Cách hạch toán khi trả nhầm tiền cho khác năm 2024

Khi hỏi về vấn đề chuyển nhầm vào tài khoản thì chị Ð.T.K.K, đại diện NH X (xin phép không nêu tên - PV) chi nhánh Cà Mau, cho biết: “NH tiếp nhận, sẽ liên hệ với người nhận tiền nhầm trong vòng 30 ngày và yêu cầu họ hoàn trả. Tuy nhiên, nếu người nhận tiền nhầm cho rằng đó là tiền của họ, khách hàng không đồng ý trả thì coi như mất số tiền đó. Khi chuyển tiền nhầm, nhiều người thường yêu cầu NH cung cấp thông tin, số điện thoại cũng như phong toả số tiền của người nhận. Tuy nhiên, quy định hiện nay của Nhà nước không cho phép NH tự ý phong toả tài khoản của khách hàng. NH chỉ được phép làm khi có yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc được sự đồng ý của khách hàng. Trong trường hợp này, cần trình báo với cơ quan công an để yêu cầu giải quyết, chứ NH chỉ hỗ trợ bao nhiêu đó thôi”.

Thực tế, không ít trường hợp NH không thực hiện nghĩa vụ đảm bảo quyền lợi khách hàng theo quy định này, dẫn đến việc bế tắc khi xử lý. Ðể khách hàng hiểu rõ hơn phạm vi trách nhiệm của NH cùng tham gia xử lý tình huống này, nhận diện hậu quả pháp lý từ các quy định pháp luật có liên quan. Trách nhiệm tổ chức tín dụng sẽ làm gì khi người sử dụng dịch vụ NH mình chuyển tiền nhầm sang cho người khác. Ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau, cho biết: “Khoản 4, Ðiều 36, Thông tư 23/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, quy định việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống thanh toán điện tử liên NH nêu rõ: Ðối với Lệnh thanh toán sai địa chỉ khách hàng, sai tên, số hiệu tài khoản của người nhận Lệnh thanh toán, ký hiệu chứng từ, ký hiệu loại nghiệp vụ, xử lý như sau: Ðối với các Lệnh thanh toán Có/Nợ đơn vị nhận lệnh đã nhận nhưng chưa hạch toán thì thực hiện hạch toán vào tài khoản phải trả/phải thu, sau đó lập Lệnh thanh toán chuyển trả lại đơn vị khởi tạo lệnh, nghiêm cấm đơn vị nhận lệnh chuyển tiền tiếp. Ðối với các Lệnh thanh toán đã thực hiện, đơn vị nhận lệnh xử lý tương tự như đã nêu tại điểm b, khoản 3 Ðiều này”.

Cách hạch toán khi trả nhầm tiền cho khác năm 2024

Khách hàng cần kiểm tra kỹ thông tin trước khi xác nhận chuyển tiền qua ứng dụng ngân hàng. (Ảnh minh hoạ, chụp tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cà Mau).

“Hệ thống thanh toán điện tử liên NH, khi phát hiện chuyển nhầm khách hàng phải thông báo tới NH để phong toả tài khoản thụ hưởng cho đến khi làm rõ sai sót. Trường hợp tài khoản bị khoá, phong toả mà chưa rút tiền thì NH sẽ chuyển trả lại cho khách hàng. Trường hợp đã rút tiền thì NH sẽ liên lạc với chủ tài khoản để trả lại số tiền cho khách hàng. Việc NH thờ ơ khi khách hàng chuyển nhầm tiền đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của khách hàng. Ðiều này khiến khách hàng mất niềm tin vào chất lượng dịch vụ của NH. Cụ thể, NH cần có quy trình xử lý nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch. Ðồng thời, cần có biện pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho khách hàng về cách thức lấy lại tiền khi chuyển nhầm”, ông Phạm Quốc Sử nhấn mạnh.

Giải thích rõ về vấn đề này, ông Giang Viễn Hoà, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cà Mau, cho biết: “NH không thể tự ý phong toả và hoàn tiền cho người chuyển nhầm. Lý do là nếu NH làm vậy sẽ tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng để gian lận trong thương mại. Chẳng hạn, người mua hàng đã chuyển tiền cho người bán, nhưng sau đó lại yêu cầu NH hoàn lại tiền vì nhầm lẫn. Ðiều này sẽ gây thiệt hại cho người bán, bởi hàng đã được gửi đi, nhưng người mua lại không thực hiện giao dịch.

Tuy nhiên, khi khách hàng nhầm lẫn khi giao dịch tại quầy, NH có thể dừng lệnh chuyển ngay khi tiền chưa đến tài khoản người nhận. Thế nhưng, với các giao dịch chuyển tiền Online, việc hoàn tiền phức tạp hơn, bởi NH không thể xác định được đó là chuyển nhầm hay giao dịch giữa hai cá nhân với nhau để thực hiện phong toả tài khoản của khách. Do đó, trong trường hợp này, NH không thể hỗ trợ người chuyển nhầm mà chỉ khuyên họ báo công an để xử lý tiếp theo".

Theo quy định hiện hành, NH chỉ phong toả tài khoản khi có văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, nếu người chuyển nhầm tiền không thể liên hệ được với người nhận hoặc người nhận không tự nguyện trả lại, họ cần khởi kiện dân sự hoặc báo công an để yêu cầu hỗ trợ. Khi nhận được thông báo từ cơ quan có thẩm quyền, NH sẽ phong toả khoản tiền chuyển nhầm. Quy trình này có thể mất thời gian, nhưng người chuyển nhầm sẽ có cơ hội lấy lại được tiền. Nếu người nhận cố tình không hoàn trả tiền, họ có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự vì tội chiếm giữ trái phép tài sản”.

Hiện nay, giao dịch Online ngày càng nhanh và tiện lợi, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, ông Giang Viễn Hoà khuyến cáo: “Với giao dịch chuyển tiền nhanh, sau khi nhập tên NH và số tài khoản, tên người nhận sẽ được hiển thị tự động. Người chuyển tiền cần lưu ý đối chiếu lại họ tên và số tài khoản một lần nữa để tránh sai sót”.

Xử phạt nặng người cố ý không trả lại tiền

Luật sư Trần Viết Hà, Công ty TNHH Luật Nam Sơn, khuyến cáo: “Khi nhận được tiền chuyển nhầm, tuyệt đối không sử dụng số tiền đó. Người nhận nhầm cần liên hệ ngay với NH để cung cấp thông tin về khoản tiền chuyển nhầm. Yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin về người chuyển nhầm, bao gồm số tài khoản, tên, địa chỉ... Nếu người chuyển nhầm liên hệ với bạn, hãy yêu cầu họ cung cấp sao kê, giấy tờ chứng minh đã chuyển nhầm. Lưu ý, nếu bạn sử dụng số tiền chuyển nhầm trái phép, bạn có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chiếm đoạt tài sản trái pháp luật”.

Theo điểm đ, khoản 2, Ðiều 15, Nghị định 144/2021/NÐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nếu có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng. Tại Ðiều 176, người nào sử dụng số tiền do người khác chuyển nhầm từ 10-200 triệu đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với hình phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Và nếu sử dụng số tiền chuyển nhầm từ 200 triệu đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 1-5 năm.

Song song đó, ông Phạm Quốc Sử cảnh báo: “Thực tiễn đã phát sinh nhiều trường hợp chuyển tiền nhầm, chủ tài khoản thụ hưởng có hứa trả nhưng trả dần hoặc không trả. Ðiều này cho thấy họ không có ý định trả lại số tiền được nhận, bởi không có lý do gì để biện hộ cho việc trả dần, trong khi số tiền vẫn còn đó thì hậu quả pháp lý phải gánh chịu”.

Luật sư Trần Hoàng Hạnh (Ðoàn Luật sư tỉnh Cà Mau) cho biết: “Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại cho người chuyển nhầm mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các NH. Ðể hạn chế tình trạng này, các NH cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của khách hàng về việc kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Ngoài ra, khi nhận được số tiền lạ vào tài khoản, nên bình tĩnh kiểm tra xem số tiền đó có phải là chuyển nhầm hay không. Nếu có, bạn hãy chủ động liên hệ với NH để được hướng dẫn xử lý. Tránh trường hợp nhấp vào đường link gửi theo yêu cầu của người lạ, vì đây có thể là thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản và tiền trong tài khoản của bạn”.

Khi bỗng nhiên tài khoản NH của mình nhận được một số tiền không rõ nguồn gốc, điều quan trọng nhất cần nhớ là không được sử dụng số tiền này. Việc chiếm đoạt tài sản của người khác, dù cố ý hay vô ý đều là hành vi vi phạm pháp luật./.