Dân số thành phố tây ninh 2023

    Năm 2016 là năm tỉnh Tây Ninh đánh dấu chặng đường 180 năm hình thành và phát triển. Góp phần vào quá trình hình thành và phát triển của tỉnh nhà, thành phố Tây Ninh không ngừng nỗ lực phấn đấu để phát triển như hôm nay. Là trung tâm của tỉnh, trong suốt chiều dài lịch sử đã qua, sự phát triển của thành phố Tây Ninh [thị xã Tây Ninh trước đây] gần như tương đồng với sự phát triển chung của tỉnh nhà. 

Một góc trung tâm thành phố Tây Ninh hôm nay [Ảnh: Thanh Vinh].

    Theo sách lịch sử địa phương “Thị xã - 30 năm đấu tranh cách mạng” [do Ban Tuyên giáo Thị uỷ sưu tầm, biên soạn sơ thảo, xuất bản năm 1991], ngay từ xa xưa, vùng đất thành phố Tây Ninh là trung tâm của đạo Quang Phong, sau đó thuộc phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định. Ngày 1.1.1950, chính quyền Thị xã được thành lập, do đồng chí Võ Văn Truyện là Bí thư Đảng bộ kiêm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính. Thị xã lúc này chỉ giới hạn trong phạm vi xã Thái Hiệp Thạnh, bao gồm phần thị tứ của 3 xã Thái Bình, Hiệp Ninh và Ninh Thạnh.

   Sau giải phóng năm 1975, thị xã Tây Ninh chỉ có ba phường 1, 2, 3 và xã Bình Minh, với diện tích 3.408 ha, dân số khoảng 37.000 người. Nhằm phục vụ cho sự phát triển của tỉnh Tây Ninh nói chung và thị xã Tây Ninh nói riêng, ngày 10.8.2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2001/NĐ-CP mở rộng địa giới hành chính thị xã Tây Ninh. Theo đó, Thị xã sáp nhập các xã phía Bắc của huyện Hoà Thành là Hiệp Ninh, Ninh Thạnh, Ninh Sơn, Tân Bình, Thạnh Tân và một phần xã Hiệp Tân. Từ đó, tổng số đơn vị hành chính của Thị xã là 10 phường, xã.

   Những năm qua, thị xã Tây Ninh nhận được sự quan tâm rất lớn của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, đồng thời phát huy sức mạnh nội tại để xây dựng và phát triển. Dấu ấn đặc biệt là sự ra đời của Nghị quyết 03-NQ/TU, ngày 12.7.2012 của Tỉnh uỷ Tây Ninh về xây dựng và phát triển Thị xã giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020 để hiện thực Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015, phấn đấu đến năm 2015 đưa thị xã Tây Ninh trở thành đô thị loại 3 và đến năm 2020 tỉnh Tây Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.

   Ngày 12.12.2012, Bộ Xây dựng ra Quyết định số 1112 công nhận thị xã Tây Ninh là đô thị loại III và ngày 29.12.2013 được Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết thành lập 2 phường Ninh Thạnh, phường Ninh Sơn và công nhận thị xã là thành phố Tây Ninh- sớm hơn một năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra và cũng sớm hơn so với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015.

   Đến nay, thành phố Tây Ninh có 7 phường, 3 xã với diện tích 1.400km2 và dân số 130.899 người. Sau gần 4 năm được công nhận đô thị, Thành phố có nhiều chuyển biến mạnh mẽ và ngày càng mang dáng dấp của một đô thị văn minh, hiện đại. Kinh tế Thành phố không ngừng tăng trưởng, từng bước khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế; giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm 9,48%.

   Những năm qua, Thành phố cùng các sở, ngành của tỉnh tăng cường xúc tiến kêu gọi đầu tư đối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đồng thời quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động. Đến năm 2015, trên địa bàn Thành phố có gần 700 doanh nghiệp, 171 tổ hợp tác liên kết sản xuất, 11 hợp tác xã và 4 quỹ tín dụng nhân dân; tạo việc làm cho hàng ngàn lao động và đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách của địa phương. Trong 5 năm [2010-2015], có 41 nhà đầu tư đến thành phố Tây Ninh tìm hiểu và đăng ký đầu tư vào các dự án trên địa bàn, trong đó có 21 nhà đầu tư được tỉnh đồng ý chủ trương, cấp giấy chứng nhận đầu tư và đã có 10 dự án triển khai, đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 2.700.000 USD và 456,73 tỷ đồng.

   Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân hằng năm 14,28%. Công nghiệp phát triển ngày càng đa dạng, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, mía, mì, cao su, hạt điều. Các nghề truyền thống tiếp tục duy trì và phát triển. Năm 2014, UBND tỉnh công nhận 3 nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Tây Ninh gồm nghề gò nhôm ở phường Hiệp Ninh, nghề mộc gia dụng ở phường IV và nghề chằm nón lá ở phường Ninh Sơn. Nghề truyền thống không chỉ tạo việc làm cho người dân, mà còn là nét đẹp văn hoá truyền thống của địa phương.

   Thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển, nhiều siêu thị, chợ được hình thành như Siêu thị Co.opMart, Siêu thị điện máy Chợ Lớn… góp phần cung ứng đầy đủ hàng hoá cho người tiêu dùng, bình ổn giá cả thị trường  và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, bưu chính - viễn thông phát triển nhanh về số lượng và chất lượng.

Cửa ngõ vào thành phố Tây Ninh. [Ảnh: Thanh Vinh]

    Bên cạnh đó, công tác quản lý đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thị được Thành phố chú trọng. Các ngành và địa phương trên địa bàn chủ động xây dựng chương trình hành động, đề án thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TXU ngày 15.11.2012 của Thị uỷ [nay là Thành uỷ] về xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị trên địa bàn. Nhiều mô hình, cách làm hay được triển khai đã huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân hưởng ứng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng, công sở và khu dân cư.  Xã Bình Minh được công nhận xã nông thôn mới, xã Thạnh Tân đạt 9/19 tiêu chí, xã Tân Bình đạt 10/19 tiêu chí.

   Công tác quy hoạch, phát triển đô thị cũng được quan tâm gắn với Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh uỷ về xây dựng và phát triển thị xã Tây Ninh giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, Thành phố đã lập và tổ chức thực hiện 13 quy hoạch và 1 quy hoạch chung, trong đó có 5 quy hoạch xây dựng nông thôn mới, 4 quy hoạch chi tiết, 2 quy hoạch  lĩnh vực tài nguyên - môi trường... Thành phố cũng rà soát, kiến nghị tỉnh giảm diện tích quy hoạch Cụm công nghiệp Tân Bình, xoá quy hoạch Cụm công nghiệp Bình Minh và Thạnh Tân; điều chỉnh cục bộ 45 nội dung của quy hoạch chi tiết; loại khỏi danh mục mời gọi đầu tư của tỉnh 6 quy hoạch dự án khu nhà ở và khu tái định cư.

   Bên cạnh đó, Thành phố tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông; thực hiện tốt các chính sách an sinh- xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, từ đó số hộ nghèo được kéo giảm từ 1.399 hộ năm 2010 xuống còn 313 hộ năm 2015. Thành phố còn tự hào là đơn vị đi đầu trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Tây Ninh, tính đến năm 2015, có 27/52 trường đạt chuẩn quốc gia, có 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đầu tiên của tỉnh.

   Hiện nay, thành phố Tây Ninh tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức để hướng tới đô thị loại II trong tương lai.

[BTNO]

Chủ Đề