Có nên chải da khô hàng ngày

Bài viết này đã được cùng viết bởi . Tiến sĩ Matsko là bác sĩ đã nghỉ hưu có văn phòng làm việc tại Pittsburgh, Pennsylvania. Ông đã được trao giải thưởng Lãnh đạo xuất sắc của Đại học Pittsburgh Cornell. Ông đã nhận bằng Tiến sĩ của Trường Đại học Y Temple năm 2007. Ông có chứng chỉ Nghiên cứu từ AMWA vào năm 2016 và chứng chỉ Viết & biên tập nội dung y khoa từ Đại học Chicago vào năm 2017.

Bài viết này đã được xem 4.200 lần.

Chải da khô là liệu pháp dùng bàn chải cán dài chải lên da khô. Quá trình này sẽ tẩy da chết, giúp giảm số lượng tế bào chết không mong muốn trên da. Tuy nhiên, bạn có thể khiến da bị kích ứng hoặc nhiễm trùng nếu chải quá thường xuyên hoặc quá mạnh tay. Bạn cần biết sự thực của việc chải da khô và các phương pháp thích hợp nhất trước khi bắt đầu thực hiện.

Các bước

  1. Biết điều gì sẽ xảy ra. Liệu pháp chải da khô, cũng như nhiều trào lưu chăm sóc sức khỏe khác, thường được hứa hẹn là đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe; tuy nhiên, không phải tất cả những lời đồn đều có căn cứ khoa học. Bạn nên biết về sự thực của phương pháp này để không thực hiện quá nhiều hoặc không cần thiết.

    • Mặc dù hiệu quả kích thích tuần hoàn máu của phương pháp chải da khô còn đang gây tranh cãi, nhưng nó thực sự có tác dụng tẩy da chết. Tẩy da chết là quá trình làm sạch các tế bào da chết; tuy nhiên, bạn không cần tẩy da chết thường xuyên nếu chưa đến 30 tuổi. Da của bạn còn trẻ và có khả năng tự động làm sạch da chết. Khi bạn đến tuổi 30 trở đi, da chết có thể sẽ không tự động bong ra và việc chải da khô sẽ giúp ích.
    • Chải da khô có thể tác động đến chứng cellulite (tình trạng mỡ tích tụ dưới da không đồng đều khiến da bị sần sùi, còn gọi là da sần vỏ cam) nhưng không loại bỏ được, thậm chí không giảm được tình trạng này. Liệu pháp chải da khô sẽ tạm thời giảm độ lồi lõm trên da, vì vậy việc chải da khô trước khi đi chơi biển là cách tuyệt vời để giúp bạn đẹp hơn và cảm thấy thoải mái hơn, nhưng hiệu quả sẽ chỉ duy trì trong vòng 24 tiếng.
    • Nhiều trang web chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp khuyên nên chải da khô hai lần một ngày, nhưng điều này có thể gây hại. Lông bàn chải có thể gây ra những vết xước li ti trên da nếu bạn chải quá mạnh hoặc quá thường xuyên. Những vết xước này có thể dễ dàng bị nhiễm trùng. Ngoài ra, việc chải da chết quá một lần mỗi tuần còn phá vỡ màng chắn bảo vệ da, gây khô và kích ứng da.
    • Liệu pháp chải da khô thực sự có tác động đến tình trạng của da. Những người có bệnh chàm hoặc bệnh da mãn tính nên tránh chải da khô, vì họ dễ gặp phải các biến chứng trên hơn; tuy nhiên, nếu bạn mắc chứng dày sừng nang lông (chứng bệnh viêm da với các u sần, đỏ) thi việc chải da khô có thể giúp loại bỏ các tế bào da chết gây ra các u sần.

  2. Chọn bàn chải. Khi bạn đã cân nhắc các mặt lợi hại và xác định liệu pháp chải da khô là thích hợp với mình, bước tiếp theo là chọn loại bàn chải mà bạn sẽ sử dụng.

    • Bạn sẽ cần bàn chải lông tự nhiên, không có chất liệu tổng hợp và có cán dài. Bạn có thể tìm mua bàn chải loại này ở các cửa hàng bán sản phẩm chăm sóc sức khỏe hoặc ở các thẩm mỹ viện.
    • Cán bài chải càng dài thì càng tốt. Bạn sẽ cần tiếp cận được những vùng da khó với tới, chẳng hạn như sau lưng.
    • Chọn loại bàn chải lông cứng. Lông bàn chải làm từ sợi xương rồng hoặc thực vật là lý tưởng nhất. Nếu bạn không biết chắc, hãy hỏi các nhân viên bán hàng.
    • Đối với những vùng da mỏng như mặt, bụng và ngực, bạn nên chọn bàn chải không có cán và lông bàn chải mềm hơn một chút.

  3. Xác định thời điểm và tần suất chải da khô. Trước khi bắt đầu, bạn cần quyết định chải vào thời gian nào trong ngày.

    • Nhiều người ủng hộ chải da khô vào buổi sáng, trước khi tắm. Người ta cho là việc chải da khô tiếp thêm sinh lực cho cơ thể để bắt đầu một ngày mới.
    • Nhớ đừng chải da khô quá thường xuyên. Nhiều người ưa chuộng liệu pháp này thực hiện hàng ngày hoặc mỗi ngày hai lần, nhưng điều này là không cần thiết và còn có thể dẫn đến khô da, kích ứng da và nhiễm trùng.

  1. Đứng trên bề mặt lát gạch. Trước khi bắt đầu chải da khô, bạn nên đứng trên bề mặt có lát gạch. Đa phần mọi người thích chải da khô trong bồn tắm vòi sen. Các vảy da chết sẽ bong ra khỏi cơ thể trong quá trình chải, và bạn cần thực hiện ở nơi dễ dọn rửa.

  2. Bắt đầu từ bàn chân về chải dần lên chân. Bạn hãy dùng bàn chải cán dài để chải những vùng da này. Quy trình chải da khô sẽ bắt đầu từ dưới và di chuyển lên trên. Chải từ dưới lên được cho là giúp tăng độ dẫn lưu đến hạch bạch huyết và tăng lưu thông máu đến tim. Cách này có thể giúp đào thải độc tố trong cơ thể và cải thiện tuần hoàn máu.

    • Dùng động tác chải dài và mượt. Chải lùi lại, mỗi lần chải di chuyển về phía tim.
    • Nếu thấy khó giữ thăng bằng, bạn hãy gác một chân lên ghế gác chân hoặc lên thành bồn tắm.
    • Chú ý đến những vùng da dày, chẳng hạn như mắt cá chân và lòng bàn chân. Bạn cần chải những vùng da này nhiều lần để đảm bảo loại bỏ da chết.

  3. Di chuyển đến cánh tay, sau đó đến thân trên. Tiếp tục chải da bằng bàn chải cán dài. Di chuyển lên cánh tay sau khi đã chải xong hai chân. Nhớ thực hiện tương tự như trên, mỗi lần chải đều hướng về tim.

    • Bắt đầu từ bàn tay và di chuyển về phía vai. Vẫn như trên, bạn hãy dùng động tác chải dài và mượt.
    • Chú ý đặc biệt đến các vùng da dày, chẳng hạn như khuỷu tay. Đảm bảo da chết phải bong hết.
    • Di chuyển ra sau lưng. Vùng da này hơi khó chải vì có một số vị trí khó tiếp cận. Đảm bảo bàn chải của bạn phải có cán đủ dài để với tới giữa lưng và những vùng khó với tới khác. Di chuyển từ mông lên bả vai.
    • Cuối cùng, bạn hãy di chuyển lên thân trên và hai bên sườn. Chải lên lồng ngực, về phía tim. Với hai bên sườn, bạn sẽ chải từ hông lên đến nách.

  4. Chải ở những vùng da nhạy cảm. Khi chuyển sang các vùng da nhạy cảm, bạn cần dùng bàn chải lông mềm để chải.

    • Chải da mặt, dùng động tác chải ngắn hơn và nhẹ nhàng hơn. Di chuyển từ trán đến cổ.
    • Bầu ngực và đầu nhũ hoa cũng cần được chải bằng bàn chải mềm hơn để tránh gây kích ứng cho các vùng da nhạy cảm.
    • Nếu muốn chải lại toàn thân lần nữa, bạn nên chải bằng bàn chải mềm để tránh kích ứng.

  1. Tắm vòi sen sau khi chải da khô. Tắm sau khi chải da khô là ý hay, cho dù bạn không chải da khô vào buổi sáng. Da chết còn sót lại sẽ được rửa trôi khi tắm.

    • Một số người khuyên nên tắm xen kẽ nước nóng và nước lạnh để tăng tuần hoàn máu, nhưng điều này là không cần thiết. Bạn có thể tắm nước nóng như thường lệ nếu thích.
    • Thấm khô thay vì dùng khăn chà xát lên da để lau khô. Làn da có thể nhạy cảm hơn sau khi chải da khô, và bạn cần phải tránh kích ứng và nhiễm trùng da.
    • Thoa dầu tự nhiên lên da để bù lại chất dầu mất đi trong quá trình chải da và tắm. Rosehip oil (dầu nụ tầm xuân) và dầu dừa là các lựa chọn thích hợp.

  2. Làm vệ sinh khu vực chải da và bàn chải sau khi chải da khô. Sau khi hoàn tất quy trình chải da, bạn cần làm sạch khu vực chải da và các dụng cụ chải da.

    • Nếu bạn chải da khô trong phòng tắm, việc dọn rửa sẽ dễ dàng vì da chết có thể trôi xuống lỗ thoát nước. Ở những bề mặt lát gạch khác, bạn cần quét và vứt bỏ da chết.
    • Giữ khô bàn chải. Đừng treo trong bồn tắm, vì bàn chải sẽ bị ướt và có thể nhiễm mốc. Bạn cần để bàn chải tránh xa nơi có nước đọng.
    • Thỉnh thoảng bạn cần giặt bàn chải. Dùng một lượng nhỏ dầu gội đầu hoặc xà phòng lỏng để giặt sạch lông bàn chải và giũ khô nước hết mức có thể. Treo bàn chải ở nơi an toàn để phơi khô, tránh để nước bắn vào.

  3. Theo dõi thời gian chải da khô. Đừng quên rằng việc chải da khô có thể gây ra vấn đề cho da nếu được thực hiện quá thường xuyên. Bạn nên đánh dấu trên lịch hoặc điện thoại ngày đã chải da khô và chờ ít nhất hai tuần sau mới chải lại lần nữa. Nhiều người ủng hộ chải da một hoặc hai lần một ngày, nhưng điều này làm tăng rủi ro nhiễm trùng và viêm da.