Hoạt động khởi động 1 bài có thể là gì

Hoạt động khởi động bài học thường chỉ chiếm một vài phút đầu giờ nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kích hoạt sự tích cực của người học. Một tiết học Ngữ văn sẽ tạo được sự yêu thích với học sinh nếu ngay từ những giây phút đầu tiên giáo viên biết khơi gợi ở các em hứng thú đối với bài học và hơn thế nữa còn khơi dậy niềm đam mê, gây dựng, bồi đắp tình yêu lâu bền đối với môn học.

Hoạt động khởi động 1 bài có thể là gì

Để có được một hoạt động khởi động tiết học hiệu quả, đặc biệt với môn Ngữ văn đòi hỏi người giáo viên cần biết đa dạng hóa các hình thức tổ chức và tạo sự hứng thú ngay từ những phút học đầu tiên. Sau đây tôi xin trình bày một số hoạt động khởi động cho tiết học môn Ngữ văn nhằm phát huy năng lực và những kiến thức nền tảng của học sinh: 1. Tổ chức khởi động tiết học dưới dạng trò chơi Hiện nay hầu hết các tiết học, giáo viên thường chọn cho mình hình thức khởi động bằng cách tổ chức các trò chơi nhanh như Đuổi hình bắt chữ, Giải ô chữ, Ngôi sao may mắn, Vòng quay kì diệu… Trò chơi giúp cho hoạt động dạy học trở nên sôi nổi, cuốn hút, giúp học sinh rèn luyện sự mạnh dạn, tự tin, khả năng phản xạ nhanh, sự sáng tạo, nâng cao tinh thần đoàn kết và sự tương tác giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên... Trong tiết học Ngữ văn các trò chơi thường được giáo viên tổ chức liên quan đến kiến thức của các tiết học trước như học sinh sẽ được tái hiện kiến thức về tác giả, tác phẩm hay kiểm tra nhận thức của học sinh về những vấn đề liên quan đến bài học mới, làm tiền đề để giáo viên dẫn vào bài một cách hấp dẫn.

Hoạt động khởi động 1 bài có thể là gì
Ảnh: Một số trò chơi hoạt động khởi động môn Ngữ văn

2. Sử dụng tranh ảnh, video có liên quan đến bài học Để tiết học Ngữ văn thêm hứng thú, giáo viên cũng có thể sử dụng những tranh ảnh, video liên quan đến nội dung bài học để học sinh được trải nghiệm, được phát huy những tri thức vốn có của mình về vấn đề của tiết học. Ví dụ dạy học bài “Tam đại con gà” của chương trình Ngữ văn lớp 10, giáo viên có thể trình chiếu một đoạn phim về truyện cười “Lợn cưới áo mới” để học sinh phát hiện đây là truyện đã được học trong chương trình Ngữ văn THCS và thuộc thể loại truyện cười. Từ đó giáo viên làm cơ sở dẫn vào thể loại và bài học một cách tự nhiên nhất. Để dạy học bài “Vợ nhặt” của chương trình Ngữ văn 12, giáo viên có thể trình chiếu một số hình ảnh nạn đói năm 1945 và từ đó dẫn dắt học sinh rằng có những năm tháng dân tộc ta đã phải trải qua cái đói, cái nghèo một cách bi thảm như vậy nhưng vượt lên tất cả, con người vẫn sống với nhau bằng tình yêu thương vô bờ bến. Đó là thông điệp nhà văn Kim Lân gửi gắm qua truyện ngắn “Vợ nhặt”. Khi dạy học sinh bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường có thể cho học sinh nghe giai điệu, hình ảnh bài hát: Dòng sông ai đã đặt tên, sáng tác trần Hữu Pháp. Hay khi dạy tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” có thể trình chiếu cho học sinh xem một trích đoạn phim... Hoặc khi dạy đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” có thể cho học sinh xem trích đoạn bộ phim “Những người khốn khổ”… 3. Khởi động bằng các bài tập hay câu hỏi tình huống Các câu hỏi trong phần khởi động có thể chỉ là một tình huống để cho học sinh phát hiện hay huy động vốn hiểu biết của mình để giải quyết tình huống ấy. Các vấn đề hay câu hỏi được đưa ra sẽ giúp học sinh phát triển tư duy, xâu chuỗi vấn đề một cách mạch lạc đồng thời tạo hứng thú cho học sinh vào tiết học mới để khám phá vấn đề còn đang bỏ ngỏ. Ví dụ khi dạy tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao, GV sẽ cho câu hỏi “Nỗi khổ của Chị Dậu và Lão Hạc là gì?”. Đây là câu hỏi học sinh sẽ vận dụng kiến thức trong chương trình Ngữ văn lớp 8 để trả lời, giáo viên sẽ lấy đó làm tiền đề để dẫn đến một nỗi khổ nữa của người nông dân trong giai đoạn 1930 – 1945 đó là bi kịch bị tha hóa và bi kịch bị từ chối quyền làm người. Những bi kịch này được Nam Cao tái hiện chân thực trong tác phẩm “Chí Phèo”. Khi dạy học tiết 2 của “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, giáo viên có thể đưa ra tình huống cho học sinh thảo luận “Hãy tưởng tượng mình là Trương Ba, phải sống trong thân xác hàng thịt, hồn Trương Ba có suy nghĩ gì? Từ đó học sinh nêu những ý tưởng và suy nghĩ của bản thân, giáo viên sẽ dựa vào đó dẫn dắt vào nội dung bài học. Việc thay đổi hình thức khởi động từ việc chỉ dùng một vài câu để dẫn dắt vào bài thay bằng tổ chức một hoạt động để học sinh được tham gia trực tiếp giải quyết vấn đề là một hoạt động thiết thực. Hoạt động phải xác định rõ mục tiêu cần đạt, phương pháp và kỹ thuật tổ chức, phương tiện cần dùng; chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh một cách rõ ràng, cần kiểm kê lại kiến thức của học sinh (xem học sinh đã có được kiến thức gì liên quan đến bài học), tạo hứng thú cho học sinh, tạo ra tình huống có vấn đề để dẫn dắt học sinh vào phần hình thành kiến thức mới. Mỗi hoạt động khởi động trong giờ học Ngữ văn cũng giống như món ăn khai vị trong một bữa tiệc, tạo tâm thể chủ động cho học sinh khi vào tiết học.

Tác giả: Nguyễn Thị Năm Nhớ/THPT Đồng Đậu