Có bao nhiêu trong tay có thể kinh doanh homestay

Homestay hay còn gọi là nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê là loại hình kinh doanh khá phát triển trong thời gian gần đây khi du lịch bùng nổ tại Việt Nam. Đối với khách du lịch, việc nghỉ dưỡng tại các khách sạn sang trọng có thể gây tốn kém không đáng có, thay vào đó, homestay vừa đáp ứng được nhu cầu nghỉ ngơi, sinh hoạt thường ngày trong chuyến du lịch, vừa giúp khách du lịch có những trải nghiệm thú vị khi được tiếp xúc gần hơn với người dân bản địa, dễ dàng hòa mình vào thiên nhiên.

Việc kinh doanh dịch vụ homestay cũng giúp người dân bản địa, những người không có vốn đầu tư những khách sạn, nhà nghỉ sang trọng, có được nguồn thu nhập ổn định, bền vững từ hoạt động du lịch. Tuy nhiên, việc kinh doanh dịch vụ homestay cũng phải đáp ứng được các điều kiện của pháp luật về cơ sở lưu trú du lịch. Sau đây, NPLaw xin giới thiệu tới quý bạn đọc các nội dung liên quan đến dịch vụ homestay.

I. Kinh doanh dịch vụ homestay là gì?

Nếu cắt nghĩa theo từ thì home có nghĩa là nhà, stay có nghĩa là ở, lưu trú, homestay là lưu trú tại nhà. Hay nói cách khác, homestay là là loại hình dịch vụ mà khách du lịch sẽ nghỉ ngơi, sinh hoạt tại nhà người dân bản địa nơi khách du lịch đặt chân đến. Hiểu một cách bao quát hơn, khách du lịch lưu trú tại nhà người dân bản địa, có thể cùng sinh hoạt như người bản địa từ đó khám phá, trải nghiệm và hiểu được phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của người dân từng vùng miền tại địa phương nơi khách du lịch ghé thăm. Từ đây, khách du lịch cũng có cơ hội khám phá thiên nhiên hoang dã, nơi mà con người chưa bê tông hóa như các nhà nghỉ, khách sạn khác.

1. Đặc điểm kinh doanh homestay

Vì là loại hình kinh doanh dựa vào người dân bản địa nên homestay cũng có những đặc điểm riêng biệt, nổi bật hơn các cơ sở lưu trú khác, bao gồm:

  • Chi phí đầu tư kinh doanh dịch vụ homestay thấp. Các homestay được xây dựng tại nhà ở của người dân, tận dụng không gian đã có sẵn, chủ nhà chỉ cần cải tạo và trang bị thêm một vài trang thiết bị phục vụ khách du lịch là có thể kinh doanh homestay và cho phép nhiều khách du lịch ở ghép chung một phòng nên chi phí đầu tư ban đầu không quá tốn kém.
  • Cơ hội giao lưu với người bản địa và khách du lịch từ địa phương khác và tìm hiểu văn hóa vùng miền. Là loại hình kinh doanh mang tính cộng đồng, khách du lịch sẽ sinh hoạt cùng với nhau và với người dân bản địa nên việc giao lưu văn hóa, bản sắc của nhau cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn.
  • Quy mô nhỏ và giá thành rẻ. Chính vì các homestay được hình thành tại nhà dân, với chi phí đầu tư thấp và cho phép ở ghép nên giá cho thuê cũng rất phải chăng cho khách du lịch. Thông thường mỗi homestay sẽ có quy mô từ 10 đến 30 khách lưu trú với giá khoảng từ 80 (tám mươi) đến 100 (một trăm) nghìn đồng trên một người một đêm.

2. Vai trò của kinh doanh homestay

Homestay ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch địa phương nơi những nhà nghỉ, khách sạn sang trọng khó có thể xây dựng được.

  • Tạo thu nhập cho người dân bản địa. Việc cung cấp dịch vụ lưu trú cho khách du lịch giúp người dân có thêm thu nhập ổn định để nâng cao đời sống của mình.
  • Thúc đẩy giao lưu văn hóa, truyền bá bản sắc địa phương. Khách du lịch được tìm hiểu phong tục, tập quán của người bản địa một cách dễ dàng và thuận tiện nhất.
  • Tiết kiệm chi phí cho khách du lịch. Homestay cung cấp những dịch vụ tiện ích cơ bản với giá cả bình dân giúp khách du lịch vừa không chi quá nhiều tiền cho việc ăn ở nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu khám phá, nghỉ dưỡng của mình.

II. Các loại hình kinh doanh homestay

Phong cách thiên nhiên. Đây là kiểu thiết kế sử dụng các nguyên vật liệu từ thiên nhiên như gỗ, tre, mây, lá… và vị trí gần gũi nhất có thể với tự nhiên.

Phong cách cổ điển. Với thiết kế cổ kính, homestay cổ điển sẽ giúp khách du lịch được trải nghiệm kiểu sinh hoạt của những thập niên xa xôi trong lịch sử.

Phong cách công nghiệp. Đây là kiểu thiết kế homestay theo mô hình nhà xưởng, nhà máy, khu sản xuất, giúp khách du lịch có trải nghiệm mới mẻ hơn.

III. Điều kiện kinh doanh dịch vụ homestay

Để kinh doanh loại hình dịch vụ lưu trú này, người kinh doanh cần phải đáp ứng các điều kiện (được quy định tại Điều 49 Luật Du lịch năm 2017 và Điều 27 Nghị định 168/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung năm 2018) như sau:

Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch bao gồm:

  1. Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
  1. Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
  1. Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Trong đó, điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch bao gồm:

  1. Có khu vực sinh hoạt chung; có khu vực lưu trú cho khách; có bếp, phòng tắm, phòng vệ sinh.
  1. Có giường, đệm hoặc chiếu; có chăn, gối, màn, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm hoặc chiếu; thay bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.

IV. Thủ tục đăng ký kinh doanh homestay

Để homestay được phép hoạt động thì người kinh doanh cần thực hiện các thủ tục cấp các loại Giấy phép sau đây:

1. Giấy phép đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Người kinh doanh có thể lựa chọn đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành. Tuy nhiên, đối với kinh doanh dịch vụ homestay thì người kinh doanh nên lựa chọn đăng ký hộ kinh doanh với thủ tục nhanh chóng, dễ dàng.

2. Giấy chứng nhận phòng cháy và chữa cháy. Đây là Giấy phép quan trọng trong hoạt động kinh doanh của homestay, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho khách du lịch cũng như người kinh doanh homestay khi trường hợp cháy nổ xảy ra.

3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự.

V. Những thắc mắc thường gặp về kinh doanh homestay

1. Sự khác nhau giữa điều kiện kinh doanh homestay và cắm trại là gì?

Homestay và bãi cắm trại du lịch đều là loại cơ sở lưu trú du lịch, do đó, để được kinh doanh hai loại dịch vụ này thì phải đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo quy định của Luật Du lịch năm 2017. Trong đó, điều kiện kinh doanh giữa homestay và bãi cắm trại du lịch cũng có sự khác nhau, cụ thể:

Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với bãi cắm trại du lịch bao gồm:

1. Có khu vực đón tiếp khách, khu vực dựng lều, trại, phòng tắm, vệ sinh chung

3. Có tủ thuốc cấp cứu ban đầu

4. Có nhân viên bảo vệ trực khi có khách.Như vậy, kinh doanh dịch vụ bãi cắm trại du lịch thì cần phải có tủ thuốc cấp cứu ban đầu, có nhân viên bảo vệ trực khi có khách. Trong khi homestay thì không cần điều kiện này.

2. Chuyển đổi đất nông nghiệp để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ homestay?

Việc kinh doanh dịch vụ homestay trên đất nông nghiệp là hoạt động kinh doanh không đúng pháp luật. Do đó, để kinh doanh homestay thì người kinh doanh phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc về Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định. Các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

3. Những khó khăn khi kinh doanh homestay

Đầu tiên, với quy mô kinh doanh nhỏ và phí dịch vụ không cao dẫn đến việc khó khăn trong việc thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Để kinh doanh có lợi nhuận đòi hỏi chủ homestay phải không ngừng đổi mới nhằm thu hút khách du lịch và quản lý chi phí thật tốt mới tối ưu hóa được lợi nhuận của mình.

Thứ hai, sự cạnh tranh gay gắt từ các cơ sở lưu trú khác cũng là một khó khăn không nhỏ đối với chủ homestay. Ngày nay có rất nhiều homestay với thiết kế đẹp mắt, trang bị hiện đại, bên cạnh đó những cơ sở nhà nghỉ, khách sạn cũng cung cấp dịch vụ với giá thành phải chăng nên việc kinh doanh của các chủ homestay chịu áp lực rất lớn từ các đối thủ này.

Thứ ba, với một số chủ kinh doanh dịch vụ homestay, việc nhận phản hồi không tốt từ khách hàng có thể nói là một cơn ác mộng. Công nghệ hiện đại có thể lan truyền thông tin rất nhanh, một phản hồi không tốt từ khách hàng có thể lan tỏa đến hàng trăm, hàng nghìn khách hàng khác và kéo theo đó là sự sụt giảm doanh thu của các homestay.

Trên đây là những nội dung cơ bản về kinh doanh dịch vụ homestay mà NPLaw muốn giới thiệu tới quý bạn đọc. Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, NPLaw là công ty luật có uy tín và trách nhiệm trong việc tư vấn, hỗ trợ khách hàng thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến giấy phép kinh doanh dịch vụ homestay nói riêng và các loại dịch vụ pháp lý khác nói chung với thời gian nhanh nhất và đạt hiệu quả cao nhất.


Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw

Trụ sở chính: 139H4 Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Chi nhánh Hà Nội: Tầng 10, Tòa nhà Ford Thăng Long, 105 Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội.

Chi nhánh Nha Trang: Số 3M, tầng trệt chung cư CT2, khu đô thị VCN Phước Hải, đường Tố Hữu, phường Phước Hải, TP. Nha Trang, Khánh Hòa.