Cách đối phó với người sân si

Cùng viết bởi Nhân viên của wikiHow

Tham khảo

X

Bài viết này có đồng tác giả là đội ngũ biên tập viên và các nhà nghiên cứu đã qua đào tạo, những người xác nhận tính chính xác và toàn diện của bài viết.

Nhóm Quản lý Nội dung của wikiHow luôn cẩn trọng giám sát công việc của các biên tập viên để đảm bảo rằng mọi bài viết đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.

Có 11 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.

Bài viết này đã được xem 125.198 lần.

Quả là buồn bực khi bị người khác đàm tiếu sau lưng. Những chuyện ngồi lê đôi mách lan truyền rất nhanh nên thường khó xác định được nguồn tung tin đồn. Vì lẽ đó, bạn rất dễ khiến cho tình hình tệ hơn khi cố đối mặt với những người đang bàn tán về bạn. Hành động hay nhất trong trường hợp này là lờ đi. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đối phó bằng cách tham gia vào các hoạt động tích cực và cố gắng thay đổi cách nhìn của bạn về lời đồn.

Các bước

Phương pháp 1 của 3:
Ứng xử với những người ngồi lê đôi mách

  1. 1
    Không cần làm gì cả. Có thể trong lòng bạn đang sục sôi muốn có hành động nào đó hoặc đương đầu với người nói xấu mình, nhưng đôi khi phản ứng hay nhất là phớt lờ những lời xầm xì. Bạn chỉ cần nghĩ thế này: người đó đã không dám nói thẳng với bạn, vậy thì tại sao bạn lại phải hao tâm tổn trí đẩy sự việc đi xa hơn nữa? Bạn hãy chấm dứt lời đồn đãi bằng cách lờ đi.[1]
  2. 2
    Cư xử tử tế với họ. Một phản ứng tuyệt vời khác trước những kẻ đàm tiếu là tỏ thái độ nhã nhặn. Họ sẽ bối rối vì bạn đối xử tốt với họ như vậy trong khi họ đang nói xấu sau lưng bạn. Hơn nữa, nếu củng cố được thái độ lạc quan, bạn có thể khiến người đó cảm thấy áy náy vì đã gièm pha bạn.
    • Khen người đó lời khen chân thành như Chà, Phương, chắc là bạn đã tốn nhiều công sức làm các tờ rơi này lắm. Trông rất đẹp. [2]
  3. 3
    Giữ khoảng cách với những kẻ ngồi lê đôi mách. Nếu bạn thường xuyên phải ở bên cạnh những người hay nói xấu sau lưng mình, hãy giữ khoảng cách với họ. Cho dù bạn không thể tránh xa họ thì cũng không có nghĩa là bạn phải cư xử với họ như bạn thân.[3]
    • Hòa nhã, nhưng đừng thân thiết với những kẻ gièm pha. Đừng bao giờ kể những chuyện riêng tư với họ, vì những thông tin đó sau này có thể sẽ thành đề tài cho họ đơm đặt.
  4. 4
    Xác minh động cơ của người đưa tin cho bạn. Nếu lời đồn đến tai bạn qua một người bạn quý hoặc người quen biết, có lẽ bạn cần đảm bảo rằng người đó luôn nghĩ cho bạn. Hầu hết bạn bè tốt sẽ không muốn lan truyền những thông tin tiêu cực khiến bạn tổn thương. Nếu người đó cũng tham gia vào câu chuyện, bạn hãy tìm hiểu xem tại sao họ lại mách lại với bạn, và họ phản ứng ra sao với những lời đồn.
    • Bạn có thể hỏi những câu như Sao cậu lại biết họ đang đồn như vậy? hoặc Cậu đã nói gì khi họ bàn tán? Thậm chí bạn chỉ cần hỏi một câu đơn giản Sao cậu lại nói với mình chuyện này? để biết rõ hơn về động cơ của họ.
    • Bạn không nhất thiết phải cắt đứt quan hệ với người đưa tin, nhưng vẫn nên cẩn thận hơn với họ. Có thể người này không vô tư như đang họ đang cố làm ra vẻ như vậy. Có thể họ đang muốn đẩy tin đồn đi xa hơn là cố gắng ngăn chặn.
  5. 5
    Không tham gia vào những chuyện ngồi lê đôi mách. Nếu từng bị người khác xầm xì sau lưng mình, chắn hẳn bạn biết cảm giác là khó chịu như thế nào. Tuy nhiên, bạn sẽ chẳng giúp cho tình hình tốt hơn nếu chính bạn cũng là người tham gia đưa chuyện. Một số người có tính thích bàn tán về chuyện của người khác, nhưng họ không thể làm vậy nếu không có người nghe.
    • Lần sau, nếu có ai đó định tám chuyện với bạn về người khác, bạn hãy nói Chuyện này bắt đầu nghe như ngồi lê đôi mách rồi đó. Tớ không muốn nói chuyện sau lưng người khác đâu.[4]
  6. 6
    Báo với người có quyền. Nếu những lời đồn ác ý ảnh hưởng đến kết quả làm việc hoặc học tập của bạn, bạn có thể phải trình báo sự việc này lên cấp trên. Những người có thẩm quyền như giáo viên, hiệu trưởng hoặc người quản lý có thể xử lý được vấn đề.
    • Bạn có thể nói Em đang gặp rắc rối với một học sinh/đồng nghiệp khác. Em nghĩ họ đang tung tin đồn về em, và việc này khiến em không thể tập trung vào việc học tập/công việc được. Thầy/Anh/Chị có thể nói chuyện với bạn ấy có được không ạ?
    • Có thể người đồng nghiệp hoặc học sinh đó từng có tiếng là chuyên môn đơm đặt hoặc hay bắt nạt, vì vậy người giám sát có thể sẽ có hành động kỷ luật.[5]

Phương pháp 2 của 3:
Đối phó với việc bị nói xấu

  1. 1
    Tự làm mình phân tâm. Có thể bạn rất khó mà tiếp tục tập trung vào bài vở hoặc công việc khi có người nói xấu sau lưng bạn. Thay vì chú ý vào sự việc tiêu cực, bạn hãy dành năng lượng cho những hoạt động tích cực để tự đánh lạc hướng bản thân.
    • Bạn có thể sắp xếp lại bàn làm việc, đi dạo một vòng, tán gẫu với một người bạn, hoặc đặt ra thời hạn cuối cho mình để hoàn thành một dự án nào đó.
  2. 2
    Dành thời gian ở bên cạnh những người tích cực. Người ta dễ cảm thấy bị cô lập khi bị mọi người bàn tán sau lưng. Bạn có thể đẩy lùi cảm giác này khi cố gắng ở bên cạnh những người quý mến mình nhiều hơn. Họ sẽ giúp bạn vui vẻ hơn, tự tin hơn, thậm chí quên đi những lời đơm đặt hoặc tin đồn tiêu cực.[6]
    • Gọi điện rủ một người bạn thân ra ngoài chơi. Bạn cũng có thể dành nhiều thời gian hơn cho người yêu hoặc gia đình mình.
  3. 3
    Tự nhắc bản thân rằng bạn tuyệt vời như thế nào. Những lời ong tiếng ve có thể khiến bạn hoài nghi về những ưu điểm và năng lực của mình. Bạn đừng mắc bẫy khi tự trách mình. Thay vì thế, bạn hãy nghĩ về những điểm tuyệt vời của mình để nhớ lại rằng bạn có giá trị như thế nào. Ngồi xuống và liệt kê một bản danh sách.
    • Ghi ra mọi ưu điểm của bạn, những điều mà bạn yêu thích về mình và những điểm được người khác ngưỡng mộ. Bạn có thể liệt kê những ưu điểm như người lắng nghe tuyệt vời, biết an ủi mọi người, hoặc sáng tạo. [7]
  4. 4
    Làm điều tốt cho bản thân. Những hành động tích cực sẽ đem lại những suy nghĩ và cảm giác tích cực. Khi buồn phiền vì những lời đàm tiếu, bạn hãy dành cho mình những điều tốt đẹp như dành cho một người bạn thân. Làm những việc mà bạn yêu thích như dắt chú cún con ra công viên chơi hoặc trau chuốt bộ móng. Dành ra mỗi ngày chút thời gian để đối đãi tốt với mình.[8]

Phương pháp 3 của 3:
Thay đổi suy nghĩ về lời đàm tiếu

  1. 1
    Đừng để tâm. Bạn có thể đối phó với những người nói sau lưng mình bằng cách nhớ rằng những lời nói của họ là hình ảnh phản chiếu của chính họ, không phải hình ảnh của bạn. Bạn không thể quyết định được những điều người khác nói về mình, nhưng bạn có thể chọn cách phản ứng với những lời nói đó. Hãy bỏ ngoài tai những lời ong tiếng ve như là một điều mà chính những người đồn đãi phải xử lý. Đừng để mình trở thành nạn nhân vì những vấn đề của người khác.[9]
  2. 2
    Hiểu rằng có thể họ đang ghen tỵ. Có thể không phải lúc nào cũng vậy, nhưng thường thì người ta nói xấu bạn là do có điều gì đó ở bạn khiến họ lo sợ. Người đó có thể ghen tỵ với dung mạo, tài năng của bạn, hoặc vì bạn được nhiều người yêu thích. Những lời nói ác ý có thể chỉ là một cách để họ khiến bạn tổn thương.[10]
  3. 3
    Nhận ra lòng tự trọng kém. Những người hay nói xấu người khác còn có một điểm chung khác là họ thiếu lòng tự trọng. Có thể họ nói xấu bạn là để thấy mình có vẻ tốt hơn. Người đó thường cảm thấy không hài lòng với bản thân mình hoặc thiếu lòng tự trọng, kết quả là họ cũng nói những lời tiêu cực về những người khác.[11]
    • Điều này giải thích tại sao việc đối xử tốt hoặc khen ngợi chính người đang lan truyền tin đồn có thể giúp chặn đứng những lời bình luận tiêu cực. Những người đó đôi khi chỉ đơn thuần muốn nhận được sự chú ý tích cực, bởi vì họ cảm thấy tự ti trong thâm tâm.
Hiển thị thêm

Video liên quan

Chủ Đề