Luật biển việt nam có hiệu lực từ năm nào năm 2024

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm có PGS.TS Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, Ủy viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2027; Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, là người đầu tiên ở Châu Á dịch Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc; PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Cùng các chuyên gia tham vấn: Đại sứ Đặng Đình Quý, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyên Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc; GS Carl Thayer, nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về UNCLOS 1982 cũng như Luật biển quốc tế, thuộc Đại học New South Wales, Australia.

Tại Tọa đàm, các đại biểu tập trung trao đổi và thảo luận về các nội dung chính: 40 năm thực hiện UNCLOS - Hiến chương Liên Hợp Quốc về luật biển; 10 năm Luật Biển Việt Nam; Việt Nam - Giàu từ biển và mạnh lên từ biển.

40 năm thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển [UNCLOS] và quá trình Việt Nam tham gia thực hiện UNCLOS

Nhận định về giá trị pháp lý của UNCLOS, các đại biểu cho biết, ngày 10/12/1982 đánh dấu một sự kiện pháp lý quan trọng trong quá trình phát triển của luật pháp quốc tế - Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển [UNCLOS]. Đây được coi như bản Hiến pháp của biến và đại dương. Sự ra đời của UNCLOS đã chấm dứt một thời gian dài các mâu thuẫn, tranh cãi và căng thẳng, thậm chí hỗn loạn trên các đại dương và vùng biển trên thế giới. Kể từ đó, các quy định của luật biển quốc tế không chỉ bao gồm UNCLOS, mà còn xoay quanh UNCLOS. Mọi sự phát triển hay diễn giải luật biển đều phải lấy UNCLOS làm trung tâm và không được trái với các quy định của Công ước. Trong 4 thập niên qua, các nước trên thế giới, ngay cả chưa phê duyệt UNCLOS 1982, đã luôn viện dẫn Công ước này khi giải quyết tranh chấp trên biển. Sự ra đời của UNCLOS đã giúp các quốc gia phân định, quản lý biển hiệu quả.

Các đại biểu khẳng định, sau 4 thập kỷ ra đời, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 [UNCLOS 1982] vẫn còn nguyên giá trị pháp lý. Đến nay, đã có 167 quốc gia tham gia công ước, trong đó có 164 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc. UNCLOS 1982 đã thể hiện vai trò như một bản Hiến pháp của đại dương trong việc điều chỉnh quy chế pháp lý các vùng biển cũng như đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các quốc gia trong khai thác và sử dụng biển, đáp ứng sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế về việc thiết lập một trật tự pháp lý mới trên biển, đồng thời, dung hòa được quyền và lợi ích giữa các quốc gia.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, Ủy viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2027 khẳng định, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 [UNCLOS 1982] đến nay vẫn còn nguyên giá trị pháp lý sau 4 thập kỷ ra đời.

Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng trao đổi về quá trình Việt Nam tham gia thực hiện UNCLOS. Các đại biểu khẳng định, đối với Việt Nam, một quốc gia nằm bên bờ tây biển Đông, nơi biển có một ý nghĩa đặc biệt trên nhiều phương diện, do vậy UNCLOS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. UNCLOS là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng cho Việt Nam trong việc xác lập cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phù hợp với quy định của luật quốc tế. Việt Nam đang là một trong những nước trong khu vực đi tiên phong trong việc triển khai thực thi nghiêm túc và hiệu quả nội dung của UNCLOS.

Không chỉ dừng lại ở đó, tại Phiên họp toàn thể kỷ niệm 40 năm ngày thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76, Việt Nam đã phát biểu đại diện cho 12 nước thành viên sáng lập Nhóm bạn bè của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cam kết thúc đẩy việc thực hiện và tuân thủ công ước. Nhóm bạn bè của UNCLOS được thành lập tháng 6/2021 là nhóm đầu tiên do Việt Nam khởi xướng, đồng chủ trì vận động thành lập và tham gia nhóm nòng cốt điều phối các hoạt động.Thành viên của Nhóm có gần 120 nước, gồm đại diện cho tất cả các khu vực địa lý, trong đó có 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

PGS.TS Đặng Đình Quý - Nguyên Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cho biết, rất nhiều nước coi đây là Hiến chương quan trọng thứ nhì sau Hiến chương của Liên Hợp Quốc, nhưng trên thực tế, có rất nhiều nước vi phạm hoặc diễn giải Luật Biển theo cách của mình mà không nghĩ đến lợi ích của nước khác. Cho nên khi Việt Nam đưa ra ý tưởng thành lập nhóm bạn bè UNCLOS để tăng cường nhận thức chung, để xây dựng sự đồng thuận về thượng tôn pháp luật, thượng tôn UNCLOS trong giữ gìn hòa bình an ninh quốc tế trên biển thì được rất nhiều nước ủng hộ. Đây là cơ chế rất tốt để vì các lợi ích chung và cũng vì lợi ích của riêng Việt Nam, trong việc thượng tôn pháp luật, thượng tôn UNCLOS trên biển, trong đó có biển Đông của chúng ta.

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đứng trước nhiều thách thức chung về biển và đại dương, Phó Giáo sư Đặng Đình Quý - Nguyên Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định, hơn bao giờ hết, cộng đồng quốc tế cần vững vàng trong việc duy trì quy định pháp lý trên các đại dương như UNCLOS đã thiết lập. Các quốc gia đều phải tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý theo Công ước.

UNCLOS 1982 là một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất của Thế kỷ XX, đã góp phần vào việc điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia trên biển, tạo cơ sở pháp lý chung để các quốc gia khai thác, sử dụng công bằng, có hiệu quả và giải quyết tranh chấp tại mọi vùng biển và đại dương. Là thành viên của UNCLOS 1982, Việt Nam được quyền có lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý. Việt Nam cũng có những nghĩa vụ đối với các quốc gia khác tại các vùng biển thuộc quyền tài phán của mình. Để thể hiện trách nhiệm và thiện chí của một quốc gia thành viên của UNCLOS 1982, trong những năm qua, Việt Nam thực thi đầy đủ các quy định của Công ước, tiến hành sửa đổi, ban hành mới pháp luật Việt Nam phù hợp với các quy định của Công ước, trong đó có một đạo luật vô cùng quan trọng - Luật biển Việt Nam.

10 năm Luật Biển Việt Nam

Thảo luận xoay quanh nội dung 10 năm Luật Biển Việt Nam, các đại biểu nêu rõ, ngày 21/6/2012, Luật Biển Việt Nam đã được 495/496 đại biểu nhất trí thông qua. Đạo luật này là kết quả tất yếu của quy trình nội luật hóa UNCLOS1982 mà Việt Nam là một thành viên chính thức kể từ năm 1994. Những quy đinh của Luật Biển Việt Nam 2012 hoàn toàn phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và được xây dựng trên cở sở tiếp thu, bổ sung các quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật dưới luật đã được Chính phủ Việt Nam công bố như Tuyên bố của Chính phủ về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam năm 1977.

Luật Biển Việt Nam năm 2012 gồm 7 Chương, 55 Điều. Theo quy định của Luật, các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam được xác lập, hoạch định theo đúng quy định của UNCLOS 1982 và được bảo vệ, quản lý tuỳ theo quy chế pháp lý của từng vùng biển đó, theo cơ chế đa ngành,vừa thực hiện bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyề tài phán quốc gia; vừa phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội; các nội dung quản lý nhà nước về biển và kinh tế biển thuộc phạm vi chức năng của nhiều bộ, ngành khác nhau, trách nhiệm quản lý thống nhất, điều hành chung trong lĩnh vực này là của Chính phủ.

Luật Biển Việt Nam đã thống nhất quản lý việc hoạch định, sử dụng, thăm dò, khai thác, bảo quản các vùng biển, thềm lục địa và hải đảo của Việt Nam, cũng như việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Luật Biển Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.

Luật Biển Việt Nam năm 2012 đã dành hẳn một chương đề cập đến việc phát triển kinh tế biển đảo. Chính từ đây, các chính sách pháp luật để phát triển kinh tế biển đảo cũng ra đời theo, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các đảo. Đảo Phú Quốc là một thí dụ điển hình, từ một huyện đảo xa xôi ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, qua 10 năm, Phú Quốc đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ của Phú Quốc một phần cũng nhờ sự ra đời của Luật Biển Việt Nam. Tại chương 4 của Luật, có rất nhiều quy định thúc đẩy sự phát triển kinh tế và du dịch trên các đảo. Đặc biệt tại khoản 2, điều 46, Luật nêu rất rõ “Nhà nước khuyến khích, ưu đãi về thuế, vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác tiềm năng và thế mạnh phát triển trên các đảo”. Phú Quốc đang từng bước trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đẳng cấp thế giới. Hiện Phú Quốc còn hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm bảo tồn sự đa dạng sinh học rừng và biển, trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành và trung tâm tài chính mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Qua đó, các đại biểu khẳng định, những hiệu quả mà Luật Biển mang lại. Thực hiện Luật Biển Việt Nam là bước đi cần thiết phục vụ quá trình tiến ra biển, là công cụ để thực hiện chính sách biển trong tình hình mới nhằm mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh các những thành tựu đạt được trong thực hiện Luật Biển Việt Nam, các đại biểu đã chỉ rõ một số tồn tại, trong đó có câu chuyện thời sự IUU. Ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu [EC] đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định [Khai thác IUU]. Với nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, các Bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương, sau hơn 4 năm, công tác chống khai thác IUU đã đạt một số kết quả quan trọng như hệ thống pháp luật về thủy sản từng bước hoàn thiện, tàu cá vi phạm vùng biển các nước đã giảm so với các năm trước.

Việt Nam - Giàu từ biển và mạnh lên từ biển

Bàn luận về “Việt Nam - Giàu từ biển và mạnh lên từ biển”, các đại biểu khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng vai trò của biển; các chủ trương, chính sách lớn về biển và phát triển bền vững kinh tế biển đã được Trung ương xem xét, ban hành để kiến tạo môi trường chính sách, pháp lý, tạo điều kiện cho nền kinh tế biển bền vững. Là một quốc gia biển, Việt Nam tiếp tục khẳng định mạnh mẽ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển thành ngành mũi nhọn.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam thảo luận xoay quanh 10 năm Luật Biển Việt Nam được Quốc hội thông qua và ban hành.

Thế kỷ XXI được coi là “Thế kỷ của đại dương,” các quốc gia có biển đều rất quan tâm đến biển và coi trọng việc xây dựng chiến lược biển. Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á, có trên 3.000 km bờ biển, vùng đặc quyền kinh tế giàu tài nguyên rộng hơn 1 triệu km2 đã đặt ra mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2020 trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển. Trong 10 năm qua, các ngành kinh tế biển của Việt Nam, vận tải biển và dịch vụ cảng biển, Khai thác hải sản, Nuôi trồng thuỷ sản trên biển, Khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển khác, Dịch vụ và Du lịch biển, Kinh tế đảo… đều đã có bước phát triển.

Các đại biểu nêu rõ, thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ-TW, ngày 22/10/2018 của về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm đưa nền kinh tế biển Việt Nam phát triển xứng tầm với tiềm năng và vị thế của biển Việt Nam trên trường quốc tế.

Nghị quyết đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế biển, để đến năm 2045 “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.”

Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra 05 chủ trương lớn; 03 khâu đột phá và 07 nhóm giải pháp nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Nghị quyết chính là cơ sở quan trọng để các địa phương ven biển lãnh đạo, chỉ đạo phát triển bền vững kinh tế biển hiệu quả hơn, đồng bộ hơn.

Các đại biểu nhấn mạnh, trong giai đoạn mới, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức về biển trong vận mệnh phát triển quốc gia, dân tộc, luôn nhất quán trong vấn đề bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nhưng không quên thực hiện những sách lược, giải pháp quản lý và sử dụng tài nguyên biển, đảo - tài sản thiêng liêng mà cha ông để lại - sao cho có hiệu quả, bền vững, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ-TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu biển đảo quê hương của mọi người dân, tạo sức mạnh nội sinh, động lực bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước thực sự giàu về biển và mạnh lên từ biển./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Tiến sỹ Trần Công Trục - Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ cho biết, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 [UNCLOS] được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Chủ Đề