Cách sống khỏe mạnh yêu đời

Cùng viết bởi Luba Lee, FNP-BC, MS

Tham khảo

X

Bài viết này đã được cùng viết bởi Luba Lee, FNP-BC, MS. Luba Lee là bác sĩ gia đình được cấp bằng hành nghề tại Tennessee. Cô đã nhận bằng MSN của Đại học Tennessee năm 2006.

Có 23 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.

Bài viết này đã được xem 43.654 lần.

Nhiều người cứ nghĩ rằng việc duy trì cuộc sống khỏe mạnh là một nhiệm vụ khó khăn với vô số điều cần lưu ý về chế độ dinh dưỡng và tốn nhiều thời gian ở phòng tập gym, nhưng thực ra không phải! Chỉ với vài điều chỉnh đơn giản trong nếp sinh hoạt hàng ngày và đặt ra các mục tiêu nhỏ cho bản thân là bạn có thể hướng đến một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Hãy bắt đầu tạo thói quen hàng ngày với những lựa chọn lành mạnh hơn trong ăn uống, thư giãn, ngủ nghỉ và năng vận động. Bạn sẽ sớm nhận thấy rằng mình đã bắt đầu có cuộc sống khỏe mạnh như mong muốn!

Các bước

Phần 1
Phần 1 của 4:
Áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh

  1. 1
    Uống nhiều nước hơn. Người trưởng thành nên uống mỗi ngày khoảng 2-3 lít nước [hoặc khoảng 8 cốc, mỗi cốc 240 ml].[1] Lượng nước này không tính đến các thức uống như trà và cà phê. Nước có tác dụng điều hòa thân nhiệt và loại bỏ các độc tố.
    • Nước còn có tác dụng thanh lọc da, tốt cho thận, kiểm soát sự thèm ăn và cung cấp năng lượng cho cơ thể.[2]
    • Ngoài ra, nước còn giúp bạn hạn chế các đồ uống không tốt cho sức khỏe như nước ngọt và nước quả vốn chứa nhiều calo. Các thức uống không lành mạnh chỉ giúp bạn làm dịu cơn khát, và ngay sau đó bạn vẫn cảm thấy khát và sẽ nạp thêm nhiều calo hơn nữa.
    • Nước nóng có thể hỗ trợ hệ tiêu hóa. Nước nóng cũng giúp cơ thể bạn thải độc một cách tự nhiên. Tuy nhiên bạn cần lưu ý đến độ nóng của nước, đảm bảo nhiệt độ nước phải dễ chịu và không khiến bạn bị bỏng.

    Lời khuyên: Nếu không thích mùi vị của nước lọc, bạn hãy vắt vào nước một chút chanh hoặc nước quả nguyên chất. Bạn cũng có thể thay thế nước lọc bằng nước có ga pha nước quả để đánh lừa bộ não rằng đó là nước soda.

  2. 2
    Ăn sáng. Một bữa sáng nhẹ và lành mạnh là đủ năng lượng cho bữa ăn đầu tiên trong ngày. Nếu ăn protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt trong bữa sáng thì bạn sẽ không cảm thấy đói ngấu và ăn bù trong bữa trưa. Nghiên cứu đã cho thấy những người thường bỏ bữa sáng thực ra lại ăn nhiều hơn! Thế nên để kiểm soát cảm giác thèm ăn, bạn đừng bỏ bữa ăn đầu tiên trong ngày.
    • Thay vì ăn hai chiếc bánh donut phủ sô cô la và cốc cà phê với thật nhiều kem, bạn hãy chọn ăn trứng, hoa quả và những thức uống như sữa gầy, nước cam tươi hoặc trà. Bữa sáng càng lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng thì bạn càng cảm thấy tràn đầy năng lượng suốt ngày.[3]
  3. 3
    Ăn đầy đủ trong cả ngày. Nếu rau và hoa quả chiếm một nửa đĩa ăn của bạn thì nghĩa là bạn đang làm đúng rồi đó.[4] Bên cạnh rau và hoa quả, bữa ăn còn nên bao gồm protein nạc, sữa ít béo và ngũ cốc nguyên hạt. Khi đã tạo được thói quen ăn uống điều độ, cơ thể sẽ có cảm giác dễ chịu hơn. Có thể sẽ có những lúc bạn thèm các thức ăn chứa đường, nhưng khi đã vượt qua được, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn bao giờ hết.
    • Nhớ rằng không phải mọi loại chất béo đều có hại. Các chất béo có lợi thường hiện diện trong các loại cá như cá hồi và cá ngừ, quả bơ, các loại quả hạch và dầu ô liu. Những chất béo này là cần thiết cho một chế độ dinh dưỡng cân bằng.
    • Cố gắng ăn các bữa đều đặn, nhưng nên tránh ăn vặt suốt ngày.
  4. 4
    Ăn đúng giờ. Bữa tối lành mạnh và dễ tiêu hóa nên ăn vào khoảng thời gian 5 giờ chiều đến 8 giờ tối; tốt nhất là bạn nên tránh ăn khuya, vì thức ăn trong bữa khuya sẽ tạo ra lượng calo không cần thiết và có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Nếu cần ăn nhẹ vào giữa đêm, bạn nên chọn các loại quả hạch và hạt không muối, hoa quả và rau.
    • Cố gắng không ăn trước khi đi ngủ 3-4 tiếng nếu bạn thấy bữa ăn khuya khiến bạn ngủ không ngon giấc.
    • Các bữa ăn vặt sẽ không có hại nếu bạn ăn đúng cách. Thực ra, khi ăn "luôn miệng", bạn sẽ ít có cảm giác thèm ăn đến mức không cưỡng được miếng bánh phô mai thứ ba khi nó lướt qua trước mắt. Chỉ cần bạn nhớ ăn vặt với lượng vừa phải.[5]
  5. 5
    Cân nhắc kiêng ăn thịt ít nhất vài ngày mỗi tuần. Ăn chay là một cách hiệu quả để giảm lượng calo nạp vào, đồng thời bổ sung vitamin và khoáng chất, hơn nữa thức ăn chay còn giúp bạn cải thiện sức khỏe tim mạch. Nếu không muốn ăn thuần chay, bạn có thể cải thiện sức khỏe bằng cách ăn ít thịt hơn. Hãy dành ra vài ngày ăn chay mỗi tuần và thay thế thịt đỏ bằng thịt gà, gà tây và cá.
    • Khi ăn chay, bạn nên dùng các loại rau củ không chứa nhiều tinh bột thay vì ăn các loại ngũ cốc như mì hoặc gạo. Nếu có ăn ngũ cốc, hãy chọn ngũ cốc nguyên hạt. Mỗi bữa ăn nên có protein như trứng, sữa ít béo, đậu, quả hạch, các loại hạt, đậu phụ, hoặc các thực phẩm khác có thể thay thế cho thịt.
    • Ví dụ, bạn có thể ăn lòng trắng trứng khuấy với cà chua và rau bina kẹp trong bánh tortilla vào bữa sáng, ăn súp đậu đen và một ít rau trộn cho bữa trưa, ăn nhẹ với một cốc sữa chua Hy lạp, và món mì ống rau củ cho bữa tối.
    • Chế độ ăn kiêng thịt sẽ giúp bạn ăn nhiều chất xơ hơn. Chất xơ đã được chứng minh là có khả năng giảm cholesterol, kiểm soát mức đường huyết, cải thiện sức khỏe đường ruột và giúp bạn tránh ăn quá nhiều. Lượng chất xơ nạp vào mỗi ngày được khuyến nghị là 30 g đối với nam và 21 g đối với nữ; sau tuổi 50, lượng chất xơ tăng lên mức 38 g cho nam và 25 g cho nữ. Một số nguồn thực phẩm giàu chất xơ bao gồm hoa quả và rau [cả vỏ], ngũ cốc nguyên hạt, và các loại đậu.[6]
  6. 6
    Hạn chế đường trong chế độ ăn. Mặc dù carbohydrate đóng góp một phần quan trọng trong chế độ dinh dưỡng, nhưng đường đơn có thể gây hại cho sức khỏe. Nó làm tăng vọt mức năng lượng và sau đó tụt xuống nhanh chóng, khiến bạn chóng đói hơn. Các loại đường đơn [không kể hoa quả] cũng chứa nhiều calo và thiếu chất dinh dưỡng. Tốt nhất là bạn nên tránh ăn đồ ngọt và thực phẩm chứa đường, tuy là có thể ăn với lượng vừa phải.[7]
    • Hoa quả cũng chứa các loại đường đơn, nhưng nó vẫn là một phần của chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Trong hoa quả chứa nhiều vitamin và chất dinh dưỡng. Bạn hãy ăn hoa quả cả vỏ nếu có thể.
  7. 7
    Đọc nhãn thực phẩm để chọn thức ăn lành mạnh nhất. Thực phẩm chế biến sẵn lâu nay vẫn mang tiếng xấu, và thường thì điều này là có cơ sở. Tuy nhiên, bạn sẽ phải suy xét trong việc lựa chọn thực phẩm. Túi súp lơ đông lạnh kia sẽ không tệ như món mì ống sốt phô mai đóng gói sẵn. Nói tóm lại, hãy hết sức tránh thực phẩm chế biến nếu có thể nhưng nếu không tránh được, bạn hãy đọc nhãn thực phẩm và cảnh giác với các thành phần có hại: muối, đường và chất béo.
    • Thức ăn chế biến sẵn bày bán ở quầy hàng thường chứa nhiều natri [sodium], những chất có chữ tận cùng là -ose, các chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa trong danh sách thành phần. Nếu nhìn thấy các chất này [đặc biệt với hàm lượng cao], bạn nên tránh xa. Bạn có thể tìm được các sản phẩm khác ở đâu đó.
    • Dù trên nhãn hàng ghi là không có chất béo chuyển hóa thì cũng không phải là hoàn toàn không có. Các thành phần có hàm lượng thấp có thể không buộc phải liệt kê vì vậy, nếu bạn nhìn thấy dòng chữ hydrogenated vegetable oil [dầu thực vật hydro hóa] thì nghĩa là bạn đã phát hiện được thủ phạm giấu mặt rồi đó.
  8. 8
    Trao đổi với bác sĩ về việc kết hợp thực phẩm bổ sung trong chế độ dinh dưỡng. Thực phẩm bổ sung sẽ giúp bạn nạp đủ các vitamin và dưỡng chất cần thiết. Bạn nên uống thực phẩm bổ sung vào bữa ăn để hấp thụ tốt hơn. Bạn có thể chọn uống vitamin tổng hợp mỗi ngày hoặc bổ sung các dưỡng chất mà bạn đang thiếu, chẳng hạn như canxi,vitamin D hoặc vitamin B12.[8]
    • Đừng uống bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước, nhất là khi bạn đang uống thuốc.
    • Lưu ý rằng thực phẩm bổ sung không thay thế được cho chế độ ăn lành mạnh.
  9. 9
    Nhịn ăn gián đoạn để kiểm soát lượng calo và tăng cường sức bền. Nhịn ăn gián đoạn có nghĩa là không ăn gì trong vòng 12-16 tiếng mỗi lần. Bạn có thể thực hiện mỗi ngày hoặc vài ngày trong tuần. Phương pháp này có thể khiến cơ thể đốt cháy mỡ làm năng lượng và giúp bạn cải thiện sức chịu đựng. Bạn cũng có thể kiểm soát được lượng calo nạp vào bằng cách này.
    • Ví dụ, bạn có thể ăn sáng lúc 6 giờ sáng và nhịn cho đến bữa tối vào 6 giờ chiều.
    • Một lựa chọn khác là ăn bình thường vào chủ nhật, thứ ba, năm bảy, và ăn kiêng vào thứ hai, tư, sáu.
    • Không phải ai cũng thích hợp với chế độ ăn kiêng này, đặc biệt là những người có bệnh tiểu đường hoặc hạ đường huyết.

Phần 2
Phần 2 của 4:
Có chế độ tập luyện lành mạnh

  1. 1
    Giữ thân hình cân đối. Bên cạnh tác dụng giảm cân và tăng sự tự tin, hoạt động thể chất còn đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể và trí não. Chẳng hạn như sức khỏe tim mạch tốt sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Vì vậy, bạn hãy sắp xếp để có thể bơi lội, đi bộ hoặc chạy bộ trên vỉa hè, hoặc đi dạo ngoài công viên càng thường xuyên càng tốt.[9]
    • Hoạt động thể dục thể thao còn giúp tăng cường hệ miễn dịch; dù chỉ là một thay đổi nhỏ như đi bộ nhanh 20-30 phút mỗi ngày, năm ngày một tuần cũng có thể giúp bạn cái thiện hệ miễn dịch bằng cách tăng cường kháng thể và kích thích hoạt động của các tế bào T tiêu diệt tự nhiên.[10]
    • Tập thể dục cũng là một trong những cách hiệu quả nhất để có giấc ngủ ngon hơn vào ban đêm[11] nhờ đó bạn cũng có thể giảm cân vì tránh được việc ăn quá mức. Hãy đọc bài Có sức khỏe tốt để biết thêm chi tiết.
  2. 2
    Duy trì cân nặng lành mạnh. Bộ khung cơ thể của chúng ta khác nhau về kích thước và trọng lượng. Người có khung xương cao lớn sẽ nặng hơn một chút so với người có khung xương nhẹ hơn.
    • Quá nhẹ cân cũng không phải là tốt! Bạn đừng áp dụng bất cứ chế độ ăn kiêng cấp tốc nào. Không có phép màu nào có thể giúp bạn giảm cân cấp tốc và cho dù có thì việc để cho cơ thể thiếu các dưỡng chất thiết yếu cũng không phải là điều nên làm. Thay đổi dần dần thói quen ăn uống là cách an toàn hơn nhiều và đem lại lợi ích lâu dài cho sức khỏe của bạn.
    • Nếu không muốn ăn kiêng, bạn hãy tìm đọc các bài viết về việc giảm cân chỉ bằng cách tập thể dục. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng chỉ có các vận động viên chuyên nghiệp mới có thể đốt cháy lượng calo đủ để họ ăn uống tùy thích và dù vậy thì họ cũng không làm thế, vì khi đó cơ thể sẽ phải làm việc nặng nhọc hơn. Ngay cả khi có tiêu thụ lượng calo nhiều hơn khuyến nghị, bạn cũng cần chọn các thức ăn bổ dưỡng; tim, não, cơ bắp, xương, máu và các cơ quan khác sẽ không thể hoạt động mãi bằng nguồn calo rỗng được.
  3. 3
    Phối hợp nhiều môn khi tập luyện. Dù bạn có chạy được 8 km không nghỉ hay nâng được trọng lượng tạ bằng một chiếc xe hơi nhỏ thì cũng không có nghĩa là bạn khỏe mạnh. Nếu bạn chỉ tập luyện một động tác thì sẽ chỉ một nhóm cơ được sử dụng.[12] Bạn sẽ rất thất vọng khi khi bơi lội hoặc gập bụng mà không thể hoàn thành được bài tập!
    • Vậy câu trả lời ở đây là gì? Là phối hợp nhiều môn khi tập luyện. Cách này không chỉ sử dụng mọi cơ bắp với các hoạt động khác nhau [nhờ đó cũng ngăn ngừa chấn thương] mà còn giúp bạn khỏi nhàm chán khi tập luyện. Nhàm chán chính là thủ phạm giết chết việc tập luyện! Vì vậy, bạn hãy kết hợp các bài tập aerobic và rèn luyện thể lực vào lịch tập luyện. Chắn chắn là các cơ bắp của bạn sẽ rất mừng vì những điều bạn đã làm!
  4. 4
    Tập luyện một cách thông minh. Rõ ràng là có những cách tập luyện không tốt. Luôn luôn có rủi ro chấn thương khi bạn tập luyện, vì vậy bạn hãy đảm bảo tập sao cho đúng!
    • Điều đầu tiên và quan trọng nhất là duy trì nước trong cơ thể. Bạn cần nhấp từng ngụm nước trong suốt thời gian tập luyện. Tình trạng mất nước có thể gây chóng mặt hoặc đau đầu trong thời gian tập.[13]
    • Nghỉ giải lao! Nghỉ ngơi không phải là lười biếng mà là giữ gìn sức khỏe. Bạn không thể tập, tập và tập mãi. Sau khoảng 30 phút tập luyện, bạn hãy cầm lấy chai nước và nghỉ ngơi. Cơ thể bạn cần có thời gian để hồi phục, và bạn sẽ có sức để tập luyện về lâu dài.
  5. 5
    Tận dụng các cơ hội để vận động. Hoạt động thể chất không chỉ là chạy trên vỉa hè hay đến phòng tập gym đó còn là lối sống mà bạn có thể thực hiện vào mọi lúc. [14] Thỉnh thoảng đi thêm được mười bước cũng giúp bạn hoạt động thể chất nhiều hơn.
    • Bạn chưa biết phải làm thế nào? Hãy đỗ xe cách xa cơ quan, lối vào trung tâm thương mại hoặc siêu thị một chút. Đạp xe đi làm hoặc đi học. Đi cầu thang bộ thay vì thang máy. Dắt chó đi dạo mỗi ngày. Đem hộp cơm trưa ra công viên ngồi ăn. Đi xe đạp dạo phố. Những cơ hội nho nhỏ như vậy có ở khắp mọi nơi.

Phần 3
Phần 3 của 4:
Duy trì đời sống tinh thần lành mạnh

  1. 1
    Suy nghĩ tích cực. Trí não của con người có năng lực tác động đến mọi mặt trong cuộc sống một cách đáng kinh ngạc. Chỉ một thay đổi tích cực đơn giản trong một tình huống cũng có thể biến trở ngại thành cơ hội. Được như vậy, không những bạn sẽ yêu mến cuộc sống hơn, mà hệ miễn dịch của bạn cũng có khả năng đẩy lùi được các bệnh cảm cúm và tìm mạch tốt hơn![15] Nghiên cứu của đại học Harvard không nói sai đâu!
    • Để khởi đầu bước đi đầy khó khăn này, bạn hãy tập trung vào sự biết ơn. Mỗi khi bắt đầu nghĩ đến chuyện xấu đang xoay quanh mình, bạn hãy ngừng ngay lại. Cắt đứt ngay ý nghĩ đó và nghĩ về hai điều mà bạn biết ơn. Dần dần, trí não bạn sẽ nhận ra quy luật và ngừng những ý nghĩ tiêu cực trước khi bạn phải cố gắng làm điều đó.
  2. 2
    Hãy thỏa mãn. Điều này không có nghĩa là "hãy hài lòng với cuộc sống của bạn" [À, thực ra đúng là vậy, nhưng khoan hãy nói đến chuyện đó đã] mà là hãy chiều chuộng bản thân. Nếu đang ăn kiêng, bạn có thể cho phép mình ăn một miếng [nhỏ thôi] thứ gì đó đang thèm. Nếu cảm thấy không gì tuyệt bằng buổi tối thứ sáu ngồi ba tiếng đồng hồ xem bộ phim yêu thích thì bạn cứ làm. Hãy làm bất cứ những việc nhỏ nhặt nào có thể khiến bạn hạnh phúc.
    • Hạnh phúc của bạn là vô giá, và sức khỏe của bạn cũng vậy. Bạn sẽ không có hạnh phúc trọng vẹn nếu không khỏe mạnh. Khi thể chất và tinh thần ở trạng thái tốt nhất, chúng ta có thể đương đầu với mọi thứ. Khi bạn mệt mỏi vì công việc, gia đình, bạn bè, tiền bạc và chuyện tình cảm thì những lựa chọn nho nhỏ như mua bánh mì nguyên hạt thay vì chiếc bánh kẹp có thể xây dựng nền tảng để tạo nên sự khác biệt lâu dài về sức khỏe. Và khi mọi việc trở nên khó khăn, bạn có thể sẵn sàng đối mặt với thử thách với một cơ thể và trí não khỏe mạnh.[16]
  3. 3
    Nghĩ gần hơn. Khi nhắm tới những mục tiêu không thể đạt được, chúng ta sẽ trở nên nản lòng, thất vọng và lười biếng. Xét cho cùng, tại sao chúng ta lại phải cố gắng với tới những điều không bao giờ đạt được? Một tư duy hợp lý phải bám vào thực tế. Phải, chúng ta nên hướng đến tương lai, nhưng bạn không nên bị ám ảnh với những thứ chưa xảy ra hoặc không bao giờ xảy ra.
    • Bạn sẽ dễ duy trì cảm xúc lành mạnh [và hạnh phúc] hơn nhiều khi tập trung vào từng bước trên cuộc hành trình thay vì chỉ nhắm vào điểm đến. Nếu muốn được đứng trên sân khấu nhạc kịch lớn, bạn hãy tập trung vào buổi thử vai lần sau, tiếp đó là trở thành diễn viên của nhà hát, rồi nhắm đến vị trí cao hơn v.v Hiện tại luôn luôn đi trước tương lai hãy nhắm đến từng mục tiêu theo thứ tự!
  4. 4
    Kiểm soát căng thẳng. Điều này rất quan trọng. Khi sự căng thẳng bao trùm cuộc sống của chúng ta, mọi thứ còn lại đều tan vỡ. Gia đình xáo trộn, tâm trí rối bời và các mối quan hệ trở nên căng thẳng. Hãy gạt qua mọi thứ trong năm phút để suy nghĩ về mức căng thẳng của bạn bạn đang kiểm soát stress như thế nào? Bạn có thể làm gì để bình tâm và thư giãn hơn?
    • Tập yoga là một cách lành mạnh để kiểm soát căng thẳng. Nếu yoga nghe có vẻ không hấp dẫn lắm, vậy thiền thì sao? Cũng không? Vậy thì bạn chỉ cần dành ra mỗi ngày 10 phút để tịnh tâm. Hãy ngồi một mình và chỉ đơn thuần hít thở. Cố gắng mỗi ngày dành thời gian để bình tâm và kiểm soát cảm xúc.
    • Khi cảm thấy căng thẳng, bạn hãy tập các bài hít thở hoặc hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh và thả lỏng cơ thể.[17]
  5. 5
    Chọn bạn một cách khôn ngoan. Dù biết có những người luôn khiến ta mệt mỏi nhưng chúng ta vẫn chơi với họ chỉ vì họ có chiếc tivi thật tuyệt, hoặc, vâng, chỉ đơn giản là do chúng ta buồn chán. Nhưng vì sức khỏe tinh thần của mình, chúng ta sẽ phải để họ ra đi. Những người như vậy không đem lại điều gì tốt đẹp cho bạn và bạn biết điều đó nhưng vẫn lờ đi, chẳng qua chỉ để duy trì thói quen và tránh những tình huống khó xử. Hãy ưu tiên cho sức khỏe tinh thần của mình và bóc miếng băng dính đó đi, rồi bạn sẽ hạnh phúc hơn về lâu dài!.
    • Bạn không biết làm sao để nhận ra một người bạn xấu? Làm sao để chấm dứt mối quan hệ bạn bè độc hại? Chúng tôi có những bài viết có thể giúp bạn.
    • Việc dành thời gian gặp gỡ bạn bè có thể giúp bạn nâng cao chất lượng cuộc sống. Hãy giao lưu với những người có thể làm phong phú cuộc sống của bạn càng thường xuyên càng tốt.
  6. 6
    Làm việc hiệu quả. Một trong những điều vui sướng nhất mà bạn dễ dàng có được là cảm giác Hôm nay mình đã làm được bao nhiêu là việc! Kể từ lúc đó, bạn sẽ cảm thấy không gì ngăn cản được mình. Lời mẹ nói Nếu con dồn hết tâm sức thì con sẽ làm được dường như không còn hão huyền nữa! Giờ thì bạn hãy hình dung mình đang tận hưởng cảm giác vui sướng với thành quả đã đạt được.
    • Bắt đầu bằng việc lập một danh sách những việc cần làm. Một tờ lịch hoặc sổ tay kế hoạch cũng là ý hay. Và bạn hãy nhớ: nghĩ gần thôi. Khởi động bằng những việc nhỏ, rồi bạn sẽ đặt chân lên bước đường thành công trước cả khi bạn nhận ra.
    • Học hỏi mỗi ngày để luôn luôn biết thêm những điều mới mẻ. Như vậy bạn sẽ ngăn ngừa được bệnh suy giảm nhận thức.
  7. 7
    Nghỉ ngơi. Bước này cũng tương tự như bước Hãy thỏa mãn. Đôi khi bạn cần phải làm gì đó cho bản thân, bất kể thế giới này dường như đang đòi hỏi bạn phải làm gì. Đừng áy náy khi ăn một thanh sô cô la KitKat, dành cả buổi tối tiêu khiển ở nhà hay nghỉ làm một ngày. Rồi bạn sẽ trở lại với công việc khi đã được tiếp thêm gấp đôi năng lượng.
    • Điều này cũng áp dụng cho việc tập luyện. Nếu bạn chỉ thực hiện mỗi một động tác, các cơ bắp sẽ quen với động tác đó, bạn sẽ nhàm chán và rốt cuộc rơi vào trạng thái ổn định. Thế nên, thay vì chạy bộ trên vỉa hè vào mỗi thứ tư, bạn hãy ghé đến hồ bơi. Điều này không có nghĩa là bạn lười biếng mà là suy nghĩ hợp lý.
  8. 8
    Tìm sự cân bằng cảm xúc. Ngay cả khi hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, bạn vẫn không thể có được cảm giác hạnh phúc nếu trong lòng bạn đang rối bời. Ai cũng cần thỉnh thoảng được xả hơi, và có rất nhiều điều nho nhỏ mà bạn có thể làm để cảm thấy hài lòng hơn về bản thân. Nếu vấn đề trở nên nghiêm trọng, có thể bạn cần phải học cách đối phó với nỗi đau tinh thần, thậm chí điều trị bệnh trầm cảm.
    • Khi đã biết cách chăm sóc bản thân, bạn hãy tìm cách giải quyết những mối quan hệ cá nhân của mình. Hãy học cách nhận biết mối quan hệ thao túng hoặc kiểm soát và nếu cần thiết, bạn phải đối phó với sự bạo hành cảm xúc để có một mối quan hệ lành mạnh.
  9. 9
    Đưa các môn nghệ thuật như âm nhạc, diễn kịch và nghệ thuật thị giác vào cuộc sống của bạn. Nghệ thuật có thể đem lại cho bạn sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống. Nghe nhạc hoặc chơi nhạc, khiêu vũ, tham gia diễn kịch và tự tay làm những tác phẩm nghệ thuật đều là những cách giúp bạn cải thiện sức khỏe, cả tinh thần lẫn thể chất. Hãy thể hiện mình một cách sáng tạo và thưởng thức những sáng tạo của người khác.[18]
    • Chọn một thú tiêu khiển sáng tạo hoặc học một lớp nào đó.
    • Thưởng thức các môn nghệ thuật cùng với bạn bè.
  10. 10
    Đi du lịch càng nhiều càng tốt trong khả năng của bạn. Du lịch cũng là hoạt động giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất. Những chuyến đi sẽ giúp bạn phát triển một cách sáng tạo, thư giãn và tận hưởng những trải nghiệm mới mẻ. Bạn sẽ giữ được sự năng động và giảm nguy cơ trầm cảm.[19]
    • Nếu túi tiền không cho phép để đi du lịch, bạn có thể đi phượt hoặc đi chơi một chuyến ngắn trong ngày.

Phần 4
Phần 4 của 4:
Có nếp sống lành mạnh

  1. 1
    Thiết lập nếp sinh hoạt hàng ngày. Một thông lệ hàng ngày có thể giúp bạn bám sát các mục tiêu trong việc ăn uống, tập luyện và giảm căng thẳng. Nó cũng giúp bạn có thời gian cho những hoạt động mà bạn mong muốn, chẳng hạn như đi chơi với bạn bè hoặc tiêu khiển. Hãy tạo một nếp sinh hoạt phù hợp với bạn!
    • Thỉnh thoảng bạn có thể thay đổi thói quen trong ngày nếu cần thiết.
    • Thử nghiệm với các thông lệ khác nhau cho đến khi tìm được một thông lệ phù hợp với bạn.
  2. 2
    Ngừng các hành vi nguy hại. Các hành vi liều lĩnh không cần thiết luôn có hại cho cơ thể và trí não của bạn, hơn nữa chúng còn gây nhiều hệ lụy về lâu dài. Các kiểu hành vi thực sự nguy hiểm hoặc có hệ thống cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề về tâm thần nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp này, bạn nên đến gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần chuyên về lĩnh vực có liên quan. Hãy bắt đầu bằng việc xem xét thực hiện những việc sau đây:
    • Quan hệ tình dục an toàn
    • Ngừng uống rượu vô độ
    • Cai rượu
    • Cai thuốc lá
    • Cai nghiện ma túy
    • Thực hiện những hành vi như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy hoặc thắt dây an toàn khi ngồi trong ô tô.
      • Những việc này không khó thực hiện. Chắc chắn là có đôi lúc bạn sẽ mệt mỏi, nhưng bạn sẽ làm được. Thường thì khi một việc đã thành công thì những việc khác dường như cũng dễ dàng và suôn sẻ hơn.
      • Nếu bạn không có các hành vi nguy hại nào, xin chúc mừng bạn!
  3. 3
    Tập thể dục nhiều lần trong tuần. Chúng tôi đã nhấn mạnh việc "giữ thân hình cân đối", nhưng bây giờ xin được nhắc lại. Thông lệ hàng ngày/hàng tuần của bạn cần phải bao gồm lịch tập thể dục. Hoạt động này sẽ giúp tăng cường trao đổi chất, kiểm soát cân nặng, và bạn sẽ cảm thấy khỏe khoắn suốt tuần. Một việc đem đến ba lợi ích!
    • Cụ thể, bạn nên cố gắng dành 150 phút mỗi tuần cho hoạt động aerobic [hoặc 75 phút cho hoạt động cường độ cao] và tập thể lực hai buổi mỗi tuần.[20] Ngay cả việc cắt cỏ cũng được tính!
  4. 4
    Ngủ ngon giấc. Trong lúc ngủ, cơ thể chúng ta sản sinh ra các tế bào có tác dụng chống nhiễm trùng, chống viêm và căng thẳng nghĩa là việc ngủ quá ít hoặc giấc ngủ kém chất lượng không chỉ khiến bạn dễ bị đau ốm mà còn kéo dài thời gian bình phục. Sau một giấc ngủ ngon, bạn có thể thức dậy một cách khỏe khoắn và sẽ năng động hơn trong cả ngày. Giấc ngủ đóng vai trò hết sức quan trọng với sức khỏe của bạn! [21]
    • Thêm vào đó, một nghiên cứu do tạp chí dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ tiến hành đã chỉ ra rằng nam giới ngủ 4 tiếng đồng hồ tiêu thụ nhiều hơn 500 calo so với khi họ ngủ 8 tiếng.[22] Nếu bạn đang tìm một chế độ ăn kiêng dễ dàng thì nó là đây!
      • Bạn có thể đọc bài Có giấc ngủ tốt hơn để tìm các lời khuyên.
  5. 5
    Học nấu nướng. Tự tay nấu các bữa ăn cho mình là một trải nghiệm tuyệt vời, vì bạn có thể thử nhiều công thức nấu nướng mà lại tiết kiệm nữa. Thêm vào đó, bạn còn kiểm soát được tất cả mọi thứ nạp vào cơ thể mình. Đây thực sự là cách duy nhất để thay đổi chế độ ăn của bạn!
    • Khi nấu ăn, bạn nên tránh các loại dầu béo và quá nhiều gia vị. Dùng dầu ô liu thay cho dầu thực vật, bơ động vật hoặc bơ thực vật. Hạn chế muối và phô mai. Nếu cảm thấy món ăn nhạt nhẽo khi thiếu các gia vị trên, bạn hãy thử chế biến theo cách khác!
  6. 6
    Giữ vệ sinh cá nhân. Rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi đi vệ sinh ở nhà cũng như ở nơi công cộng. Vi trùng có thể nhanh chóng lây lan và hạ gục chúng ta chỉ trong chớp mắt. Và khỏi phải nói thì ai cũng biết rằng tắm là điều cần làm.
    • Về vệ sinh răng miệng, bạn nên dùng chỉ nha khoa, chải răng và lưỡi sau khi ăn; các vụn thức ăn thường khiến hơi thở hôi và gây ra các bệnh về nướu. Bạn nên đi đến phòng khám nha khoa định kỳ để làm sạch răng và xử lý mọi vấn đề về răng miệng trước khi tình trạng trở nên nghiêm trọng.
  7. 7
    Tăng cường hệ miễn dịch. Việc duy trì các thói quen lành mạnh và mức năng lượng cao sẽ không dễ dàng đối với những người thường xuyên phải chống chọi với tình trạng mệt mỏi, cảm cúm, nhiễm trùng và các ảnh hưởng khác do hệ miễn dịch suy yếu. Bạn có thể tìm đọc các bài viết về cách tăng cường hệ miễn dịch để có thêm thông tin.
    • Nếu có thể, bạn hãy cố gắng tìm vitamin và khoáng chất cần thiết qua thức ăn. Thực phẩm bổ sung chỉ nên dùng khi không thể nạp đủ dưỡng chất một cách tự nhiên.[23] Và dĩ nhiên là bạn cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất cứ sự thay đổi lớn nào.

Lời khuyên

  • Hãy tự học hỏi. Mỗi ngày là một cơ hội để bạn tiếp thu thêm kiến thức.
  • Đừng căng thẳng.
  • Thử nhấm nháp cần tây, vì nó giúp bạn đốt cháy nhiều calo hơn là nạp vào.
  • Tăng cường tiêu thụ các chất chống ô xy hóa để chống lại các gốc tự do vốn liên quan đến ung thư, bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch và các chứng bệnh khác.
  • Học cách duy trì chế độ ăn và tập luyện.

Cảnh báo

  • Thay đổi nếp sinh hoạt dần dần. Bạn đừng để cơ thể bị sốc. Nếu định áp dụng chế độ ăn và tập luyện mới, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Hiển thị thêm

Video liên quan

Chủ Đề