Hướng dẫn làm chậu gỗ trồng lan năm 2024

- Chậu đất nung: Là loại chậu được ưu tiên để trồng lan từ rất lâu rồi, ưu điểm là nhìn đẹp, quá bền với thời tiết [nếu không làm rơi, đời bạn trồng rồi có kế thừa lại cho con cháu dùng tiếp cũng được], có nhiều lỗ rất thoáng khí, đa dạng mẫu mã [tròn, vuông, bán nguyệt để ốp tường...] nhưng tôi thấy chậu tròn vẫn đẹp nhất, dùng chậu đất nung này trồng lan trong vườn ẩm sau lên rêu rất đẹp mà lại còn góp phần giữ ẩm cho lan luôn, sờ vào chậu đã thấy mát. Nhược điểm là hơi nặng, vận chuyển khi mua bán phải cẩn thận vì dễ vỡ, giá cả thì đắt hơn chậu nhựa cùng cỡ nhưng rẻ hơn chậu gỗ. Bạn nào không kinh doanh mà chỉ chơi lan, trồng để ngắm thư giãn, đất vườn cố định, giàn thép chắc chắn thì nên dùng loại này, đẹp và bền.

- Chậu nhựa: Là loại chậu được dùng nhiều nhất khi trồng lan. Ưu điểm chậu cũng có nhiều lỗ, thoáng khí, kiểu dáng thì tôi hay thấy dạng tròn và màu đen, độ bền tương đối dài thoải mái trồng [đồ nhựa thì kị nắng chứ không sợ mưa nhưng có lưới che nên khoản nắng nhẹ không lo], ưu điểm lớn nhất là rất nhẹ và rẻ nhất [mua lẻ cỡ khoảng 3.500đ/cái Ø 16 cm, 4.500đ/cái Ø 18 cm], vận chuyển xê dịch thoải mái khó vỡ, thậm chí sập giàn thì cây bay đằng cây chậu bay đằng chậu nhưng không sao, mất công trồng lại thôi. Nhược điểm là nhìn không đẹp như chậu đất nung và chậu gỗ, đa số là màu đen [chi phí sản xuất rẻ hơn chạu màu hoặc trắng] và các chi tiết chậu không được tinh xảo .

- Chậu gỗ: Loại này ít được dùng hơn hai loại trên nhưng về ngoại hình thì đẹp nhất, sang chảnh nhất, tính thẩm mỹ cao, trồng lan vào nâng tầm giá trị của cả giò. Thường dùng loại gỗ chịu nước tốt như gỗ Sao thì bền, còn nếu bạn nào khéo tay có thể tự khoan, chế tác các mẫu đơn giản nhưng làm bằng gỗ không có tính chịu nước tốt thì không bền, các thanh gỗ bé, mỏng nên nước ngấm làm mục nhanh hơn là khúc to, không để ý tụt đít chậu. Nhược điểm là giá hơi cao so với chậu đất, chậu nhựa, nặng. Bạn nào có điều kiện kinh tế, trồng lan làm cảnh là chủ yếu, chú trọng thẩm mỹ, giàn đã hàn chắc chắn thì nên dùng loại này.

Một trong nhiều kiểu chậu gỗ, nhiều loại đẹp hơn nữa

- Chậu dớn: Đây cũng là loại chậu rất tốt để trồng lan, tôi thấy các bạn vùng Tây Bắc thường dùng vì sẵn tìm. Loại này theo cá nhân tôi đánh giá thì nhìn không đẹp lắm, nó cứ tù tù thế nào, tuy nhiên lại thuận tiện nhất khi trồng lan, chỉ việc đặt cây vào lòng chậu, buộc dây cố định các thân/giả hành với dây treo, độ bền cũng cao thoải mái yên tâm trồng. Chậu này giữ ẩm tốt mà lại thoáng. Giá đắt hơn chậu đất nung.

- Quả dừa khô: Tôi thì không dùng dừa khô làm chậu do chỗ tôi sống không kiếm được dừa khô, vả lại quả dừa tươi ăn xong phải phơi khô, khoan thêm lỗ, ngâm nước lã, vớt lên rồi lại ngâm tiếp vài lần cho hết chát tôi thấy hơi lích kích mất thời gian. Độ bền cũng không cao lắm cỡ 3 năm đổ lại là mục. Tuy nhiên bạn nào ở khu vực dễ kiếm thì có thể đi xin, nhặt về tự làm, không mất tiền chỉ mất công và thời gian thôi, ghép lan lên nhìn cũng tự nhiên và lan phát triển tốt.

2. Các loại giá thể

Ở đây tôi chỉ nói về hai loại phổ biến nhất, đó là than củi và vỏ thông, còn xơ dừa tôi không dùng làm giá thể chính, chỉ khi nào mua được ít xơ dừa miếng bán sẵn thì tôi có trộn một chút vào giá thể chính là than hoặc vỏ thông thôi, dùng toàn xơ dừa trồng lan rừng tôi thấy ẩm lâu quá.

- Than: Từ lâu người ta đã dùng than củi để trồng lan, các loại than đốt từ gỗ nặng, chắc thì chất lượng tốt hơn đốt từ gỗ tạp. Dễ kiếm ở miền núi còn về thành phố tìm mua hơi khó vì ít ai dùng than củi để đun nấu, nhược điểm là trồng lâu ngày có đọng muối làm cây bị khô đầu lá nên 2-3 tháng nên ngâm cả chậu vào thùng nước cho hết mặn. Tính giữ nước kém hơn vỏ thông. Ưu điểm là bền, ít sên.

- Vỏ thông: Đây là loại giá thể rất tốt để trồng lan, nhiều nước họ cũng dùng cái này. Ưu điểm nhẹ, khá bền, ít nấm mốc, sạch sẽ, giữ ẩm vừa phải, trong quá trình phân hủy dần thì cũng góp phần cung cấp dinh dưỡng cho lan tuy không nhiều, dễ kiếm ở vùng đồi núi, dễ mua ở thành phố.

3. Quá trình trồng hoa lan vào chậu: Sau đây tôi xin chia sẻ cách trồng lan chậu của tôi, các bạn mới trồng có thể cứ làm theo, sau một thời gian theo dõi sự phát triển của cây các bạn sẽ rút ra được kinh nghiệm và điều chỉnh phù hợp cho các bạn:

Vì muốn nhẹ giàn và rẻ, tôi chọn chậu nhựa đen. Giá thể tôi chọn vỏ thông vì tôi có thể lên đồi gần nhà bóc vỏ thông dễ dàng còn than thì phải mua tốn tiền hơn. Nếu các bạn dùng chậu loại khác và giá thể than củi cũng làm tương tự thôi, có thể trộn lẫn vỏ thông với than nữa, tỷ lệ tùy theo vườn bạn, cứ trồng đi sẽ rút kinh nghiệm.

Do bận nhiều việc và trồng nhiều thì hơi lười nên tôi cũng không xử lý vỏ thông gì lắm cho đỡ tốn thời gian, chỉ băm nhỏ cỡ bằng khoảng 1 đốt ngón tay út đến 1 đốt ngón tay cái, to nhỏ chênh nhau chút không sao nhưng trồng các loại lan rễ to như kiều thì băm to chút, các loại hoàng thảo rễ bé thì băm nhỏ hơn chút. Đem ngâm vỏ thông vào 1 xô nước lã từ tối hôm trước, tôi không pha vôi, không thuốc sát khuẩn, nếu cẩn thận thì ngâm được thuốc sát khuẩn hoặc chống nấm bệnh đại loại như Physan 20 càng tốt, tôi chỉ dùng nước lã, ngâm vài tiếng là ngậm đầy nước rồi nhưng có lúc để quên ngâm cả tuần cũng chả sao [lười lắm hihi].

Ngày trồng 27/6/2017

Lấy móc thép móc luôn vào chậu đàng hoàng, chắc chắn chứ trồng xong mới móc dây treo có lúc trượt tay đổ hết phí công.

Cắt hoặc bẻ xốp trắng to cỡ quả trứng gà, trứng vịt như ảnh dưới. Xốp trắng lót trong thùng tivi, tủ lạnh, đồ điện tử...đó nhé, không phải cái mút xốp bọt biển trong đệm ngủ nhé.

Cắt nhỏ ra

Bỏ xốp trắng vào khoảng 40-50% chiều cao chậu, cái xốp này nó nhẹ, bền lắm, không thấm nước, rất lâu phân hủy, không đọng muối, xếp lổn nhổn giúp thoát nước nhanh, không sợ bị đóng, úng nước. Xốp này dễ kiếm, cho vào nửa chậu được cái tác dụng nữa là tiết kiệm vỏ thông. Vỏ thông tuy dễ kiếm nhưng mất thời gian băm lắm. Ai có tiền mua vỏ thông vụn băm sẵn thì không nói.

Tiếp theo ta bốc vỏ thông vụn lên trên lớp xốp cho đến gần bằng miệng chậu thì dàn bằng vỏ thông ra.

Khóm lan đang có rễ cũ dày, dài, ta mạnh dạn dùng kéo cắt cây cảnh hay kéo gì cũng được, tôi cũng lười không hay rửa sạch lưỡi kéo nữa, cứ thế mà cắt [bạn nào cẩn thận thì mua 1 cái chuyên cắt cây, rửa trước khi cắt]. Lấy mũi kéo xới cụm rễ tơi ra, cắt, tỉa cho thật gọn gàng, chỉ cần chừa lại 0.5-1 cm là được, không để dài, nếu không cắt gọn rễ cũ sau này rễ mới ra sẽ khó len xuống bám giá thể và rễ cũ mục thối thì gây bệnh. Nhắc lại, cứ bấm tỉa rễ đi cho thật mỏng, gọn, các rễ cũ này chả giữ lại làm gì.

Ban đầu khóm Kiều Hồng chưa cắt rễ, phần rễ còn dày, dài

Lấy kéo cắt tỉa gọn, mỏng, chú ý không cắt vào các gốc giả hành bên trên

Đặt khóm lan lên trên mặt lớp vỏ thông, lấy dây thít nhựa thít một số các thân lan vào dây treo, thít vài chỗ sao cho cho cây đứng vững và phần rễ tiếp xúc với vỏ thông là được.

Gom mấy thân thít lại vào một dây treo

Thít đến khi thả tay ra cả khóm lan tự đứng vững là được

Bốc thêm chút ít vỏ thông vào xung quanh chậu cho đến miệng chậu, chừa phần giữa chậu là gốc và rễ lan ra phải để trơ ra, lộ thiên. Vậy là xong.

Đến ngày 28/7/2017, tức là sau 1 tháng, cây ra rễ và đẻ chồi non

Tôi lười dùng thuốc hóa học lắm, thường thì cây bị bệnh mới phun trị bệnh. Biết là phun kích thích thì nhanh hơn nhưng tôi rất ngại pha thuốc [sợ ảnh hưởng sức khỏe] và tôi trồng lan tài tử cho vui, đi làm về có lan để tưới là được rồi chứ không ham hố, đua tranh cây phải to đẹp hơn ai cả. Chiều tôi thường chỉ phun nước vo gạo pha loãng hoặc nước máy thôi, thế cho lành.

Đến 01/9/2017, tức là lại sau khoảng 1 tháng nữa

Rễ ra tùm lum, chắc vì tôi không bón phân gì hết nên rễ vươn ra ngoài tìm thức ăn, rễ lan thường hướng đến chỗ tối hơn. Đương nhiên cũng có rễ ăn sâu xuống dưới. Giá thể vỏ thông sau 2 tháng với các rễ bám gần như đã kết thành một khối, thử đổ nghiêng cái chậu thì chỉ vài miếng vỏ thông bị rời và rơi ra ngoài, vỏ thông lúc này đã bớt trơ nước hơn, hút nước và tích nước tốt hơn vỏ thông mới, ngon rồi đấy! Các thân non phát triển khá tốt.

Chủ Đề