Đọc chậm là gì

[ToMo] Đọc Chậm - Một Phướng Thức Học Sâu Mới

Đọc nhanh là dành cho những người muốn nắm bắt ý chính của văn bản, còn đọc chậm dành cho các học giả chuyên sâu, những người muốn tích lũy kiến thức.

Kinh nghiệm của Woody Allen về việc đọc tốc độ có thể áp dụng cho tất cả việc đọc, khi chúng ta không có nhiều thời gian để khai thác đúng cách các tài liệu học thuật. [Tất cả hình minh họa được lấy từ trang web iDoRecall.com]

Năm 1959, Evelyn Wood đã cho ra mắt khóa học tốc độ của riêng mình. Ở thời điểm đó, tôi mới chỉ là một thiếu niên. Trong nhiều năm, tôi đã rất thích thú, mơ mộng với viễn cảnh hoàn thành xong các bài tập đọc hiểu của mình càng nhanh càng tốt, để tôi có thể dành thời gian cho những hoạt động khác thú vị hơn. Rõ ràng, với thái độ đấy, tôi đã không phải là một học sinh trong suốt 12 năm học.May thay, tôi đã thay đổi hoàn toàn, theo một hướng tích cực.Khóa học Evelyn Wood & Reading Dynamics đã trở thành một nguồn cảm hứng lớn. Đến nỗi Nhà Trắng, thời của tổng thống Kennedy, đã cử các nhân viên của mình tham gia nó. Kennedy đã từng được cho là một người đọc tốc độ [nhưng điều này không chính xác] Khóa học vẫn tiếp tục, thậm chí nhiều năm sau khi bà Wood qua đời.

Khoảng sáu năm trước, một loạt các ứng dụng đọc tốc độ đột nhiên xuất hiện và trở nên phổ biến. Hầu hết trong số chúng được lập trình dựa trên khái niệm RSVP hay Reading Rapid Serial Visual Presentation [Việc hiển thị nhanh chóng từ trên màn hình và giúp bạn đọc nhanh hơn]. Các ứng dụng này kiểm soát những gì mắt bạn nhìn thấy và loại bỏ quá trình tự nhiên nơi chúng ta nhìn lại những từ chúng ta vừa đọc, được gọi là hồi quy, để ép chúng ta không thể đọc lại chúng. Vấn đề là những hồi quy này là một trong những chìa khóa quan trọng để đọc hiểu. Hãy tưởng tượng rằng, tâm trí của bạn bị sao nhãng đi dù chỉ một giây và rồi đôi mắt của bạn bị chặn lại và chúng không thể liếc lại những từ mà bạn vừa mới đọc.

Đây là một ví dụ từ ứng dụng đọc tốc độ mã nguồn mở có tên là Zethos, nó sử dụng cơ chế RSVP để loại bỏ hồi quy.

Các chiến lược khác của đào tạo đọc tốc độ bao gồm cả việc huấn luyện để loại bỏ subvocalization [đọc nhẩm] - cách chúng ta nghĩ ra trong đầu âm thanh của những từ mà chúng ta đang đọc. Trên thực tế, chúng ta không chỉ đơn giản là chỉ nghĩ về âm thanh. Chúng ta cũng thực hiện các chuyển động tinh tế, bằng mắt thường không thể nhận ra bằng lưỡi và bộ máy phát âm khi đọc. Chúng ta thường không thể nhận biết được subvocalization, nhưng cảm biến điện cực trong phòng thí nghiệm thì hoàn toàn có thể. Dù cho đã có những nỗ lực có chủ ý nhất của những người đọc tốc độ trong việc loại bỏ subvocalization, họ không thể làm được, và quả thực chúng ta thực sự không muốn loại bỏ nó ngay cả khi có thể! Chúng là một phần thiết yếu của cơ chế tự nhiên mà ta sử dụng để xử lý thông tin và hiểu được những gì chúng ta đọc. Đọc sách, suy cho cùng, hoàn toàn không phải là việc "hút" hết các chữ từ một trang giấy vào trong bộ não của chúng ta. Đó là một quá trình phức tạp hơn nhiều - bao gồm, ở chính cốt lõi của nó, đó là thấu hiểu ngôn ngữ.

Thật không may, chúng ta không thể đơn giản "hút sạch" các chữ trong một trang và đưa chúng vào bộ nhớ dài hạn của chúng ta.

Một người lớn được giáo dục có thể đọc ở đâu đó trong khoảng 250-400 từ một phút. Những người đọc tốc độ mong muốn được tăng gấp đôi, gấp ba [hoặc thậm chí nhiều hơn thế] tốc độ đọc cơ bản của họ. Các tài liệu nghiên cứu đã chỉ ra rằng: khi tốc độ đọc tăng lên là do kết quả của nỗ lực trong việc đọc tốc độ, khả năng hiểu sẽ bị giảm xuống. Đọc tốc độ được dùng trong một vài trường hợp. Bạn có thể sử dụng nó [nếu bạn có khả năng] khi bạn muốn đọc lướt và lấy ý chính của văn bản. Nhưng khi mục tiêu của bạn là để thu thập kiến thức, đọc tốc độ trở nên phản tác dụng. Điểm mấu chốt ở đây là: mức độ hiểu biết sẽ giảm khi tốc độ đọc của bạn tăng lên. Cuối cùng dẫn đến kết luận là: trước đây bạn thực sự chỉ toàn đọc lướt qua.

Nhưng có một vấn đề sâu sắc hơn nhiều, mà hầu hết các nhà phê bình bỏ qua khi họ đọc tốc độ. Đọc với chủ ý học tập liên quan nhiều hơn là đạt được sự hiểu biết đơn giản. Hiểu không tương đương với việc thu nhận kiến ​​thức. Bạn phải sử dụng siêu nhận thức. Bạn phải đọc chậm để khởi động và kích hoạt các qúa trình hỗ trợ thu nhận kiến ​​thức trong khi đọc. Nếu bạn đang đọc để học, để hiểu, bạn cần khai thác sâu vào nội dung và có sự liên kết giữa các khái niệm mới với kiến ​​thức hiện có của bạn. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể thu thập những kiến ​​thức mới vào bộ não của bạn và áp dụng chúng trong tương lai. Bạn phải thực hiện công việc đó để học tập, và "công việc" đó phải đúng đắn và được thực hiện một cách chính xác.

Đọc chậm là phương pháp dành cho các học giả. Bạn càng đọc chậm, nền tảng tri thức của bạn sẽ càng được mở rộng.

Nếu bạn muốn mở rộng kho tàng kiến ​​thức của mình, hãy trở thành một người đọc chậm "ngốn sách".

Tôi đã có một số bài viết trước đây về cách đọc các nội dung học thuật và làm sao để có thể ghi nhớ chúng mãi mãi. Ở đây chúng ta sẽ xem xét xem, làm thế nào để đọc chậm và học có chủ ý. Nhưng trước tiên, tôi sẽ chỉ cho bạn cách trí óc của chúng ta lĩnh hội kiến ​​thức và ký ức mới.

1. Cách chúng ta học những điều mới

2. Mạng lưới điều hành trung tâm

3. Phần đệm phác thảo thị giác không gian

4. Vòng lặp âm vị học

5. Hoạt động độc lập của các hệ thụ động

6. Bộ nhớ đệm theo chu kỳ

7. Hồi hải mã

8. Bạn chỉ có thể học sâu bằng cách đọc chậm

9. Cách đọc siêu nhận thức


1. Cách chúng ta học những điều mới

Dưới đây là một bản phác thảo về quan điểm khoa học đã được chấp nhận rộng rãi nhất về học tập và trí nhớ, từ góc độ tâm lý học nhận thức. Xin lưu ý rằng đối với mọi mô hình được đề xuất và thậm chí được ủng hộ rất nhiều, chúng luôn có những quan điểm trái chiều trong cộng đồng khoa học. Họ liên tục đề xuất các mô hình khác nhau để hiểu cách thức hoạt động của bộ nhớ. Phần này sẽ dành cho những người tò mò muốn xem và hiểu cách chúng ta học tập.

Trước đây tôi đã từng viết về cách trí nhớ và học tập hoạt động, trong đó tôi có quan điểm chủ yếu là khoa học thần kinh, nhưng ở đây chúng ta sẽ xem xét trí nhớ và học hỏi dưới góc độ tâm lý học nhận thức.

Khi chúng ta bắt gặp những trải nghiệm trên thế giới, chúng ta lưu trữ thông tin ban đầu trong Trí nhớ tạm thời. Trí nhớ tạm thời nhận được tất cả các đầu vào, và đó là một luồng dữ liệu tràn ngập thông tin. Hãy tưởng tượng trong một phút đi bộ vào sân vận động và trong khoảnh khắc, bạn thấy một ngàn khuôn mặt đang tập trung theo dõi trận đấu, và ở phía xa còn hàng ngàn khuôn mặt mờ ảo nữa. Đồng thời, có một lượng lớn cảm giác không trực quan được tiếp nhận. Có đủ các loại mùi vị. Bạn cũng tiếp nhận nhiều cảm giác khác nhau trong cùng một thời điểm như cảm giác cân bằng, chạm, cảm nhận trong cơ thể, độ rung và nhiệt độ bên ngoài. Làm thế nào bạn có thể lưu trữ dữ liệu thông tin đầu vào khổng lồ liên tục này cho đến hết phần đời còn lại? Thậm chí bạn có muốn làm điều đó không? Trí nhớ tạm thời tiếp nhận khá nhiều và may mắn thay, nó thường kết thúc trong một thời gian ngắn. Bạn chỉ có thể lưu trữ ít hơn một giây tại một thời điểm, trước khi nó biến mất. Có lẽ tốt nhất là khoảng 99,99% trí nhớ tạm thời của chúng ta sẽ "bay hơi" trong tích tắc. Chúng ta không nhất thiết phải nhớ chi tiết tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc cống, để tồn tại và tận hưởng một cuộc sống tươi đẹp.

Một tỷ lệ nhỏ trí nhớ tạm thời tồn tại và được chuyển sang trí nhớ ngắn hạn. Trí nhớ ngắn hạn tồn tại trong thời gian ngắn, duy trì ở đâu đó trong khoảng từ 10 - 30 giây. Trong một số trường hợp nhất định, nó có thể kéo dài đến một phút. Trí nhớ ngắn hạn có khả năng vô cùng hạn chế. Nghiên cứu kinh điển về giới hạn khả năng này được trích trong bài báo cổ điển " Số 7 Ma Thuật, Cộng Hay Trừ 2..." của Giáo sư George Miller thuộc Đại học Harvard. Ông đề xuất rằng, chúng ta chỉ có thể nhớ khoảng 7 điều, chẳng hạn như các chữ số của một số điện thoại, trong vài giây. Giới hạn này là một kinh nghiệm thực tế mà tất cả chúng ta có thể liên quan.

Nếu một kí ức mới đủ quan trọng để bạn ghi nhớ sau vài giây, nó có thể được lưu trữ trong trí nhớ dài hạn của bạn và có lẽ bạn sẽ nhớ nó mãi mãi. Nhưng làm thế nào để nó đến được đó?

Những gì tôi vừa mô tả được gọi là Mô hình trí nhớ Atkinson-Shiffrinhoặc Mô hình trí nhớ đa lưu trữ. Nhưng ngày nay, tâm lý học nhận thức đã có sự hiểu biết sâu sắc hơn về cách thức hoạt động của trí nhớ.

Mô hình trí nhớ của Atkinson và Shiffrin

Hãy cùng nhau dành ra vài phút để thảo luận một cải tiến quan trọng đối với mô hình này.Mô hình bộ nhớ làm việc [Working Memory Model- WMM], ban đầu được đề xuất bởi Baddely và Hitch vào năm 1974. Nó đã được cải tiến trong những thập kỷ tiếp theo và thậm chí ngày nay nó đã được chấp nhận và đã có rất nhiều nghiên cứu tạo ra để ủng hộ nó. WMM xác định lại phần trí nhớ ngắn hạn của mô hình đa lưu trữvà chia nó thành một loạt các thành phần.

Bộ nhớ làm việc là một trong những thuộc tính sâu sắc nhất của chức năng nhận thức cao hơn. Nó góp phần quan trọng trong việc đạt được những mục tiêu. Bộ nhớ làm việc là nơi lưu trữ những thông tin ngắn hạn, có liên quan đến những gì chúng ta hiện đang làm và những gì chúng ta sẽ dự định làm tiếp theo. Chúng ta sử dụng bộ nhớ làm việc kết hợp với các chức năng nhận thức cao hơn khác, chẳng hạn như tính linh hoạt nhận thức [đây là khả năng thay đổi giữa các nhiệm vụ và khái niệm khác nhau], giúp chúng ta quyết định cách tiếp cận tốt nhất để hoàn thành công việc hàng ngày. Cụ thể, chúng ta sử dụng bộ nhớ làm việc, kết hợp với các chức năng nhận thức cao hơn khác để làm công cụ. Những công cụ này cho phép chúng ta tích hợp các kinh nghiệm bên ngoài trong thời điểm hiện tại và làm sống lại những ký ức và kiến ​​thức dài hạn. Chúng ta lấy thông tin đó và sử dụng nó để giải thích, phân tích, thao túng và đưa ra phán đoán để định hình hành vi của mình.

Mô hình bộ nhớ làm việc đã củng cố sự hiểu biết của chúng ta về cái trước đây được gọi là trí nhớ ngắn hạn. Bộ nhớ làm việc là nơi chúng ta tập trung sự chú ý của chúng tôi bằng cách sử dụng Mạng lưới điều hành trung tâm. Vòng lặp âm vị học cho phép chúng ta lưu trữ và phát lại nhanh chóng thông tin thính giác. Và phần đệm phác thảo thị giác không gian cho phép chúng ta lưu trữ và phát lại nhanh chóng thông tin thị giác. Bộ nhớ đệm theo chu kì là nơi chúng ta thao tác các ý tưởng, thông tin mới và những ký ức. Nó là "bộ nhớ lưu trữ tạm thời [RAM] của bộ nhớ chỉ đọc [ROM] dài hạn của chúng ta" và được coi là sợi dây kết nối giữa bộ nhớ làm việc và trí nhớ dài hạn.

WMM đã tinh chỉnh sự hiểu biết của chúng ta về trí nhớ ngắn hạn và cách những ký ức được lưu trữ trong trí nhớ dài hạn. WMM ban đầu đã mô tả ba thành phần: Mạng lưới điều hành trung tâm, và hai cái gọi là "hệ thụ động": Phần đệm phác thảo thị giác không gian và Vòng lặp âm vị học . Kể từ năm 1974, WMM đã được mở rộng và cải tiến. Dưới đây là một cái nhìn tổng quan và bản tóm tắt về sự hiểu biết hiện tại của chúng ta về bộ nhớ làm việc.


Mạng lưới điều hành trung tâm

Mạng lưới điều hành trung tâm là một hệ thống đa diện, có chức năng giám sát, điều khiển bộ nhớ làm việc. Nó cho phép chúng ta tập trung sự chú ý vào "thứ" chúng ta quan tâm hiện tại trong khi ngăn chặn những "thứ" không liên quan khác xuất hiện.

Chúng có thể là một cái gì đó trong thế giới bên ngoài hoặc cũng có thể là một thực thể bên trong như trí nhớ hoặc các khái niệm. Vì trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta rất ít khi chỉ làm duy nhất một việc, mạng lưới điều hành trung tâm còn cho chúng ta khả năng phân phối hiệu suất giữa các công việc khác nhau. Chúng ta đồng thời phải áp dụng nhiều ký ức hoặc các khái niệm đã học. Và cuối cùng, nó cho phép chúng ta truy xuất các ký ức dài hạn, để ta có thể vận dụng và làm việc với chúng, nhằm đạt được các mục tiêu hiện tại.


Phần đệm phác thảo thị giác không gian.

Thường được gọi là "đôi mắt của tư duy", phần đệm phác thảo thị giác không gian là phần đầu tiên của "hệ thụ động".

Phần đệm phác thảo thị giác không gian chính là nơi mà bạn hình dung về mặt tinh thần một trải nghiệm hiện tại hoặc bộ nhớ trực quan. Ví dụ, nếu tôi yêu cầu bạn mô tả quãng đường đi bộ ngang qua nhà của mình, bạn sẽ hình dung ra và "vẽ" một bức tranh trong "đôi mắt của tâm trí" khi bạn mô tả quãng đường đó. Phần đệm này bao gồm hai thành phần chính. Có một bộ nhớ đệm trực quan có chức năng lưu trữ nhưng không xử lý thông tin quang.

Thêm vào đó, còn có bản ghi chép bên trong có tác dụng diễn tập và phát lại dữ liệu hình ảnh, không gian và chuyển động. Để đến mạng lưới điều hành trung tâm, dữ liệu cần đi qua nó. Ta chấp nhận rằng con người có khả năng kỳ diệu này để có thể hình dung các ký ức quang học của thông qua "đôi mắt của tư duy", nhưng với một số người bị chấn thương não hoặc mắc chứng mất trí nhớ bẩm sinh, họ không thể hình dung người thân đã khuất hay khung cảnh mặt trời mọc.


Vòng lặp âm vị học.

Vòng lặp âm vị học được chia thành 2 phần: một nơi lưu trữnhững dấu vết trí nhớ [Những dấu vết này mờ đi sau khoảng 2 giây] và một quá trình khớp nối mà chịu trách nhiệm nhắc lại để gợi lại những dấu vết trí nhớ trong nơi lưu trữ.

Quá trình phát âm được sử dụng để "diễn tập", bao gồm một "hộp thoại nội bộ" giữa "tiếng nói bên trong" và "tai trong" của chúng ta.

Hãy nghĩ về cách bạn âm thầm lặp đi lặp lại một số điện thoại cho đến khi bạn có thể tìm thấy một cây bút và viết nó xuống. Giới hạn tối đa 2 giây 'băng' này trong cửa hàng có lẽ là cơ sở của quy tắc 7 +/- 2.


Hoạt động độc lập của các hệ thụ động.

Điều thú vị ở đây là hai hệ thụ động hoạt động gần như thể chúng tồn tại trên các lõi riêng biệt trên một bộ vi xử lý trung tâm đa lõi. Mỗi người chỉ có thể xử lý một nhiệm vụ tại một thời điểm và không thể làm nhiều thứ cùng một lúc. Nhưng bởi vì chúng là các hệ thống riêng biệt nằm trong các vùng giải phẫu khác nhau của bộ não, chúng có thể hoạt động song song trong các nhiệm vụ riêng.

Ví dụ này sẽ giải thích lí do tại sao. Trong một quán cà phê ồn ào, tấp nập, chúng ta rất khó có thể nhớ một số điện thoại mà người khác nói với chúng ta: âm thanh nền đã kích hoạt vòng lặp âm vị. Nhưng ta lại có thể dễ dàng nhớ lại giọng nói và khuôn mặt của người thân cùng một thời điểm, vì những nhiệm vụ này đã sử dụng hai hệ thụ động riêng biệt. Do các hệ thống này cư trú ở các vùng giải phẫu khác nhau, ta cũng có thể chứng minh sự tách biệt của chúng bằng cách nghiên cứu các bệnh nhân bị tổn thương não, kết luận ra rằng: chỉ một trong các hệ thụ động là bị ảnh hưởng. Nghiên cứu về những bệnh nhân bị tổn thương vùng não đã được sử dụng rộng rãi trong tâm lý học nhận thức, nhằm xác định vị trí của các chức năng.


Bộ nhớ đệm theo chu kì

Vào năm 2000, một thành phần thứ tư đã được thêm vào WMM. Bộ nhớ đệm theo chu kì dù chưa nhận được mức độ xác nhận, tương tự như ba thành phần đầu tiên, nhưng ta có thể hiểu dường như nó là về âm thanh.

Bộ nhớ đệm này có dung lượng hạn chế và đóng vai trò trong việc lưu trữ một câu chuyện mạch lạc, tích hợp các thông tin đầu vào từ vòng lặp âm vị học, phần đệm phác thảo thị giác không gian và có thể là cả các nguồn khác nữa. Nó bổ sung các dấu mốc theo thứ tự thời gian để tạo ra một bản ghi gần giống như một bộ phim.

Chúng ta sử dụng bộ nhớ đệm theo chù kì có chủ đích là để có thể sử dụng nội dung của nó, hỗ trợ trong việc hoàn thành công việc hiện tại. Bộ nhớ đệm theo chu kì cũng có thể làm cơ sở thể hiện cách thức trao đổi ký ức giữa các nơi lưu trữ ngắn hạn và dài hạn.


Hồi hải mã

Hồi hải mã - một phần của bộ não nằm ở thùy thái dương - rất cần thiết cho việc chuyển đổi trí nhớ ngắn hạn [được lưu trữ trong bộ nhớ đệm theo chu kì] sang trí nhớ dài hạn. Nếu hồi hải mã của bạn bị cắt bỏ giống như Henry Molaison [một người đàn ông Mỹ đã phẫu thuật cắt hai bên thùy thái dương], bạn sẽ bị mất đi khả năng tạo ra những trí nhớ dài hạn mới.

Chỉ một phần nhỏ trong bộ nhớ đang hoạt động của chúng ta có thể chuyển sang thành lưu trữ lâu dài. Điều này xảy ra thông qua một quá trình được gọi là hợp nhất. Điều kiện lý tưởng nhất để quá trình hợp nhất xảy ra là khi chúng ta không tích cực khai thác sâu vào tài liệu thông tin, chẳng hạn như khi chúng ta ngủ, thư giãn hoặc đi dạo. Ở tiềm thức, trong những khoảng thời gian này, các quá trình khác nhau trong hồi hải mã phát lại và 'mã hóa' nội dung của bộ nhớ đệm theo chu kì đến vùng vỏ não mới. Sự lặp lại này tạo ra các kết nối synap mới và củng cố các kết nối hiện có để tạo ra các nhóm nơ-ron nhỏ được gọi là engram, một đơn vị lưu trữ thông tin nhận thức bên trong não. Hơn nữa, những engram này cũng được mã hóa ở các khu vực trước trán - vùng não cho phép hoạt động điều hành cao hơn, làm nổi bật tầm quan trọng của ký ức đối với hành vi của chúng ta trong các nhiệm vụ phức tạp.

Bạn chỉ có thể học sâu bằng cách đọc chậm

Giờ đây, chúng ta đã có một nền tảng tốt và sự hiểu biết về cách thức bộ nhớ hoạt động, chúng ta có thể tập trung vào lý do tại sao việc đọc chậm lại vô cùng cần thiết để tiếp cận được học sâu.

Như đã nói ở ban đầu, "đọc để lấy kiến ​​thức" không xảy ra bằng cách đơn giản là hút sạch các từ của trang sách và "bùm!", Các ý tưởng, sự kiện và khái niệm sẽ được lưu vào bộ nhớ dài hạn của bạn và sẵn sàng để sử dụng trong tương lai. Trong thực tế, thanh thành công được khuyến khích bởi những người ủng hộ việc đọc tốc độ là khả năng duy trì sự thông hiểu đầy đủ khi đọc. Gạt tuyên bố của họ là không đúng sự thật sang một bên, thanh đó là quá thấp.

Cuối cùng, đọc để lấy kiến ​​thức sẽ dẫn đến việc có được kiến ​​thức lâu dài, bền vững có thể được sử dụng trong tương lai để giải quyết các thách thức của cuộc sống, tạo ra ý tưởng và tổng hợp các giải pháp mới. Khoảng cách giữa sự hiểu biết đơn thuần và sự tiếp thu kiến ​​thức lâu bền là một bước nhảy vọt.

Khi bạn được hỏi: "Bạn đã đọc bao nhiêu cuốn sách rồi? Nếu có, bạn có thể viết ra giấy những gì bạn đã học được hoặc những cuốn sách nói về điều gì không?", liệu bạn có nộp giấy trắng? Tôi cá rằng có khá nhiều cuốn sách bạn đã đọc mà bạn chỉ có thể nói: "nó liên quan đến nước Nga",cũng như Woody Allen, và không thể kể được nhiều hơn.

Việc chuyển đổi sự hiểu biết về khái niệm thành kiến ​​thức đòi hỏi nhiều thời gian. Nhiều thời gian hơn mức có thể được tính bằng cách sử dụng một số liệu đơn giản như "...từ/phút". Tất cả các sự kiện và khái niệm mới mà chúng ta học cần phải được tích hợp với kiến ​​thức hiện có. Chúng ta có một mạng lưới kiến ​​thức trong tâm trí, gần giống với mạng lưới internet. Việc tiếp thu kiến ​​thức mới đòi hỏi chúng ta phải tạo ra các kết nối tinh thần mới với những gì ta đã biết.

Bằng cách đọc chậm rãi, bạn tạo ra thời gian cần thiết để kích hoạt mạng lưới điều hành trung tâm của mình. Bạn cần tập trung toàn bộ sự chú ý của mình, sử dụng vòng lặp âm vị học và phần đệm phác thảo thị giác không gian. Những ý tưởng, khái niệm và sự kiện mới mà bạn gặp trong cuộc sống hàng ngày phải được chuyển vào bộ nhớ đệm có chu kì, nơi bạn có thể chơi đùa và thao tác với chúng. Và loại thao tác tốt nhất bạn có thể dùng với bộ nhớ làm việc của mình là sử dụng siêu nhận thức.

Cần chắc chắn một điều là bạn sẽ sử dụng khả năng siêu nhận thức trong quá trình đọc.

Siêu nhận thức thường được mô tả là việc bạn "suy nghĩ về những điều bạn đang suy nghĩ." Nhưng đó mới chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện. Siêu nhận thức cũng là việc tự điều chỉnh những gì bạn làm để từ đó tăng cường khả năng học tập của bạn.

Ví dụ, khi bạn đọc, bạn nên có một cuộc hội thoại nội tâm bằng giọng nói bên trong [vòng lặp âm vị học] để thực hiện việc đảm bảo chất lượng của các từ mà bạn đang nhìn thấy và đọc [phần đệm phác thảo thị giác không gian]. Khi đọc, bạn nên tự đặt ra cho mình những câu hỏi kiểu như: "Liệu tôi đang tập trung hay tâm trí tôi đang ở trên mây?"; "Điều này có ý nghĩa không?"; "Tôi đã biết những gì ủng hộ hoặc bác bỏ thông tinnày?"; "Vì điều này khá mơ hồ, tôi nên làm gì để hiểu rõ hơn?"; v.v.

Sau đó, bạn nên sử dụng kết quả của cuộc tự vấn này để điều chỉnh các bước tiếp theo của bạn, trong việc làm chủ các tài liệu học thuật. Mặc dù các nghiên cứu chưa xác nhận điều này một cách chắc chắn tuyệt đối, nhưng mạng lưới điều hành trung tâm và các thành phần khác của bộ nhớ làm việc chính là cốt lõi của bộ máy để theo dõi siêu nhận thức và tự điều chỉnh.

Cách đọc siêu nhận thức

Để kích hoạt hội thoại nội tâm, điều cần thiết cho siêu nhận thức, tôi có thể đưa ra ví dụ về các loại câu hỏi mà bạn có thể đặt ra để kích thích một cuộc đối thoại nội tâm trong quá trình bạn đọc.

Bạn có thể sử dụng bộ câu hỏi sau đây như là chiếc phao cứu sinh hoặc đĩa Petri [đĩa Petri là một loại đĩa bằng thủy tinh hoặc chất dẻo dạng hình trụ có nắp đậy mà các nhà sinh vật học sử dụng để nuôi cấy tế bào] để phát triển danh mục câu hỏi siêu nhận thức của riêng bản thân bạn.

· Liệu đây có phải là một thứ gì đó mà tôi muốn hoặc cần phải ghi nhớ?

· Điều này có gợi nhớ cho tôi về bất cứ điều gì thuộc một lĩnh vực kiến ​​thức không liên quan?

· Liệu tôi có thể được nghĩ đến những điều tôi đã biết mà có mâu thuẫn với khái niệm này không?

· Những điều khác mà tôi đã biết hỗ trợ tính xác thực của khái niệm này là gì?

· Bất kỳ ví dụ thực tế về điều này?

· Đây có phải là lần đầu tiên tôi tiếp nhận vô số kiến ​​thức này không?

· Nơi nào khác tôi đã tình cờ bắt gặp ý tưởng này?

· Ai khác đã cố gắng dạy tôi điều này trước đây?

· Làm thế nào tôi chắc chắn rằng điều này là đúng và chính xác?

· Điều này có liên quan đến bất cứ điều gì khác mà tôi đã biết không?

· Có nơi nào khác trong cuộc sống, nơi mà tôi có thể tìm thấy một ví dụ về điều này không?

· Những định nghĩa liên quan khác nảy ra trong đầu tôi là gì?

· Việc nắm bắt điều này gây ra khó khăn cho tôi như thế nào?

· Nếu nó trả lời cho câu hỏi CÁI GÌ, thì liệu tôi có thể giải thích TẠI SAO không?

· Làm thế nào để áp dụng thông tin này vào trong cuộc sống của tôi?

· Tại sao cần phải biết điều này?

· Ngoài nó ra, tôi còn biết những gì khác về chủ đề này?

· Ngoài điều này ra, tôi còn muốn biết thêm những gì khác thuộc chủ đề tôi đang đọc?

· Tôi đã hiểu đầy đủ về vấn đề này chưa?

· Tôi có thể chia nhỏ nó ra không?

· Nếu một đứa trẻ hỏi tôi, làm thế nào tôi có thể giải thích để cho nhóc đó hiểu?

· Làm thế nào điều này phù hợp với những gì tôi đã biết về chủ đề này?

· Thông tin này liệu có đáng tin cậy không?

· Điều này liệu có hoàn toàn đáng tin cậy?

· Cái gì gây ra cho tôi sự ngạc nhiên về điều này?

· Nó có dễ dàng nắm bắt hay không?

· Tôi có thấy điều này thú vị không và tại sao?

· Làm thế nào tôi có thể áp dụng nó trong thực tế?

· Tại sao lại cần phải biết điều này?

· Tôi có bị coi là tò mò khi tìm hiểu điều này không?

· Vì điều này, tôi còn muốn biết thêm những điều gì khác?

· Điều này có ý nghĩa gì với bản thân mình?

· Tôi có cần tham khảo một nguồn khác để hiểu rõ hơn về điều này không?

· Điều này đặt ra cho tôi những câu hỏi gì?

· Điều này có ẩn chứa ý nghĩa sâu xa hơn không?

· Tại sao nó lại quan trọng?

· Tôi có thể diễn đạt khái niệm này theo nhiều cách khác nhau không?

· Ví dụ liên hệ thực tế mà điều này mang lại là gì?

· Tôi có muốn nhớ điều này mãi mãi không quên không?

· Tôi có nên tham khảo một nguồn khác không?

· Làm thế nào để tôi có thể tóm tắt nó một cách ngắn gọn?

Tôi chắc chắn rằng bạn đã áp dụng siêu nhận thức, dù ở mức độ này hay mức độ khác. Tuy nhiên, có một số người đọc một cách thụ động hoàn toàn và không nhận lại được gì sau khi bỏ hàng tá thời gian đọc. Hãy cố gắng có ý thức và chủ động đặt ra thật nhiều câu hỏi hơn cho bản thân trong khi đọc. Hãy tự vấn bản thân mi

Việc đọc siêu nhận thức làm bạn chậm lại khi bạn dành thời gian để khai thác sâu các tài liệu. Nhưng đọc chậm lại là một kinh nghiệm sâu sắc và nó là phương pháp được sử dụng bởi hầu hết những người kiệt xuất trên thế giới.

Tôi mong bạn nắm lấy phương pháp đọc chậm. Hãy đọc thật nhiều cuốn sách hay, một cách chậm rãi và sâu sắc.

Việc đọc tốc độ là một cách tốt để ta nắm được ý chính, nhưng nó làm ta tiếp thu được ít kiến thức hơn.

Đọc chậm là con đường dẫn ta đến học sâu. Nhưng chúng ta không nói về việc đọc chậm một cách thụ động. Lý do tại sao những người kiệt xuất thành công bằng việc đọc chậm là bởi vì họ tích cực chủ động khai thác tài liệu thông qua siêu nhận thức. Họ sử dụng bộ nhớ làm việc của mình để tạo một cuộc hội thoại nội bộ, nhằm kiểm soát chất lượng trải nghiệm của họ với văn bản. Họ tập trung sự chú ý của họ không chỉ trên trang sách mà còn vào bộ đệm theo chu kì, nơi họ thao túng các khái niệm và đảm bảo chất lượng cho việc trải nghiệm. Họ xác định những chỗ trong cuốn sách mà phù hợp với kiến ​​thức và mô hình tinh thần hiện có của họ. Họ tự mình điều chỉnh để lấp đầy những lỗ hổng kiến thức mà họ đã phát hiện ra trong khi đọc.

Phương pháo đọc chậm dành cho những người học sâu. Nếu bạn có ý định đầu tư thời gian để đọc lấy kiến ​​thức, hãy cứ dành thời gian thực hiện việc đó và nhận được những thành quả sau này.

Và nếu bạn muốn mở rộng kho kiến ​​thức của mình, hãy trở thành một người ngốn sách, bằng cách đọc chậm.

--------------------------

Tác giả:David Handel

Link bài gốc:Slow-Reading is the New Deep Learning

Dịch giả: Phạm Đoàn Quang Huy -ToMo - Learn Something New

[*] Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Phạm Đoàn Quang Huy - Nguồn:ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

[**] Follow FacebookToMo - Learn Something Newđể đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày!

[***] Trở thành Cộng tác viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại //bit.ly/YBOX-Partnership

Video liên quan

Chủ Đề