Đánh giá đề thi thpt 2023 năm 2024

Thầy Hoan còn nhận xét những câu vận dụng cao ở đề thi năm nay thực chất là những bài tự luận nhưng hỏi theo kiểu trắc nghiệm. Kiến thức có tính chất tổng hợp và khó, học sinh hoặc phải thật giỏi, hoặc phải được ôn luyện nhiều đúng dạng bài đó mới làm được. Cho nên với đề thi này điểm 7 sẽ "nhan nhản". Để có 8 điểm không khó lắm, rất đông học sinh làm được. Nhưng để được hơn 8 điểm, từ 8,5 điểm trở lên, là rất khó. Vì vậy sẽ khó chọn học sinh giỏi.

Thầy Trần Ngọc Minh, giáo viên toán Trường THPT Quỳnh Lưu 1, Nghệ An, cho rằng đề thi chính thức so với đề tham khảo là khó hơn hẳn, so với đề thi năm 2022 cũng khó hơn. Với mức độ phân hóa của đề này, học sinh chủ yếu làm đến khoảng câu 37, nghĩa là ngưỡng điểm bình quân khoảng từ 7 - 7,4 điểm, trong khi ngưỡng điểm bình quân năm ngoái khoảng 7,5 - 7,6 điểm. Đề rất khó với những câu mà học sinh làm để đạt 9 - 10, nhưng những câu để các em làm đạt quanh điểm 8 thì khá dễ. Còn năm nay thì các câu đạt điểm 8 trở lên cũng không dễ làm. Độ khó đã rải đều hơn trong số khoảng 10 câu sau, từ câu 39 đã bắt đầu khó lên và học sinh dễ sai câu 39, 41.

Các câu vận dụng thực tế vẫn chưa đưa vào được nhiều để hướng tới kỳ thi đánh giá năng lực mà Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ tổ chức vào năm 2025. Đề vẫn theo mô típ đề của những năm trước, nặng về giải toán. "Các câu vận dụng tương đối khó, khó hơn hẳn so với đề minh họa, nên đề này phân hóa tốt, phù hợp chọn tuyển sinh ĐH. Học sinh giỏi của Trường Quỳnh Lưu 1 còn khoảng 3 - 4 câu chưa làm được, như vậy nghĩa là điểm 10 của đề này sẽ ít", thầy Minh chia sẻ.

Theo các giáo viên, đề thi chính thức môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn của Hệ thống giáo dục Học mãi nhận xét, ở Phần I- Đọc hiểu [3 điểm] gồm 4 câu hỏi phân loại theo ba mức độ nhận thức. Hai câu đầu [câu 1 và 2] đều là câu hỏi dừng ở mức độ nhận biết: câu 1 yêu cầu xác định thể thơ; câu 2 yêu cầu chỉ ra từ ngữ miêu tả cơn giông mùa hè trong 4 dòng thơ của khổ đầu – đó là những yêu cầu dừng lại ở mức độ thuần túy nhận biết và không hề làm khó cho thí sinh.

Câu 3 là câu hỏi ở mức độ vận dụng, yêu cầu thí sinh vận dụng những kiến thức Tiếng Việt, tu từ để phân tích và làm rõ tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong 4 dòng thơ của khổ 2 – câu hỏi này không khó nhưng đòi hỏi thí sinh phải phân tích được đồng thời cả giá trị biểu đạt và giá trị biểu cảm của hai hình ảnh so sánh “Mưa ròng ròng như triệu ngón tay” và “Ngỡ như hành quân trở về tuổi nhỏ”.

Đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Câu 4 là câu vận dụng cao, yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân từ những suy ngẫm của tác giả Anh Ngọc trong dòng thơ “Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình”. Câu hỏi này đòi hỏi thí sinh trước hết phải hiểu được những tầng nghĩa hàm ẩn của hình ảnh “cơn giông”; liên tưởng và suy nghĩ nghiêm túc về những “cơn giông của riêng mình” từ sự gợi ý có thể nhận được bởi những suy ngẫm của nhà thơ Anh Ngọc. Đây là câu hỏi đáp ứng tốt yêu cầu ở mức độ vận dụng cao, giúp thí sinh thể hiện được quan điểm, chính kiến của mình về cách nghĩ, cách sống giữa một cuộc sống đầy biến động.

“Nhìn chung, phần Đọc hiểu khá vừa sức với thí sinh”- cô Trịnh Thu Tuyết nhận định.

Câu 1 của Phần II đưa ra một vấn đề rất thiết thực với bất kỳ lứa tuổi nào trong cuộc sống, nhưng đặc biệt là tuổi trẻ, khi các em có nhiều nhiệt tình, khát vọng…nhưng có thể còn mỏng về kinh nghiệm, về kỹ năng sống và vì thế dễ bị những cảm xúc tiêu cực chi phối. Tính thiết thực của vấn đề nghị luận có thể giúp tìm ra những điểm sáng trong bài làm của thí sinh. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khá trừu tượng và tính thiết thực của việc cân bằng cảm xúc trong thực tế cuộc sống luôn là không dễ dàng với bất kỳ ai; do đó với một bộ phận không nhỏ các thí sinh, câu hỏi này rất khó để các em đạt được điểm tối đa. “Nhưng nhìn ở một góc độ khác, thì câu hỏi này đã góp phần tạo ra tính phân loại tương đối rõ rệt cho bài làm của thí sinh” – TS Trịnh Thu Tuyết đánh giá.

Ở câu nhiều điểm nhất của đề, câu 2 [5,0 điểm], với ngữ liệu nghị luận là đoạn kết mang âm hưởng tươi sáng của sự đổi đời, của cuộc sống ấm no - sự tươi sáng dù mới chỉ thấp thoáng hiện ra qua câu chuyện của 3 mẹ con Tràng, qua cảm giác “tiếc rẻ vẩn vơ” của Tràng và đặc biệt qua hình ảnh “lá cờ đỏ bay phấp phới” ở cuối truyện, thí sinh hoàn toàn có thể tích hợp yêu cầu của hai câu lệnh bởi khi các em phân tích đoạn trích với những chi tiết miêu tả lời nói, thái độ, tâm trạng…của các nhân vật thì cũng đồng thời phải đề cập đến cách nhìn tích cực của nhà văn Kim Lân với cuộc sống và số phận con người trong nạn đói khủng khiếp 1945. Điều này sẽ giúp cho những thí sinh có năng lực tư duy tốt có thể thực hiện tích hợp hai yêu cầu của đề, tránh được sự trùng lặp những nội dung đã phân tích.

Nhìn chung, đề thi Ngữ văn bảo đảm các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Cũng như nhiều năm trước, đề thi vừa sức, quen thuộc, các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh.

Chủ Đề