Nghị quyết hướng dẫn luật hôn nhân gia đình 2023

Cấp dưỡng là việc người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng trong Luật Hôn nhân gia đình được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác. Đặc biệt, đối với quy định về cấp dưỡng giữa vợ chồng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện giải quyết vụ việc, do quy định này trong các văn bản pháp luật vẫn chưa cụ thể, rõ ràng.

Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng quy định theo Điều 115 Luật hôn nhân và gia đình được thực hiện trong trường hợp: “Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình”. Như vậy, khi ly hôn nếu một bên vợ hoặc chồng có khó khăn, túng thiếu, có lý do chính đáng và phải có yêu cầu cấp dưỡng thì bên còn lại có nghĩa vụ cấp dưỡng tùy thuộc vào khả năng của mình. Bên nào có yêu cầu nghĩa vụ cấp dưỡng thì bên đó có nghĩa vụ phải chứng minh được sự khó khăn, túng thiếu của mình. Tuy nhiên, Luật và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định cụ thể hướng dẫn về vấn đề này, không có tiêu chí cụ thể để xác định điều kiện khó khăn, túng thiếu và quy định lý do chính đáng. Do đó, dẫn đến việc áp dụng quy định này còn chưa thống nhất và còn phụ thuộc vào ý chí, kinh nghiệm của người tiến hành tố tụng thực hiện vụ việc đó. Do vậy, khi giải quyết các tình huống trên thực tế, người áp dụng pháp luật sẽ gặp khó khăn do thiếu căn cứ pháp lý, thiếu quy định cụ thể, nên trong nhiều trường hợp, việc yêu cầu cấp dưỡng với điều kiện khó khăn, túng thiếu tương tự nhau nhưng việc xét xử không đồng nhất.

Tương tự như quy định trên, theo Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình quy định: “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”. Tại Điều này vẫn chưa cụ thể hoá được quy định nhu cầu thiết yếu và quy định có lý do chính đáng. Và trong thực tế, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa áp dụng được quy định cấp dưỡng giữa vợ chồng sau ly hôn mà việc cấp dưỡng và mức cấp dưỡng thường do bên cấp dưỡng tự nguyện, thoả thuận cấp dưỡng cho bên có khó khăn, túng thiếu. Do đó, trong nhiều trường hợp, nếu bên cấp dưỡng không đồng ý với việc tự nguyện, thoả thuận cấp dưỡng cho bên yêu cầu khi bên yêu cầu có khó khăn, túng thiếu thì không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho bên yêu cầu có khó khăn, túng thiếu và người có nghĩa vụ cấp dưỡng có thể trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người yêu cầu khi có khó khăn, túng thiếu.

Mặt khác, trong thực tế, Luật Hôn nhân và gia đình và các văn bản liên quan cũng chưa quy định cụ thể việc cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi mối quan hệ hôn nhân đang tồn tại trong các trường hợp như: Vợ, chồng mâu thuẫn trong tình cảm sống ly thân và một bên gặp khó khăn, chỉ xin chia tài sản chung; hoàn cảnh vợ, chồng sống xa nhau mà một bên lâm vào tình trạng túng thiếu, khó khăn và bên kia có điều kiện vật chất nhưng không chu cấp. Vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng vẫn có thể phát sinh khi đang tồn tại quan hệ hôn nhân chứ không nhất thiết chỉ khi ly hôn.

Vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của một trong hai bên vợ hoặc chồng là bên bị lâm vào hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu muốn được cấp dưỡng, cần sớm hoàn thiện, bổ sung các quy định về pháp luật hôn nhân gia đình về quy định cấp dưỡng giữa vợ chồng, cụ thể như:

Thứ nhất, hướng dẫn cụ thể, đầy đủ các quy định khó khăn, túng thiếu, lý do chính đáng về điều kiện được cấp dưỡng giữa vợ chồng sau ly hôn… để thống nhất trong việc áp dụng pháp luật và thống nhất việc giải quyết trong thực tiễn xét xử, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của bên yếu thế cần được cấp dưỡng.

Thứ hai, bổ sung quy định cấp dưỡng giữa vợ, chồng khi hôn nhân đang tồn tại nhằm bảo đảm được nhu cầu sống của bên khó khăn, túng thiếu, tránh được việc trốn tránh trách nhiệm của bên còn lại, đảm bảo được quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng trong hôn nhân.

Thứ ba, bổ sung chế tài trong Dân sự, Hành chính, Hình sự về quy định cấp dưỡng giữa vợ, chồng khi mối quan hệ hôn nhân đang tồn tại, tránh việc từ chối, né tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Chủ Đề