Hướng dẫn ghép lan vào gỗ dễ sống

Xin chào mọi người, hôm nay trang Hoa Lan sẽ giới thiệu đến những người mới bắt đầu chơi hoa lan cách ghép lan lên giá thể gỗ và dớn bảng, tôi sẽ dùng chủ yếu là hình ảnh sưu tầm để các bạn dễ hiểu cách ghép lan như thế nào, và sáng tạo là không giới hạn, những ai nghĩ ra, sưu tầm được cách ghép khác nhanh, tiện, hiệu quả hơn thì càng đáng hoan nghênh và hãy chia sẻ lại với mọi người nhé.

1. Đối với lan đơn thân: Lan đơn thân nôm na là những loại lan sinh trưởng đơn lẻ, không mọc theo khóm, 1 cây thường có 1 thân [trừ trường hợp gãy ngọn thì có thể đẻ vài ngọn gần chỗ gãy] tương tự các loại cây ăn quả xoài, nhãn, vải, bưởi... Các loại lan đơn thân cụ thể như Đai Châu, Sóc ta, Sóc lào, Đuôi Cáo, Quế Lan Hương, Tam Bảo Sắc, Hoàng Nhạn, Bạch Nhạn, Cù Lao Minh, Hải Yến, Hỏa Hoàng, A Cam, Bắp Ngô, Da Báo, Mỹ Dung Dạ Hương, dòng lan Miệng kín...

Có thể trồng đứng trên 1 miếng gỗ, trụ gỗ như sau, ưu tiên dùng cách này vì cây không bị áp sát vào giá thể, sau phát triển tỏa ra đẹp hơn: Đóng mấy cái đinh to lên mặt thớt, nên dùng ống nhựa mềm trùm vào đinh, đặt thân cây áp vào đinh ngay ngắn rồi buộc chặt thân rễ với mấy cái đinh đó, coi mấy cái đinh là trụ. Nhưng tốt nhất là không nên dùng đinh vì rễ lan đâm ra chạm đến kim loại han gỉ thì rễ hay bị thui. Thay vì dùng đinh, ta khoan mấy lỗ trên mặt thớt, có thể khoan vuông góc 90 độ với mặt giá thể hoặc khoan xiên chéo, đóng mấy mẩu đũa gỗ vào lỗ cho chặt rồi buộc lan vào que đũa thôi. Có khi trồng 1 cây chỉ cần 1 que, buộc thân cây với que đó. Cài thêm dớn mềm, xơ dừa miếng vào gốc để tăng cường giữ ẩm nhưng tuyệt đối không đắp kín mít hết thân rễ, phải thoáng một chút rễ mới có đường đâm ra. Tùy bạn có thể có phương pháp làm khác nhau như về cơ bản như các hình dưới là được.

Giá thể dạng thớt thì đóng đinh hoặc khoan vuông góc 90 độ với mặt thớt

Giá thể gỗ khúc thì vẫn đóng đinh vuông góc, buộc cây chếch lên trên như sau:

Nếu lấy đũa làm trụ thì dùng khoan khoan chéo xuống để cắm đũa chếch lên như sau:

Buộc chắc thân lan vào đũa hướng chếch lên

Buộc chặt lan vào, gốc chạm gỗ, rễ bật ra khác biết mò bám vào giá thể dù khá xa

Còn cách khác là ghép áp vào khúc gỗ, mình thích dùng cách này hơn vì đỡ phải khoan, ghép nhanh và thấy rễ mới bật ra thì nhanh bám gỗ hơn: Dùng dây thít nhựa [dây màu trắng trong hình dưới] vừa nhanh vừa chặt, thắt đến đâu chặt đến đó, dây ngắn thì nối đầu dây này vào đít dây kia thành một đoạn dài hơn; hoặc đè đoạn dây nhựa ngang thân cây [dây tio trong, dây vòi hút nước, miếng cao su... cắt dài bé bé tương tự hình], đóng đinh bé 2 đầu dây đảm bảo căng, chặt, đừng sợ cây đau mà lỏng tay. Vườn khô thì cài thêm ít xơ dừa gần thân, vườn ẩm mát thì khỏi cần. Không ưu tiên cách này vì thân cây bị áp sát vào giá thể, nhìn giò không bề thế, đẹp bằng cây ghép hướng ra ngoài nhưng ko có khoan và lười thì dùng cách này cũng được, cây vẫn sống ổn.

2. Đối với lan đa thân: Lan đa thân nôm na là các loại lan mọc thành khóm nhiều thân kiểu như cây tre cây trúc vậy, đó là các loại lan hoàng thảo: Phi điệp tím, Phi Điệp Vàng, Hạc Vỹ, Long Tu, Thập Hoa, Hương Vani, Kèn, Ngọc Thạch, Ý Thảo, Ý Ngọc, Đùi Gà, Xoắn, Hoàng Phi Hạc, Nghệ Tâm, U Lồi, Tích Tụ...Các loại lan họ Kiều: Kiều Hồng, Kiều Vàng, Kiều Vuông, Kiều Mỡ gà, Hoàng Lạp, Sơn Thủy Tiên, Vảy Rồng, Kim Điệp Thơm, Kim Điệp Giấy, Môi Tua...[kể mấy loại phổ biến đây thôi].

Lan đa thân thì mua về nếu thấy rễ dài cứ cắt gọn đi đã, có những giề lan rễ rất dày ta cũng dùng mũi kéo nhọn xỉa dần một lúc cho mỏng đi, vậy sẽ kích thích ra mầm mới, rễ mới.

Xong rửa sạch, ngâm thuốc kích rễ 2-3 tiếng rồi ghép luôn hay treo ngược chỗ mát vài ngày sau ghép cũng được, không chết..

Có thể bắt đai nhựa như này:

Có thể đóng đinh nhiều đoạn, lấy dây nối từ đinh này sang đinh khác, kẹp gốc vào giá thể.

Có thể khoan thủng gỗ miếng, xỏ dây qua các lỗ miễn sao bắt chặt gốc vào giá thể.

Ghép lan hoàng thảo lên dớn bảng cũng rất tốt cho sự phát triển của cây và dễ thực hiện, Bẻ các đoạn thép thành hình chữ U rồi ghim gốc cây vào bảng, sợ ko chắc thì cắt các đoạn dài hơn, ghim xong thì dùng kìm xoắn 2 đầu dây lại ở mặt sau của bảng.

Có khi đơn giản chỉ lấy dây nylon buộc quàng qua.

Tận dụng ghép ít long tu hàng xấu ế :]]

Ngày 28/01/2015: Ghép

Ngày 31/3/2015: Các mầm non nhú ra được 3-4 cm, mầm non bắt đầu ra rễ, đồng thời hoa cũng bắt đầu nở. Nở xong thì tàn :]

Ngày 02/9/2015: Các mầm non từ tháng 3 đã lớn và bám rễ như này

Ngày 13/11/2015: Lạnh dần rồi, các thân tơ bắt đầu thắt ngọn [ngọn ko phát triển dài thêm nữa, thắt túm lại], lá vàng rồi rụng dần, bước vào mùa nghỉ. Lúc này rất hạn chế tưới, giữ khô hạn.

Ngày 25/3/2016: Rụng hết lá thì ra nụ

Ngày 03/4/2016: Hoa nở và mầm non lại lên từ gốc. Cứ thế là một chu trình.

Trên đây là bài chia sẻ về các kiểu ghép lan rừng lên gỗ, trong bài viết ngoài ảnh của mình, tôi còn sử dụng một số ảnh trên internet của những người có kinh nghiệm làm tư liệu để giúp cho các bạn mới trồng lan dễ hình dung. Tôi sưu tầm ảnh đã lâu không nhớ nổi nên mạn phép không dẫn nguồn chi tiết được, mong tác giả các bức ảnh trên thông cảm, chúng ta cùng chia sẻ để tạo nên bài viết có ích cho mọi người nhé.

Bài viết không tránh khỏi sai sót, rất mong các bạn gửi ý kiến đóng góp về email: phonglanrung.com@gmail.com hoặc bình luận dưới bài viết này. Xin cảm ơn.

Chủ Đề