy pha cà phê năm 2024

Moka pot là sản phẩm xuất xứ từ Italy, được kỹ sư người Ý Luigi Di Ponti sáng chế vào năm 1933, sau đó Luigi bán bằng phát minh cho ông Alfonso Bialetti, ông Bialetti đã đưa dụng cụ pha chế này phổ biến ra toàn thế giới, nhanh chóng trở thành một trong những nét đặc trưng văn hóa Ý.

Bialetti sản xuất và bán mẫu đầu dưới tên "Moka Express". Chữ Moka là lấy theo tên thành phố Mocha ở Yemen, một thành phố cà phê nổi tiếng. Sau này thì loại sản phẩm này người ta gọi là ấm moka- moka pot, ấm Bialetti cũng là cái tên thường được dùng luôn.

Vì đã tồn tại rất lâu, cũng có rất nhiều cải tiến cải biên khác nhau, nên ấm Moka pot có lẽ chẳng xa lạ gì với anh em Tinh tế chúng ta. Nhiều bài viết hay, giá trị trên diễn đàn từ mod Didu, bài của admin cuhiep, và mình cũng từng có một bài về ấm moka cắm điện trực tiếp, nhưng hôm nay lại mạo muội chia sẻ thêm một lần về dụng cụ pha chế này.

Vì sao mình muốn chia sẻ lại về ấm Moka:

  1. Mình từng nói ấm moka là dụng cụ pha chế khó kiểm soát, mình đã sai.
  2. Mình muốn chia sẻ nhiều hơn về các món uống có thể làm từ Moka pot

Giới thiệu ấm Moka Pedrini

Mấy cái ấm Moka mình đang dùng là của Pedrini, giá tham khảo từ 350 nghìn đồng cho ấm 1 cup [pha được khoảng 60ml]. Pedrini là thương hiệu từ Italy, và vì kiểu dáng công nghiệp cũng như cách thức pha của ấm Moka giờ không còn độc quyền của nhà Bialetti nữa, nên rất nhiều hãng khác nhau cũng sản xuất ấm Moka.

Một số thông tin về ấm Moka Pedrini: tay cầm chịu nhiệt 210 độ, nấu bếp gas bếp điện bếp hồng ngoại [không dùng được bếp từ, nếu muốn thì phải mua thêm đồ chuyển]. Mình thấy với cái giá rất dễ mua thì chả việc gì phải đi dùng các ấm Moka không tên tuổi, không rõ nguồn gốc. Dù sao cũng chỉ 300 mấy nghìn. Dùng đồ Italy thích hơn.
Cấu tạo ấm Moka nhìn chung khá đơn giản: từ trái qua là phần thân dưới chứa nước, phễu chứa cà phê, lưới lọc trên, roăng silicon chịu nhiệt, thân ấm trên chứa cà phê.
Cách pha cũng đơn giản, cho nước vào thân dưới.
Cho cà phê bột vào phễu, đặt vào thân dưới.
Vặn thân trên vào, đặt lên bếp nấu / đun.

Anh em xem video xquang và vẽ minh họa cách hoạt động của ấm Moka.

Cơ bản là nước ở thân dưới sẽ sôi, rồi đi vào phễu, rồi đi qua lớp cà phê, chiết xuất cà phê, sau đó chuyển lên phần thân trên. Cơ bản là vậy, rất đơn giản, ai cũng pha được.

Pha cà phê ngon bằng ấm Moka không khó

Thế nhưng pha cà phê với ấm Moka sao cho ngon? Cái này cũng là cái sai của mình vào thời điểm mới tập pha cà phê mà lại dùng cái ấm Moka bằng điện, cái ấm đó đúng là hơi khó kiểm soát, và chính vì vậy mình mới cho rằng pha cà phê bằng ấm Moka là khó kiểm soát, mình đã quá bậy.

Đầu tiên, về lượng cà phê cần dùng

Với ấm Moka, bạn không cần phải băn khoăn dùng 10gram hay 20, 30 gram, không cần phải nhức đầu như thế, nếu dùng cà phê bột pha sẵn, cứ cho vào đầy phễu.

Nếu dùng cà phê hạt, cứ lấy cho hạt đầy ngang mặt phễu, xay ra là vừa đúng lượng cần dùng, không cần biết bao nhiêu gam gì cho mệt.
Độ mịn cà phê ở mức vừa vừa, mịn hơn pha phin một chút, nhưng đừng mịn như làm Espresso. Với máy Fellow Opus thì mình xay ở mức 4-5, với các cối xay tay như Commandante thì để mức từ 18-20 click. 1ZPresso thì từ 5-6.

Thứ hai, vệ sinh cái ấm Moka thường xuyên là điều quan trọng.

Ấm moka rất dễ vệ sinh, nên pha xong thì nhớ rửa sạch, sáng bóng. đừng để đọng cà phê bên trong.
Mình từng thấy một số anh em chụp hình cái ấm moka đóng một lớp cà phê dày bên trong, và anh em nói rằng cái lớp đóng bao nhiêu năm đó vậy nó mới giúp cà ra “đúng vị”. Có phải thế không? Hay anh em đang uống cái vị của biết bao nhiêu cặn bám vào lòng ấm? Nếu anh em dùng những ấm Moka tốt, lớp phủ của nhà sản xuất sẽ giúp anh em luôn có lòng ấm dễ vệ sinh, nhà sạch thì mát ấm sạch ngon phê nhé anh em.
Lớp roăng giữa thân trên và thân dưới cũng quan trọng, nếu sản phẩm dùng roăng không tốt thì có thể bị xì cà phê, mất áp suất, cà phê pha không “tới” vv.
Ví dụ hình trên của cuhiep, xì thấy ghê. Tránh bị xì thì anh em cho đủ cà phê, chỉ nén nhẹ tay, phủi sạch vành phễu trước khi cho vào thân dưới, vặn chặt tay.
Về phần pha cà phê, các bếp đun có thể điều chỉnh nhiệt độ là nên dùng cho Moka pot. Lúc vừa đặt lên cần mở nhiệt lớn / lửa lớn cho nước mau sôi. Thậm chí có thể đổ nước sôi dùng pha luôn nếu anh em muốn mau sôi.
Khi cà phê bắt đầu xuất hiện ở thân trên ấm, anh em vặn nhỏ nhiệt để cà phê ra từ từ thôi. Đây là bước quan trọng để nước không bị quá nhiệt, cà phê không bị “over”, không bị khét.
Sau khi vặn nhỏ lửa, cà phê sẽ tiếp tục từ từ chảy ra ở lỗ phía trên, khi nào anh em nghe thấy tiếng bong bóng hoặc tiếng sôi là có thể tắt bếp luôn, cà phê sẵn sàng thưởng thức rồi.
Khi anh em kiểm soát nhiệt tốt, cà phê pha ra có độ đậm sánh vừ phải, vị đằm, thơm, thậm chí với một số loại hạt còn nghe ra vị bùi bùi béo béo nữa.
Latte/cappuccino pha được, ngon luôn nha anh em. Mình dùng cái Aeroccino để đánh bọt, máy này làm bọt rất ngon, bọt mịn và đứng rất lâu nhé anh em. Anh em có thể xem lại về Aeroccino.
Americano, cà phê sữa vv.
Nói chung, mình thấy Moka pot cho cà phê nền rất tốt, anh em uống trực tiếp hoặc chế biến các món uống khác đều khá dễ dàng và hợp vị.
Sau một thời gian dùng Moka pot và kiểm soát được Moka pot, mình thấy thích phương pháp pha chế thú vị này. Và hiểu vì sao nó trở thành một trong những phương pháp pha chế phổ biến nhất thế giới, có thể dễ dàng tìm thấy Moka pot ở nhiều đất nước, nhiều nền văn hóa khác nhau.
Moka pot chỉ cần cái bếp là đủ, rất đơn giản, ai cũng dùng được. Nếu anh em đang tìm kiếm một phương pháp pha chế hiệu quả, dễ dàng thì thử nhé.

Lúc đầu dự định làm một video về các món cà phê mình thường uống, mà dịp này hơi bận nên chưa làm được, hẹn anh em một bài khác về các món pha mình học được khá thú vị như cà phê Hy Lạp, cà phê Cuba, Thổ vv.

Chủ Đề