Nội dung về văn hóa dân tộc tỉnh nghệ an năm 2024

[Tổ Quốc] - Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng góp phần tạo nên sắc màu đa dạng của bức tranh văn hóa Nghệ An. Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong đời sống, đồng thời giới thiệu, quảng bá, tôn vinh được vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và con người miền Tây xứ Nghệ, tạo điểm đến hấp dẫn du lịch cho du khách trong và ngoài tỉnh, nhiều chương trình, đề án đã được Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu phối hợp với các địa phương triển khai có hiệu quả.

Để triển khai các chương trình, đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Miền Tây Nghệ An, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản.

Việc triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An cũng được chú trọng, triển khai có hiệu quả. Đơn cử như Đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2025. Sau khi đề án được ban hành, từ năm 2018, UBND tỉnh đã cấp kinh phí hỗ trợ xây dựng các mô hình không gian bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, với mức kinh phí bình quân 600 triệu/mô hình/năm [các địa phương đã được hỗ trợ gồm: Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Con Cuông, Kỳ Sơn, Anh Sơn; nội dung hỗ trợ bao gồm trang thiết bị loa máy, âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ, đạo cụ, trang phục truyền thống, tập huấn hỗ trợ năng lực tổ chức hoạt động câu lạc bộ và trình diễn cho cán bộ văn hóa cơ sở, nghệ nhân, già làng, người có uy tín trong cộng đồng].

Cũng từ năm 2018, mỗi năm, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức 01 lớp tập huấn triển khai các chính sách, pháp luật và hỗ trợ chuyên môn, nâng cao năng lực cho cán bộ văn hóa, nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín về bảo tồn phát huy văn hóa, với khoảng 150 học viên tham gia.

Hay như việc triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Từ năm 2021, trên cơ sở quy định của Nghị quyết số 29, Sở Văn hóa và Thể thao đã thực hiện hỗ trợ 1.500.000 đồng/tháng cho Nghệ nhân nhân dân và 1.000.000 đồng/tháng cho Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa phi vật thể; hỗ trợ 30 triệu đồng cho các Câu lạc bộ thành lập mới và 5 triệu/năm đối với các Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa phi vật thể.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, đây là chính sách rất thiết thực và có ý nghĩa quan trọng góp phần hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số và các câu lạc bộ văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số trong việc trao truyền, phổ biến các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận.

Riêng đối với Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, Sở Văn hóa và Thể thao được giao chủ trì thực hiện với rất nhiều nội dung nhiệm vụ thành phần về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số Miền Tây Nghệ An.

Với nguồn kinh phí được giao, Sở Văn hóa và Thể thao đã thực hiện nội dung Hỗ trợ trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao cho 105 thiết chế văn hóa - thể thao thôn, bản; triển khai 2 dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tại bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu và Dự án Tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Nhà cụ Vi Văn Khang tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Theo Sở Văn hóa và Thể thao, các chỉ tiêu đặt ra như 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ [câu lạc bộ] truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng dự kiến sẽ được hoàn thành.

Bảo tồn dân ca, dân vũ truyền thống của người Thái

Thành lập các câu lạc bộ bảo tồn dân ca, dân vũ truyền thống của người Thái [cũng như người Hmông, người Khơ-mú và người Thổ] tại các huyện miền núi: Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn và cả Thanh Chương. Ngoài tiếp thu các làn điệu dân ca [do nghệ nhân truyền dạy], các thành viên tham gia còn được học múa, sáng tác theo kiểu tự biên, tự diễn. Các câu lạc bộ này hoạt động khá hiệu quả, lập được nhiều thành tích trong các đợt biểu diễn do xã, huyện hay tỉnh tổ chức. Một số nghệ nhân người Thái khôi phục lại việc chế tác nhạc cụ như khèn bè, sáo, nhị Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp. Phong trào mua sắm, đánh trống chiêng diễn ra vào dịp Tết, lễ hội phát triển ở hầu hết các địa phương. Đặc biệt, hầu hết các xã, huyện [thậm chí các bản] đều có đội văn nghệ quần chúng. Các giá trị di sản văn nghệ dân gian, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ tiếp tục được sưu tầm, phục dựng và phát huy.

Cùng với việc triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch của Trung ương và của tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao còn phối hợp với các cơ quan, ban ngành trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc tại địa phương như: Tổ chức, tham gia Ngày hội giao lưu, liên hoan văn hóa, nghệ thuật, thể thao truyền thống cấp huyện, cấp tỉnh và toàn quốc, nhất là vào các dịp lễ tết, Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4, Quốc khánh 02/9, Ngày Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam 18/11...

Sở Văn hóa và Thể thao còn phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng các dân tộc thiểu số; phối hợp với các huyện thị miền núi tổ chức hoạt động giới thiệu, biểu diễn, quảng bá văn hóa văn nghệ các dân tộc thiểu số trong và ngoài tỉnh, thành lập các Đoàn nghệ thuật tham gia Ngày hội văn hóa dân tộc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức…

Có thể nói, qua việc triển khai các chương trình, đề án nêu trên, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được bảo tồn, giảm nguy cơ bị mai một, thất truyền hay biến tướng, nhiều di sản có điều kiện tôn vinh, phát huy, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương; đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của đồng bào thiểu số ở 11 huyện, thị miền Tây Nghệ An ngày càng được nâng cao, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của các địa phương.

Những chuyển biến tích cực trong công tác triển khai các chương trình, đề án bảo tồn và phát huy văn hóa của các dân tộc thiểu số trong thời gian qua là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương, đặc biệt là của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong; sự chú trọng, tập trung chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương từ tỉnh tới cơ sở, từ việc ban hành các chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện triển khai, đến việc định hướng chỉ đạo sát sao, phù hợp với đặc thù vùng miền, tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn những khó khăn, bất cập.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đối với đời sống xã hội, nên thiếu quan tâm đầu tư, tập trung cao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các nguồn lực cho phát triển văn hoá, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự năng động, sáng tạo trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và ý thức tự giác giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Cùng đó, đội ngũ cán bộ văn hóa là người dân tộc thiểu số từ huyện đến xã số lượng còn ít, năng lực còn nhiều hạn chế với trình độ đại học chiếm tỷ lệ thấp. Họ có thể hiểu về văn hóa truyền thống của địa phương, nhưng lại thiếu kinh nghiệm, phương pháp, năng lực để triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trên địa bàn. Trong khi đó, bộ phận cán bộ văn hóa không phải người dân tộc thiểu số là chủ yếu, nhiều người chưa thực sự hiểu sâu về đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số nên khi triển khai chưa sâu sắc, nhuần nhuyễn.

Ngân sách đầu tư, hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số từ tỉnh đến huyện còn hạn chế, chưa đáp ứng với nhu cầu thực tiễn; cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị dành cho sự nghiệp văn hóa còn thiếu, chưa tương xứng. Công tác xã hội hóa văn hóa nói chung và trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể còn gặp nhiều khó khăn.

Các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số còn mang nặng tính tự phát, nội dung chưa phong phú, chưa có chiều sâu; việc sưu tầm, lưu giữ, trao truyền giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống có dấu hiệu bị mai một do các nghệ nhân ngày càng ít đi, bản thân họ cũng không còn mặn mà, lớp trẻ thanh thiếu niên không hứng thú với bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Điều kiện KT-XH các huyện miền núi phát triển chậm, mặt bằng trình độ dân trí thấp, các thiết chế văn hóa chưa được đầu tư đồng bộ. Các dân tộc thiểu số ở Nghệ An chủ yếu tập trung vùng miền núi, đời sống kinh tế rất khó khăn, trình độ dân trí thấp, giao thông không thuận lợi… là cản trở lớn trong việc thúc đẩy phát triển văn hóa cơ sở…

Từ thực tiễn triển khai các chương trình, đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An kiến nghị để việc triển khai cơ chế chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt được hiệu quả cần có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp các ngành từ tỉnh đến cơ sở.

Việc ban hành, triển khai các cơ chế chính sách cho đồng bào cần thiết thực, phù hợp với đặc điểm từng dân tộc, kích cầu được sự tham gia vào cuộc của đông đảo đồng bào các dân tộc trên địa bàn sinh sống. Cần ban hành chính sách cụ thể, chuyên biệt cho từng lĩnh vực để việc triển khai mang lại kết quả cao và nhìn thấy được hiệu quả rõ nét. Cần xây dựng cơ chế chính sách dài hạn, trung hạn và hằng năm để duy trì việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch được thuận lợi, hiệu quả.

Hằng năm trung ương và tỉnh dành nguồn kinh phí đầu tư ổn định cho từng địa bàn để có chế độ đặc thù trong khuyến khích, phát huy các chính sách văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các địa phương nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cần chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho địa phương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt triển khai thực hiện nhằm từng bước thực hiện tốt chính sách về văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn.

Cái hấp dẫn nhất của lễ hội chính là nét độc đáo của chúng. Đây cũng chính là nét đặc trưng riêng trong văn hóa của vùng, miền và nhóm tộc người cần được khai thác, giới thiệu.

Cái hấp dẫn nhất của lễ hội chính là nét độc đáo của chúng. Đây cũng chính là nét đặc trưng riêng trong văn hóa của vùng, miền và nhóm tộc người cần được khai thác, giới thiệu. Phần Lễ nên chú trọng yếu tố phong tục, tập quán truyền thống tộc người. Phần Hội thì lồng ghép các yếu tố văn hóa truyền thống với các yếu tố văn hóa mới. Thi người đẹp hay thi trang phục dân tộc trong lễ hội là một tiết mục rất sáng tạo, hấp dẫn nên tiếp tục duy trì. Việc tổ chức lễ hội cần gắn với hoạt động du lịch, kết hợp với hội chợ, góp phần giới thiệu, quảng bá nông sản, nét đẹp của phong tục, tập quán địa phương.

Chính vì vậy, nhận định của TS. Vi Văn An - Phó chủ nhiệm Chương trình Thái học Việt Nam- vẫn là “sợi chỉ đỏ”, một trong những điểm mấu chốt, đó là trong quá trình xây dựng và triển khai, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cần có sự tham gia của các chủ thể văn hóa. Có như thế, việc bảo tồn này mới theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về chính sách dân tộc, vừa đảm bảo sự bình đẳng, công bằng và phù hợp với tình hình thực tiễn của các tộc người ở địa phương.

Chủ Đề