Sách chữ nổi cho người mù

Chữ Braille được biểu diễn trong một ô hình chữ nhật đặt đứng gồm các chấm nổi, có thể nhận biết khi sờ bằng đầu ngón tay.

Trước đây, việc đọc sách, viết chữ của người khiếm thị là một điều không tưởng và cơ hội học hành đối với họ là một ước mơ xa vời. Thời đó, chữ cho người khiếm thị được làm nổi để có thể sờ bằng nhiều cách như chạm khắc lên gỗ, cắt chữ trên vải dày rồi khâu lên giấy hoặc xếp những đoạn gỗ lại với nhau để tạo hình từng chữ cái. Các phương pháp này đều rất tốn kém, cồng kềnh, bất tiện và nhất là người khiếm thị không thể tự làm được. Hơn nữa, việc đọc loại chữ đó lại khó khăn, chậm chạp. Thế nhưng, mọi sự đã đổi thay kể từ khi Louis Braille phát minh ra hệ thống chữ nổi đặc biệt từ những năm cuối 1820.

Bị khiếm thị do một tai nạn khi mới ba tuổi, Louis Braille [1809-1852] người Pháp vốn là một cậu bé thông minh, ham mê học hỏi. Cậu biết có cả một kho tàng bao la của tư tưởng và kiến thức, nhưng kho báu này đã bị khóa chặt không cho người khiếm thị bước vào. Cậu quyết tâm tìm ra chìa khóa để mở tung kho báu ấy cho chính mình và cho mọi người khiếm thị khác. Như đã có lần Braille tuyên bố với gia đình: "Người mù thật là người khốn khổ nhất trên đời. Muốn biết sự kiện gì chỉ còn có trông vào hai bàn tay và hai lỗ tai. Ngoài ra phải nhờ cuốn sách nhưng cho tới bây giờ, những sách dùng cho người mù chẳng có giá trị gì. Phải tìm ra cách nào để người mù nhanh chóng nhận biết con chữ trên trang giấy. Phải có cách nào để người mù đọc bằng tay cũng dễ dàng và nhanh như người sáng mắt". Đó cũng là mục tiêu mà ông tự đặt ra cho mình và dành trọn cả cuộc đời để theo đuổi. Ngay cả khi đã trở thành một thầy giáo và một người chơi đàn organ nổi tiếng, Louis Braille vẫn không từ bỏ ý tưởng của mình.

Một lần tình cờ nghe biết đại úy Charles Barbier sáng chế ra một cách truyền tin trong bóng tối dựa vào những chấm và dấu gạch nổi trên giấy dày. Ông đã tìm hiểu, mày mò nghiên cứu và cuối cùng cũng đã xây dựng được một hệ thống ký tự bằng những chấm nổi nhỏ gọn, dễ làm trên giấy, có thể biểu diễn được hết chữ cái, các ký hiệu toán học phức tạp và âm nhạc. Trải qua bao thăng trầm, có lúc tưởng chừng phát minh vĩ đại của ông bị chìm vào bóng đêm bởi lòng đố kỵ, nhỏ nhen của con người, nhưng rồi ơn trời, nó cũng có cơ hội chứng minh cho mọi người thấy giá trị to lớn của mình và đã được thế giới thừa nhận là một phương tiện không thể thay thế trong lĩnh vực giáo dục người khiếm thị từ năm 1895. Để tri ân ông, người ta đã đặt tượng Louis Braille trong Điện Panthéon, nơi muôn đời ghi ơn các bậc danh nhân công thần của nước Pháp và lấy tên ông đặt cho loại chữ này. Chữ Braille được du nhập vào nước ta và được Việt hóa từ năm 1898.

Chữ Braille được biểu diễn trong một ô hình chữ nhật đặt đứng gồm các chấm nổi, có thể nhận biết khi sờ bằng đầu ngón tay. Mỗi ô có tối đa 6 chấm. Bên trái gồm 3 chấm lần lượt từ trên xuống dưới là chấm 1, chấm 2, chấm 3. Bên phải gồm 3 chấm, lần lượt từ trên xuống dưới là chấm 4, chấm 5, chấm 6. Do sự xuất hiện của các chấm khác nhau mà ta có các ký tự khác nhau. Chẳng hạn, ô chỉ có chấm 1 là chữ a. Ô có chấm 1 và chấm 2 là chữ b. Ô có chấm 1 và chấm 4 là chữ c

Bảng ký hiệu chữ Brialle Việt Nam

Có thể viết chữ Braille bằng các dụng cụ bảng viết và dùi hoặc đánh trên máy Perkins. Nếu làm sách, trước hết, chúng ta soạn thảo các tập tin trên máy vi tính, sau đó dùng phần mềm MATA Braille Translator của Mái ấm Thiên Ân để chuyển sang chữ Braille, rồi kết nối với máy in chữ Braille để in thành sách.

Mái ấm Thiên Ân từ ngày thành lập đã xác định vai trò quan trọng của sách Braille trong việc giáo dục học sinh khiếm thị và đã sớm được trang bị những chiếc máy in chữ Braille nhờ sự giúp đỡ quảng đại của quý ân nhân xa gần. Hiện nay, Mái ấm đã phát triển được một xưởng in nho nhỏ, có thể đáp ứng được nhu cầu tài liệu học tập, tham khảo cho học sinh của mình và thực hiện nhiều dự án làm sách Braille cho các trường và cơ sở khác. Công việc này cũng đem lại một nguồn thu, góp vào chi phí sinh hoạt, học hành cho các em khiếm thị đang được chăm sóc, nuôi dạy ở mái ấm.

[Viết theo: Louis Braille và 6 chấm nhỏ kỳ diệu, từ The story of Louis Braille của Phil Shapiro]

Video liên quan

Chủ Đề