Câu hát Nhà be nước chảy chia hai Ai về Gia Định, Đồng Nai của bài hát nào

Nhà Bè là vùng đất nằm về phía đông nam Sài Gòn. Trước đây, nếu đi về hướng biển, quận Nhà Bè có ranh giới bắt đầu từ Kinh Tẻ chạy dài cho tới sông Soài Rạp, bên trái là đoạn sông Nhà Bè và tay phải giáp ranh với vùng Bình Chánh. Hiện nay, huyện Nhà Bè nhỏ lại, bắt đầu từ cầu Phú Xuân, do phần đất Tân Thuận, Tân Qui và Phú Mỹ thuộc về quận 7.
Theo như truyền thuyết, khi xưa trên mặt sông có một cái chòi cất trên bè cây, trên đó chứa gạo, nước ngọt, muối mắm, do phú hộ Võ Thủ Hoằng, còn gọi là ông Thủ Huồng lập ra để làm phước, giúp người đi đường sông khỏi phải đói khát. Về sau, nhiều người bắt chước kết thành hai ba chục chiếc bè làm chỗ buôn bán, trao đổi hàng hoá. Khoảng sông này ngày càng tấp nập đông vui và địa danh Nhà Bè ra đời từ thuở đó. Theo Gia Định Thành thông chí của tác giả Trịnh hoài Đức thì địa điểm mà ông thủ Huờng thiết lập nhà bè hiện tại là đầu địa phận của Phú Mỹ chỗ sông Sài Gòn trở thành phụ lưu đổ nước vô sông Đồng Nai, nơi có cây cầu Phú Mỹ bắc ngang qua sông Sài Gòn [đối với người dân Sài Gòn thì đi qua cầu Tân Thuận hay cầu cầu rạch Ông là tới quận “Nhà Bè” còn riêng với những ai ở vùng Phú Mỹ hay Phú Xuân thì “Nhà Bè” dùng để chỉ phần đất tận cùng của đường Huỳnh tấn Phát, còn kêu là mũi Nhà Bè. Do đó câu hỏi được đặt ra là tại sao chỗ ngã ba sông Sài Gòn thành phụ lưu của sông Đồng Nai không có tên là Nhà Bè mà lại là Phú Mỹ].

Sông Đồng Nai gặp Sông Sài Gòn, đi qua vùng đất thuộc quận Nhà Bè nên bị đổi tên thành sông Nhà Bè. Đoạn sông Nhà Bè nay chỉ dài khoảng 9 cây số, bắt đầu bằng một ngã ba ở Phú Mỹ và tận cùng bằng một ngã ba khác ở mũi Nhà Bè hay còn gọi là ngã ba Nhà Bè. Ở ngã ba Nhà Bè, sông Nhà Bè chia làm hai nhánh chảy ra biển là sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp. Hai nhánh sông này ôm lấy cù lao Bình Khánh và vùng Rừng Sác-Cần Giờ ra tới biển Đông bằng hai cửa biển vịnh Gành Rái và Vàm Láng. Nói cho đúng, sông Nhà Bè hay Soài Rạp gì thì cũng chính là sông Đồng Nai thôi. Sông Soài Rạp lớn hơn sông Lòng Tàu nhiều, có thể coi là sông Đồng Nai kéo dài, dù cho con đường thủy vô Sài Gòn từ xưa vẫn là sông Lòng Tàu vì độ sâu, ít bãi cạn.

Vậy thì câu ca dao Nhà Bè nước chảy chia hai Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về muốn chỉ vô chỗ nào của “đoạn” sông Nhà Bè? Bắt đầu hay tận cùng?

Người ta hầu hết đều cho là nơi mà sông Sài Gòn nhập vô sông Đồng Nai khi nước lớn từ biển chảy lên sẽ chia làm hai hướng, một về Gia Định và một về Đồng Nai. Tuy nhiên vùng đất ngày nay có tên Đồng Nai trước kia từ năm 1832 cho tới 1975 có tên chính thức là Biên Hòa mà câu ca dao trên không thể có sau năm 1975 được. Như vậy nếu nói “Nước chảy chia hai” ở Phú Mỹ thì phải là “Ai về Gia Định, Biên Hòa thì về”. Vậy có nhất định phải hiểu “nước chảy chia hai” là nước lớn từ biển chảy ngược lên thượng nguồn hay không? Bởi vì đoạn sông Nhà Bè còn có một ngã ba khác nước chảy chia hai rõ rệt hơn, ở ngay mũi Nhà Bè.

Ở ngã ba Nhà Bè, nơi sông Nhà Bè đổ ra biển bằng hai nhánh Lòng Tàu và Soài Rạp những lúc nước lớn, ngay giữa sông có hai giòng nước phân chia rất rõ: một bên nước trong từ biển chảy vô, một bên nước đục màu phù sa từ trên nguồn chảy xuống, khi đi phà qua Bình Khánh rất dễ thấy.

Bây giờ xin bàn danh xưng về Gia Định, Đồng Nai. Đứng về phượng diện lịch sử mà nói thì “Đồng Nai” chưa bao giờ được sử dụng chánh thức trên mặt hành chánh cho tới sau năm 1975. Năm 1698, xứ Đồng Nai được dùng để chỉ phần đất chạy dài từ Bình Thuận cho tới Mỹ Tho và từ Tây Ninh ra tới cửa biển Cần Giờ ngày nay. Theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, vào năm 1698 chúa Nguyễn Phúc Chu cho ông Nguyễn hữu Cảnh lấy “đất Đồng Nai lập ra phủ Gia Định” gồm có hai huyện là Tân Bình và Phước Long. Huyện Tân Bình[có thủ phủ là dinh Phiên Trấn, ở vùng Sài Gòn ngày nay] bao gồm phần đất nằm về phía tây sông Sài Gòn. Huyện Phước Long[có thủ phủ là dinh Biên Trấn, ở vùng Biên Hòa bây giờ] ở phía đông sông Sài Gòn bao gồm phần đất còn lại của xứ Đồng Nai. Như vậy “đất Đồng Nai” dưới đời chúa Nguyễn phúc Chu chưa rộng lớn lắm và bao gồm hết phần đất mới của chúa Nguyễn. Như ông Đào duy Anh đã viết:
“Cái tên Gia Định là tên vốn có từ trước dùng để gọi tất cả miền Nam Bộ; đến đời Gia Long cũng sẵn gọi như thế. Gia Định thành là chỉ chung cả miền Nam Bộ, chia làm năm trấn, có viên Tổng Trấn phụ trách. Người ta gọi ba ông tướng giỏi của Nguyễn Ánh là Gia Định tam hùng. Đến năm 1832 Minh Mệnh mới bỏ thành Gia Định mà lấy đất của thành cho vào tỉnh Phiên An đặt thay cho trấn Phiên An, và đến năm 1836 mới đổi tỉnh Phiên An làm tỉnh Gia Định. Vậy Gia Định thông chí là bộ sách chép về cả miền Gia Định, tức miền Nam Bộ xưa.” [GDTTC, tr10].

Nói cách khác, Gia Định hay Đồng Nai chỉ là tên gọi khác nhau của cùng một vùng đất, Gia Định chánh thức hành chánh, Đồng Nai lưu truyền trong dân gian, mãi cho tới năm 1832 mới phân chia ra Gia Định và Biên Hòa.

Năm 1802 vua Gia Long đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định vẫn bao gồm phần đất cũ của Đồng Nai cộng thêm tất cả những vùng đất mới chạy tới vịnh Thái Lan; đến năm 1808 đổi tên trấn Gia Định ra Gia Định Thành gồm năm trấn là Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên[thành Gia Định, nơi đóng đô của Nguyễn phước Ánh trước khi dời về Huế năm 1802 và bị Pháp tàn phá năm 1859 ở vào khoảng cạnh bờ sông Sài Gòn giữa kinh Thị Nghè và rạch Bến Nghé-Bến Chương Dương hiện tại]. Cho tới năm 1832 vua Minh Mạng hủy bỏ Gia Đinh Thành và chia miền Nam ra làm sáu tỉnh là: Phiên An, sau đổi thành Gia Định Biên Hòa Định Tường Vĩnh Long An Giang Hà Tiên

thì Gia Định nằm sát với Biên Hoà[Đồng Nai hiểu theo nghĩa hẹp bây giờ].

Đối với những người ở miền Trung hay miệt Cần Giuộc, Gò Công hoặc miền Tây, con đường thuận tiện nhất để đi về vùng Gia Định, Đồng Nai là con đường thủy theo hai con sông Lòng Tàu hay Soài Rạp tới ngã ba Nhà Bè rồi ngược dòng theo đoạn sông Nhà Bè lên thượng nguồn. Vì vậy có thể giải thích câu ca dao: Nhà bè nước chảy chia hai Ai về Gia Đinh, Đồng Nai thì về

theo hai nghĩa: Một là theo dòng nước chảy xuôi ra biển, muốn đi về miền đất Gia Định, Đồng Nai, thì qua ngã ba Nhà Bè nơi nước chảy chia hai Lòng Tàu-Soài Rạp rồi ngược dòng sông Nhà Bè lên trên và địa điểm của “Nhà Bè nước chảy chia hai” là ngay ở mũi Nhà Bè nơi hiện tại có bến phà Bình Khánh và Phước Khánh. Thứ hai, như phần trên đã nói, những chiều nước lớn, ở ngã ba Nhà Bè, con sông rộng mênh mông có hai dòng nước đục trong rất rõ rệt, chính là ý của “Nhà Bè nước chảy chia hai” ai muốn về Đồng Nai Gia Định cũng đi ngang qua đoạn này, hay không?

Trên đây chỉ là suy nghĩ khác về câu hát rất thông dụng, thường thấy khi nhắc về Nhà Bè lại có thể gây ra một số ngộ nhận.

Ca khúc Về Đồng Nai được nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác năm 1984 và trong nhiều năm từ giữa thập niên 1980 được phát thường xuyên trên đài phát thanh Đồng Nai [hồi đó chưa có truyền hình Đồng Nai, và nghe hát chủ yếu qua loa phường]. Thường xuyên đến mức tưởng như nhạc hiệu của đài. 

Khách quan mà nói, đây chưa phải là một ca khúc xuất sắc của nhạc sĩ Xuân Hồng, nhưng được nghe thường xuyên và lời ca êm dịu, tha thiết nên tui vẫn nhớ hoài và ghi lại kỷ niệm một thời.

Về Đồng Nai, hỏi ai còn nhớ [ơ...]

Câu hát thuở xa xưa, ngậm ngùi trước buổi chia tay

Hò ơ, Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

Về Đồng Nai, cho em theo về Đồng Nai

Về đây thăm chiến khu Đ,

Thăm quê hương chị Sáu sống đời cùng thời gian,

Nghe miên man biển hát, tiếng gọi về Trị An

Hôm nay dòng thác réo vang,

Mai đây điện sáng núi ngàn.

Về Đồng Nai, thêm yêu cây đậu, vồng khoai

Cùng ta vươn tới tương lai,

Thương cây cao su rụng lá, đứng chờ ngày trổ bông.

Đem cho ta nhựa trắng, đáp tình người đợi mong,

Ven sông ruộng lúa trổ bông,

Mênh mông đồng mía mới trồng.

Người Đồng Nai gửi ai lời hát [ơ...]

Câu hát giữa ban mai, nụ cười trước buổi chia tay

Hò ơ, cuộc đời nay đã đổi thay

Ai về Đất Đỏ, Đồng Nai mà nhìn.

Nhìn về đây, thêm yêu con người Đồng Nai

Màu da rám nắng tay chai

Cho quê hương ta đổi mới, Đất đỏ trải màu xanh

Nghe âm vang nhà máy, bắt nhịp cùng thời gian

Cây xanh trồng mới lớn nhanh

Muôn chim về với đất lành.

Về Đồng Nai, xin hỏi ai có về cùng em.



Ảnh chụp từ tập sách lưu niệm Nhạc sĩ Xuân Hồng. NXB Trẻ, 2008

Có một chi tiết đáng lưu ý là: từ tháng 2/1976, vùng đất nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được sát nhập vào Đồng Nai. Thị trấn Đất Đỏ - quê hương của cô Võ thị Sáu - vì vậy cũng thuộc Đồng Nai. Đến 30/5/1979, thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, bao gồm thị xã Vũng Tàu, xã Long Sơn và huyện Côn Đảo thì Đất Đỏ [thuộc huyện Long Đất] vẫn còn thuộc tỉnh Đồng Nai. Mãi đến 12/8/1991, thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì Long Đất mới thuộc về tỉnh mới này. Đến 9/12/2003 mới chia huyện Long Đất thành 2 huyện Long Điền và Đất Đỏ.

Bài Về Đồng Nai được sáng tác năm 1984, khi đó Đất Đỏ còn thuộc Đồng Nai, do đó có những câu mà bây giờ nghe có vẻ như sai về địa lý, như: Thăm quê hương chị Sáu, Ai về Đất Đỏ, Đồng Nai mà nhìn, quê hương ta đổi mới, Đất đỏ trải màu xanh,... Có một thời gian rất dài, bài Biết ơn chị Võ thị Sáu [Mùa hoa lê ki ma ở, ở quê em miền Đất Đỏ] được dùng làm nhạc hiệu của đài Đồng Nai [dĩ nhiên là trước 1991]. Có lẽ do ảnh hưởng điều này nên nhạc sĩ Hoàng Hiệp chêm Đất đỏ vô bài hát nhiều quá. Mà cũng phải thôi, thời đó nhạc bài nào cũng phải thêm ý tứ, ca từ sặc mùi cách mạng mới được sử dụng!

Chốt kiểm soát tại cầu Đồng Nai trên quốc lộ 1A [TP. Biên Hòa] sáng 5/7/2021, ai có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 mới cho qua - Ảnh: Thanh Tùng, Vietnamnet


Bữa nay là ngày 5/7/2021, ngày đầu tiên áp dụng quy định ai ra vô Đồng Nai phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19, không có thì tự giác quay lui. Vậy nên tại các trạm kiểm soát người ta hát lại bài Về Đồng Nai như sau:


Về Đồng Nai, hỡi ai cần nhớ [ơ....]

Âm tính mới cho qua

Ngập ngừng xin hãy quay ra...

Hò ơ...

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về tới cõi Đồng Nai thì dừng...

Phạm Hoài Nhân

Video liên quan

Chủ Đề