Hướng dẫn chương trình quốc phòng 2023

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ một số nhiệm vụ GDQP&AN cụ thể đối với các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh như sau:

[1] Thực hiện chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh

- Tổ chức xây dựng kế hoạch, triển khai giảng dạy nội dung môn học GDQPAN theo đúng quy định tại Thông tư 05/2020/TT-BGDĐT về Ban hành Chương trình GDQPAN trong trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.

- Đối với đối tượng sinh viên đã hoàn thành chương trình môn học GDQPAN ở trình độ cao đẳng khi học liên thông lên trình độ đại học, các cơ sở giáo dục đại học, trung tâm GDQPAN căn cứ vào nội dung môn học để xây dựng chương trình GDQPAN phù hợp theo hướng công nhận các nội dung đã học, bổ sung các nội dung chưa học theo Thông tư 05/2020/TT-BGDĐT và cấp chứng chỉ hoàn thành môn học.

- Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học môn học GDQPAN. Tổ chức dạy học, đánh giá kết quả và cấp chứng chỉ hoàn thành môn học theo quy định.

- Các cơ sở giáo dục đại học được giao tự chủ môn học GDQPAN, các trung tâm GDQPAN thực hiện nghiêm quy định tổ chức dạy học tập trung theo quy định tại Khoản 3, Điều 12, Luật GDQPAN năm 2013.

- Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quyết định 2861/QĐ-BQP ngày 24/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc điều chỉnh, bổ sung danh sách liên kết GDQPAN. Các cơ sở giáo dục đại học, trung tâm GDQPAN không được tự điều chỉnh liên kết GDQPAN, khi cần điều chỉnh liên kết phải báo cáo và được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ GDĐT và Cơ quan Thường trực Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương.

- Tổ chức quản lý, cấp phát chứng chỉ GDQPAN bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; khi kết thúc khóa đào tạo, báo cáo kết quả đào tạo, số lượng cấp phát chứng chỉ về Bộ GDĐT qua Vụ GDQPAN.

[2] Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện chất lượng, hiệu quả GDQPAN

- Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên GDQPAN có phẩm chất, đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực sư phạm tốt; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để bảo đảm chuẩn hóa trình độ đội ngũ giảng viên GDQPAN đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 32/2013/QH13, Luật số 74/2014/QH13, Luật số 97/2015/QH13 và Luật số 34/2018/QH14. Giảng viên thỉnh giảng phải đáp ứng yêu cầu về độ tuổi theo Bộ Luật Lao động và có trình độ, chuyên ngành đào tạo, chuyên môn, nghiệp vụ đúng với nội dung giảng dạy.

- Các cơ sở giáo dục đại học được giao tự chủ môn học GDQPAN xây dựng kế hoạch bổ sung giảng viên GDQPAN thay thế giảng viên là sĩ quan biệt phái khi Bộ Quốc phòng điều động rút sĩ quan biệt phái tại các cơ sở giáo dục đại học theo Công văn 2046/BQP-CT ngày 21/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tạm hoãn rút sĩ quan biệt phái tại các cơ sở giáo dục đại học.

- Bảo đảm đủ các điều kiện dạy học môn GDQPAN, củng cố nơi ăn, ở của sinh viên; bổ sung trang thiết bị, mô hình học cụ, cơ sở vật chất, đầu tư xây dựng thao trường, bãi tập đáp ứng yêu cầu dạy, học theo đúng quy định.

[3] Tăng cường công tác quản lý kỷ luật; quản lý sinh viên, xây dựng môi trường văn hóa quân sự

- Thực hiện nghiêm quy định sinh viên học môn GDQPAN phải được tổ chức ăn, ở tập trung theo nếp sống quân sự và biên chế thành tiểu đội, trung đội, đại đội; cán bộ đại đội là cán bộ, giảng viên cơ hữu của nhà trường, trung tâm. Sinh viên nữ phải được bố trí khu vực riêng và bảo đảm ăn, ở phù hợp.

- Trên cơ sở điều lệnh quản lý bộ đội, điều lệ, các chế độ, quy định của quân đội để vận dụng duy trì nề nếp, chế độ trong ngày, trong tuần cho phù hợp như: thức dậy; thể dục sáng; kiểm tra sáng; học tập; ăn uống; thể thao; đọc báo, nghe tin; ngủ nghỉ,...

- Thực hiện xưng hô, chào hỏi theo quy định; lễ tiết, tác phong, đi lại theo nếp sống quân sự. Giảng viên thỉnh giảng là sĩ quan quân đội, sĩ quan công an đã nghỉ hưu, xuất ngũ thống nhất sử dụng trang phục giảng viên GDQPAN trong giảng dạy, công tác, không được mang mặc quân phục quân đội, công an.

- Các ngày nghỉ theo lịch giảng dạy phải tổ chức các hoạt động ngoại khóa, vui chơi, giải trí lành mạnh, chặt chẽ phù hợp với lứa tuổi của sinh viên.

- Nghiêm cấm cán bộ, giảng viên, sinh viên sử dụng rượu, bia, chất kích thích, chất cấm và vui chơi, giải trí ăn tiền dưới mọi hình thức.

[4] Thực hiện tốt công tác tuyển chọn nam sinh viên tốt nghiệp đại học đi đào tạo sĩ quan dự bị

- Các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho sinh viên Nghị định 78/2020/NĐ-CP ngày 06/7/2020 của thủ tướng Chính phủ về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nghị định 79/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ, chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên và các văn bản, hướng dẫn của Bộ GDĐT, Bộ Quốc phòng về tuyển chọn nam sinh viên đi đào tạo sĩ quan dự bị.

- Khi có quyết định giao chỉ tiêu đào tạo sĩ quan dự bị của Bộ trưởng Bộ GDĐT, các cơ sở giáo dục đại học tổ chức xây dựng kế hoạch tuyển chọn, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, khoa, bộ môn bảo đảm khoa học, chặt chẽ. Tổ chức thành lập Hội đồng tuyển chọn, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn là một lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học, các thành viên là lãnh đạo các đơn vị chức năng, khoa, bộ môn được giao nhiệm vụ tuyển chọn nam sinh viên tốt nghiệp đại học.

- Tổ chức tuyển chọn nam sinh viên tốt nghiệp đại học theo đúng thủ tục, nguyên tắc, công khai, dân chủ, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đúng ngành, chuyên ngành theo quy định và có ít nhất 20% nguồn dự bị đối với từng ngành, chuyên ngành.

- Quá trình đào tạo, phối hợp chặt chẽ với cơ sở đào tạo sĩ quan dự bị trong Quân đội nắm chắc kết quả học tập, chất lượng rèn luyện, tâm tư, nguyện vọng của sinh viên, kịp thời giải quyết các vướng mắc. Kết thúc khóa đào tạo, tiếp nhận sinh viên từ cơ sở đào tạo về trường bảo đảm chặt chẽ và tổ chức tuyên dương, khen thưởng các sinh viên có thành tích cao trong quá trình đào tạo, báo cáo kết quả đào tạo về Bộ GDĐT qua Vụ GDQPAN.

Chủ Đề