Review sách the giới mới tươi đẹp

Phải nói thật đây là cuốn sách tôi dành nhiều thời gian nhất để đọc [không tính đến việc đọc dang dở rồi bỏ]. Thông thường nếu chỉ...

Phải nói thật đây là cuốn sách tôi dành nhiều thời gian nhất để đọc [không tính đến việc đọc dang dở rồi bỏ]. Thông thường nếu chỉ tập trung vào tình tiết cốt truyện tôi sẽ đọc khá nhanh, nhưng với “Brave New Word” của Aldous Huxley thì khác. Cho đến khi khép trang sách cuối cùng lại, tôi vẫn không thôi bàng hoàng vì “Thế giới mới tươi đẹp” này và hàng loạt ẩn ý được cài cắm vài từng câu chữ của tác giả.

Một “Thế giới mới tươi đẹp” là như thế nào?

Tôi sẽ không liệt kê hay lý giải những câu văn hay từ ngữ của tác giả mà chỉ đưa ra suy nghĩ cá nhân sau khi đọc, nên chủ yếu mong muốn bàn luận không phải để tranh cãi.

Là hạnh phúc dành cho tất cả mọi người

Tôi từng rất buồn cười khi tưởng tượng đến thật sự có tồn tại hạnh phúc nào dành cho tất cả mọi người hay không? Có, và nó hiển nhiên đến mức chúng ta đều biết nhưng lại không muốn chấp nhận. Hạnh phúc thật ra chỉ là một loại cảm giác, đó là khi chúng ta hài lòng với những điều ta đang có hiện tại và không đòi hỏi thêm bất cứ thứ gì khác.

Nghe có vẻ không thực nhỉ? Nhưng “Thế giới mới tươi đẹp” lại được vận hành một cách hoàn hảo dựa trên nền tảng đó. Khi chúng ta cắt bỏ những “suy nghĩ viển vông” về việc bạn sẽ trở thành ai, sẽ phát triển bản thân ra sao hay đạt được mục đích gì. Đó là lúc bạn sinh ra và được lập trình sẵn trong đầu là bạn sẽ sống như vậy và hạnh phúc với cuộc sống đó. Hạnh phúc cho tất cả mọi người.  

Chúng ta không thuộc về ai mà thuộc về tất cả mọi người

Tình yêu hay thứ cảm xúc mãnh liệt dành cho một người xa lạ sẽ không bao giờ tồn tại trong “Thế giới mới tươi đẹp”. Bởi đơn giản, bạn việc gì phải tranh giành một chàng trai hay cô gái nào khi biết rằng sớm muộn gì họ cũng “là của bạn”. Người ta chỉ việc xếp hàng chờ tới lượt mình để ngủ với người mà ta muốn, chẳng có niềm khao khát nào nảy sinh khi ta nhận ra mình rồi cũng sẽ được thỏa mãn và hạnh phúc như bao người khác mà thôi.

Vậy cần gì phải “yêu” khi biết rằng ta rồi cũng sẽ “được yêu”?  

Điều gì không thể giải quyết bằng tiền thì có thể giải quyết bằng soma*

Soma chính là đại diện cho chất kích thích, cho sự phụ thuộc cảm xúc đến rợn người của tất cả mọi người trong xã hội vào những ảo giác xúc cảm mãnh liệt. Bạn sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn, phiền muộn, tức giận, đau đớn hay thậm chí là thấy bâng quơ trước cả cái chết khi bạn có soma. Đó là con đường ngắn nhất đưa ta lên đỉnh của thăng hoa, chìm vào bể sâu của vui sướng và ảo giác nhiệm màu hơn cả phép thuật Winx.  

Tại “Thế giới mới tươi đẹp” không hề có tí ti nào sự hiện diện của đồng tiền mà thay vào đó soma xuất hiện mọi lúc mọi nơi, từ trong suy nghĩ cho đến từng lời nói hằng ngày. Thiếu soma còn đau khổ hơn cả cái chết. Người ta bám víu lấy nó mỗi ngày chỉ để cứu rỗi cho cái tôi cùng nhân cách trống rỗng của họ.

3

Lăng kính lãng mạn hoàn toàn bị bóp nát trong quyển tiểu thuyết này để chừa chỗ cho trí tưởng tượng về một xã hội đề cao giá trị vật chất rẻ tiền và bỏ mặc đi đời sống tinh thần quý báu.

Cốt truyện kể gì?

Trong tác phẩm Thế giới mới tươi đẹp, Aldous Huxley đã xây dựng một xã hội tương lai thuần túy dựa trên sự hạnh phúc – bất chấp hệ quả về mặt đạo đức. Ở tương lai tưởng tượng ấy, khoa học phát minh ra những viên soma giúp người ta lâng lâng và quên đi những nỗi buồn đau, giống như một loại ma túy đỉnh cao của thời đại. Xã hội với tôn chỉ là “hạnh phúc”, nơi công nghệ tiên tiến trở thành công cụ chính để hoàn thành quá trình sinh sản nên các thú vui xác thịt tồn tại chỉ để thỏa mãn tình dục chứ không hề vì mục đích duy trì nòi giống. Người dân hoàn toàn bị lệ thuộc bởi sự thao túng về tâm trí của các lãnh đạo cấp cao. Huxley đã liên tưởng và cường điệu những tệ nạn xã hội trong tương lai một cách đặc sắc, với nguyên nhân lý tưởng là sự sai trái này bắt nguồn từ sự mất tự do và trách nhiệm cá nhân trong một cộng đồng. Không ai trong số họ dám chống đối và thách thức hệ thống cấp cao lãnh đạo. Tất cả mọi người đều tin rằng họ cùng nhau đoàn kết làm việc vì “lợi ích chung”. Vị thần của xã hội này là Ford – là biểu tượng của sự phi nhân hóa và mất cá tính của loài người. Nhìn tổng quan, ưu thế đặc biệt của quyển sách này chính là cốt truyện phi logic đến khó tin nhưng lại phản ánh góc nhìn tương lai khá thú vị.

Aldous Huxley

Tại sao một xã hội không đói nghèo, không bệnh tật, không chiến tranh lại không hề tốt đẹp?

Những khái niệm và quy tắc mà cuốn sách đưa ra thực lòng là rất kỳ quặc, đến nỗi mà nó làm tâm trí tôi bị lẫn lộn, lan man đủ thứ điều về cuộc sống. Nếu thực sự cái thế giới kinh khủng ấy trở thành đời sống thực thì mọi chuyện sẽ như thế nào? Những việc như những đứa trẻ được nhà nước tạo gen và nuôi dưỡng, những từ như “cha” và “mẹ” được coi là lời tục tĩu khiến tôi cảm thấy lo sợ. Cảm thấy lo sợ vì nền kinh tế thế giới phụ thuộc vào mức phát triển liên tục của các tầng lớp cao nhất, khi mà giai cấp xã hội được chia ra quá rõ ràng và những người thấp cổ bé họng thì cam chịu từ trong tiềm thức. Nhìn lướt qua thì thấy nơi đó thật tốt đẹp nhưng nếu xem xét kỹ thì nó hoàn toàn mất đi nhân tính, bất công và đàn áp tinh thần của người dân. Tình yêu và nghệ thuật đã trở thành thứ xa xỉ bởi người ta chỉ chú trọng đến tình dục rẻ tiền; những “phim đen hạng sang” rải rác khắp mọi chốn để thay thế cho dòng phim truyền thống. Ở đó, tình dục và sinh sản đã được tách ra và phụ nữ không còn sinh con nữa, tình dục đã trở thành một trò giải trí nhàm chán và được khuyến khích làm hàng ngày với nhiều người khác nhau. Các tư tưởng đạo đức đã thay đổi và giống như cả xã hội đang cổ vũ những người trẻ hãy cứ trần truồng để thực hiện “trò chơi tình ái” trong các bụi cây, bụi rậm ven đường nào đó. Nếu sống trong một xã hội như thế này, chắc tôi cũng phát điên mà la lên để đòi “quyền được bất hạnh”, để kiếm tìm lại những đam mê và sáng tạo mà bản thân đã đánh mất đi bởi sự chuyên chế và áp bức của một xã hội tàn bạo từ trong ý thức và bộ máy chính trị.

Thực chất, “thế giới tươi đẹp” ấy đã quay trở lại thời phong kiến cổ xưa vì việc kết hợp vô lý giữa khoa học công nghệ và hạnh phúc xác thịt. Tôi có cảm giác như những người lãnh đạo trong xã hội này đã áp đặt chế độ ngu dân cho toàn thể con người, họ không cho bất kỳ ý tưởng cá nhân nào bộc phát, họ không cho bất kỳ sự tiến hóa nào vượt ra khuôn khổ đã định sẵn bởi gen và thụ thai trong ống nghiệm. Và chính sách thực dân cũng được áp dụng từ trong tâm tưởng khi Alphas, Betas nắm giữ quyền lực và đại diện cho đẳng cấp của trí tuệ và thể chất còn Gammas, Deltas và Epsilons thì lại chịu chế độ nông nô. Tất cả những sự tốt đẹp ấy chỉ mang vẻ hào nhoáng bên ngoài, chỉ là mọi người bị ép buộc là hài lòng với sự ổn định đầy dối trá và những thú vui thể xác bần hèn ấy mà thôi. Làm gì có thứ hạnh phúc mà chúng ta phải hy sinh chủ nghĩa tự do và suy nghĩ cá nhân để vun đắp cho nó chứ? Sự nguy hiểm của công nghệ như một mầm mống len lỏi qua từng ngày và qua quyển sách này thì mọi thứ trở nên kinh hoàng biết bao. Một ngày nào đó, khi ánh bình minh của con người chợt tắt, nhường chỗ cho công nghệ, máy móc ngự trị thì khi đó đời sống tự nhiên sẽ bị che lấp bởi những thứ cứng ngắt và tẻ nhạt. Khi gán ghép khoa học vào yếu tố phi đạo đức, rõ ràng, tác giả đã làm bật lên được sự đáng sợ ẩn sau những tiện ích của nó. Sự phản đề của tác giả về niềm tin phổ biến của quần chúng vào công nghệ như một phương thuốc tương lai cho các vấn đề gây ra bởi bệnh tật và chiến tranh đã hoàn toàn hiệu quả.

Lời kết

Sự thành công của quyển sách này một phần vì đã đánh bật niềm tin của chúng ta rằng công nghệ có sức mạnh để thay đổi cả thế giới, khi Huxley cho thấy nó có tiềm năng trở nên nguy hiểm đến cỡ nào. Khi John đòi “quyền được bất hạnh” thì Mustapha đã thể hiện quyền ấy kèm theo những căn bệnh như ung thư, giang mai, ăn uống đói khổ và cả sự sợ hãi về tương lai. Nhưng rõ ràng, khi đọc đến khát vọng chân thực nhất của người Hoang dã, “Nhưng tôi không muốn thoải mái. Tôi muốn Thượng đế, tôi muốn thơ ca, tôi muốn nguy hiểm thật sự, tôi muốn tự do, tôi muốn lòng tốt. Tôi muốn tội lỗi.” – thì chúng ta đều cảm nhận được đây chính là những ước muốn thể hiện bản chất thẳm sâu trong loài người. Bởi lẽ việc loại bỏ tất cả những điều khó chịu và nỗi buồn trong cuộc sống đã vô tình làm loại bỏ cả những thú vui thực sự trong cuộc sống.

Đây là một cuốn sách thực sự phức tạp và tôi phải thú nhận rằng có một số phần tôi đọc mà chẳng hiểu gì cả. Tuy nhiên, may mắn thay, ý nghĩa xuyên suốt câu chuyện thì tôi đã thấu hiểu được. Có lẽ, một phần ý tưởng của tác giả bắt nguồn từ Chiến tranh thế giới thứ nhất với việc đánh dấu sự kết thúc của những giấc mơ phi lý theo chủ nghĩa lãng mạn trong văn học, giống như một số kế hoạch không tưởng ngoài đời thực sắp được đưa ra với những hậu quả tai hại. Chế độ Cộng sản ở Nga và Đức Quốc xã đều bắt đầu như những tầm nhìn phi logic như thế. Thế giới mới tươi đẹp không hề miêu tả những tình tiết máu me, rùng rợn giống như truyện kinh dị hay những tình huống bi thương, bất hạnh như tiểu thuyết tình cảm. Thế nhưng, cảm giác ám ảnh và lo sợ mà nó mang lại thực sự rất mạnh mẽ, vì nó khiến người ta rờn rợn khi nghĩ về thế giới, con người trong truyện. Lăng kính lãng mạn hoàn toàn bị bóp nát trong quyển tiểu thuyết này để chừa chỗ cho trí tưởng tượng về một xã hội đề cao giá trị vật chất rẻ tiền và bỏ mặc đi đời sống tinh thần quý báu. Hạnh phúc đã được lái sang một nghĩa mà nếu ai trải qua cũng có thể gọi đó là hạnh phúc cấp thấp giả tạo nhất.

Hết.

Trần Nguyễn Phước Thông

Trước khi Stephen King được khai thác bản quyền ồ ạt như hiện nay, thì một trong những “tiểu thuyết gia ly kỳ nổi tiếng” nổi tiếng nhất ở Việt Nam không ai khác ngoài Dean Koontz. Với hàng loạt tựa sách từ trinh thám đến kinh dị, dù là phái sinh từ cốt truyện có sẵn như Frankenstein hay tác phẩm hư cấu hoàn toàn mới, Koontz đều tạo nên dấu ấn bởi cốt truyện mới lạ, thu hút. Trong đó Đôi mắt trũng sâu gần đây được giới đọc sách quan tâm trở lại bởi có tính tiên tri kỳ lạ. 

Tiểu thuyết là câu chuyện xoay quanh hành trình tìm con của Tina Evans khi cô nhận được những dấu hiệu kì lạ. Đó là tấm bảng đề hai chữ CHƯA CHẾT, những giấc mơ bí ẩn, hay sự chuyển động đột ngột của các luồng khí… mà tất cả đều quy về Danny – con trai cô – vốn đã qua đời với thể xác biến dạng đến nỗi không còn nhận diện được trong lần thực hiện chuyến điền dã nơi vùng núi sâu. Đứng trước những hiện tượng có phần “siêu nhiên”, Tina tin vào bản năng người mẹ và tìm cách giải cứu cậu bé, nhưng cô không bao giờ ngờ tới việc đang vướng vào một hệ thống rộng lớn hơn với các âm mưu quyền lực quốc tế.

Như Dean Koontz thừa nhận, Đôi mắt trũng sâu là một phép thử khi ông pha trộn nhiều thể loại trong tiểu thuyết: hành động, hồi hộp, lãng mạn và đôi chút huyền bí. Do đó, phần lớn nội dung tác phẩm không có tính dữ dội bùng phát, cũng không đủ thời lượng khắc họa chiều sâu; thêm nữa là sự phức tạp trong chủ đề đã được tối giản cũng như độ căng đã được nới lỏng. Tuy nhiên, chính những yếu tố đó lại khiến cuốn sách này không chỉ là một tác phẩm trinh thám – kinh dị thông thường khi khai thác được rất nhiều góc khuất, từ sự mất mát cá nhân cho đến lớn hơn là các vấn đề địa chính trị thế giới.

Tác phẩm có kết cấu như tàu lượn siêu tốc khi Koontz rất tập trung khai thác hạ tầng cơ sở. Thay vì viết theo kiểu “dọa ma” thông thường, ông cố gắng làm rõ chi tiết để tác phẩm có giá trị, không rẻ tiền, mà ngược lại vô cùng hợp lý. Đó là cách khai thác tâm lý tế vi, qua những mô tả về cơn sang chấn hậu tang lễ mà Tina gặp phải, song song với mặc cảm tội lỗi là nỗi cay đắng cùng quyết tâm dứt khoát muốn quên đi quá khứ đau buồn. Thế nhưng, cái chấp niệm Danny còn sống luôn dày vò cô, một biểu hiện cụ thể là việc thường xuyên nhìn thấy hình ảnh cậu bé trong những khuôn mặt khác. Koontz cũng đồng thời khắc họa bi kịch gia đình – vốn là nguồn cơn cũng như áp lực đổ hết lên đầu phụ nữ.      

Dean Koontz | Ảnh: Rick Loomis

Tính lãng mạn cũng được tác giả khai thác khéo léo, khi xây dựng thân phận cựu điệp viên cho Elliot, hình tượng này gợi nhớ nhiều đến loạt truyện James Bond của Ian Fleming. Vẫn là motif người đàn ông hào hoa và mối tình cùng những giai nhân; kèm theo đó là các pha hành động kịch tích kích thích adrenaline – để làm được điều này, Koontz tạo ra một thế lực đối đầu có phần “biến thái” cùng hai con người đấu tranh cho chính nghĩa.

Trên hành trình cứu thoát Danny, hai người phát hiện ra Thảm kịch Sierra mà Danny vướng vào thực ra có nguồn cơn từ một dự án tên là Pandora – chính tên gọi này đã cho thấy tính bí mật của dự án với mạng lưới bảo vệ vô hình, các lực lượng ẩn danh được mô tả như những tổ chức nguy hiểm, quyền lực, vô pháp vô thiên. Từ thực tế này, Koontz đã xây dựng các thuyết âm mưu có tính tiên đoán, nhưng lạ thay lại trùng khớp với những vấn đề hiện nay.

Đó là vấn nạn tham nhũng trong bộ máy quyền lực khi chính phủ nuôi sống mạng lưới có phần “vô hình” chỉ để tư lợi. Việc này được thực hiện thông qua các cuộc dàn xếp bầu cử địa phương, với tài chính và các thế lực chính trị ủng hộ đằng sau. Hiện thực này không quá xa lạ, khi gần đây ta chứng kiến một nước Mỹ chia rẽ trong hai cuộc bầu cử liên tiếp. Đặc biệt hơn là những vấn đề chạy đua quyền lực cùng phát triển vũ khí sinh học. Loại virus cuối cùng mà Elliot cũng như Tina tìm được trùng hợp thay lại tên là Wuhan-400, có phần tương đồng với virus Corona.

Thế nhưng chính trong những giấc mơ hoang đường của tiến sĩ Tamaguchi, Koontz cũng gửi gắm một vài thông điệp nhân văn qua hình ảnh những kẻ hoang tưởng vĩ đại sản sinh ra sự bất tử và những công trình vĩ đại. Trong tập truyện Ngày mười tháng mười hai, George Saunders cũng có truyện ngắn Thoát khỏi đầu nhện, viết về chất hóa học VerbaluceTM có tác dụng chiếm hữu tâm trí – từ đó gây ra những tội ác không thể dung thứ. Hay Frank Herbert trong Xứ Cát cũng có Hương dược, và chẳng phải chính vì những thứ đó mà con người quay ra đối đầu với nhau?

*

Đôi mắt trũng sâu có thể nói là một tác phẩm mới lạ, thú vị. Do được kết cấu theo kiểu “tàu lượn siêu tốc” nên phần khởi đầu có đôi chút chậm chạp, thế nhưng khi vượt qua được đỉnh dốc ấy thì những pha hành động sẽ làm ta thót tim. Một lần nữa, tác phẩm này lại củng cố vị trí của một trong những nhà văn viết truyện ly kỳ nổi tiếng nhất nước Mỹ.

Hết.

minh.

Văn chương Mỹ Latin nổi tiếng với truyền thống tái hiện lịch sử qua cuộc đời của các gia tộc. Từ Trăm năm cô đơn, Ngôi nhà của những hồn ma cho đến Bình địa trên lửa hay Pedro Páramo… ta thấy lẩn khuất đằng sau những thủ pháp cách tân nghệ thuật [kì ảo] đều là một hiện thực sống động có phần chua cay, với giới địa chủ, độc tài – thông qua góc nhìn của những thân phận nhỏ bé dưới đáy xã hội.

Nhà văn Peru đoạt giải Nobel Văn chương 2010, Mario Vargas Llosa cũng không nằm ngoài truyền thống này. Việc tái bản gần đây hai kiệt tác được in hơn một thập kỉ trước – Trò chuyện trong quán La Catedral và Thành phố và Lũ chó – đã cho thấy sức hút của ông với độc giả trong nước. Kết hợp được sự đa dạng của phong cách thể hiện cùng những cải tiến mới mẻ trong phong cách viết có thể được xem là lý do chính khiến các tác phẩm của Llosa thu hút độc giả.

Bằng việc cắt gọt các đoạn đối thoại, tình tiết, bối cảnh… Llosa đã cung cấp góc nhìn đơn tuyến nhưng toàn vẹn của một sự thật đa chiều. Có chủ trương thay đổi về cách trần thuật trong suốt 5 phần với hơn 600 trang sách, người đọc sống cùng một Peru biến động cùng những người con của nó, quằn quại và nhiều dằn xé.

Câu chuyện kể về nhân vật Santiago – con trai giữa của dòng họ Zavalita, có cha là người làm việc cho chính phủ độc tài Odría. Ngay từ lúc nhỏ anh đã là “con cừu đen” của gia đình, khi luôn có những ý kiến khác lạ lệch ngoài chuẩn mực. Tiểu thuyết đi suốt cuộc đời anh, từ thơ ấu, đến trưởng thành rồi sau này là “sản phẩm thải loại”, thông qua cuộc nói chuyện trong quán La Catedral với Ambrosio – người lái xe cho cha anh. Từ đó các bí mật được tiết lộ, những sự thật được phơi bày, càng làm rõ hơn một mảnh đất “khốn khổ khốn nạn” hơn bao giờ hết.

Nội dung dưới đây tiết lộ một số tình tiết quan trọng trong tác phẩm Trò chuyện trong quán La Catedral.

Mảnh đất lắm người nhiều ma

Nếu Juan Rulfo là người phơi bày rõ ràng tội ác của tầng lớp địa chủ, thì có thể nói Llosa là người cho thấy lịch sử hiện đại của Peru – với sự xúi giục của Mỹ ở sân sau – một chế độ độc tài cũng như những mầm mống chính trị nảy sinh trong suốt quá trình hình thành lịch sử hiện đại, từ chủ nghĩa quân phiệt, chế độ độc tài cho đến chủ nghĩa xã hội và những tư tưởng cấp tiến khác.

Lịch sử đó một mặt được bộc lộ qua nhân vật Santiago và quá trình rời nhà vượt thoát của anh. Luôn chống đối cha mình bởi ông là người kiếm tiền từ chế độ độc tài, Santiago và những người bạn đại học sớm theo Cahuide để kết hợp chi bộ Đại học và chi bộ Công nhân. Thế nhưng anh chưa bao giờ cảm nhận được hoàn toàn mình thuộc về nơi đâu. Chính sự bất định trong tư tưởng của anh cũng ngầm chỉ ra thế chênh vênh của một đất nước đầy hỗn loạn của các nền tư tưởng, mà như một câu thoại trong đây: “Nếu đánh mất sự nản lòng, chỉ cần mở bất cứ tờ báo Peru nào rồi bạn sẽ có lại cảm giác ấy”.

Được cai trị bởi một viên tướng thối tha, ăn cắp và bất lực, Llosa một lần nữa “giấu nhẹm” tổng thống, để cho thấy rằng đó chỉ là một cá nhân bù nhìn, không chủ kiến và hầu như vắng mặt trong suốt tiểu thuyết. Thay vào đó Llosa tập trung hướng vào viên tướng Bermundéz – vị giám đốc công an được đề cử nhanh cấp tốc, với những trò ham thú quyền lực. Ở nhân vật này, người đọc có thể thấy được mẫu hình chung của những tên độc tài đương thời như thể Diaz mà Alejo Carpentier từng thể hiện. Y ta nham hiểm, xấu xí và đầy mưu lược, từng bước từng bước trả thù, ăn miếng trả miếng để nhằm giữ vững chiếc ghế của mình. Mưu toan chồng chất lên nhau, trong đất nước đang dần rệu rã giờ đây chỉ còn những tấn trò hề.

Mario Vargas Llosa | Ảnh: Quim Llenas

Từ việc cảnh sát đàn áp các nhóm thanh niên nghiên cứu chủ nghĩa Marx cho đến các phong trào chống đối Odría; từ việc liên minh của các chính trị gia nhằm hất cẳng Bermundéz cho đến hành động hối lộ ám vào máu thịt… Llosa đã tái hiện một cách chung nhất mảnh đất “khốn khổ khốn nạn” nơi quê hương ông, mà trong thực tế với cuốn Thành phố và Lũ chó, ông cũng từng bị đuổi khỏi đất nước về sự nói thẳng và nói thực của mình.

Những cách tân nghệ thuật

Cấu tạo 5 phần như vở bi kịch năm hồi thường thấy, Llosa thay đổi phong cách viết ở từng phần một, từ liên tục trong một mạch kể duy nhất cho đến cắt rời câu chuyện, tiếp theo đó là những dòng suy tư dài cũng như những đoạn đối thoại nâng kịch tích không ngơi nghỉ. Tiểu thuyết dâng đến cao trào ở phần thứ 5 như hơi thở thở ra bất lực, của những sự thực được nói ra, của bí mật đã thôi kềm giữ. Bốn phần trước ông đều gài cắm những bi kịch riêng trên nền một câu chuyện lớn, để dần dần xâm chiếm và là cú bùng nổ cảm xúc cần thiết cuối cùng.

Sử dụng mạng lưới nhân vật chằng chịt là những cá thể xung quanh nhân vật chính Santiago, Llosa khai thác một cách hiệu quả các mối quan hệ xã hội, để không phân nhỏ vào mối quan hệ huyết thống, mà từ đó ta thấy được sự bất hạnh có thể đổ ập xuống đầu của bất kì ai trong bất kì lúc nào. Từ nàng Amalia mang bi kịch như trong Quán rượu của Zola cho đến Trinidad bị thẩm vấn dã man cuối cùng gục chết ở một góc phố. Từ thiếu phụ làng chơi – Nàng Thơ Hortensia cho đến Ambrosio – con người sống động duy nhất, vẫn giữ được nhân tính trong bầu không khí độc hại của quyền lực, mưu toan, tiền bạc và sau rốt là đánh mất nhân đạo.

Llosa tạo ra một trường phái riêng cho mình, khi ông cắt rời những câu đối thoại, bối cảnh… riêng lẻ để gom chúng vào một vision board, từ đó gợi lên nguyên nhân – kết quả, đôi khi là bổ sung góc nhìn, mà cũng có khi là gợi nên một sự hoang mang nhất định. Sự cắt rời này vừa là manh mối nhưng cũng là một ý nghĩa bâng quơ xẹt qua người đọc, nó nằm ở đó để đay nghiến rốt cuộc điều gì xảy ra, hay ai đang nói? Để rồi họ mang theo nó đến suốt hành trình, không dễ dàng để tìm ra hay chỉ ghép nối được ở phía sau cuối.

Sự tách rời ấy như biện pháp đảm bảo tính xác thực của Llosa. Chi tiết những cuộc biểu tình không chỉ đến riêng từ phía Don Cayo Bermúndez – người chuẩn bị bị hất cẳng, mà còn từ phía liên minh của những người gây ra xung đột. Cũng tương tự với câu chuyện của Amalia, của Trinidad, của Queta hay Ambrosio. Llosa ẩn thân hầu hết trong tiểu thuyết này, ông không cho cảm giác độc giả đang bị dắt mũi hay nhìn bó hẹp theo bản thân tác giả, mà với sự đa chiều trong cách khai thác sự thật, những gì ông viết ra có thể đánh lừa bất cứ ai e dè, có thể vẫn xuất phát từ ngòi bút tác giả, nhưng toàn vẹn và bao trùm.

Hình tượng xuyên suốt về một cơn nhộn nhạo dạ dày, là con rắn, là nhát dao hay là con sâu cũng lẩn khuất xuyên suốt tác phẩm. Mọi nhân vật đứng trước bi kịch đời mình đều cảm thấy tình trạng ấy, của nỗi sợ chết, của cuộc đời hoang đàng và của hậu kiếp đang chờ sau đó. Sự hội tụ này cho thấy Llosa quy tụ nhân vật về các nút thắt, để cho thấy rằng chúng đều bắt nguồn từ chính một lịch sử biến động của Peru, nơi họ sống, thở từng giây phút một của sự đàng điếm, xa hoa, và giờ đây rồi sẽ mục rữa và sụp đổ.

*

Trò chuyện trong quán La Catedral có thể thách thức bất cứ người đọc nóng vội nào. Bằng thời lượng lớn cũng như phong cách viết đặc biệt, Llosa đã khơi gợi lịch sử biến động của dải đất châu Mỹ, vừa đớn hèn mà cũng đau thương không thể khác được. Với tác phẩm lớn này, ông để lại dấu ấn cá nhân nhưng cũng phân tích một cách sâu sắc cấu trúc quyền lực cũng như thân phận nhỏ nhoi của những nạn nhân trong thời cuồng loạn. Mới mẻ và đầy đặc sắc.

Hết.

minh.

Đến hẹn lại lên, cuộc đua không khoan nhượng để bình bầu ra “tác phẩm văn chương trác tuyệt nhất thế giới” [dĩ nhiên, với ràng buộc sách phải được dịch sang ngôn ngữ Anh] đã công bố sáu ứng cử viên — từ 153 đề cử — lọt vào danh sách rút gọn. Tác phẩm thắng cuộc sẽ nhận được khoản tiền mặt 50.000 bảng Anh [tương đương 1,49 tỉ Việt Nam đồng], được chia đều cho tác giả và dịch giả.

Hòa vào xu hướng đa dạng văn hóa và sắc tộc trong văn chương, sáu cái tên cạnh tranh Giải Booker năm nay đến từ sáu đất nước với sáu ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt. Nhiều cái tên quen thuộc với độc giả Việt Nam như Olga Tokarczuk [chủ nhân giải Nobel Văn chương năm 2019] và Mieko Kawakami [tác giả của Ngực và trứng]. Phái nữ chiếm ưu thế trong danh sách, với sự xuất hiện của năm tác giả và ba dịch giả nữ. Văn đàn đồng thời đổ dồn ánh nhìn vào bộ đôi Olga Tokarczuk và dịch giả Jennifer Croft – liệu hai người phụ nữ phi thường này có thể lặp lại chiến thắng của Bieguni, những người không ngừng chuyển động vào năm 2018 [Giải Man Booker International] không? Kết quả Giải Booker 2022 sẽ được công bố vào ngày 26 tháng Năm.

Một giải thưởng danh giá như Booker chưa bao giờ phù hợp với những chuyến cưỡi ngựa xem hoa, nhưng đọc hết cả sáu tác phẩm — bằng tiếng Anh — vẫn là nhiệm vụ tương đối khó nhằn. Thông qua bài viết giới thiệu này, với sự đa dạng trong chủ đề và cách viết của sáu đề cử năm nay, hy vọng bạn có thể lựa chọn một cuốn sách để đích thân đọc và cảm nhận.

*

1. The Books of Jacob: Công trình để đời của Olga Tokarczuk

Đặt bối cảnh vào giữa thế kỷ XVIII, The Books of Jacob viết về cuộc đời của đấng cứu thế tự xưng — chàng Jacob Frank trẻ tuổi, quyến rũ — người Do Thái du hành qua đế chế Hapsburg và Ottoman, vừa lôi kéo vừa khước từ sự chú ý của quần chúng và chính quyền.

The Books of Jacob

Jacob, chàng là một gã lạ đời: vạm vỡ, cao ráo, má lúm đồng tiền. Bộ râu rậm rạp lóng lánh trong nắng trời. Duyên dáng như một chú nai đỏ. Vừa bí ẩn vừa phàm trần, không ngừng ngân nga những khúc ca có lời tục tĩu. Đám đông quay quanh chàng như hành tinh mắc kẹt trong sức hút của mặt trời: được phân tầng rõ ràng trên nấc thang thứ bậc là những người vợ, người tình, những ả lạc loài, những kẻ lăng xăng và các loại bám đuôi lì lợm. Dường như có một vầng hào quang gợi tình [đến mức lố bịch] choàng lên thân thể chàng.

“Frank Jacob” được xây dựng dựa trên một nhân vật lịch sử có thật; tác giả rõ ràng đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Tokarczuk bám sát những khúc ngoặt số phận Frank, khi anh cải đạo sang Hồi giáo, sau đó là Công giáo và – tiện đường – trở thành một người ủng hộ chủ nghĩa phục quốc Do Thái.

Tuy nhiên, The Books of Jacob không chỉ khắc họa chuyến lang bạt rối rắm của một tay lãnh tụ giáo phái. Đây là cuốn tiểu thuyết phóng túng, choáng ngợp và lập dị; tinh vi, lớp lang và tràn ngập tính dí dỏm mượn cảm hứng từ văn học dân gian. Cuốn sách cũng không ngần ngại khai thác những chủ đề tăm tối hơn. Người Do Thái bị săn lùng và truy đuổi khắp mọi nơi. Những hình mẫu sơ khai của cuộc diệt chủng Do Thái vẫn hiện diện. Tấn hài kịch trong tác phẩm pha trộn với bi kịch thuần túy, của tra tấn, bội phản, giam cầm, chết chóc.

Olga Tokarczuk | Ảnh: The Monthly

The Books of Jacob, xuất bản bằng tiếng Ba Lan 2014, được Viện hàn lâm Thụy Điển đánh giá là “kiệt tác để đời” của Olga Tokarczuk. Với độ dài khổng lồ 1.000 trang, cuốn sách là “chuyến hành trình tuyệt vời qua bảy lãnh thổ, năm ngôn ngữ và ba tôn giáo lớn, chưa kể các giáo phái phụ”.

2. Heaven: Bức tranh tàn khốc về bạo lực học đường

So sánh với Ngực và trứng — bộ ba truyện ngắn biến đổi liên tục giữa các góc nhìn và tuyến thời gian để giải quyết mệnh đề nữ quyền và quyền tự chủ sinh sản của giới nữ, Heaven có cấu trúc và nội dung ít phức tạp hơn. Ở đây, nhân vật chính 14 tuổi chịu sự bắt nạt tàn bạo từ bạn cùng lớp. Trong chương đầu tiên, cậu bé bị đánh đập, chế nhạo, bị ép ăn phấn và nhốt vào tủ đựng đồ. Đau lòng thay, cậu bé dường như đã quen với những cực hình này. Bên dưới lớp mặt nạ kiên cường ấy, sự khổ sở của cậu thấm đẫm từng trang sách.

Heaven

Heaven, cuốn sách thứ hai của Mieko Kawakami được dịch sang tiếng Anh, mở đầu với một tờ giấy nhắn nhét bên trong hộp bút chì: “Chúng mình nên làm bạn với nhau”. Thoạt tiên, nhân vật chính — người bị các học sinh khác gọi là Con Mắt vì cậu mắc chứng nhược thị [mắt lười] — cho rằng tờ giấy trên chỉ là trò đùa ác ý của băng bắt nạt. Nhưng tin nhắn ấy đến từ Kojima, cô học sinh cũng bị bắt nạt vì lười tắm rửa, dơ hầy. Hai đứa trẻ cùng khổ tạo thành một liên minh bí mật.

Con Mắt và Kojima dường như đang cùng sống trong một thực tại tàn nhẫn, một hoàn cảnh và số phận bi đát tương đồng [thậm chí, nếu Heaven là một tiểu thuyết young adult khác, Kojima hiển nhiên sẽ trở thành mối tình đầu của Con Mắt]. Nhưng đi sâu hơn, Mieko Kawakami phơi bày những mệnh đề triết học phản chiếu và đối lập, giữa quyền lựa chọn và bị ép buộc, giữa chấp nhận và phản kháng.

Được Sam Bett và David Boyd chuyển ngữ một cách hoàn hảo, cuốn sách chứa đầy những tình tiết bạo lực được dàn dựng công phu, những phân cảnh bắt nạt vô nghĩa được mô tả rõ mồn một, đến mức bản thân độc giả cũng cảm nhận được nỗi đau của Con Mắt. Những kẻ hành hạ cậu gần như không có diện mạo; bạo lực nằm trong DNA của chúng: từ khi chúng chào đời, hẳn chúng đã biết cách đánh đập người khác mà không để lại dấu vết, tra tấn đồng bạn mà không bị tóm tận tay.

Khi Con Mắt, khập khiễng và lắp bắp, hỏi một người bạn học về lý do bắt nạt mình, đứa trẻ kia đã phát biểu cả một đoạn độc thoại. “Địa ngục không tồn tại. Tất cả đều là dựng chuyện. Kẻ yếu không dám đối mặt với thực tế. Chúng nó không thể đối mặt với nỗi đau hay nỗi buồn, chứ đừng nói đến tiếp thu sự thật hiển nhiên rằng không có gì trên đời thực sự có ý nghĩa cả”. Kẻ bắt nạt là Nietzsche còn Kojima là Lão Tử. Triết học không bao giờ được đề cập trực tiếp, nhưng nó mang lại cảm giác thuần khiết, cấp bách hơn cả — thông qua phương thức truyền đạt rõ ràng của một thiếu niên.

Mieko Kawakami | Ảnh: Kinfolk

Cái kết của Heaven không phải là một kết thúc có hậu, nhưng lần đầu tiên, Kawakami cho phép một chút ánh sáng le lói hiển hiện trên trang sách. Những chương cuối cùng an ủi tâm hồn độc giả, nhưng không hề thay đổi sự thật tàn khốc. Nó hứa hẹn với ta rằng, một ngày nào đó, cậu bé 14 tuổi ấy sẽ có một tương lai, cái tương lai mà — không lâu trước đó — cả bản thân cậu và người đọc đều lo sợ rằng cậu bé không thể sống sót và đón nhận.

3. Elena Knows: Quyền lựa chọn của phụ nữ

Chẳng ai nghĩ rằng bà già Elena — 63 tuổi và đang bị bệnh Parkinson — có thể làm thám tử. Nhưng sau khi thi thể cô con gái sùng đạo, Rita, được phát hiện trong tư thế treo cổ trên tháp chuông nhà thờ mà cô thường đi lễ, các nhà chức trách vội vàng thông báo đây là một vụ tự tử. Elena, một người không có đức tin, từ chối chấp nhận kết luận này.

Được một số người ca ngợi là “Hitchcock của River Plate”, Claudia Piñeiro là nhà văn trinh thám tội phạm nổi tiếng ở quê hương Argentina và trên thế giới. Tuy nhiên, dù sách của bà bán chạy toàn cầu cùng bốn cuốn tiểu thuyết được xuất bản ở Anh Quốc, nhiều độc giả nói tiếng Anh vẫn chưa mấy quen thuộc với tên tuổi của bà.

Claudia Piñeiro | Ảnh: Manuel Cortina

Elena Knows, cuốn tiểu thuyết ngắn gọn và phong cách được Frances Riddle dịch sang tiếng Anh, là cách thức lý tưởng để làm quen với Piñeiro. Thoạt nhìn, đây là hành trình giải mã bí ẩn chặt chẽ và súc tích, với nhân vật chính quyết đoán và bướng bỉnh. Nhưng đồng thời, tác phẩm chứa những lời bình sắc nhọn về mối quan hệ giữa mẹ và con gái, sự phẫn nộ nhắm đến bộ máy quan liêu, hệ thống y tế và những gánh nặng giáo điều mà tôn giáo đặt lên vai người phụ nữ. Quyền lựa chọn phá thai trong một xã hội Công giáo bảo thủ sâu sắc chính là chìa khóa quan trọng để gỡ nút thắt câu chuyện này.

Cuốn sách được chia thành ba phần, tiêu đề lần lượt là “Buổi sáng”, “Buổi trưa” và “Buổi chiều” — bám sát lịch uống thuốc của Elena mà bà buộc phải tuân thủ, để kiểm soát được “kẻ thù” sống bên trong cơ thể mình. Elena không phải là một bà lão ngọt ngào và tử tế. Cha Juan, linh mục của con gái bà, từng cáo buộc Elena tội “kiêu căng và ngạo mạn, khi nghĩ rằng bà biết tất thảy mọi chuyện, ngay cả khi sự thật cho thấy điều ngược lại”. Ông nói không sai; Elena đầy thiếu sót, nhưng Piñeiro vẫn có thể khiến độc giả ủng hộ bà – nhân vật chính có tính nết khó ưa.

Elena Knows

Khi Elena bước về điểm cuối cuộc hành trình, những tiết lộ thật tàn bạo xuất hiện. “‘Không bao giờ’ không phải là một từ áp dụng cho giống loài chúng ta,” Isabel nói. “Có rất nhiều điều chúng ta nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ làm nhưng khi bị đặt vào tình huống nhất định, chúng ta sẽ làm thế”.

Những tác phẩm khác lọt vào danh sách rút gọn Giải Booker 2022

Cursed Bunny là tuyển tập truyện ngắn của tác giả người Hàn Quốc Bora Chung. Từ chối bị đóng khung trong một thể loại nhất định, tác phẩm xóa nhòa ranh giới giữa chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, kinh dị và khoa học viễn tưởng. Bora Chung kết hợp tài tình các yếu tố kỳ ảo và siêu thực để khắc họa thực trạng kinh hoàng và tàn nhẫn của chế độ phụ quyền và chủ nghĩa tư bản trong xã hội hiện đại. Tác phẩm do Antor Hur dịch sang tiếng Anh.

Cursed Bunny


Tomb of Sand của Geetanjali Shree, được Daisy Rockwell dịch từ tiếng Hindi, kể về cuộc hành trình của một phụ nữ Ấn Độ 80 tuổi tới Pakistan sau khi chồng bà qua đời. Chủ đề nghe qua có vẻ sầu thảm, nhưng cuốn sách ngược lại – rất hài hước, sâu lắng, tràn đầy cảm hứng tự do và hiện đại.

Tomb of Sand


A New Name: Septology VI-VII do Jon Fosse - một nhà văn và nhà viết kịch người Na Uy rất nổi tiếng tại quê nhà - chắp bút. Được dịch bởi Damion Searls, cuốn sách là ấn phẩm cuối cùng trong loạt truyện kể về cuộc đời Asle, người họa sĩ già sống cô độc bên bờ đại dương trong những năm tháng cuối đời.

A New Name: Septology VI-VII

Hết.

Mèo Heo lược dịch từ tạp chí New York Times và NPR.

Video liên quan

Chủ Đề