Chọn nhầm ngành nghê hậu quả như thế nào

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động, ba đi bán vé số dạo, mẹ bán quán nước ở vỉa hè. Cái nghèo khó, nợ nần, chạy ăn từng bữa của gia đình nuôi nấng và thôi thúc tôi học lên cao để vượt qua hoàn cảnh. Rồi vì hoàn cảnh, năm lớp 8 tôi phải theo mẹ về quê sinh sống, dở dang chuyện học hành. Khi trở lại thị thành, tôi tiếp tục học chương trình bổ túc văn hóa (nay là giáo dục thường xuyên). Tốt nghiệp THPT với điểm số khá cao nhưng tôi không đủ tự tin dự thi ĐH...

Một thầy giáo khuyên tôi nên đi luyện thi. Mẹ tôi phải vay mượn, cộng với số tiền bạn bè giúp đỡ, tôi vào trường luyện thi. Ở đó, những bài giảng chuyên đề đạo đức đầy cảm xúc của nhà giáo Đàm Lê Đức, một cô giáo tóc pha sương, tôi được tiếp thêm sức mạnh tinh thần. Phong cách của cô, tình cảm trong từng bài giảng của cô nung nấu trong lòng tôi ước mơ: mình sẽ trở thành thầy giáo.

Năm đó, năm 1998, tôi đậu hai trường đại học là ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Sư phạm TP.HCM. Tôi sung sướng đến tột cùng, tôi say mê sư phạm, tôi muốn làm thầy giáo, tôi nghĩ ngày mình đứng trên bục giảng đã rất gần... Nhưng ba mẹ lại muốn tôi học kinh tế với hi vọng sau này có thể cải thiện đời sống gia đình.

Tôi đã từ bỏ cơ hội trở thành sinh viên sư phạm để bước chân vào giảng đường kinh tế. Tôi không lười biếng nhưng mỗi học kỳ tôi luôn thi lại vài môn. Vừa học vừa làm thêm, vừa tiếc nuối ngành học mình yêu thích, tôi ý thức rất rõ mình không phù hợp ngành kinh tế, việc học ngày càng đuối. Tôi đã kéo lê bốn năm ĐH của mình, học trong đau khổ, nhiều hôm ngồi ở giảng đường kinh tế mà ước sao đây là giảng đường sư phạm...

Đến năm cuối ĐH, tôi vẫn còn nợ 7-8 môn. Đến ngày đi thực tập, tôi tự thấy mình không đủ năng lực, không còn tự tin. Tôi nghỉ học, giam mình trong căn phòng với bốn bức tường, tôi khóc, tôi không muốn sống. Tôi nhớ như in ngày thi đậu ĐH, một người hàng xóm, hồi bé bà thường hay bế tôi, đã tặng tôi 100.000 đồng mua sách với lời nhắn: “Mai mốt ra trường đi làm nhớ mời bà ăn phở nha con”. Bốn năm sau gặp lại, bà hỏi: “Phở của bà có chưa con?”. Tôi không muốn gặp mọi người, tôi muốn xa lánh tất cả...

Từ bỏ để làm lại

Và một người bạn cùng học trường kinh tế đã bớt chút tiền lương những tháng đầu đi làm ở ngân hàng để giúp tôi có tiền ôn luyện thi lại. Tôi làm lại từ đầu với sự quyết tâm vẫn còn, lời dạy của cô Đức vẫn vang vọng. Năm ấy, tôi đậu vào ngành sư phạm giáo dục công dân Trường CĐ Sư Phạm TP.HCM (nay là ĐH Sài Gòn).

Tôi vẫn vừa học vừa đi bán vé số kiếm tiền làm học cụ. Năm 2 tôi đi kiến tập đạt loại giỏi với số điểm phần giảng bài 20/20 điểm, năm 3 trong đợt thực tập tôi đạt loại xuất sắc với điểm trung bình 9,4, cao nhất trong đoàn giáo sinh thực tập. Tôi đại diện cho sinh viên của khoa đi dự hội thi “Nghiệp vụ sư phạm” và đoạt giải nhì phần thi giảng, sau đó thi tốt nghiệp tôi đạt danh hiệu thủ khoa khoa sử - giáo dục công dân năm 2007.

Ngày ra trường được phân công về Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM), buổi đầu tiên đứng trên bục giảng mà cứ ngỡ đây là thiên đường, tôi hạnh phúc tột cùng khi được học sinh gọi hai tiếng “Thầy ơi!”. Tôi cố gắng mang vào bài giảng những câu chuyện về tình thương, về công cha nghĩa mẹ với những đoạn nhạc, bài ca dao, câu tục ngữ...

Nhiều học trò đã cảm động, yêu thích môn giáo dục công dân hơn, ngoan hơn, biết trả lại đồ lấy cắp của bạn. Như cơ duyên với nghề, những giờ giảng của tôi đã được ghi nhận. Sau bài viết “Người thầy cảm động” được đăng trên Tuổi Trẻ, một thầy giáo giáo dục công dân như tôi đã vinh dự được bình chọn là giáo viên trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2008; là công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2008; còn được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong việc “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, và được bình chọn là gương điển hình TP.HCM và toàn quốc về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...

Tôi nghĩ mình yêu nghề sư phạm, cuối cùng nghề sư phạm cũng yêu mình. Tôi cảm ơn nghề sư phạm đã giúp tôi phát huy khả năng của mình. Tôi đã từng đánh mất cơ hội đời mình, đánh mất năm năm tuổi trẻ nhưng tôi thấy mình may mắn khi được trở lại, sống với nghề mình yêu thích.

Chọn nhầm nghề là một sự chọn lựa nguy hiểm với đời người. Từ chối một ngành yêu thích để học một ngành không phù hợp, không yêu thích khiến người ta sống trong đau khổ dằn vặt triền miên... Có không ít bạn sinh viên đang sống trong đau khổ ấy. Quay lại với nghề yêu thích cũng không phải dễ dàng. Có thể bạn yêu thích một nghề thanh bần như nghề sư phạm hoặc một nghề xã hội trọng vọng, lương cao... Điều đó không quan trọng bằng đó phải là nghề tốt với bản thân và là nghề mình có thể làm tốt, sống tốt với nó. Mình yêu nghề, nghề sẽ yêu mình. Nếu bạn dũng cảm, vượt qua khó khăn để khẳng định mình với nghề mình thích, thành quả chắc sẽ đến...

Làm thế nào để không chọn nhầm ngành học, trường học, tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra là băn khoăn của các sĩ tử cũng như gia đình và toàn xã hội.

Một khảo sát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho thấy, khoảng 30% sinh viên, học sinh tốt nghiệp có ý định làm việc lâu dài; trong khi 30% muốn tìm việc làm khác vì không phù hợp với khả năng, nguyện vọng và 40% chưa xác định mục tiêu nghề nghiệp.

Số liệu trên cũng là một trong những minh chứng về việc học sinh, sinh viên chọn nhầm ngành học, trường học. Sự nhầm lẫn này có thể xuất phát từ yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Song dù là lý do nào, thì ít nhiều cũng gây ra những hệ lụy nhất định. Hệ lụy nhãn tiền là tốn thời gian công sức, tiền bạc và vô tình làm mất đi cơ hội của thí sinh khác.

Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2023 diễn ra ngày 19/3, một số chuyên gia cho hay: Sau năm học thứ nhất, nhiều sinh viên nhận ra rằng, ngành học, trường học đã lựa chọn chưa hẳn là mong muốn và phù hợp với bản thân.

Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên không hạnh phúc và không nghiêm túc trong học tập khi phát hiện mình chọn ngành học, trường học không phù hợp. Trong số đó, có em bỏ học giữa chừng hoặc ra trường không đúng kỳ hạn. Cũng có không ít sinh viên “ngậm bồ hòn làm ngọt” nên cố học cho xong để có tấm bằng đại học. Thậm chí, nhiều em có tâm lý chán nản và có thể dẫn đến “tuột dốc” không phanh.

Nói như TS Huỳnh Anh Bình - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TPHCM, sai lầm nào cũng để lại sẹo nhưng sai nghề chính là vết sẹo cả cuộc đời. Chọn sai nghề khiến các em khó thăng tiến trong công việc. Thế mới thấy, việc không hướng nghiệp từ sớm, không nghiêm túc trong chọn ngành nghề có thể tạo nên những hậu quả khó lường.

Hơn bao giờ hết, cần đẩy mạnh công tác phân luồng hướng nghiệp ngay từ sớm, ít nhất là từ cấp THCS. Trước mắt, là định hướng nghề nghiệp từ phía gia đình, người thân, thầy cô giáo. Bởi suy cho cùng, việc chọn nghề thích hợp vẫn là quan trọng nhất. Chọn nghề thường theo nguyện vọng, chọn trường lại theo khả năng. Khi chọn nghề, chọn trường, các em cần tỉnh táo, sàng lọc thông tin để có quyết định phù hợp với bản thân.

Trên hết, cá nhân phải tự đặt ra các lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Lựa chọn này cần đảm bảo phù hợp với khả năng, sở thích, tính cách, điều kiện gia đình… và những yếu tố khác có liên quan đến từng nghề nghiệp cụ thể như mức thu nhập, cơ hội việc làm.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, học sinh có thể vận dụng công thức G – P – V trong lựa chọn ngành nghề. Trong đó, G – Gifts tức là tài năng. P – Passion là đam mê. V – Values là giá trị bản thân. Đây là ba từ khóa được ví như là kim chỉ nam để thí sinh nhận ra được đam mê và xác định mình có tài năng gì cũng như giá trị bản thân. Từ đó, thí sinh có thể tìm ra sự yêu thích với ngành nghề trong tương lai.