Nhận định văn học về tình yêu thương

Nhà phê bình Hoài Thanh trong văn bản "Ý nghĩa văn chương" từng viết: "Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có". Nhận định ấy đã nêu lên những tác động cơ bản của văn học đối với tình cảm con người. Không dừng lại ở đó, giữa văn học và tình thương còn có những mối quan hệ sâu sắc.

Văn học bao gồm những tác phẩm thơ, truyện, kịch, ca dao, hò vè... vô cùng đa dạng, phong phú. Một nội dung quan trọng của những tác phẩm ấy là phản ánh đời sống xã hội, thể hiện những tâm tư tình cảm của con người. Đó là tình anh em sâu nặng, tình bạn bè, cô trò cảm động trong "Cuộc chia tay của những con búp bê" [tác giả Khánh Hoài], "Bạn đến chơi nhà" của Nguyễn Khuyến; đó là tình cảm gia đình sâu sắc trong những bài ca dao về tình cảm gia đình; là tình thương đối với những kiếp người bé nhỏ, mong manh trong chùm ca dao than thân, trong bài thơ "Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan, trong vở chèo "Quan Âm Thị Kính",...

Qua những tác phẩm ấy, văn học đã ngợi ca tình yêu thương đẹp đẽ, trong sáng, cao thượng giữa người với người, giữa người với vạn vật xung quanh. Từ đó, văn học xây đắp, bồi dưỡng cho ta tình yêu thương đối với những người thân yêu, với những người hàng xóm, bạn bè, với quê hương đất nước... Đọc bài ca dao "Công cha như núi Thái Sơn...”, người đọc thấm thía hơn công ơn "như núi”, "như nước trong nguồn chảy ra" của cha và mẹ. Bài ca dao khiến ta biết yêu hơn, biết thương hơn những đấng sinh thành. Đọc truyện ngắn "Cuộc chia tay của những con búp bê" của Khánh Hoài, ai cũng rưng rưng cảm động và thấy xót thương cho những số phận bé thơ sớm phải chịu cảnh gia đình chia lìa đôi ngả. "Bạn đến chơi nhà" của Nguyễn Khuyến lại khiến người đọc thấy trân trọng và tin yêu vào tấm lòng của những người bạn hữu trong cuộc đời,... Có thể nói văn học chính là dòng suối ngọt mát bồi đắp những yêu thương cho tâm hồn con người. Nó khiến mỗi chúng ta biết yêu thương, quan tâm chia sẻ với nhau để sống nhân văn và ý nghĩa hơn giữa cuộc đời này.

Đến lượt mình, tình thương trở thành nguồn gốc, động lực cho sự ra đời của văn học. Trong "Ý nghĩa văn chương", Hoài Thanh đã dùng một câu chuyện - một hình ảnh thật hay để lí giải nguồn gốc của thơ ca hay chính là văn học nghệ thuật nói chung: Một tu sĩ khóc thương một con chim nhỏ bị thương, tiếng khóc - lòng thương của ông đã bật lên thành tiếng thơ ca. Thật vậy, phải có lòng yêu quý, trân trọng tấm lòng của bạn sâu sác, Nguyễn Khuyến mới chắp bút viết nên "Bạn đến chơi nhà" hóm hĩnh. Phải có một tấm lòng dầy ưu tư, đa cảm trước tình đời, tình người Bà Huyện Thanh Quan mới viết nên những câu thơ đầy cảm động:

"Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia".

Trong nỗi "nhớ nước", "thương nhà" của tác giả là một khối sầu thương u ẩn về thời thế và cuộc đời...

Văn chương, nói như học giả Lê Quý Đôn: "Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần", thực sự được bắt nguồn từ tình yêu thương bao la giữa người với người, giữa con người và vạn vật.

Có thể nói, giữa văn học và tình thương có mối liên hệ qua lại rất mật thiết. Văn học bồi đắp tình thương và tình thương trở thành nguồn gốc, động lực của văn học. Điều đó cho ta những bài học quan trọng trong việc học văn và xây dựng tình cảm với người thân, bạn bè, cộng đồng. Học văn là để làm đẹp, làm phong phú cho tâm hồn và ngược lại, khi đọc văn - học văn phải biết "lấy hồn ta để cảm hồn người", có vậy mới thấm thía hết những giá trị nhân văn sâu sắc của các tác phẩm văn học.

Tình cảm - một đặc thù nổi bật của văn chương

Ngày nay, đổi mới trở thành nhu cầu bức thiết của mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội. Lí luận văn chương cũng đang trong quá trình đổi mới để tự hoàn thiện.

Đổi mới lí luận văn chương thực ra là quá trình vươn tới những khái quát sao cho ngày càng phù hợp với bản chất của văn chương, với thực tế văn chương muôn hình vạn trạng. Do vậy, thực chất của quá trình đổi mới lí luận văn chương là trả văn chương về vị trí vốn có của nó. Nói một cách khác, đặc trưng của văn chương trở thành mục tiêu của quá trình đổi mới lí luận, cả cách thức tư duy lẫn nội dung và hệ thống.

Bàn về đặc thù của văn chương, người ta có thể nói tới ba phương diện chính yếu sau đây:

1. Đặc thù của đối tượng thể hiện

2. Đặc thù của nội dung thể hiện

3. Đặc thù của phương thức thể hiện

Hai mặt sau, nhất là những nét đặc thù về nội dung thể hiện, có liên quan tới tình cảm và sức truyền cảm của văn chương. Điều này xưa nay đã được nhiều người thừa nhận.

a. Ông cha ta xưa bàn về yếu tố tình cảm trong văn chương

Các học giả xưa đưa ra nhiều quan niệm về văn chương. Quan niệm thể hiện rõ đặc thù của văn chương hơn cả là gắn văn chương với tình cảm. Bùi Huy Bích viết: “Văn chương là tiếng nói của con tim”. Thực ra không chỉ có lời trong văn chương mới thấm đượm cảm xúc. Bên cạnh chức năng biểu ý, ngôn từ còn có chức năng biểu cảm. Song không ở đâu cảm xúc được yêu cầu cao như trong văn chương, nghệ thuật, đến mức cái tình thành dấu hiệu rõ rệt của mọi thành đạt trong sáng tạo. Ngô Thế Vinh cho rằng: “Lời là tiếng nói của con tim, văn chương là cái làm cho lời dài thêm vậy”. Nên theo Bùi Ngọc Qui, “tình ấy gốc văn, tình chật hẹp thì văn kia cứng xác” . Vun đắp cái tình trong văn trở thành đòi hỏi bên trong của việc làm văn.

Tuy nhiên, văn có nhiều loại. Ngay cả “văn” theo nghĩa hẹp để chỉ văn chương nghệ thuật thì không ở đâu cảm xúc lại được bộc lộ sâu đậm, tập trung như trong thơ. Không phải vô cớ khi một tác giả vô danh hạ bút viết: “Căn cứ vào sự rung cảm của tình người, mà thơ có thể quán triệt” . Còn Hồng Nhậm thì phát hiện ra quy luật phổ biến này của thơ: “Nó đi theo tình, theo cảm xúc”. Dường như các học giả thi nhân xưa đều chung một ý nghĩ tương tự. Thậm chí còn chung cả cách diễn đạt. Lê Qui Đôn viết: “Thơ khởi phát từ lòng người ta” . Vũ Duy Thanh thì viết: “Thơ xuất phát từ tình” . Có thể có ảnh hưởng qua lại. Cũng có thể do chung một nguồn học hỏi từ Trung Quốc. Chữ “thi” ở Bắc quốc ban đầu hàm nhiều nghĩa. Một trong những nghĩa của thơ theo nhà ngữ văn học nổi tiếng Dương Thụ Đạt “là cái gốc và là cái mầm mọc từ trái tim” . Đọc thơ cổ Trung Hoa, Phan Phụ Tiên nhận ra: “Tuy dấu vết thịnh, loạn khác nhau, song cảm xúc phát ra từ lòng chỉ là một” . Bởi tình cảm nồng nàn là dấu hiệu loại biệt phân tách thơ với các thể tài khác, chẳng hạn với phú. Theo Nguyễn Đức Đạt: “Thơ là tình cảm, phú là sự việc”. Nói vậy, không phải trong thơ không có sự việc. Có điều “thơ dùng sự việc để phụ trợ cho tình cảm”. Trên cơ sở ấy, tác giả “Nam Sơn tùng thoại” chê thơ đương thời chưa hay vì đi ngược lại “dùng tình cảm để phụ trợ cho sự việc”. Thế rồi ông đi đến kết luận thành qui luật muôn đời của thi ca: “Chú trọng vào tình cảm thì gọn, chú trọng ở sự việc thì rườm” . Ngô Thì Nhậm không chỉ dừng lại ở sự đối chiếu giữa thơ và phú. Ông thấy sự tương đồng giữa thơ, phú, ca, vịnh, biện, luận, kí... ở chỗ; “Uẩn khuất ở trong tâm thuật, phát lộ ra lời văn”. Song bên cạnh “đại đồng” có “tiểu dị”. Với thơ không gì khác hơn là cảm xúc. Ông viết: “Nhưng trong đó, loại có khả năng gây hứng thú và cảm xúc cho người ta thì không gì bằng thơ” . Thơ càng hay thì càng gây chấn động lòng người. Đó là những vần thơ vừa “làm kinh động con người” [Quân Bác]; vừa “làm khóc được qui thần” [Hồng Nhậm]. Nói như Bùi Dương Lịch thơ là “sự biểu hiện của tình”, nhưng do “không ai không có tình”, nên đây là cái tình “cùng tột” .

Thơ không chấp nhận trạng thái dửng dưng đã đành, thơ cũng không chấp nhận thứ tình cảm có chừng mực. Nguyễn Hành trong “Minh quyên thi tập” tâm sự: “Ta kêu bằng văn chương, chữ nghĩa, đến quyển sách này là tột cùng của sự đau khổ rồi” .Điều này giải thích vì sao thơ tống biệt phần nhiều là diệu bút. Đọc câu thơ của Tôn Sở, người đời Tấn bên Trung Quốc:“Gốc sớm tràn đường mưa rẽ, mưa đêm đầm cỏ thu”,Ngô Thế Vinh bình: “Ôi, hợp tan đi ở đã đủ động lòng người, phương chi lại vào cái lúc gió sớm mưa đêm” . Khi bình duyệt thơ, cảm xúc tự nhiên trở thành một trong những tiêu chí quan trọng nếu không muốn nói là quyết định. Trần Bá Kiên trong khi thừa nhận “thơ có thể dùng để oán hận”, đã khen tập thơ khuê oán của Phạm Liêu Nhiên là “da diết hơn cả”.

Thơ là tình cảm nồng cháy bởi người làm thơ đã từng sống trong trạng thái tâm lí khác thường. Đinh Linh Uy thừa nhận tiếng thơ muốn cất lên, người viết phải “thương xưa, xót nay” . Với người, với vật, với cảnh đều thế. Để viết “Độc Tiểu Thanh kí”, Nguyễn Du đã “tự coi mình như người cùng hội với kẻ mắc oan” .Thương người đã khó, đặt mình vào cảnh ngộ của người càng nhiều lần khó hơn. Nhưng đó lại là nền tảng của thứ thơ giàu sức sống, bất chấp sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian. Đó cũng là một đòi hỏi không thể thiếu được khi viết về cảnh, về vật. Nguyễn Trãi trong “Tích cảnh” [bài 8] đã viết:

Thấy cảnh lòng thơ càng vấn vít

Một phen tiếc cảnh, một phen thương

Người làm thơ khác người thường ở chỗ lòng hay “vấn vít”, tiếc thương cảnh. Trái tim họ thường bao dung, trắc ẩn hơn người. Từ việc lớn đến việc nhỏ, từ chuyện hệ trọng đến chuyện sinh hoạt có thể xem là tầm thường hàng ngày. Chẳng hạn “Bài thơ siêu”, trong đó thuật lại chiếc siêu bị gia đồng đánh vỡ. Nhắc đến bài thơ quốc âm tình cờ đọc được này, Trần Cao Đệ nhận xét: “Siêu vỡ là điều đáng tiếc, nhưng cái lí của nó vỡ lại càng đáng thương. Thơ dùng để ghi lại việc này. Có lẽ cái điều gửi gắm tiếc nó chính là để thương nó” .Không thương, không tiếc, không có thơ về việc chiếc siêu bị vỡ. Và càng thương càng tiếc thì càng dễ lay động lòng người. Bài học sáng tạo ấy được Ngô Thì Si thể hiện qua chính những nếm trải của bản thân. Lại là sự nếm trải chua chát của thất bại. Trước mắt thi nhân cảnh vật “hệt như bức vẽ”. Ngô Thì Si không thể không động bút. Ông viết một bài, không hài lòng, rồi một bài khác, cũng không mấy hài lòng. Vì sao? Vì thiếu cái tình. So sánh với thơ cổ nhân ông mới có dịp bừng tỉnh. Tiền nhân viết đâu có gì cầu kì:

Riêng thương đám cỏ thơm thoi thóp bên khe

Có điều trái tim nhà thơ trùm phủ lên muôn vật.Đây là cái Ngô Thì Si thiếu. Thẹn thùng, ông đặt câu hỏi: “Các tác giả với tinh thần gì đây, với lòng dạ gì đây mà có thể làm những câu như vậy?” .Nhà thơ họ Ngô đã chạm tới gốc rễ của thơ hay. Có thể lúc khác ông sẽ thành đạt. Ngay cả khi ông không thành đạt thì người khác sẽ ngẫm từ bài học của ông để tạo nên sự thành đạt riêng của họ. Như thế cũng thật hữu ích.

Thơ là tình, nhưng là tình không tách rời ý. Nếu chỉ là tình, dẫu là tình tột bậc, họ cũng không thể làm nên những vần thơ tuyệt bút. Lê Hữu Trác xác định: “Thơ cốt ở ý, ý có sâu xa thơ mới hay” .Nói khác đi, ý thấm vào tình, tư tưởng chan hòa với cảm xúc. Bùi Dương Lịch vừa khẳng định”thơ là sự biểu hiện của tình” vừa nhắc nhở “không được vây bọc nơi tình” nghĩa là phải có lí trí, có trí tuệ hỗ trợ. Cũng theo đường hướng suy nghĩ ấy, Nam Sơn Thúc sau khi nhắc lại lời của người xưa: “Văn chương làm qui thần rơi lệ”, đã bổ sung: Phải là văn chương “do người thánh học cao minh” tạo nên .Người xưa ít khi thiên lệch. Họ nhìn thơ trong một tổng thể hài hòa giữa nhiều yếu tố và trong mối tương giao lẫn nhau giữa các yếu tố. Đó là mối quan hệ giữa ý và tình, rộng hơn đó là mối quan hệ giữa chí và tình. Nhữ Bá Sĩ cho rằng: “Thơ là để nói chí, nhưng biểu hiện ở nơi tình” Nói “chí” là đích lớn, đích chung của thơ, biểu hiện “tình” là đích cụ thể của từng bài, từng câu. Ở đây nảy sinh ra một vấn đề khá lí thú. Rất nhiều học giả khi bàn về nội dung của thơ đã yêu cầu thơ phải “ôn nhu đôn hậu”. Vũ Phạm Hải viết: “Thể tài, cách điệu của thơ tuy có khác nhau mà ôn nhu đôn hậu, nói chung chỉ là một” [Tạp chí Văn học số6/1963]. Phạm Phú Thứ cũng viết: “Tôn chỉ của thơ phải đạt đến ôn nhu đôn hậu” [Tạp chí Văn học số6/1963]. Trước đó chính Lê Qui Đôn đã từng viết: “Trong ba điều cốt yếu ấy [tình, cảnh, sự], lại nên lấy ôn nhu, đôn hậu làm gốc” [Điều 48 -Văn nghệ]. Nên hiểu “ôn nhu đôn hậu” mà các học giả xưa coi là gốc của thơ ra sao? Ta biết trong “Lễ kí” thiên “Kinh giải” Khổng Tử có yêu cầu thơ phải “ôn nhu đôn hậu” với ý nghĩa là thơ không được phê bình gay gắt nền chính trị xã hội, không được lay chuyển quan niệm và thể chế của giai cấp thống trị. Khổng Tử rõ ràng đã đứng trên lập trường bảo vệ quyền lợi của giai cấp phong kiến để đòi hỏi thi ca. Còn trong những trường hợp vừa nói trên, ta nên hiểu các học giả chỉ muốn coi trọng ý tình trong thơ.

b. Lí luận văn chương hiện đại với yếu tố tình cảm trong văn chương

Lí luận văn chương hiện đại, khi tìm hiểu bản chất của văn chương, luôn nhấn mạnh đến đặc thù tình cảm. Điều này được thực tế sáng tạo phong phú của dân tộc và nhân loại xác nhận. L.Tôlxtôi khi trả lời câu hỏi “Nghệ thuật là gì?” đã viết: “Khi người xem, người nghe cùng được truyền lan một thứ tình cảm mà người viết đã cảm thấy, thì đó chính là nghệ thuật”. Trong nhiều dấu hiệu biểu hiện đặc thù của nghệ thuật, văn hào Nga khẳng định sức truyền cảm của hình tượng. Không đúng vậy sao? Khi hướng tới Truyện Kiều - kiệt tác của văn chương dân tộc, Tố Hữu chẳng đã viết:

Tố như ơi! Lệ chảy quanh thân Kiều

Chính Tố Hữu khi cần đưa ra quan niệm của mình về văn chương, nhất là về thơ, đã luôn nhấn mạnh đây là tiếng nói “đồng tình”, “đồng ý”, tiếng nói “đồng cảm”, giao cảm giữa nhà văn, nhà thơ với bạn đọc. Từ đó nảy sinh ra khái niệm “tri âm”. Trong văn chương cổ điển Trung Quốc và Việt Nam, “tri âm” [nghĩa là hiểu tiếng đàn] xuất phát từ điển cố quen thuộc về mối quan hệ giữa Bá Nha và Chung Tử Kì. Theo “Liệt tử”, Bá Nha là người sành nghe đàn. Khi chơi đàn, Bá Nha nghĩ đến núi cao thì Chung Tử Kì liền khen: “Cao vời vợi như núi Thái Sơn”; Bá Nha nghĩ đến sông nước, thì Chung Tử Kì khen: “Mênh mông như Trường Giang, Hoàng Hà”. Chung Tử Kì thấu hiểu được mọi tình ý Bá Nha bày tỏ qua tiếng đàn. Sau khi Chung Tử Kì chết Bá Nha treo đàn không đánh nữa, vì cho rằng trên đời không còn ai hiểu nổi tiếng đàn của mình. Tuy nhiên, ý nghĩa của từ “tri âm” sau này được mở rộng, không chỉ để thể hiện mối giao cảm giữa người biểu diễn và người nghe trong âm nhạc, mà còn biểu hiện mối giao hòa giữa người sáng tác và người thưởng thức trong nghệ thuật nói chung.

Mang sức bao quát hơn là ý kiến quen thuộc của Lê Duẩn: Nói đến nghệ thuật là nói đến qui luật riêng của tình cảm, nghệ thuật vận dụng qui luật riêng của tình cảm. Điều này góp phần lí giải vì sao đến với văn chương người đọc không thể dửng dưng. Ấy là vì nhà văn đã để trái tim mình đập dưới từng trang viết, từng con chữ. Nhà thơ Nguyễn Tùng Linh thổ lộ:

Tôi đặt tình yêu của tôi ở đây

Tôi đặt trái tim mình ở đây

Đầy vất vả với cuộc đời rộng mở

Và điều này tôi phải nói bằng thơ

Có thể xem quá trình sáng tạo là quá trình luyện ngọc. Tác phẩm được hình thành, hình tượng được tạo ra lung linh ánh sáng của ngọc qui. Nhưng nếu tinh ý, ta có thể “nhìn thấy máu, thấy nước mắt, thấy niềm vui và nỗi đau của người thợ kì tài” [Nguyễn Khải].

Đã rõ tình cảm chính là một trong những biểu hiện của đặc trưng văn chương dễ thấy nhất. Tuy nhiên trước nay đã có người không thấy hoặc không thừa nhận. Họ lập luận rằng: Tình cảm đâu chỉ nhận ra ở hoạt động nghệ thuật, ở tác phẩm nghệ thuật, một số hoạt động và sản phẩm tinh thần khác như đạo đức, tôn giáo và ngay cả khoa học nữa, tình cảm cũng phát lộ ra và không ít trường hợp giữ vai trò thật quan trọng. Ở đây, liên quan với cách hiểu khái niệm “đặc thù”. Theo quan niệm thông thường thì nét riêng, nét đặc trưng được gọi là “đặc thù”. Những nét gọi là “đặc thù” của một sự vật, một đối tượng, một con người không hẳn không thấy ở sự vật, hiện tượng và con người khác, nhưng bao giờ cũng nổi trội, tạo nên sự phân biệt dễ thấy có tính riêng biệt. Cũng như vậy, cá nhân nhà văn không hoàn toàn khác con người bình thường; hoạt động sáng tạo văn chương cũng không thật khác với các hoạt động sáng tạo của con người. Tuy nhiên, do đòi hỏi tự bên trong của hoạt động nào đó, một hoặc một số tính chất hay yếu tố đặc biệt nổi bật, có vai trò quyết định đến quá trình sáng tạo và thành phần sáng tạo. Tình cảm khi được xem là đặc thù của văn chương là theo ý nghĩa này.

Đáng nói nhất là không ít người xem nhẹ đặc thù của văn chương. Chẳng hạn, có nhà nghiên cứu dùng câu nói của Lỗ Tấn để khẳng định ý mình. Lỗ Tấn viết: ”Nếu là người Cách mạng thì bất cứ viết chuyện gì, dùng tài liệu gì đều là văn học Cách mạng cả. Từ suối chảy ra đều là nước, từ huyết quản chảy ra đều là máu”. Thật ra, phải đặt trong hoàn cảnh cụ thể mới hiểu được đúng ý của Lỗ Tấn. Trước câu nói này, Lỗ Tấn có nhắc tới một số nhà văn mà ông không coi là “những nhà văn Cách mạng”. Đó là Êxênhin [1895 - 1925] - nhà thơ và Sabôli [1888 - 1826] - nhà văn. Cả hai đều sống và sáng tạo dưới thời Xô viết và vì những lí do khác nhau đã thất vọng đi đến tự sát. Thế rồi Lỗ Tấn viết: “Tôi cho vấn đề căn bản là ở chỗtác giả phải là người Cách mạng- PQT lưu ý”. Vậy văn hào Lỗ Tấn đâu có xem nhẹ vai trò riêng biệt của văn chương.

Như vậy, trong thế giới tinh thần của nhà văn, cảm xúc luôn có ý nghĩa nổi trội trong sự giao hòa hữu cơ với lí trí và nhận thức. Thực tế, không nên và không thể tách biệt cảm xúc với lí trí, tình cảm với nhận thức, quan điểm với niềm tin trong một con người. Những mặt đó thống nhất với nhau. Lê Duẩn viết: “Lí trí giúp con người có tình cảm đúng, ngược lại tình cảm có dồi dào thì lí trí mới vững... Có những lúc lí trí đúng mà tình cảm sai đi thì cuối cùng lí trí cũng sai đi” .Những mặt trên còn chuyển hóa qua lại rất tinh tế. Đúng như nhà thơ Tố Hữu từng nói: “Khi tình cảm sôi động lên, nó thành trí tuệ, không có người mẹ nào không thông minh với người con cả, biết nó hơn nó tự biết mình”. Tuy nhiên, do đòi hỏi của sáng tạo nghệ thuật, yếu tố tình cảm nổi lên trong sự thống nhất hữu cơ với lí trí. Điều này đã được thực tiễn lao động nghệ thuật xưa nay xác nhận. Chẳng hạn cảm xúc liên quan đến cảm hứng sáng tác.

Ta biết rằng nói đến sáng tác văn chương là nói đến cảm hứng. Chính cảm hứng tạo ra năng sản của sáng tạo. Công đầu trong việc khám phá ra vai trò của cảm hứng đối với người nghệ sĩ thuộc về Đêmôkrit [460 - 370 TCN] “Bộ óc bách khoa cổ Hy Lạp đầu tiên” [Marx]. Nhà triết học vĩ đại này viết: “Không ai có thể trở thành nhà thơ giỏi nếu không có ngọn lửa nào đó, một thứ bệnh điên rồ nào đó”. Vì vậy trước sau ông loại bỏ những kẻ “chỉ biết suy nghĩ một cách phải chăng” ra khỏi vương quốc nghệ thuật. Không phải vô cớ mà ở phương Tây thơ được ví với con ngựa có cánh. Thiếu bay bổng sẽ không thể “tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm” [Kiều]. Mà chẳng cứ gì thơ, viết văn xuôi cũng vậy. Một tài năng lớn như Nguyễn Tuân mà khi “đầu bút không thấy động gió” thì cũng cảm thấy “tờ giấy trắng như hất ngang ngòi bút của mình đi, cứ lặng lờ khước từ bất cứ ý định câu cú nào định ươm ướm thả xuống”. Các ý kiến của các học giả và các nghệ sĩ lớn xưa nay, vậy là, không chỉ thừa nhận vai trò của cảm hứng mà còn lí giải bản chất của cảm hứng chính là sự thăng hoa của lí trí và cảm xúc.

Nói riêng về chất liệu sáng tác của nhà văn cũng vậy. Nhà văn viết bằng gì? Hiển nhiên là bằng những gì mình nghe được, mình trông thấy, và nói chung là những gì mình trải nghiệm - có người đã trả lời như thế. Quả không sai, nhưng nghĩ ki thì chưa thật thấu đáo, thuyết phục cho lắm. Bởi vì tại sao có không ít những gì nhà văn từng chứng kiến, từng sống qua mà vẫn chưa đi hoặc không đi vào tác phẩm? Ý kiến của Nguyễn Đình Thi góp phần soi tỏ vấn đề này: “Sâu hơn cái vốn sống ấy là những điều chúng ta đã suy nghĩ và hiểu biết được, những tình cảm đã nảy nở trong chúng ta. Đây là linh hồn của tất cả những gì chúng ta có thể viết”. Rõ ràng nhà văn chỉ có thể sử dụng những chất liệu vốn là kết quả củasự quan sát - cảm xúc,mọi thứ muốn đi vào tác phẩm phải lên men, phải thành ấn tượng khó phai mờ trong tâm tưởng nhà sáng tạo. Về điều này ít ai nói thuyết phục bằng văn hào M.Gorky. Khi nhớ lại bản thân đã viết văn như thế nào, ông viết: “Nếu cứ “rèn nguội” con người thì sẽ không thành cái gì hết, chỉ làm cho nó hỏng đi thôi, cho nên nhà văn phải yêu mến tài liệu của mình - con người thật - chút ít, hoặc tối thiểu cũng phải biết quý nó như một nguyên liệu”. Đó chắc chắn không phải là kinh nghiệm sáng tạo của riêng M.Gorky mà có tính phổ biến rộng rãi. Trong nghệ thuật, nói như Tố Hữu, nhận thức phải chuyển thành tình cảm, mà tình cảm phải ở mức sâu hơn, nồng hơn người bình thường, nghĩa là:

Mặt trời chân lí chói qua tim

[Từ ấy]

Do đó, với người nghệ sĩ, nhiệt tâm và niềm tin luôn được đòi hỏi rất cao không thua gì sự đòi hỏi về cách nhìn và chỗ đứng. Chưa có hoặc chưa đủ nhiệt huyết sẽ chưa thể có sức thôi thúc từ bên trong, và vì thế sẽ chưa thể có bất cứ sự thành đạt nào trong sáng tạo. Đấy là chưa nói, nhận thức sẽ trở nên lệch lạc nếu thiếu tình cảm ở một mức độ cần thiết. Một lần, nhà thơ Nông Quốc Chấn kể rằng, khi ra biển Hòn Gai có cây bút đã tả như thế này:

Trông xa một đống đen xì

Đến gần mới biết ấy thì là than

Thế rồi ông đưa ra nhận xét: “Câu này có gì sai không? Không sai. Đúng là than ở xa thấy một đống đen xì thật... Nhưng đọc lên người ta không thấy nó hay mà thấy nó có cái gì ngớ ngẩn, thiếu tâm hồn, hơn thế thiếu một cái gì trân trọng, trọng thiên nhiên giàu đẹp, trọng con người lao động cần cù”. Từ đó nhà thơ đi đến một kết luận mang sức khái quát cao: “Nghệ thuật phải có tâm hồn”

Ở đây, còn có một khía cạnh nghề nghiệp khác cần được lưu tâm. Theo M.Gorki, sống nhiệt huyết đã hẳn là cần, nhà văn còn phải biết đưa cảm xúc của mình vào văn chương nữa. Ông khẳng định: “Trong những tác phẩm văn học của chúng ta, mặc dầu bản thân chúng ta đang sống với những cảm xúc mãnh liệt, những cảm xúc của kẻ sáng tạo, chúng ta vẫn chưa đưa được những cảm xúc ấy vào văn học; không hiểu tại sao chúng ta vẫn chưa làm được việc đó”. Dầu sao, suy đến cùng, nhân tố quyết định bao giờ cũng thuộc về sự rung động của trái tim người nghệ sĩ.

Nghị luận xã hội Văn học và tình thương

1. Mở bài:

Văn học là nghệ thuật sáng tạo mà nhà thơ nhà văn dùng ngôn từ của mình để diễn đạt và thể hiện quan điểm, tư tưởng, tình cảm. Một đặc điểm chung mà bất kì tác phẩm nào cũng có chính là văn học luôn gắn với tình thương.

2. Thân bài:

a] Tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc:

Có nhiều tác phẩm thể hiện tình yêu quê hương đất nước và tinh thần tự hào dân tộc rất cao của tác giả cũng như của chính đọc giả. Đó là tình cảm mà mỗi người khi sinh ra đều có được.

D/c: Bình Ngô đại cáo [Nguyễn Trãi], Từ ấy [Tố Hữu], Bến quê [Nguyễn Minh Châu], Làng [Kim Lân], Quê hương [Tế Hanh]...

b] Tình cảm gia đình:

Mỗi con người khi sinh ra và lớn lên trong mái ấm gia đình đều cảm nhận được tình yêu mà mọi người dành cho mình cũng như của mình với mọi người trong gia đình. Một thứ tình cảm mà chỉ có máu mủ ruột rà mới hiểu được. Ngoài ra tình cảm vợ chồng cũng là thứ tình cảm rất gắn bó.

D/c: Nói với con [Y Phương], Hai đứa trẻ [Thạch Lam], Những đứa con trong gia đình [ Nguyễn Thi], Vợ nhặt [Kim Lân], Con cò [Chế Lan Viên]

c] Tình nhân ái giữa con người với con người:

Con người khác con vật ở chỗ biết tư duy, suy nghĩ và yêu thương nhau. Dù có khác biệt nhau về màu da, chủng tộc hay không cùng ngôn ngữ, không cùng gia đình, dòng họ nhưng đã là người thì phải sống yêu thương, chan hòa, một tình yêu không bó gọn trong phạm vi nhất định mà nó mở rộng ra toàn nhân loại, yêu tất cả con người. Ngoài ra còn có sự thương xót của tác giả với từng số phận, từng nhân vật, là tiếng kêu thống thiết cho những con người đáng được thương cảm.

D/c: Chí phèo [Nam Cao], Lão Hạc [Nam Cao], Truyện Kiều [Nguyễn Du], Bức thư của thủ lĩnh da đỏ, Đời thừa [Nam Cao]...

3. Kết bài:Tổng kết nội dung, khẳng định lần nữa, nêu ý nghĩa trong cuộc sống.

Bài mẫu Nghị luận xã hội Văn học và tình thương

Từ khi xa xưa con người biết phản ánh tâm tư tình cảm của mình qua văn học truyền miệng hay trên những trang giấy, văn học đã trở thành người bạn thân thiết, gắn bó với con người. Nó là sợi dây liên kết vô hình khiến con người xích lại gần nhau hơn. Văn học giúp cho con người chung sống với nhau bằng tình cảm đẹp đẽ, sự sẻ chia và cảm thông. Vì thế ngay từ khi sinh ra, văn học và tình thương đã có mối quan hệ chặt chẽ: tình thương tạo nên sự hấp dẫn cho văn học và văn học có nhiệm vụ quan trọng là truyền tải tình thương.

Văn học vô cùng quan trọng đối với cuộc sống tinh thần của con người. Nó là một bộ môn nghệ thuật có từ rất lâu đời, là công cụ giúp con người bày tỏ cảm xúc hay tình cảm của mình bằng những từ ngữ, kí hiệu và con dấu. Các tác phẩm văn học được làm nên từ các chất liệu có trong cuộc sống chính vì vậy chúng miêu tả được cuộc sống muôn hình vạn trạng một cách chân thực và chính xác hơn bất cứ ai. Văn học cũng chính là chiếc chìa khóa vàng mở rộng lòng nhân ái trong tâm hồn, phát triển nhân cách tốt đẹp. Văn học gồm nhiều thể loại tác phẩm nghệ thuật như truyện ngắn, tự truyện, hồi kí hay tiểu thuyết,...

Ta có thể nói văn học là nhân học, tức là nó có tính nhân văn. Văn học chứa đựng trong nó muôn vàn những tình cảm tốt đẹp giữa con người. Đó chính là tình thương. Nhưng cụ thể hơn, tình thương được thể hiện trong văn học khá sâu sắc và đa chiều. Chúng thể hiện những cung bậc cảm xúc khác nhau của con người. Đó cũng là khi những nhà văn, thi sĩ bộc lộ sự thương cảm xót xa sâu sắc đối với những mảnh đời, thân phận bất hạnh; phê phán gay gắt những việc làm sai trái và những kẻ chà đạp lên con người; hay là lời ca ngợi vẻ đẹp quê hương, thiên nhiên, đất nước.

Văn học và tình thương gần như là hai khái niệm không thể tách rời, có quan hệ chặt chẽ với nhau. Văn học thể hiện tình thương trong nhiều mối quan hệ khác nhau. Ấm áp và thiết tha như tình cảm gia đình, cái nôi hình thành nhân phẩm đạo đức của mỗi người. Cũng vì vậy mà người xưa cũng rất coi trọng tình cảm thiêng liêng này và trân trọng đặt nó lên hàng đầu qua câu ca dao:

"Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông"

Công lao cao cả của người bố cùng tình thương vô bờ bến của người mẹ được so sánh với các hình ảnh hùng vĩ của thiên nhiên đã in sâu vào tâm trí những người làm con giúp cho họ làm tròn chữ hiếu, đền đáp lại công ơn trời biển của cha mẹ. Còn trong văn học hiện đại, tác phẩm tiêu biểu mà ta đã được học là "Trong lòng mẹ". Bài văn thể hiện tình cảm trong sáng, sâu sắc của bé Hồng đối với người mẹ bất hạnh của mình. Bằng cả tâm hồn và tình yêu thương, em đã cố giữ cho hình ảnh người mẹ nhân hậu, hiền dịu không bị vấy bẩn bởi những hủ tục và thành kiến thâm độc. Vì sao mà một cậu bé còn nhỏ đã có thể có tình thương lớn lao và lòng tin tưởng tuyệt đối về người mẹ đến vậy?

Tình cảm gia đình không chỉ có tình mẫu tử mà còn có tình anh em thắm thiết. Sau khi đọc tác phẩm "Bức tranh của em gái tôi" bạn có thể cảm nhận được tấm lòng khoan dung, sẵn sàng tha thứ cho người anh trai để rồi giúp cho người anh thức tỉnh khỏi sự ganh tị và ghen ghét. Cũng là tình cảm anh em nhưng bài "Cuộc chia tay của những con búp bê" lại thấm nặng tình nghĩa và cuộc chia ly đẫm nước mắt, buồn tủi của những đứa trẻ bất hạnh. Yêu thương nhau biết bao thì lúc xa nhau càng đau đớn bấy nhiêu. Nỗi đau đấy đã để lại một ấn tượng sâu nặng trong lòng người đọc, khiến họ càng thêm xót xa và khâm phục tình cảm thiết tha của hai anh em Thành và Thủy.

Không chỉ thế, văn học cũng góp phần khắc họa nên sự gần gũi, thân thiết và vui vẻ của tình bạn - một thứ tình cảm đẹp không hề vụ lợi, toan tính. Và đó chính là những gì mà Nguyễn Khuyến đã miêu tả một cách chân thực trong bài thơ "Bạn đến chơi nhà". Mở đầu bài thơ là một câu chào hỏi vồn vã, thân tình như reo lên khi người bạn tri kỉ đến. Bằng một giọng văn hóm hỉnh, ông đã nêu lên những thiếu thốn về vật chất để khẳng định một tình bạn gắn bó giữa mình và bạn. Phải đó là một tình bạn cao đẹp vượt lên trên tất cả những tầm thường về vật chất và của cải để đến với nhau bằng tấm lòng.

Ngoài tình thương đối với những người mà ta thân quen, văn học cũng ca gợi tình cảm giữa những người cùng chung sống trong một xã hội. Vì vậy, "thương người như thể thương thân" từ lâu đã trở thành một truyền thống đạo lý của người Việt Nam.

Văn học ca ngợi tình cảm đẹp và đồng thời cũng phê phán những việc làm, hành động hay những kẻ chà đạp lên con người. Văn học luôn lên án gay gắt những kẻ chỉ biết nghĩ tới bản thân mà thờ ơ với mạng sống của người khác. Nhân vật điển hình mà học sinh đã được học là viên quan phụ mẫu trong bài "Sống chết mặc bay". Hắn là một con người tàn nhẫn đến độ có thể bình thản mà ngồi chơi bài trong khi mưa bão đang cướp đi mạng sống của những người dân đen. Tiếng thét kinh hoàng hòa cùng với tiếng gió giật, mưa rít vẫn không làm bậc "quan cha mẹ" bận lòng. Câu chuyện kết thúc cũng là lúc quan thắng ván bài, tất cả mọi thứ đều chìm trong biển nước. Nụ cười hả hê, phi nhân nghĩa của quan vang lên càng xoáy sâu vào lòng người đọc sự thương cảm, xót xa đến tột độ đến những con người bất hạnh. Câu chuyện "Cô bé bán diêm" đã nhẹ nhàng đi vào lòng người đọc bởi hiện lên từng trang sách là hình ảnh của một em bé mồ côi nghèo khổ không được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình. Cảnh ngộ đó còn đáng thương hơn khi con người xung quanh cũng lạnh giá như mùa đông khắc nghiệt. Câu chuyện đã tố cáo một cách kín đáo sự thờ ơ và vô tâm của xã hội lúc bấy giờ đã đẩy những con người nghèo khổ vào bước đường cùng.

Và ngay với những kẻ gian ác xảo quyệt, dối trá cũng vậy văn học quyết không nương tay với chúng. Như trong chuyện Lí Thông cuối cùng cái thiện cũng thắng cái ác, hai mẹ con Lí Thông bị biến thành những con bọ hung suốt ngày chui rúc ở những chốn bẩn thỉu cho đến cuối đời vì những tội ác chúng đã gây ra.

Văn học nước ngoài cũng góp phần làm phong phú thêm kho tàng tình cảm của con người. Đặc biệt nó ca ngợi cả tình cảm đẹp giữa những người không cùng ruột già máu mủ. Và O'henry đã chỉ rõ cho ta thấy điều đó qua tác phẩm "Chiếc lá cuối cùng". Khi Giôn-xi bị ốm, Xiu cùng cụ Bơ-men đã hết lòng chăm sóc mong giành lại cô khỏi cái chết đang đến gần. Cụ Bơ-men tuy chỉ xuất hiện rất ít nhưng lại để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Cụ yêu thương Giôn-xi như con gái mình và sẵn sàng hi sinh mạng sống của mình để cứu Giôn-xi khỏi những suy nghĩ tuyệt vọng đang kéo cô xa dần cuộc sống thực tại.

Văn học trau dồi tình thương, gợi cảm xúc cho con người, làm cho họ gắn bó với nhau. Có người đã từng nói "Tình cảm của con người cũng giống một viên kim cương thô mà nhờ có văn chương "mài nhẵn" mới trở thành viên đá quý đẹp gấp vạn lần". Đọc các tác phẩm văn học ta thấy gần hơn với những nhân vật trong chuyện và từ đó biết lắng nghe, rung động, cảm thông, chia sẻ. Đó là bước đi đầu để hình nhân phẩm đạo đức và từ đó có những suy nghĩ, hành động đúng. Quả thật không sai, như M.Gorki đã từng nói "xét đến cùng, ý nghĩa thực sự của văn học là nhân đạo hóa con người". Nhờ thế, văn học không chỉ dừng lại ở giá trị văn chương mà còn được mở rộng thành những viên gạch đầu tiên xây đắp ngôi nhà của tình thương giữa con người với con người trong xã hội.

Từ tất cả những dẫn chứng trên ta càng thấy văn học và tình thương gắn bó chặt chẽ với nhau đến chừng nào. Bởi lẽ tình thương khởi nguồn cho văn học và làm cơ sở để văn học tiếp tục truyền tải tình thương. Văn học và tình thương hòa quyện vào nhau và tạo nên những điều tốt đẹp nhất cho con người giúp con người phát triển theo một định hướng chung để ngày một hoàn thiện. Có vậy, con người mới có thể cùng nhau chung sống trong tình yêu thương.

Video liên quan

Chủ Đề