Nguyên nhân tật thừa ngón

Dị tật bẩm sinh ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý, thậm chí có thể đe dọa tính mạng trẻ. Phẫu thuật điều trị dị tật bẩm sinh chi thể ở đâu và vào khi nào? Đây chính là vấn đề nhiều cha mẹ quan tâm.

Với sự tiến bộ của y học trong những năm gần đây, không ít trường hợp dị tật bẩm sinh đã được can thiệp kịp thời nhờ phẫu thuật. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công và khả năng phục hồi chức năng cũng như thẩm mỹ phụ thuộc lớn vào loại hình dị tật, phân loại mức độ và thời điểm cũng như kỹ thuật thực hiện phẫu thuật.

Ngoài vấn đề thẩm mỹ thì dị tật bẩm sinh có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ [CDC], dị tật bẩm sinh là những thay đổi cấu trúc của các bộ phận cơ thể ảnh hưởng đến ngoại hình, chức năng cơ quan và sự phát triển thể chất và tinh thần.  “Ước tính 6% trẻ sơ sinh trên toàn thế giới được sinh ra có dị tật bẩm sinh. Có những loại dị tật ở tim, ở cơ quan tiêu hóa, tiết niệu, hàm mặt, chi thể… hoặc dị tật phối hợp ở nhiều cơ quan. Khoảng 30.000 trẻ sơ sinh tử vong trong vòng 4 tuần sau khi sinh hàng năm trên toàn thế giới do dị tật bẩm sinh” [Theo Tổ chức Y tế Thế Giới].

Dị tật bẩm sinh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại nhiều quốc gia

Dị tật bẩm sinh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại nhiều quốc gia

Để giảm bớt gánh nặng do dị tật bẩm sinh gây nên, các nước trên thế giới đều rất chú trọng tầm soát dị tật thai nhi. Nhờ kết quả này, bác sĩ kịp thời đưa ra các biện pháp can thiệp, hạn chế tối đa tình trạng dị tật thai nhi trong bụng mẹ và trẻ sinh ra hoàn toàn có cuộc sống bình thường như bao trẻ khác.

Tầm soát dị tật thai nhi được bác sĩ khuyên thực hiện thông qua việc khám thai định kỳ. Xét nghiệm này đặc biệt cần thiết cho phụ nữ mang thai cao tuổi, kết hôn cận huyết, gia đình có tiền sử sinh con mắc dị tật bẩm sinh…

Tầm soát dị tật thai nhi bao gồm nhiều xét nghiệm như: Siêu âm hình thái học 4D, các xét nghiệm sinh hóa, sàng lọc trước sinh GenEva [Illumina’s NIPT], được thực hiện vào 3 tháng đầu và 3 tháng giữa thai kỳ. 

Dị tật bẩm sinh có thể được tìm thấy trước khi sinh hoặc sau khi sinh. Hầu hết các dị tật được tìm thấy trong năm đầu tiên của cuộc đời. Một số dị tật bẩm sinh dễ thấy như không có hậu môn, sứt môi, khe hở vòm miệng, thừa ngón, thiếu ngón, dính ngón, bàn chân khèo… nhưng một số khác như các dị tật ở tim, giảm thính lực… được tìm thấy qua khám lâm sàng và cận lâm sàng bởi những thầy thuốc chuyên khoa, giàu kinh nghiệm.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng hơn 40.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh, chiếm 1,5 – 2% số trẻ mới sinh, số trẻ sơ sinh tử vong khoảng hơn 1.700 trẻ [Theo thông tin từ Bộ Y tế]. Trường hợp trẻ sống sót, có thể để lại di chứng suốt đời, cả về thể chất và tinh thần.

Nên phẫu thuật điều trị vào thời điểm nào?

Nói chung, hầu hết các dị tật bẩm sinh có thể được điều trị bằng phẫu thuật để cải thiện chức năng và thẩm mỹ cho trẻ khuyết tật. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, tất cả các dị tật đều cần được phát hiện và có kế hoạch điều trị sớm kịp thời bởi các chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm. Nếu để lâu, sẽ càng khó điều trị và có thể xuất hiện biến chứng nặng nề, hệ luỵ lâu dài. Việc điều trị sớm kịp thời với kết quả tốt sẽ giúp bệnh nhi mau chóng hòa nhập sớm với cộng đồng, gia đình, xã hội để không ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.

Những dị tật bẩm sinh thường gặp ở chi thể 

Dính ngón

Dị tật dính ngón tay là thường gặp nhất trong số những dị tật bẩm sinh ở bàn tay, với tỷ lệ 1/2.000 – 3.000 trẻ sinh sống. Có thể dính ngón tay hoặc dính ngón chân.

Hình thái của dị tật dính ngón tay rất đa dạng: 

  • Có thể dính hai ngón hoặc dính nhiều ngón trên một bàn tay hoặc ở cả hai bàn tay; 
  • Có thể dính hoàn toàn hoặc không hoàn toàn; 
  • Có thể dính phần mềm hoặc dính cả xương; 
  • Có thể dính không có biến dạng trục ngón hoặc dính có kèm theo biến dạng trục ngón. 

Dính ngón có thể xảy ra đơn độc hoặc nằm trong một hội chứng bẩm sinh.

Về điều trị, cần phẫu thuật tách ngón để tạo điều kiện cho mỗi ngón hoạt động độc lập. Đối với trường hợp dính những ngón có chiều dài không bằng nhau, dính ngón có biến dạng trục của ngón thì phẫu thuật tách ngón kèm theo chỉnh trục mới mang lại hiệu quả về chức năng và thẩm mĩ, tránh biến dạng nặng sau này. 

Theo thống kê của Upton J [1990], có tới 46 kỹ thuật giải phóng dính ngón khác nhau được mô tả trong 2 thế kỷ qua, nhưng kỹ thuật của Alain Gilbert [1990] được áp dụng phổ biến. Nhìn chung, các kỹ thuật đều có chung đặc điểm: 

  • Thứ nhất, tạo kẽ nền ngón từ tổ chức tại chỗ hoặc mặt mu, hoặc mặt gan, hoặc phối hợp cả mặt mu và mặt gan; 
  • Thứ hai, chú ý tránh các đường rạch dọc ở mặt gan của vùng khớp liên đốt vì có nguy cơ gây sẹo co gấp ngón về sau, các đường rạch zích – zắc sẽ tránh được biến chứng này; 
  • Thứ ba, các vùng khuyết da khi tách ngón sẽ được ghép da dày toàn bộ, không ghép da mỏng.

Trước khi thực hiện phẫu thuật tách ngón, cần có một kế hoạch điều trị tổng thể cho cả bàn tay và trên hết là các ngón dính phải có đủ chất liệu để đảm bảo cho cho tách ngón. Khi dính nhiều ngón, nên tránh tách cả hai bờ bên của một ngón trong một lần phẫu thuật. 

Tuổi phẫu thuật tốt nhất còn nhiều tranh luận. Một số tác giả cho rằng kết quả phẫu thuật tốt nhất ở thời điểm trẻ khoảng 18 – 36 tháng tuổi, một số khác thấy không có sự khác biệt về kết quả ở nhóm trên so với những trẻ được phẫu thuật sớm từ 6 tháng tuổi. 

Do tính chất phức tạp như vậy, phẫu thuật tách ngón càng đòi hỏi phẫu thuật viên phải là chuyên khoa sâu, giàu kinh nghiệm, thực hiện ca mổ kéo dài để giảm thiểu những nguy cơ: Hoại tử mảnh da ghép, hoại tử ngón tay sau phẫu thuật, tổn thương thần kinh ngón có thể khiến ngón tay của trẻ mất cảm giác, dính lại…

Thừa ngón

Dị tật thừa ngón là tình trạng có trên 6 ngón, tại một vị trí nào đó của bàn tay, bàn chân, có thể tại ngón cái, ngón trỏ, ngón nhẫn, ngón út và hiếm gặp hơn là thừa tại ngón giữa. 

Bàn tay có 7 ngón, soi gương

Thừa ngón trỏ, tay phải; Tay trái: Khó xác định là thừa ngón trỏ hay thừa ngón cái

Nguyên tắc điều trị là phẫu thuật cắt bỏ ngón thừa, giữ lại ngón có chức năng tốt hơn, tận dụng tối đa tổ chức của ngón cắt bỏ để tạo hình nhằm mang lại hiệu quả cao nhất về giải phẫu, chức năng và thẩm mỹ. Khi cắt ngón thừa, chú ý tạo hình dây chằng bên của khớp mà khớp xương của ngón thừa có liên quan, đồng thời chỉnh trục chi để đảm bảo gân gấp và duỗi thẳng trục ngón. 

Về tuổi phẫu thuật, không có phác đồ chung nào về thời gian phẫu thuật cho tất cả dị tật thừa ngón. Với dị tật ngón thừa đơn giản hoặc ngón thừa và ngón “hoàn hảo” trói buộc vào nhau, gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của từng ngón thì có thể cần được phẫu thuật sớm [khoảng từ 6 – 12 tháng tuổi]. Với trường hợp phức tạp cần có sự phối hợp tốt từ phía bệnh nhi thì nên thực hiện phẫu thuật khi trẻ trên 3 – 4 tuổi, ví dụ xử trí ngón thừa với bàn tay “soi gương” vì sau mổ cắt ngón thừa và “cái hóa ngón tay” rất cần bệnh nhi tập gấp – duỗi, đối chiếu ngón tay một cách chủ động.

Kết quả sau phẫu thuật [Tay phải: Cắt ngón trỏ thừa; Tay trái: Cắt ngón ngoài cùng bị biến dạng và kém chức phận, đồng thời “cái hóa” ngón được giữ lại]

Ngón cái tách đôi

Dị tật bẩm sinh của ngón tay cái chiếm khoảng 11% tất cả các loại dị tật ở bàn tay. Trên 50% các dị tật bẩm sinh của ngón tay cái là ngón cái tách đôi [hai ngón tay cái hay thừa ngón tay cái].  Dị tật này đứng thứ 2 sau dị tật dính ngón ở bàn tay, với tỷ lệ khoảng 0,08 – 1,4/1.000 trẻ sơ sinh, trẻ nam lớn gấp 2,5 lần ở trẻ gái.

Ngón tay cái tách đôi độ 2

Ngón cái tách đôi độ IV thành ngón riêng biệt

Ngón tay cái là ngón quan trọng nhất, chiếm khoảng 50% chức năng của bàn tay. Tất cả các loại dị tật hai ngón tay cái đều ảnh hưởng tới một số động tác tinh tế và các động tác này đều được cải thiện sau phẫu thuật. Yêu cầu điều trị dị tật này đối với tạo hình hiện đại là phải sử dụng các thành phần của cả hai ngón để tạo nên ngón tay cái có chức năng và thầm mĩ ở mức tối đa.

Trước khi can thiệp phẫu thuật, cần phải nắm vững tình trạng chức năng và các biến đổi giải phẫu của từng ngón cũng như các nguyên tắc cơ bản của phẫu thuật tạo hình đối với dị tật này. Mục tiêu của phẫu thuật là cắt bỏ ngón thiểu sản nhất, kết hợp can thiệp vào cấu trúc xương và phần mềm để tạo ra một ngón cái thẳng trục, vững, biên độ vận động các khớp đạt tối đa, hữu ích cho các chức năng nhón nhặt và các động tác tinh tế khác.

Thời điểm thích hợp cho việc phẫu thuật là từ 12-18 tháng tuổi.

Thiểu sản ngón tay cái

Thiểu sản ngón tay cái thường hiếm gặp, với tần suất là 1/100.000 ca sinh. Đây là hiện tượng ngón cái thường không có chức năng hoặc không có ngón cái, dẫn tới bàn tay không thể cầm nắm, nhón, nhặt vì ngón tay cái chiếm tới 50% chức năng bàn tay. Dị tật này thường gặp trong một số hội chứng toàn thân như: Hội chứng Holt – Oram [tim mạch], hội chứng Fanconi [tiết niệu sinh dục], hội chứng Apert [bất thường về cơ xương khớp]… Do vậy, khi thấy dị tật thiểu sản ngón tay cái, cần lưu ý tìm các tổn thương khác thuộc những hội chứng dị tật bẩm sinh như nêu trên. 

Các cấu trúc dây chằng, cơ, xương, khớp, tổ chức phần mềm của ô mô cái và kẽ ngón tay thứ nhất [kẽ ngón I – II] là những chỉ tiêu được dùng để phân loại thiểu sản ngón tay cái. Tình trạng nặng dần về mức độ thiểu sản đều liên quan tới kỹ thuật điều trị cụ thể. Với thiểu sản ngón tay cái độ VI và độ V, phương pháp điều trị tốt nhất là cái hóa ngón trỏ, tức là chuyển ngón trỏ sang vị trí ngón cái để phục hồi động tác cầm nắm, nhón, nhặt. Có nhiều kỹ thuật cái hóa, nhưng kỹ thuật của Buck – Gramcko D giới thiệu vào năm 1981, sau đó Riordan D cải tiến một số bước và giới thiệu vào năm 1984 hiện được thực hiện phổ biến. 

Thời điểm phẫu thuật tùy vào thể lâm sàng, mức độ khó của phẫu thuật và được khuyến cáo trước 2 tuổi để trẻ có thể sớm tập vận động, đảm bảo chức năng vận động của ngón cái.

Hội chứng vòng thắt bẩm sinh

Hội chứng vòng thắt bẩm sinh là một trong những dị tật rất thường gặp ở chi thể. Với những vòng thắt sâu, có thể dẫn đến thiếu máu cục bộ hoặc cụt chi tự nhiên ở dưới vòng thắt. Tỷ lệ mắc khoảng 1/15.000 trẻ, phần trên của bàn tay, ở cẳng tay, ở cánh tay, ở cẳng chân. 

Điều trị phải dựa vào từng tổn thương cụ thể. Dị tật không giống nhau giữa các bệnh nhi, thậm chí giữa các chi trên cùng một bệnh nhi. Ở những trường hợp nhẹ, đó là những trường hợp có vòng thắt nông và không hết chu vi, không phù nề thì không cần phải điều trị. Với trường hợp cần phải điều trị, cần lưu ý rằng chỉ định phẫu thuật chủ yếu là thẩm mỹ. Một số trường hợp vòng thắt quá sâu làm phần ngoại vi phù nề nhiều, đầu ngoại vi không có chức năng thì chỉ định cắt bỏ phần xa được đặt ra.

Tạo hình chữ Z và chữ W là kỹ thuật chuẩn cho những trường hợp vòng thắt đơn giản và vòng thắt gây biến dạng ở phần xa có kèm theo hoặc không kèm theo phù nề. Với dị tật vòng thắt toàn bộ chu vi thì tạo hình chữ Z với vạt da có góc 60 độ là hợp lý nhất. Tạo hình chữ Z có hai mục đích: Một là, nới dài vòng thắt để làm rộng chu vi; Hai là, làm thay đổi hướng kéo của vòng thắt sau mổ.

Khớp giả bẩm sinh xương chày

Khớp giả xương chày bẩm sinh thuộc dị tật bẩm sinh hiếm gặp, nhiều hình thái lâm sàng khác nhau từ cong, gập góc xương chày đến mất đoạn xương chày, tỷ lệ mắc là 1/190.000 trẻ sơ sinh.

Bệnh có thể được phát hiện sớm từ tuần đầu đến khoảng hai năm đầu sau sinh nhưng cũng có thể không được phát hiện tới khi bệnh nhi trên 10 tuổi. Khớp giả xương chày bẩm sinh khiến chân teo nhỏ, cẳng chân gập góc ra sau, cổ chân gấp góc ra trước. Nếu không điều trị hoặc điều trị kết quả không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chức năng của chi dưới, chất lượng cuộc sống, thậm chí có thể phải cắt cụt chân bệnh.

Có nhiều phương pháp điều trị khớp giả xương chày bẩm sinh như: Kết hợp xương có sức ép cố định bên trong, cố định bên ngoài, kích thích điện với cố định trong, ghép xương tự thân kinh điển, nhưng ghép xương tự thân có mạch nuôi bằng kỹ thuật vi phẫu có nhiều ưu điểm hơn cả. 

Ở Việt Nam, điều trị khớp giả xương chày bẩm sinh ở trẻ em vẫn là một thách thức lớn, kỹ thuật phức tạp. Phương pháp điều trị chủ yếu là kết xương bên trong bằng đinh nội tủy và ghép xương, nguồn gốc xương ghép là xương tự thân. Xương ghép tự thân là tốt nhất về mặt sinh học, được dung nạp tốt hơn, khả năng kích thích tạo xương cao hơn ghép xương đồng loại và không gây ra phản ứng miễn dịch.

Thiếu hụt bờ trụ

Thiếu hụt bờ trụ là dị tật hiếm gặp, khoảng 1 – 7,4/100.000 trẻ. Tổn thương gồm: 

  • Xương trụ thiểu sản, ngắn hoặc không có xương trụ; 
  • Xương quay cong hình cánh cung, đầu dưới xương quay lệch trục về bờ trụ; 
  • Chỏm xương quay có thể bán trật khớp, trật khớp hoặc dính vào đầu dưới xương cánh tay. 

Thần kinh trụ và thần kinh giữa thường thấy ở vị trí giải phẫu bình thường, nhưng bó mạch – thần kinh trụ và mầm xương trụ có thể xếp thẳng hàng với nhau trong tổ chức dưới da. Các đơn vị gân cơ phía bờ trụ [cơ duỗi chung ngón V, cơ duỗi cổ tay trụ, cơ gấp cổ tay trụ, cơ gấp sâu ngón V] thường thiểu sản hoặc không có.

Biến dạng cổ tay và bàn tay trong dị tật thiếu hụt bờ trụ là thường gặp. Ở khối xương tụ cốt cổ tay, thường không có xương đậu, xương tháp và xương móc. Tật thiếu ngón là khá phổ biến trong thiếu hụt bờ trụ. Còn kèm những dị tật khác của bàn tay như: Dính ngón, không có xương đốt bàn, co gấp ngón, dính đốt và có đốt delta. 

Hiện nay, chỉ định và phương pháp điều trị còn chưa thống nhất. Những bất thường ở bàn tay nên được điều trị bằng các kỹ thuật chuẩn. Mặc dù bàn tay dị tật kém về thẩm mĩ song chức năng lại khá tốt. Phẫu thuật viên cần thận trọng chờ đợi, theo dõi và khám kỹ tất cả các thiếu hụt bờ trụ trước khi quyết định can thiệt phẫu thuật vào vùng cổ tay và cẳng tay. 

Thiếu hụt bờ quay

Tỷ lệ thiếu hụt bờ quay là 1/30.000 – 1/100.000  trẻ sinh sống. Trường hợp bờ quay bị thiếu một phần hoặc hoàn toàn thì bệnh cảnh lâm sàng đặc trưng là:

  • Cẳng tay ngắn và cổ tay bị lệch ra phía ngoài; 
  • Ở đoạn dưới của cẳng tay, xương trụ nổi rõ hơn; 
  • Cẳng tay bị dị tật có chiều dài chỉ bằng 2/3 so với bên lành và mức chênh lệch như vậy thường giữ nguyên suốt quá trình phát triển; 
  • Ngón tay cái có thể bình thường hoặc thiểu sản, thậm chí không có ngón cái; 
  • Các ngón tay ở phía ngoài, nhất là ngón trỏ và ngón giữa, nhiều khi bị cứng và co quắp; 
  • Bàn tay bị lệch ra phía ngoài. Biến dạng này lại càng nặng hơn do lực co kéo của cơ gan tay lớn và cơ ngửa dài nên bàn tay càng bị lệch về phía gan tay và ra phía ngoài. Với thiếu hụt bờ quay, thường có dị tật phối hợp.

Thiếu hụt xương là tiêu chuẩn vàng của dị tật thiếu hụt bờ quay, nhưng thiếu hụt gân cơ, thần kinh, mạch máu cũng thường xảy ra. Thiếu hụt gân cơ thay đổi ở mỗi trường hợp và thường tỷ lệ thuận với mức độ thiếu hụt ở xương. 

Khi gặp bệnh nhi có thiếu hụt bờ quay, không chỉ khám tổn thương tại chỗ mà cần phải khám toàn diện, tỷ mỉ để tìm những dị tật phối hợp. Nếu bệnh nhi còn ở tuổi nhà trẻ thì thường bắt đầu quá trình điều trị bằng bó bột để kéo giãn các cấu trúc vùng cẳng tay ở phía bờ quay. Tiếp theo, đặt nẹp chỉnh hình bằng chất dẻo để duy trì kết quả chỉnh sửa cho tới khi thực hiện phẫu thuật đưa bàn tay vào trung tâm. 

Điều trị phẫu thuật thường được thực hiện khi bệnh nhi khoảng 6 – 12 tháng tuổi. Hầu hết các tác giả đều thống nhất phẫu thuật đưa bàn tay vào trung tâm là biện pháp hàng đầu. Nếu có chỉ định cái hóa ngón dài thì thực hiện phẫu thuật này sau phẫu thuật đã đưa bàn tay vào trung tâm khoảng 6 tháng và phải duy trì đặt nẹp cho tới khi khung xương trưởng thành nhằm duy trì kết quả chỉnh sửa và tránh biến dạng tái phát. Cuối cùng, phương pháp ghép đầu trên xương mác có nối mạch nuôi bằng kỹ thuật vi phẫu hiện có nhiều hứa hẹn và hy vọng rằng phương pháp này có thể trở thành một lựa chọn tối ưu trong điều trị dị tật thiếu hụt bờ quay.                                 

Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội chuyên phẫu thuật điều trị dị tật bẩm sinh

Khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội được dẫn dắt bởi GS.TS.TTND Nguyễn Việt Tiến – Nguyên PGĐ Bệnh viện TƯQĐ 108, Phó Chủ tịch Hội CTCH Việt Nam, Hội viên Hội CTCH các nước Đông Nam Á. Bên cạnh việc phẫu thuật những tổn thương thuộc chuyên ngành chấn thương chỉnh hình ở người lớn, Giáo sư Nguyễn Việt Tiến còn đi sâu vào điều trị phẫu thuật các dị tật bẩm sinh thuộc cơ quan vận động cho bệnh nhi. Ông đã viết sách và có những ảnh kết quả thực tiễn đã phẫu thuật để minh họa. Tài năng của Giáo sư Nguyễn Việt Tiến không chỉ được khẳng định trong nước mà còn được những chuyên gia hàng đầu trên thế giới đánh giá rất cao. 

Theo Giáo sư Nguyễn Việt Tiến: “Đối với mỗi trường hợp dị tật bẩm sinh, căn cứ vào loại dị tật, mức độ và tình trạng cụ thể để có chiến lược và chiến thuật điều trị đúng, phù hợp, hiệu quả. Có trường hợp chỉ phẫu thuật tạo hình đơn giản, nhưng cũng nhiều trường hợp phải phẫu thuật tạo hình phức tạp, thậm chí phải sử dụng đến kỹ thuật vi phẫu – Một kỹ thuật tiên tiến hiện nay, chẳng hạn như ghép xương mác có nối mạch nuôi trong điều trị khớp giả bẩm sinh xương chày    

Khi thực hiện kỹ thuật vi phẫu, phải có kính hiển vi phẫu thuật với độ phóng đại thường từ 16 – 25 lần [độ phóng đại quang học] để khâu nối những mạch máu có đường kính ngoài khoảng 1mm, kim khâu có đường kính khoảng 1/10mm có gắn chỉ ở đít kim, đường kính sợi chỉ từ 15 – 30 µm [khoảng 1/10 đường kính của sợi tóc]. 

Tôi đã gặp và xử trí không ít trường hợp để lại di chứng ngón tay cong vẹo sau cắt ngón thừa do lần mổ trước đã không tạo hình dây chằng bên của khớp, hoặc hai ngón tay liền kề bị cong như càng cua do không tạo hình kẽ ngón và sẹo mổ thẳng gây co kéo sau phẫu thuật tách dính ngón trước đó, hoặc vòng thắt bẩm sinh tái phát do không tạo hình chữ Z để làm rộng vòng thắt và không giải phóng tổ chức mỡ dưới da, hoặc vẫn không có ngón tay cái sau cắt ngón thừa của bàn tay soi gương do không cái hóa và không biết dùng ngón thừa nào để cái hóa làm ngón cái, không liền khớp giả xương chày sau nhiều lần phẫu thuật ghép xương theo phương pháp kinh điển…

Có bệnh nhân tận trong Hà Tĩnh được tôi ghép xương mác với kỹ thuật vi phẫu từ khi cháu 3 tuổi, theo dõi trong 22 năm cho đến khi hết tuổi trưởng thành, nay cháu đã là cô giáo, hai cẳng chân to và dài bằng nhau, đi lại như những người bình thường khác… Nói chung, để xử trí tốt tổn thương này, phẫu thuật viên phải là bác sĩ chuyên ngành sâu, có trình độ, có năng lực thực hành và giàu kinh nghiệm thực tiễn…”.

Với đội ngũ bác sĩ phẫu thuật giàu kinh nghiệm cùng với những trang thiết bị hiện đại – đầy đủ – đồng bộ, Khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã và đang điều trị phẫu thuật những dị tật bẩm sinh ở chi thể như sau:

  • Phẫu thuật cắt ngón thừa;
  • Phẫu thuật tách ngón điều trị dính ngón;
  • Phẫu thuật điều trị ngón cái tách đôi;
  • Phẫu thuật cái hóa điều trị không có ngón tay cái;
  • Phẫu thuật tạo hình điều trị vòng thắt bẩm sinh;
  • Phẫu thuật ghép xương vi phẫu điều trị khớp giả bẩm sinh xương chày;
  • Phẫu thuật điều trị thiểu sản bờ quay, bờ trụ. 

Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là sự lựa chọn lý tưởng của các bệnh nhân có nhu cầu thăm khám và điều trị kỹ thuật cao, đặc biệt là phẫu thuật dị tật bẩm sinh giúp các em nhỏ kém may mắn có cơ hội tìm lại đôi chân, bàn tay lành lặn như bao đứa trẻ bình thường khác. 

Bệnh viện đa khoa Tâm Anh luôn chú trọng đầu tư trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại, tối tân hàng đầu thế giới: Hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera – Maquet, máy chụp cộng hưởng từ MRI 1,5 Tesla, máy chụp CT 128 dãy… đáp ứng các ca phẫu thuật, vi phẫu đòi hỏi kỹ thuật phức tạp.

Ngoài ra với mô hình bệnh viện khách sạn, mọi khách hàng đến thăm khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh luôn được chăm sóc, hỗ trợ bởi đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, túc trực 24/24 cùng nhiều dịch vụ cao cấp khác giúp khách hàng luôn cảm thấy an tâm, thoải mái như đi nghỉ dưỡng. 

Phẫu thuật điều trị dị tật bẩm sinh đã, đang và sẽ tiếp tục thắp sáng ước mơ cho nhiều trẻ em được sống như những đứa trẻ bình thường khác, được sống với một hình hài đẹp đẽ và lành lặn. Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật phức tạp, dễ xảy ra biến chứng nên bố mẹ cần cân nhắc lựa chọn những cơ sở thăm khám và điều trị uy tín để con yêu được chữa trị tốt nhất, đảm bảo khả năng hồi phục và không để lại di chứng về sau. 

Để đặt lịch hẹn tư vấn, thăm khám bởi GS.TS.TTND Nguyễn Việt Tiến tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội, quý khách vui lòng gọi Hotline: 1800 6858 [Hà Nội]; 0287 102 6789 [Hồ Chí Minh] hoặc liên hệ trực tiếp Địa chỉ: Số 108 Hoàng Như Tiếp, P. Bồ Đề, Q. Long Biên, TP. Hà Nội hoặc 2B Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh

TRÀ MY

Chủ Đề