Nguyên nhân tăng giá điện

Nhân viên EVN HANOI kiểm tra vận hành các trạm biến áp. Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, khi vào mùa khô ở miền Nam và mùa nắng nóng ở miền Bắc, miền Trung, nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát [đặc biệt là điều hòa] là nguyên nhân chính làm cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao dẫn đến tiền điện tăng.

Số liệu thống kê của EVN cho thấy, đã có tới trên 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước [tương đương khoảng 11,92%] có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020. Đặc biệt, trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới trên 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.

Tính toán cụ thể, EVN cho hay, một hộ gia đình có mức tiêu thụ tháng 4 là 300 kWh, số tiền điện cần thanh toán là 688.160 đồng [không tính giảm giá do COVID-19]. Nhưng nếu sang tháng 5, gia đình này nếu tiêu thụ điện tăng 20%, nghĩa là sản lượng điện tiêu thụ ở mức 360 kWh số tiền điện cần thanh toán 875.204 đồng, tức là hóa đơn tiền điện tăng 27,18%. Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 50% [450 kWh] thì số tiền điện thanh toán là 1.160.885 đồng - tiền điện tăng 68,69% so với tháng 5. Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 100% [600 kWh] thì số tiền thanh toán là 1.643.840 đồng, tăng 138,87% so với tháng 4.

Một điều rất dễ nhận ra là chỉ với các hộ gia đình có sử dụng máy lạnh/máy điều hòa nhiệt độ mới thấy rõ việc sử dụng điện tăng lên nhiều và kèm theo đó là chi phí sử dụng điện cũng tăng theo. Còn với các hộ không sử dụng máy lạnh và chỉ sử dụng quạt làm mát thì chi phí này thay đổi không nhiều. Với các ngày mùa hè, đặc biệt các ngày nắng nóng gay gắt và kéo dài ở mức trên 35 độ C, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát như điều hoà và quạt được sử dụng thường xuyên, liên tục. Thực tế, việc sử dụng các thiết bị làm mát này nhiều hơn so với thời điểm các tháng trước đó.

Khi sử dụng máy lạnh/máy điều hòa nhiệt độ, điện năng sử dụng của thiết bị này phụ thuộc rất nhiều vào chênh lệch nhiệt độ giữa nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ trong phòng. Nhiệt độ ngoài trời càng cao, chênh lệch nhiệt độ ngoài trời so với trong nhà càng lớn thì thiết bị điều hoà nhiệt độ sẽ phải hoạt động nhiều hơn, tiêu tốn nhiều điện năng hơn.

Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân khác như việc mở cửa ra vào nhiều, đóng mở tủ lạnh nhiều lần cũng gây thất thoát nhiệt làm cho lượng điện tiêu thụ có thể tăng đến 17%.

Theo các chuyên gia, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 10 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng từ 2% đến 3%. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 50 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng thêm 10%. Do đó, mặc dù thời gian sử dụng điều hòa không đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa vẫn tăng lên rất nhiều.

Liên quan đến vấn đề độ chính xác của công tơ điện và ghi chỉ số điện, EVN cho biết, các công tơ/điện kế đo lường lượng điện năng tiêu thụ khi được lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 07/2019/TT BKHCN ngày 26/7/2019. Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2. Các công tơ đến hạn kiểm định sẽ được các đơn vị của ngành điện thực hiện thay thế định kỳ bằng công tơ đã được kiểm định cho khách hàng.

Hiện tại, các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa. Đối với công tơ cơ khí được áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, các tính năng hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót [nếu có] trong công tác ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện.

Khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ. Lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong hợp đồng mua bán điện và được đơn vị điện lực công khai, đảm bảo khách hàng biết, kiểm tra chỉ số công tơ và sản lượng điện tiêu thụ. Trên cơ sở lịch ghi chỉ số của từng khu vực được công bố công khai, khách hàng có thể giám sát công tác ghi chỉ số công tơ của điện lực.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng điện, nếu có thắc mắc cần tư vấn, khách hàng sử dụng có thể dễ dàng liên hệ với các Trung tâm Chăm sóc khách hàng của ngành điện, các đơn vị của ngành rất sẵn sàng để tư vấn và giải đáp kịp thời cho khách hàng, EVN cho biết.

Tiền điện phải nộp tăng gấp nhiều lần

Những ngày qua, nhiều bạn đọc liên tục có ý kiến phản ánh về tính trạng hoá đơn tiền điện kỳ tháng 5 tăng cao gấp 3, thậm chí là 4 lần so với các tháng trước đó. Nhiều người đồng loạt chia sẻ hình ảnh tin nhắn, hóa đơn thông báo thu tiền điện cùng những bình luận thắc mắc về giá điện, số tiền điện phải đóng.

Chị Lê Thanh Hà Vũ ở quận Hà Đông [Hà Nội] cho biết, tiền điện kỳ tháng 5 của gia đình tăng hơn 2 lần so với tháng trước. Theo chị Vũ, đây là điều không bình thường bởi lẽ tháng trước, dù ở nhà cả ngày để chống dịch COVID-19 thì tiền điện chỉ là gần 900 nghìn đồng. Nhưng tháng 5, cả nhà đi làm, đi học, vậy mà tiền điện lại tăng lên đến 2 triệu đồng. “Tháng 5 đúng là nhiệt độ cao, nắng nóng nên nếu gia đình tôi sử dụng điện cả ngày thì số tiền điện nói trên là hợp lý. Nhưng thực tế, 2 vợ chồng tôi đi làm cả ngày; 2 cháu nhỏ học bán trú đến tối mới về. Điều hòa chỉ dùng từ 18 giờ tối thì thật khó hiểu khi hóa đơn tiền điện lại tăng hơn 2 lần so với tháng trước”, chị Vũ phân tích.

Cùng chung thắc mắc nói trên, bà Trần Thị Thuận ở quận Hoàn Kiếm [Hà Nội] chia sẻ, cách tính tiền điện hiện đang tồn tại điều bất hợp lý bởi so sánh tháng 4 và tháng 5, trong khi lượng điện tiêu thụ chỉ tăng 4,06 lần thì số tiền gia đình bà phải trả lại tăng lên đến hơn 5,35 lần. Cụ thể, tháng 4, gia đình bà Thuận thanh toán số tiền 915.000 đồng cho lượng điện sử dụng là 395 kWh. Nhưng đến tháng 5 vừa qua, với lượng điện tiêu thụ là 1.605 kWh thì số tiền điện của gia đình bà đã tăng lên đến hơn 4,9 triệu đồng.

Gia đình chị Vũ và bà Thuận chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp có số tiền điện bất ngờ tăng cao trong thời gian vừa qua. Theo nhiều ý kiến, bên cạnh nguyên nhân thời tiết nắng nóng, lượng điện tiêu thụ của các thiết bị như điều hòa, quạt hơi nước... tăng cao thì cách tính giá điện luỹ tiến 6 bậc thang hiện nay cũng là nguyên nhân chính khiến cho số tiền hiện các hộ gia đình phải thanh toán có dấu hiệu “tăng đột biến, bất thường”.

Cần có phương án tính giá điện hợp lý hơn

Trước ý kiến phản ánh của người dân, nhiều chuyên gia cho rằng, việc hoá đơn tiền điện tăng cao trong những tháng gần đây là do số điện tiêu thụ tăng, khi nhu cầu sử dụng cao trong tháng cao điểm về nắng nóng. Bởi theo cách tính giá điện luỹ tiến 6 bậc  hiện nay thì người khách hàng sử dụng càng nhiều điện thì giá thành điện sẽ càng cao. Cụ thể, hiện nay, giá điện sinh hoạt đang được tính theo 6 bậc thang như sau:

Theo cách tính giá điện lũy tiến như trên, nếu khách hàng sử dụng lượng điện từ bậc 6 trở lên phải chịu áp mức giá cao nên khiến hóa đơn tiền điện tăng mạnh.

Trao đổi với báo chí, GS.TSKH Trần Đình Long – Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, trong những ngày nắng nóng cao điểm vừa qua, khách hàng sử dụng nhiều phương tiện làm mát như điều hoà, máy lạnh, quạt, dẫn đến lượng điện năng sử dụng lớn. Kéo theo đó, lượng điện năng gia tăng sẽ từ bậc thang thấp nhảy lên bậc thang cao; như vậy, giá điện sẽ tăng lên rất cao. Vì thế, cần phải sửa biểu giá điện để phù hợp với thực tiễn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc áp dụng biểu giá điện theo bậc thang là phù hợp với bối cảnh thị trường điện Việt Nam hiện nay. Thực tế, giá điện bậc thang không chỉ được áp dụng tại Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều nước công nghiệp phát triển; tuy có khác nhau về cách phân chia lượng tiêu thụ cụ thể của các “bậc thang” tính giá điện. Biểu giá điện theo bậc thang được coi là công cụ điều tiết nhu cầu sử dụng điện của khách hàng… Cách tính này nhằm khuyến khích người sử dụng tiết kiệm điện bởi điện không phải là tài nguyên vô tận, đang được sản xuất chủ yếu từ các nguồn tài nguyên không tái tạo. Song, việc xây dựng các mức giá điện cần có sự điều chỉnh để sát với thực tế theo hướng bảo đảm lợi ích cho số đông khách hàng.

Được biết, từ giữa năm 2018, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo hướng rút gọn từ 6 bậc về 5 bậc.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, giảm về 5 bậc thang giá điện đảm bảo cho số tiền điện của khoảng hơn 92% tổng số hộ có mức tiêu dùng điện dưới 700 kWh/tháng không tăng hoặc giảm tiền điện. Chỉ những khách hàng sử dụng điện nhiều trên 700kWh/tháng sẽ bị thiệt do áp mức giá điện cao hơn hẳn các bậc từ 1- 4.

Chia sẻ quan điểm của mình, Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, việc tính toán tiền điện đã bảo đảm tính minh bạch và khách hàng đều có thể kiểm tra dựa trên số đo công tơ và cách áp dụng biểu giá. Theo quy định, khi có nghi ngờ, khách hàng hoàn toàn có quyền khiếu nại với cơ quan có trách nhiệm. Nếu kết quả kiểm tra đúng khớp với chỉ số công tơ ghi được, khách hàng phải trả chi phí thuê thẩm định. Trong trường hợp ngược lại, đơn vị điện lực phải có trách nhiệm bồi hoàn cho khách hàng số tiền đã thu sai.

Liên quan đến những phản ánh của người dân về số tiền điện tăng “đột biến”, Tập đoàn Điện lực Việt Nam [EVN] đã chỉ đạo kiểm tra và xử lý một số cá nhân sai phạm trong cách ghi số điện; đồng thời thực hiện kiểm tra độc lập hệ thống công tơ điện. Song, đây chỉ là những giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần sớm có phương án tính giá điện hợp lý; vừa bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp sản xuất điện, vừa phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người sử dụng điện năng. Đây là cách để EVN xóa bỏ những hoài nghi, tranh cãi về tiền điện mà người dân phải nộp như những gì đã diễn ra trong thời gian gần đây./.

Chủ Đề