Một quần thể gà rừng có khoảng 200 con đây là ví dụ về đặc trưng nào sau đây của quần thể

Nội dung Bài 38: Các Đặc Trưng Cơ Bản Của Quần Thể Sinh Vật [Tiếp Theo] thuộc Chương I: Cá Thể Và Quần Thể Sinh Vật môn Sinh Học Lớp 12. Giới thiệu đến các bạn khái niệm kích thước quần thể, những yếu tố ảnh hưởng tới kích thước của quần thể. Nêu được thế nào là tăng trưởng quần thể, ví dụ minh họa hai kiểu tăng trưởng quần thể. Rèn kỹ năng phân tích cho học sinh, nhận thức đúng về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Giúp các bạn hiểu rõ hơn về các biện pháp bảo vệ quần thể góp phần bảo vệ môi trường.

– Kích thước của quần thể là số lượng cá thể [hoặc khối lượng hay năng lượng tích luỹ trong các cá thể] phân bố trong khoảng không gian của quần thể. Kích thước của quần thể dao động từ giá trị tối thiểu tới giá trị tối đa:

+ Kích thước tối thiểu là số lượng cá thể ít nhất mà quần thể cần có để duy trì và phát triển.

+ Kích thước tối đa là giới hạn cuối cùng về số lượng mà quần thể có thể đạt được, phù hợp với khả năng cung cấp nguồn sống của môi trường.

– Kích thước của quần thể thay đổi, phụ thuộc vào 4 nhân tố: mức độ sinh sản, mức độ tử vong, mức độ nhập cư và xuất cư.

– Quần thể tăng trưởng theo tiềm năng sinh học [đường cong tăng trưởng hình chữ J] trong điều kiện môi trường hoàn toàn thuận lợi và tiềm năng sinh học của các cá thể cao. Trong điều kiện môi trường không hoàn toàn thuận lợi, tăng trưởng của quần thể giảm. Đường cong tăng trưởng thực tế có hình chữ S.

– Dân số thế giới tăng trưởng liên tục trong suốt quá trình phát triển lịch sử. Dân số tăng nhanh là nguyên nhân chủ yếu làm cho chất lượng môi trường giảm sút, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của con người.HocTapHay.Com

Kích thước của quần thể sinh vật là số lượng các cá thể [hoặc khối lượng hoặc năng lượng tích luỹ trong các cá thể] phân bố trong khoảng không gian của quần thể.

Mỗi quần thể sinh vật có kích thước đặc trưng. Ví dụ, quần thể voi trong rừng mưa nhiệt đới thường có kích thước khoảng 25 con/quần thể, quần thể gà rừng khoảng 200 con/quần thể, quần thể cây hoa đỗ quyên trên vùng núi Tam Đảo [Vĩnh Phúc] khoảng 150 cây/quần thể.

Kích thước quần thể dao động từ giá trị tối thiểu tới giá trị tối đa và sự dao động này là khác nhau giữa các loài.

– Kích thước tối thiểu là số lượng cá thể ít nhất mà quần thể cần có để duy trì và phát triển. Nếu kích thước quần thể xuống dưới mức tối thiểu, quần thể dễ rơi vào trạng thái suy giảm dẫn tới diệt vong. Nguyên nhân là do:

+ Số lượng cá thể trong quần thể quá ít, sự hỗ trợ giữa các cá thể bị giảm, quần thể không có khả năng chống chọi với những thay đổi của môi trường.

+ Khả năng sinh sản suy giảm do cơ hội gặp nhau của các cá thể đực với cá thể cái ít.

+ Số lượng cá thể quá ít nên sự giao phối gần thường xảy ra, đe doạ sự tồn tại của quần thể.

Ở nước ta, nhiều loài động vật do bị săn bắt quá mức, như quần thể tê giác Cát Tiên, quần thể bò xám Đông Dương,… nên quần thể khó có khả năng tự phục hồi.

– Kích thước tối đa là giới hạn lớn nhất về số lượng mà quần thể có thể đạt được, phù hợp với khả năng cung cấp nguồn sống của môi trường. Nếu kích thước quá lớn, cạnh tranh giữa các cá thể cũng như ô nhiễm, bệnh tật,… tăng cao, dẫn tới một số cá thể di cư khỏi quần thể và mức tử vong cao.

Hình 38.1. Sơ đồ mô tả hai giá trị kích thước tối thiểu và tối đa của quần thể sinh vật

Kích thước của quần thể luôn thay đổi và phụ thuộc vào 4 nhân tố: mức độ sinh sản, mức độ tử vong, mức độ nhập cư và xuất cư của các cá thể [Hình 38.2].

Hình 38.2. Các nhân tố ảnh hưởng tới kích thước của quần thể

a. Mức độ sinh sản của quần thể sinh vật

Mức độ sinh sản là số lượng cá thể của quần thể được sinh ra trong một đơn vị thời gian.

Mức độ sinh sản phụ thuộc vào số lượng trứng [hay con non] của một lứa đẻ, số lứa đẻ của một cá thể cái trong đời, tuổi trưởng thành sinh dục của cá thể,… và tỉ lệ đực/cái của quần thể.

Khi thiếu thức ăn, nơi ở hoặc điều kiện khí hậu không thuận lợi, mức sinh sản của quần thể thường bị giảm sút.

b. Mức độ tử vong của quần thể sinh vật

Mức độ tử vong là số lượng cá thể của quần thể bị chết trong một đơn vị thời gian.

Mức độ tử vong của quần thể phụ thuộc vào trạng thái của quần thể và các điều kiện sống của môi trường như sự biến đổi bất thường của khí hậu, bệnh tật, lượng thức ăn có trong môi trường, số lượng kẻ thù,… và mức độ khai thác của con người.

c. Phát tán cá thể của quần thể sinh vật

Phát tán là sự xuất cư và nhập cư của các cá thể. Xuất cư là hiện tượng một số cá thể rời bỏ quần thể của mình chuyển sang sống ở quần thể bên cạnh hoặc đi chuyển đến nơi ở mới. Nhập cư là hiện tượng một số cá thể nằm ngoài quần thể chuyển tới sống trong quần thể.

Ở những quần thể có điều kiện sống thuận lợi, nguồn thức ăn dồi dào,… hiện tượng xuất cư thường diễn ra ít và nhập cư không gây ảnh hưởng rõ rệt tới quần thể. Mức độ xuất cư tăng cao khi quần thể đã cạn kiệt nguồn sống, nơi ở chật chội, sự cạnh tranh giữa các cá thể trong quần thể trở nên gay gắt.

– Quần thể tăng trưởng theo tiềm năng sinh học trong điều kiện môi trường không bị giới hạn:

Về phương diện lí thuyết, nếu nguồn sống của môi trường rất dồi dào và hoàn toàn thoả mãn nhu cầu của các cá thể, không gian cư trú của quần thể không giới hạn, mọi điều kiện ngoại cảnh và khả năng sinh học của các cá thể đều thuận lợi cho sự sinh sản của quần thể thì quần thể tăng trưởng theo tiềm năng sinh học [đường cong tăng trưởng có hình chữ J].

– Quần thể tăng trưởng trong điều kiện môi trường bị giới hạn:

Trong thực tế, tăng trưởng của quần thể thường bị giới hạn bởi nhiều nguyên nhân như: điều kiện sống không hoàn toàn thuận lợi, hạn chế về khả năng sinh sản của loài, sự biến động số lượng cá thể do xuất cư theo mùa,…

Đường cong tăng trưởng thực tế có hình chữ S.

Hình 38.3. Đường cong tăng trưởng của quần thể sinh vật; a. Tăng trưởng theo tiềm năng sinh học của quần thể; b. Tăng trưởng thực tế của quần thể

Câu hỏi 1 bài 38 trang 168 SGK sinh học lớp 12: Hãy nêu nguyên nhân vì sao số lượng cá thể của quần thể sinh vật luôn thay đổi và nhiều quần thể sinh vật không tăng trưởng theo tiềm năng sinh học.

Giải: Trong môi trường bị giới hạn, các yếu tố của môi trường luôn thay đổi. Sinh sản không phải luôn thuận lợi.

Về lí thuyết, nếu nguồn sống của môi trường rất dồi dào và hoàn toàn thỏa mãn nhu cầu của các cá thể, không gian cư trú của quần thể không bị giới hạn, mọi điều kiện ngoại cảnh và khả năng sinh học của các cá thể đều thuận lợi cho sự sinh sản của quần thể thì quần thể tăng trưởng theo tiềm năng sinh học [đường cong tăng trưởng có hình chữ J].

Tuy nhiên, trên thực tế tăng trưởng của quần thể bị giới hạn do các nguyên nhân: Điều kiện sống không hoàn toàn thuận lợi, hạn chế về khả năng sinh sản của loài, sự biến động số lượng cá thể do xuất cư.

Tăng trưởng dân số trên thế giới trong suốt quá trình phát triển lịch sử là một ví dụ về tăng trưởng rất nhanh của quần thể [hình 38.4]. Trong 200 năm qua, dân số thế giới đạt được mức tăng trưởng cao chính là nhờ những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế – xã hội, chất lượng cuộc sống con người ngày càng được cải thiện, mức độ tử vong giảm và tuổi thọ ngày càng được nâng cao.

Dân số của Việt Nam cũng tăng với tốc độ khá nhanh, chỉ trong vòng 57 năm dân số đã tăng từ 18 triệu [năm 1945] lên hơn 82 triệu [năm 2004], tức tăng gấp 4,5 lần.

Sự tăng dân số quá nhanh và phân bố dân cư không hợp lí là nguyên nhân chủ yếu làm cho chất lượng môi trường giảm sút, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của con người.

Hình 38.4. Đồ thị tăng trưởng dân số thế giới

[B.C: thời gian trước công nguyên; AD: Thời gian sau công nguyên]

Câu hỏi 2 bài 38 trang 169 SGK sinh học lớp 12: Quan sát hình 38.4 và trả lời các câu hỏi sau:

– Dân số thế giới đã tăng trưởng với tốc độ như thế nào? Tăng mạnh vào thời gian nào?

– Nhờ những thành tựu nào mà con người đã đạt được mức độ tăng trưởng đó?

Giải:

– Nhìn chung dân số thế giới tăng lên không ngừng, tăng mạnh nhất vào thời hiện đại từ khoảng 1000 năm sau công nguyên ⟶ 2000 năm sau công nguyên.

– Nhờ thành công trong các cuộc cách mạng công nghiệp, khoa học kỹ thuật, y học… chất lượng cuộc sống con người ngày càng được cải thiện, mức độ tử vong giảm và tuổi thọ ngày càng được nâng cao → dân số gia tăng không ngừng.

Hướng dẫn giải bài tập SGK Bài 38: Các Đặc Trưng Cơ Bản Của Quần Thể Sinh Vật [Tiếp Theo] thuộc Chương I: Cá Thể Và Quần Thể Sinh Vật môn Sinh Học Lớp 12. Các bài giải có kèm theo phương pháp giải và cách giải khác nhau.

Hãy giải thích các khái niệm sau: mức độ sinh sản, mức độ tử vong, mức độ xuất cư, mức độ nhập cư.

Một quần thể có kích thước ổn định thì 4 nhân tố là mức độ sinh sản, mức độ tử vong, mức độ xuất cư và mức độ nhập cư có quan hệ với nhau như thế nào?

Tăng trưởng theo tiềm năng sinh học của quần thể khác với tăng trưởng thực tế như thế nào?

Mức độ sinh sản, mức độ tử vong, mức độ xuất cư và nhập cư của quần thể người có ảnh hưởng như thế nào tới tăng dân số? Lấy ví dụ của Việt Nam để minh họa.

Hậu quả của tăng dân số quá nhanh là gì? Chúng ta cần làm gì để khắc phục hậu quả đó?

1. VÌ SAO CÓ NGÀY DÂN SỐ THẾ GIỚI?

Ngày 11 – 7 – 1987 là ngày em bé thứ 5 tỉ trên Trái Đất chào đời. Để kỉ niệm sự kiện này, năm 1990, Hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 11 – 7 hằng năm là ngày Dân số Thế giới, hi vọng để nhân dân các nước trên toàn thế giới quan tâm nhiều hơn nữa tới vấn đề dân số, đồng thời tích cực tìm các biện pháp để hạn chế sự gia tăng dân số trên Trái Đất.

2. QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM VỀ CÔNG TÁC DÂN SỐ

Công dân Việt Nam có quyền: được cung cấp thông tin về dân số; được cung cấp các dịch vụ dân số có chất lượng, thuận tiện, an toàn và được giữ bí mật theo quy định của pháp luật; được lựa chọn các biện pháp chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình và nâng cao chất lượng dân số; được lựa chọn nơi cư trú phù hợp với quy định của pháp luật.

Công dân Việt Nam có nghĩa vụ: thực hiện kế hoạch hoá gia đình, xây dựng quy mô gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững; thực hiện các biện pháp phù hợp để nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần của bản thân và các thành viên trong gia đình; tôn trọng lợi ích của Nhà nước, xã hội, cộng đồng trong việc điều chỉnh quy mô dân số, Cơ cấu dân số, phân bố dân cư, nâng cao chất lượng dân số; thực hiện các quy định của Pháp lệnh dân số và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến công tác dân số.

Lý thuyết Bài 38: Các đặc trưng cơ bản của quần thể sinh vật [tiếp theo] Sách giáo khoa Sinh học 12 ngắn gọn, đầy đủ, dễ hiểu có sơ đồ tư duy.

– Kích thước của quần thể sinh vật là số lượng cá thể đặc trưng [hoặc sản lượng hay năng lượng tích lũy trong các cá thể] phân bố trong khoảng không gian của quần thể.

– Kích thước tối thiểu là số lượng cá thể ít nhất mà quần thể cần có để duy trì và phát triển. Nếu kích thứơc quần thể xuống dưới mức tối thiểu, quần thể dễ rơi vào trạng thái suy giảm dẫn tới diệt vong.

– Kích thước tối đa là giới hạn cuối cùng về số lượng mà quần thể có thể đạt được, phù hợp với khả năng cung cấp nguồn sống của môi trường.

Kích thước quần thể phụ thuộc vào sức sinh sản, mức độ tử vong, sự phát tán cá thể [xuất cư, nhập cư] của quần thể sinh vật.

a. Mức độ sinh sản của quần thể sinh vật

– Mức sinh sản của quần thể là số lượng cá thể của quần thể được sinh ra trong 1 đơn vị thời gian

– Mức sinh sản phụ thuộc vào:

+ Số lượng trứng [hay con non]/lứa đẻ; số lứa đẻ của một cá thể trong đời.

+ Tuổi trưởng thành sinh dực của cá thể, …

+ Tỉ lệ đực/cái của quần thể

– Mức sinh sản của quần thể thường bị giảm sút khi thiếu thức ăn, nơi ở hoặc điều kiện khí hậu không thuận lợi.

b. Mức tử vong của quần thể sinh vật

– Mức độ tử vong là số lượng cá thể của quần thể bị chết trong 1 đơn vị thời gian

– Mức độ tử vong phụ thuộc vào:

+ Trạng thái của quần thể

+ Các điều kiện sống của môi trường: biến đổi bất thường của khí hậu, bệnh tật, lượng thức ăn, kẻ thù, …

+ Mức độ khai thác của con người

c. Phát tán cá thể của quần thể sinh vật

– Phát tán là sự xuất cư và nhập cư của các cá thể

– Nhập cư là hiện tượng 1 số cá thể nằm ngoài quần thể chuyển tới sống trong quần thể

– Xuất cư là hiện tượng 1 số cá thể rời bỏ quần thể mình sang nơi sống mới

– Mức độ xuất cư tăng cao khi quần thể đã cạn kiệt nguồn sống, nơi ở chật chội, cạnh tranh gay gắt trong quần thể.

Quần thể tăng trưởng theo tiềm năng sinh học Quần thể tăng trưởng thực tế
– Điều kiện môi trường không bị giới hạn, hoàn toàn thuận lợi.

– Mức sinh sản của quần thể là tối đa, còn tử vong là tối thiểu do đó sự tăng trưởng tối đa.

– Đường cong tăng trưởng hình chữ J.

Được viết dưới dạng: \[\]\[\frac{ΔN}{Δt} = [b – d]\] hay \[\frac{ΔN}{Δt} = r.N\]

Trong đó:

  • ΔN: là mức tăng trưởng
  • N: số lượng của quần thể
  • Δt: khoảng thời gian
  • r: hệ số hay tốc độ tăng trưởng
– Điều kiện môi trường bị giới hạn, không hoàn toàn thuận lợi.

– Quần thể đạt số lượng tối đa, cân bằng với sức chịu đựng của môi trường.

– Đường cong tăng trưởng hình chữ S.

Được viết dưới dạng: \[\frac{ΔN}{Δt} = r.N[\frac{K – N}{K}]\]

Sự tăng trưởng kích thước quần thể trong môi trường lí tưởng
Sự tăng trưởng kích thước quần thể trong môi trường bị giới hạn

– Dân số thế giới tăng trưởng liên tục trong suốt quá trình phát triển lịch sử.

– Dân số tăng nhanh là nguyên nhân chủ yếu làm cho chất lượng môi trường giảm sút, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con người.

Câu 1: Kích thước của quần thể sinh vật là:

A. số lượng các cá thể [hoặc khối lượng hoặc năng lượng tích lũy trong các cá thể] phân bố trong khoảng không gian của quần thể.

B. số lượng cá thể phân bố trong khoảng không gian của quần thể

C. số lượng cá thể nhiều nhất mà quần thể có thể đạt được, phù hợp với khả năng cung cấp nguồn sống của môi trường.

D. số lượng cá thể trên một đơn vị diện tích hay thể tích của quần thể.

Câu 2: Độ dốc của đường cong tăng trưởng quần thể bắt đầu giảm khi:

A. điều kiện môi trường lí tưởng

B. sự tăng trưởng quần thể đạt mức tối đa.

C. quần thể chịu tác động của giới hạn môi trường.

D. số lượng cá thể trong quần thể [N] là 50% so với số lượng tối đa của quần thể.

Câu 3: Quần thể sinh vật tăng trưởng theo tiềm năng sinh học trong điều kiện nào sau đây?

A. Nguồn sống trong môi trường không hoàn toàn thuận lợi, gây nên sự xuất cư theo mùa.

B. Nguồn sống trong môi trường rất dồi dào, hoàn toàn thỏa mãn nhu cầu của các cá thể.

C. Nguồn sống trong môi trường không thuận lợi, hạn chế về khả năng sinh sản của loài.

D. Không gian cư trú của quần thể bị giới hạn, gây nên sự biến động số lượng cá thể.

Câu 4: Điều nào sau đây không đúng khi nói về sự tăng trưởng của quần thể sinh vật?

A. Trong điều kiện môi trường bị giới hạn, đường cong tăng trưởng của quần thể có hình chữ S

B. Trong điều kiện môi trường không bị giới hạn, đường cong tăng trưởng của quần thể có hình chữ J

C. Trong điều kiện môi trường bị giới hạn, quần thể tăng theo tìm năng sinh học

D. Kích thước quần thể tăng trưởng theo đường cong chữ S hay hình chữ J là tùy thuộc vào điều kiện môi trường sống.

Câu 5: Trong tự nhiên, sự tăng trưởng kích thước quần thể chủ yếu là do:

A. mức sinh sản và tử vong.

B. sự xuất cư và nhập cư.

C. mức tử vong vong và xuất cư.

D. mức sinh sản và nhập cư.

Câu 6: Các cực trị của kích thước quần thể là:

1. kích thước tối thiểu

2. kích thước tối đa

3. kích thước trung bình

4. kích thước vừa phải

A. 1, 2, 3

B. 1, 2

C. 2, 3, 4

D. 3, 4

Câu 7: Kích thước của quần thể thay đổi và dao động từ giá trị tối thiểu đến giá trị tối đa. Sự dao động này luôn diễn ra, nó phụ thuộc vào các nhân tố:

A. nhu cầu sống của quần thể, mật độ cá thể.

B. khả năng cung cấp nguồn sống của môi trường, điều kiện khí hậu.

C. mức độ sinh sản, mức độ tử vong, mức độ nhập cư và xuất cư.

D. một phần cá thể bị chết do dịch bệnh.

Câu 8: Kích thước tối thiểu của quần thể là?

A. Giới hạn về số lượng cá thể mà quần thể có thể đạt được, phù hợp với khả năng cung cấp nguồn sống từ môi trường.

B. Số lượng cá thể ít nhất mà quần thể cần có để duy trì và phát triển.

C. Khoảng không gian nhỏ nhất mà quần thể cần có để duy trì và phát triển.

D. Số lượng cá thể [hoặc khối lượng, hoặc năng lượng tích luỹ trong các cá thể] phân bố trong khoảng không gian của quần thể.

Câu 9: Nếu kích thước quần thể vượt kích thước tối đa thì có thể dẫn tới:

A. một số cá thể di cư ra khỏi quần thể, mức tử vong cao.

B. phần lớn các cá thể bị chết do cạnh tranh gay gắt.

C. quần thể bị phân chia thành hai.

D. một phần cá thể bị chết do dịch bệnh.

Câu 10: Phát biểu nào sau đây là đúng về sự tăng trưởng của quần thể sinh vật?

A. Khi môi trường không bị giới hạn, mức sinh sản của quần thể luôn nhỏ hơn mức tử vong.

B. Khi môi trường bị giới hạn, mức sinh sản của quần thể luôn lớn hơn mức tử vong

C. Khi môi trường không bị giới hạn, mức sinh sản của quần thể là tối đa, mức tử vong là tối thiểu.

D. Khi môi trường bị giới hạn, mức sinh sản của quần thể luôn tối đa, mức tử vong luôn tối thiểu.

Câu 11: Việc điều chỉnh cơ cấu dân số nhằm bảo đảm:

A. tính chất hợp lý về giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn.

B. mức sinh sản góp phần bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

C. việc bảo vệ sức khỏe, nâng cao dân trí.

D. bảo đảm chất lượng dân số.

Câu 12: Mức độ sinh sản của quần thể phụ thuộc vào các yếu tố:

A. số lượng trứng trên lứa đẻ; Số lứa đẻ của con cái; Dịch bệnh; Thức ăn có trong môi trường.

B. số lượng trứng trên lứa đẻ; Số lứa đẻ của con cái; Dịch bệnh; Mức độ khai thác của con người.

C. tỉ lệ đực cái; Số lượng trứng trên lứa đẻ; Số lứa đẻ của con cái; Tuổi trưởng thành của cá thể.

D. tỉ lệ đực cái; Số lượng trứng trên lứa đẻ; Dịch bệnh; Mức độ khai thác của con người.

Câu 13: Ở môi trường không thuận lợi, khả năng sinh sản bị hạn chế, số lượng cá thể trong quần thể biến động theo mùa sẽ:

A. tăng theo tiềm năng sinh học.

B. có đường cong tăng trưởng hình chữ S.

C. quần thể không tăng trưởng theo tiềm năng sinh học.

D. có đường cong tăng trưởng hình chữ J.

Câu 14: Mức độ tử vong của quần thể phụ thuộc vào yếu tố:

A. dịch bệnh; Số lượng trứng trên lứa đẻ; Số lứa đẻ của con cái.

B. dịch bệnh; Số lượng trứng trên lứa đẻ; Tuổi trưởng thành của cá thể.

C. dịch bệnh; Số lượng trứng trên lứa đẻ; Thức ăn có trong môi trường.

D. thức ăn có trong môi trường; Dịch bệnh; Mức độ khai thác của môi trường.

Câu 15: Để hạn chế sự gia tăng dân số quá mức cần thực hiện biện pháp là:

A. tuyên truyền giáo dục dân số.

B. thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

C. đều chỉnh cơ cấu dân số, phân bố dân cư hợp lý.

D. tất cả các biện pháp trên.

Ở trên là nội dung Bài 38: Các Đặc Trưng Cơ Bản Của Quần Thể Sinh Vật [Tiếp Theo] thuộc Chương I: Cá Thể Và Quần Thể Sinh Vật môn Sinh Học Lớp 12. Trong bài học này, các bạn sẽ được học các kiến thức như: kích thước của quần thể sinh vật, phân loại, sức sinh sản của quần thể sinh vật, mức độ tử vong của quần thể sinh vật, phát tán cá thể của quần thể sinh vật, tăng trưởng của quần thể sinh vật, tăng trưởng của quần thể người. Chúc các bạn học tốt Sinh Học Lớp 12.

Bài Tập Liên Quan:

Video liên quan

Chủ Đề