Góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa việt nam năm 2024

Trong những năm qua, trước xu thế hội nhập quốc tế mạnh mẽ, quy mô xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam không ngừng được mở rộng và tăng cao, đóng góp lớn vào thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng vị thế và nâng tầm ảnh hưởng của Đất nước trên trường quốc tế.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao (11,6%/năm giai đoạn 2018-2022) và liên tục đã trở thành một trong những động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Năm 2017, Việt Nam ở vị trí thứ 20 thế giới về quy mô xuất khẩu, sau 5 năm đến năm 2022 tăng 2 bậc lên thứ 18 thế giới.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn ra nhanh, phức tạp và Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới, hoạt động xuất khẩu đối mặt với không ít thách thức, khó khăn. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu phát triển xuất khẩu bền vững để tăng sức chống chịu, thích ứng của nền kinh tế càng cấp thiết.

Thực trạng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam

Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và liên tục đã trở thành một trong những động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và xu hướng chung của thế giới. Với chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ cộng với việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng.

Hàng hóa xuất khẩu tiếp tục được mở rộng về quy mô, đa dạng, phong phú về chủng loại và phát triển thêm nhiều mặt hàng mới như đồ chơi, dụng cụ thể thao và phụ tùng, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ... Hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm. Có thể đánh giá về những kết quả nổi bật của hoạt động xuất khẩu trên các giác độ như:

Quy mô tăng trưởng xuất khẩu

Trong những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Theo đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng từ 215,1 tỷ USD năm 2017 lên 371,7 tỷ USD năm 2022, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 11,6%/năm thời kỳ 2018-2022. Tăng trưởng xuất khẩu góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, cải thiện cán cân thanh toán.

Thị trường xuất khẩu

Với việc tham gia ngày càng nhiều các FTA, thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được duy trì và mở rộng. Nếu như đến hết năm 2018 chỉ có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD thì đến năm 2022 có 34 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 2 thị trường đạt trên 50 tỷ USD (Hoa Kỳ, Trung Quốc), 6 thị trường trên 10 tỷ USD và 15 thị trường trên 5 tỷ USD. Bên cạnh đó, số liệu thống kê cũng cho thấy, cơ cấu thị trường xuất khẩu đã có chuyển dịch theo hướng giảm tập trung vào thị trường châu Á; tăng mạnh ở thị trường châu Mỹ.

Các thị trường khu vực khác có xu hướng giảm nhẹ. Năm 2018, xuất khẩu sang châu Á chiếm 53,6% tổng kim ngạch; sang châu Mỹ chiếm 23,4%; châu Âu chiếm 17,5%; châu Phi chiếm 0,9% và châu Đại Dương là 1,8%. Đến năm 2022, châu Á chiếm 46,8%, châu Mỹ chiếm 34,1%; châu Âu chiếm 14,8%, châu Đại Dương chiếm 1,5% và châu Phi chiếm 0,9%.

Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu

Thực tế cho thấy, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục được cải thiện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng nhanh tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao… Cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp chế biến, trở thành nhóm hàng có tỷ trọng tăng nhanh nhất trong cơ cấu hàng xuất khẩu, là nhân tố quyết định tạo nên bứt phá về kim ngạch xuất khẩu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến có tỷ trọng tăng từ 82,9% năm 2018 lên ổn định khoảng 86% tổng kim ngạch xuất khẩu trong các năm 2021-2022.

Bảng 1: Tốc độ tăng trưởng bình quân của xuất khẩu

Năm

Kim ngạch xuất khẩu (triệu USD)

Tăng trưởng xuất khẩu (%)

Tăng trưởng GDP (%)

Xuất khẩu bình quân/người (USD/người)

2018

243.697

13,3

7,08

2.573

2019

264.267

8,4

7,02

2.739

2020

282.655

7,0

2,91

2.897

2021

336.167

18,9

2,56

3.413

2022

371.715

10,6

8,02

3.737

Nguồn: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Tăng trưởng xuất khẩu chưa thật sự bền vững trong trung và dài hạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu ổn định; Việc xuất khẩu, xuất siêu sang một thị trường tăng nhanh có thể làm nền kinh tế dễ tổn thương trước các biện pháp phòng vệ thương mại hoặc cú sốc từ bên ngoài; Chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu còn chậm, phần lớn thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vẫn thuộc về khu vực châu Á...

Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu còn tập trung nhiều vào các mặt hàng chủ lực của ngành nông, lâm, thủy sản và công nghiệp gia công sử dụng nhiều lao động hoặc tài nguyên. Năng lực cạnh tranh và hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu chưa cao.

Tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu lớn khiến hàng hóa xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường cung cấp nước ngoài. Xuất khẩu dễ gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa...

Bảng 2: Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu (%)

Nhóm hàng hoá

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Nông sản, thủy sản

10,9

9,6

8,9

8,3

8,3

Nhiên liệu, khoáng sản

1,9

1,7

1,0

1,1

1,3

Công nghiệp chế biến

82,9

84,2

85,2

86,2

86,0

Nguồn: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê

Giải pháp đề xuất

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 đề ra mục tiêu tổng quát: “Xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”. Bên cạnh đó, Chiến lược cũng đề ra các mục tiêu cụ thể như:

Thứ nhất, xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý:

- Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6-7%/năm trong thời kỳ 2021-2030, trong đó giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8-9%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân 5-6%/năm.

- Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5-6%/năm trong thời kỳ 2021-2030, trong đó giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng nhập khẩu bình quân 7-8%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân 4-5%/năm.

- Cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021-2025, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026-2030; hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác thương mại chủ chốt.

Thứ hai, xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu mặt hàng, cơ cấu thị trường cân đối, hài hòa:

- Tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu lên 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; trong đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ trung bình và cao đạt khoảng 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.

- Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu lên 16-17% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 18-19% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 32-33% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 33-34% vào năm 2030; tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Á vào khoảng 49-50% vào năm 2025 và 46-47% vào năm 2030.

- Tăng tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ khu vực châu Âu lên 8-9% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 10-11% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 8-9% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 10-11% vào năm 2030; giảm tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ khu vực châu Á xuống khoảng 78% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 75% vào năm 2030.

Để đạt được các mục tiêu đó, góp phần phát triển xuất khẩu bền vững, tăng sức chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, trong thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ sau:

Một là, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, hoãn, miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hoàn thuế. Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, ưu tiên lĩnh vực xuất nhập khẩu; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất xuất khẩu.

Hai là, đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu mới, còn tiềm năng; tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại đã ký kết; tăng cường cung cấp thông tin thị trường, cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại. Tăng cường đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại phục vụ xuất nhập khẩu thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; đồng thời nghiên cứu, xem xét việc xúc tiến nhập khẩu, đa dạng hóa nguồn cung, hướng tới mục tiêu lành mạnh hóa và hợp lý hóa cán cân thương mại với các đối tác...

Ba là, tổ chức các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bốn là, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích các dự án, nghiên cứu về vật liệu mới, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao; Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng chứng chỉ xanh, bền vững, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các thị trường mục tiêu.

Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về gian lận thương mại, gian lận xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, về bảo vệ môi trường trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Kết luận

Để đảm bảo phát triển bền vững, tăng sức chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, việc tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu phát triển bền vững là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Một trong những quan điểm chiến lược mà Việt Nam đề ra là “Phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực thị trường; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng xuất nhập khẩu; gắn với thương mại xanh và thương mại công bằng, với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu...”. Nếu quyết tâm thực hiện được mục tiêu này, khi đó, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam mới vượt qua được các rào cản kỹ thuật của nước nhập khẩu, đồng thời xây dựng thương hiệu và hình ảnh, uy tín của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam, góp phần tăng sức chống chịu, thích ứng của nền kinh tế trong bối cảnh mới.