Các nhà trí thức nổi tiếng thế giới

Ít nhiều thụ hưởng nền giáo dục của Pháp xây dựng ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, nhiều học sinh đã trở thành trí thức lớn của dân tộc.

Kéo dài gần một thế kỷ, nền giáo dục Pháp ở Việt Nam được đánh giá trái chiều. Năm 1905, Phan Bội Châu cho rằng Pháp "chỉ dạy viết văn Pháp, nói tiếng Pháp, tạm thời làm nô lệ cho Pháp". Song mặt tích cực ngoài ý muốn của Pháp là tạo ra tầng lớp tri thức có trình độ đại học, nắm vững khoa học, kỹ thuật tiên tiến.

Nhà bách khoa của thế kỷ 20 Đào Duy Anh

Đào Duy Anh [1904-1988] là nhà sử học, địa lý, từ điển học, ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh ở Thanh Hóa, nguyên quán huyện Thanh Oai, Hà Tây [nay thuộc Hà Nội].

Năm 1923, ông tốt nghiệp Thành chung [trường Quốc học Huế] rồi ra dạy học trường Đồng Hới [Quảng Bình]. Ba năm sau, ông tham gia sáng lập báo Tiếng Dân cùng Huỳnh Thúc Kháng rồi gia nhập Việt Nam Cách mạng Đảng [sau là Đảng Tân Việt].

Vợ chồng giáo sư Đào Duy Anh. Ảnh tư liệu

Lĩnh vực khoa học đầu tiên mà Đào Duy Anh quan tâm là từ điển học. Ông lần lượt hoàn thành và xuất bản Hán - Việt từ điển [1932] và Pháp - Việt từ điển [1936]. Đây là công cụ tra cứu rất cần thiết cho nhiều thế hệ học sinh trung học, được ví như cầu nối giữa lớp người già theo Nho học và lớp người trẻ theo Tây học.

Gần 40 năm sau, ông cho ra đời bộ từ điển độc đáo, chuyên dụng Từ điển Truyện Kiều [1974]. Tuy không phải người biên soạn từ điển đầu tiên của Việt Nam, nhưng Đào Duy Anh đã đặt cơ sở cho nền từ điển học hiện đại.

Trong lĩnh vực sử học, năm 1938, tác phẩm Việt Nam văn hoá sử cương của ông cùng với Văn minh An Nam [la Civilization Annamite, 1944] của Nguyễn Văn Huyên đã đánh dấu và đặt nền tảng hình thành nền văn hóa học Việt Nam hiện đại trên tinh thần khoa học, dân tộc.

Một số tác phẩm tiêu biểu của ông trong lĩnh vực này như Khổng giáo phê bình tiểu luận [1938], Trung Hoa sử cương [1942], Khảo luận về Kim Vân Kiều [1943] được giới tri thức trong nước và nhiều học giả thế giới đón nhận, hoan nghênh.

Ông tự tích lũy kiến thức về nhiều ngành khoa học xã hội khác như Triết học, Dân tộc học, Xã hội học bằng phương pháp luận sử học và tư liệu lịch sử. Từ một người tốt nghiệp Thành chung, bằng ý chí tự học, Đào Duy Anh đã trở thành nhà bách khoa của thế kỷ.

Tôn Thất Tùng - bác sĩ nổi tiếng thế giới 

Giáo sư Tôn Thất Tùng [1912-1982] là bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh giải phẫu gan. Ông sinh năm 1912 tại Thanh Hóa và lớn lên ở Huế.

Xuất thân từ gia đình quan lại nhà Nguyễn nhưng ông không theo nghiệp học làm quan. Năm 1931, ông ra Hà Nội học tại trường Trung học Bảo Hộ, hai năm sau đó học trường Y khoa Hà Nội - thành viên của Viện Đại học Đông Dương với quan niệm nghề y là nghề "tự do", không phân biệt giai cấp.

Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng. Ảnh tư liệu

Một lần phát hiện gan của người bệnh có giun chui ở các đường mật, ông đã nảy ra ý tưởng dùng những lá gan bị nhiễm giun để phẫu tích cơ cấu của lá gan.

Liên tiếp những năm sau đó 1935-1939, chỉ bằng con dao nạo thô sơ, ông đã phẫu tích trên 200 lá gan của tử thi để nghiên cứu các mạch máu và vẽ lại thành sơ đồ đối chiếu. Trên cơ sở đó, ông đã viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa với nhan đề "Cách phân chia mạch máu của gan".

Bản luận án được đánh giá cao và trở thành tiền đề cho những công trình khoa học nổi tiếng của ông. Với bản luận án này, Tôn Thất Tùng đã được Đại học Tổng hợp Paris tặng huy chương bạc.

Khi Tôn Thất Tùng trở thành bác sĩ nội trú ở Bệnh viện Phủ Doãn [tiền thân của Bệnh viện Việt Đức ngày nay], sau nhiều lần cắt gan người chết, ông đề xuất với thầy hướng dẫn về phương pháp của mình. Phương pháp này sau đó được gửi Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris và bị giáo sư đầu ngành công kích dữ dội, vì ý tưởng của Tôn Thất Tùng quá mới.

Mãi đến năm 1952, tại hội nghị Phẫu thuật quốc tế ở Copenhaghen [Đan Mạch] phương pháp cắt gan có quy phạm của ông mới được thừa nhận. Tôn Thất Tùng được giới y học quốc tế chú ý và ca ngợi là "người cha của cắt gan có quy phạm".

Sau này, ông có nhiều cống hiến cho ngành y học Việt Nam trên cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại khoa [Đại học Y Hà Nội], Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, Thứ trưởng Y tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Giáo sư Hoàng Như Mai - Học giả hàng đầu trong nghiên cứu văn học

GS.NGND Hoàng Như Mai [1919-2013] quê gốc Hà Nội, sinh ra và lớn lên ở phủ Lạng Thương [tỉnh Bắc Ninh]. Ngày vào lớp đồng ấu [lớp 1 ngày nay], ông được một thầy giáo già truyền tình yêu văn chương, qua những bài giảng chữ Nho, chữ quốc ngữ và những bài Pháp văn.

Hồi 8-9 tuổi, có lần ông được người anh dẫn lên Hà Nội vào rạp chiếu bóng chơi, được tận mắt nghe câu thoại của nam diễn viên với người tình "Đôi mắt em xanh như nước biển Địa Trung Hải" bằng tiếng Pháp. Câu thoại đó cứ vấn vương mãi trong đầu cậu bé nhiều năm sau này.

Học xong tiểu học, ông lên Hà Nội vào trường Trung học Bảo Hộ [trường Bưởi] trong hệ thống giáo dục Pháp - Việt, được học chương trình văn học Pháp gồm nhiều tác gia lớn của thế kỷ 16-18 và các tác giả lãng mạn thế kỷ 19.

Cuốn tiểu thuyết gây ấn tượng mạnh ban đầu cho ông là Graziella của Lamartine, đặc biệt là bài thơ hoài niệm cuối sách Mối hận đầu tiên được Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Việt. Sáu bảy chục năm sau đó ông vẫn thuộc lòng nhiều đoạn trong tiểu thuyết này.

Giáo sư Hoàng Như Mai. Ảnh: Đại học Văn Hiến

Những năm học trường Bưởi cũng là thời kỳ phong trào Thơ Mới nở rộ nên thế hệ của Hoàng Như Mai đã tìm được những thi sĩ cho riêng mình. Ông khâm phục Xuân Diệu nhưng thích đọc nhất là Thế Lữ, J.Leiba Thái Can, Lưu Trọng Lư và sau này là Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân.

Tiếp đó, Hoàng Như Mai lần lượt theo học ở Đại học Y khoa và Đại học Luật khoa Đông Dương ở Hà Nội. Năm 1943, khi đang là sinh viên Đại học Luật, ông bắt đầu đứng trên bục giảng ở trường Trung học tư thục Đông Hải [Hải Dương].

Năm năm sau, ông được Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Bình mời làm hiệu trưởng trường Trung học Phan Thanh. Sau đó, ông lần lượt làm giảng viên, hiệu trưởng ở các trường Sư phạm Việt Bắc [1951], Sư phạm Trung cấp trung ương [1953], Đại học Tổng hợp Hà Nội [1959], Đại học Tổng hợp TP HCM [1980].

Ông để lại di sản nghiên cứu văn học khá đồ sộ. Bộ giáo trình Văn học Việt Nam hiện đại [1945-1960] của Hoàng Như Mai có giá trị rất riêng, bởi đây là công trình đầu tiên mang tính đột phá, nghiên cứu về một chặng đường văn học còn nóng hổi tươi nguyên đối với thời kỳ đó.

Các tập chuyên luận, tiểu luận về thơ Thơ một thời, Bản sắc dân tộc trong thơ Hồ Chí Minh hay sân khấu Nhận định về cải lương", Trần Hữu Trang - soạn giả cải lương đến nay vẫn nguyên giá trị cho giới nghiên cứu.

Trong lĩnh vực sân khấu kịch nói, giáo sư Hoàng Như Mai cũng để lại dấu ấn với các tác phẩm nghiên cứu Tiếng trống Hà Nội, Dòng sông biên giới, Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu.

Ngoài ba trí thức trên, còn nhiều người trưởng thành từ nền giáo dục thời Pháp thuộc, như: giáo sư Hoàng Minh Giám [1904-1995]; giáo sư Nguyễn Lân [1906-2003]; giáo sư, viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn [1905-1993]; nhà nông học Lương Định Của [1920-1975]; giáo sư Toán học Nguyễn Cảnh Toàn [1926-2017]...

  • Giáo dục đại học của Pháp ở Việt Nam

Mạnh Tùng

Tự hào bản lĩnh của đội ngũ trí thức Việt Nam chân chính

[ĐCSVN] - Thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có một số trí thức có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đang đặt ra đòi hỏi phải rèn luyện, xây dựng bản lĩnh vững vàng cho đội ngũ trí thức, trước hết là sự vững vàng về bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu đường lối Độc lập dân tộc và CNXH...

Vượt lên những thăng trầm, một lòng vì nước vì dân

Thời gian gần đây, nhân câu chuyện một vài trí thức - đảng viên có dấu hiệu suy thoái, “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”, một số người đã đưa ra vấn đề “đâu là trí thức chân chính” để lập lờ khái niệm và tự nhận là trí thức chân chính, vì họ “đứng về phía nhân dân”, “vì dân vì nước”. Tuy nhiên, họ quên mất một điều, nếu nhìn từ những tấm gương lịch sử, các danh nhân - trí thức yêu nước chưa bao giờ xao nhãng bổn phận trách nhiệm của mình trước gia đình, xã hội và đất nước. Vì lẽ đó, không bao giờ những kẻ cơ hội chính trị, “cõng rắn cắn gà nhà” được coi là những kẻ sĩ - trí thức chân chính.

Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta có thể thấy, trong mỗi giai đoạn đều có những tấm gương yêu nước, thương dân, kiên cường chống giặc ngoại xâm. Đó chính là những bậc đại trí thức nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Thúc Kháng…

Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới là một số phận vinh quang và nhiều cay đắng nhưng cũng là tấm gương về bản lĩnh người trí thức trước những thăng trầm, biến cố của thời đại và của bản thân. Ông từng xót xa cho thân phận người trí thức phong kiến: “Xưa nay người biết chữ thường lắm lo âu và hoạn nạn. Ông già Tô Đông Pha nói thế và tôi cũng nói thế”. Tuy nhiên, vượt lên những kỳ thị nhỏ nhen và cả những sai lầm, yêu ghét của triều đình, Nguyễn Trãi luôn đau đáu những câu hỏi lớn: Làm gì đây để giúp ích cho nhân dân? Nhân dân bao giờ có cuộc sống no ấm an vui? Những ưu hoạn của nhân dân ngày đêm thôi thúc Nguyễn Trãi suy tư để tìm ra con đường đuổi giặc cứu nước. Ông đã đem hết trí tuệ, tâm huyết, tài năng cùng Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn giành lại đất nước. Ông quan niệm: “Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược. Có nhân, có trí, có anh hùng” [Bảo kính cảnh giới số 132]. Bằng hai câu thơ của ông vừa khái quát quy luật của chủ nghĩa anh hùng, vừa nêu lên trách nhiệm, bản lĩnh của bậc trí thức:

“Bui có một lòng trung lẫn hiếu

Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen”.

Trong lịch sử dân tộc, Lê Quý Đôn không chỉ nổi danh là một nhà bác học uyên bác mà còn là một vị quan đa tài, gần dân nhưng cũng không ít thăng trầm. Có lúc, ông dâng sớ xin thiết lập pháp chế, vì thấy một số quan lại lúc bấy giờ "đã quá lạm dụng quyền hành, giày xéo lên pháp luật", nhưng không được chúa nghe, ông từng chán nản xin nghỉ hưu về quê “đóng cửa viết sách”. Tuy nhiên, sau đó, được triều đình mời trở lại, ông lại tiếp tục cống hiến hết mình. Sau này, ông nhiều lần được thăng, giáng chức nhưng tấm lòng vì dân, vì nước của ông không thay đổi, nhạt phai. Lê Quý Đôn cho rằng, nếu người trí thức chỉ sống vì miếng cơm manh áo thì quá lắm họ chỉ biết leo lên bậc thang cao nhất của trật tự xã hội. Ông luôn lo âu trước cảnh khổ dân nghèo: “Xanh xanh dương liễu nhớ quê nhà. Đêm lạnh tàn canh chẳng ngủ được” [Trụ sinh kế]. Khác với những nhà nho vốn xa rời nhân dân thoát ly thực tế Lê Quý Đôn luôn bám sát đời sống xã hội cố gắng biết rộng, nghe nhiều; luôn suy nghĩ làm thế nào để giúp nước, giúp dân.

Coi trọng trí thức nào?

Trí thức là tầng lớp tinh hoa của xã hội, là lực lượng quan trọng của cách mạng và nằm trong liên minh công - nông - trí thức nên Đảng, Nhà nước ta luôn đề cao, tạo điều kiện tốt nhất để phát huy vai trò đội ngũ trí thức. Nhưng quan điểm của Đảng, Nhà nước ta cũng rất rõ ràng khi đánh giá về những trí thức chân chính. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Cố nhiên Đảng và Chính phủ rất quý trọng trí thức. Nhưng bây giờ thử hỏi quý trọng trí thức nào? Quý trí thức chịu khó, chịu khổ kháng chiến, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân như các cụ, các anh chị em ở đây. Nhưng đối với bọn đội lốt trí thức vì bơ sữa mà quên cả Tổ quốc, nhân dân, làm ô danh trí thức có nên coi trọng không? Đảng và Chính phủ cố nhiên không coi trọng bọn đội lốt trí thức theo giặc, có tội với nhân dân… Nước còn hay mất, dân tộc thịnh hay suy, Tổ quốc hưng hay vong không biết, cứ an tâm đi làm nô lệ cho nó, chỉ biết “duy hữu độc thư cao”. Anh chị em trí thức phải xét mình cho kỹ, để tẩy cho sạch nọc độc của thực dân và phong kiến.”

Như vậy, ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra và cảnh báo nguy cơ trí thức bị các thế lực thù địch lôi kéo, mua chuộc. Người cũng cảnh báo những kẻ đội lốt trí thức, làm ô danh trí thức. Vì thế, Người dặn dò đội ngũ trí thức: “Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang, là làm gương cho dân trong mọi việc. Dân ta đã đấu tranh một cách rất dũng cảm. Lẽ tất nhiên giới trí thức phải hy sinh đấu tranh, dũng cảm hơn nữa, để làm gương cho nhân dân”.

Sáng ngời bản lĩnh trí thức chân chính

Đáp lời kêu gọi đoàn kết toàn dân tộc và trọng dụng hiền tài của Hồ Chí Minh, nhiều trí thức lớn đã một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác cống hiến, hy sinh cho cách mạng, tiêu biểu như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa…

Trong đó, tấm gương Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, người được Bác Hồ gọi là “đại trí thức” có thể coi là một biểu tượng sáng ngời về bản lĩnh, nhân cách trí thức Việt Nam. Từ cậu học trò nghèo sang Pháp du học, ông vào học ngành cầu-đường, rồi ngành hóa học, tại Đại học Sookbors [Pháp], trường nổi tiếng thế giới. Ra trường, có thời gian ông sang Đức làm việc cho một hãng chế tạo máy bay với mức lương 22 lạng vàng/tháng. Nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, ông quyết định từ bỏ chức vụ kỹ sư trưởng ở Hãng nghiên cứu chế tạo máy bay Concord để về nước. Ngày 30/4/1975, khi nước nhà thống nhất, ông có ghi vào cuốn sổ tay của mình: “Đã hoàn thành nhiệm vụ”. Đó là nhiệm vụ cứu nước, cứu dân mà ông từ bỏ cuộc sống phồn hoa trên đất Pháp để theo Bác Hồ trở về Tổ quốc. Lúc sinh thời Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa từng nói: “Bạn bè của tôi ở lại bên Pháp, họ đều sung sướng, đầy đủ hơn tôi rất nhiều. Nhưng về khía cạnh phụng sự Tổ quốc, họ chẳng có gì cả”.


Bác Hồ với Giáo sư Trần Đại Nghĩa [Ảnh tư liệu]

Một trí thức khác cũng rất nổi tiếng đã giữ được bản lĩnh đáng trân trọng của mình dù cá nhân ông đã trải qua không ít thăng trầm, thiệt thòi. Đó Giáo sư, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường [1909 - 1997], một trong những người trí thức Việt Nam thông minh siêu việt, một nhà sư phạm mẫu mực giàu tài năng. Năm 22 tuổi, là học sinh Việt Nam du học trên nước Pháp, ông đã lập nên kỷ lục làm chấn động nước Pháp: Trong một năm lấy luôn hai bằng Tiến sĩ Quốc gia Văn khoa và Luật khoa.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Đà Lạt nhằm ngăn chặn âm mưu tái chiếm thuộc địa của thực dân Pháp. Với tầm kiến thức rộng lớn, năm 1952, ông tham gia vào các đoàn đại biểu của Chính phủ kháng chiến dự Hội nghị Bảo vệ Hòa bình ở Bắc Kinh [Trung Quốc] và Đại hội Hòa bình Thế giới ở Vienna [Áo]. Sau đó, ông làm Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Luật gia Dân chủ Thế giới ở Bruxelles, Bỉ [1956]. Lập luận và trí thức uyên thâm của Nguyễn Mạnh Tường đã góp phần làm cho thế giới biết đến một Việt Nam kháng chiến, kiên cường và trí tuệ... Ông còn tham gia đào tạo trí thức phục vụ kháng chiến tại Trường dự bị đại học Liên khu IV tại Thanh Hóa, Phó giám đốc [nay là Phó hiệu trưởng] Trường Đại học Sư phạm Văn khoa [nay là Trường Đọc sư phạm Hà Nội] khi miền Bắc mới giải phóng. Trong bối cảnh bấy giờ, người Pháp vẫn muốn lôi kéo ông Nguyễn Mạnh Tường. Sau này, vì nhiều lý do, Nguyễn Mạnh Tường phải chịu nhiều thiệt thòi nhưng ông vẫn kiên định bản lĩnh một trí thức yêu nước chân chính. Năm 1989, ông được học trò và người thân mời trở lại thăm nước Pháp vào đúng lúc Đông Âu đang xảy ra biến cố. Phóng viên Báo Le Monde đã phỏng vấn ông. Khi phóng viên đặt câu hỏi: Ngài thấy chủ nghĩa cộng sản bây giờ thế nào? Ông đã trả lời: “Trước hết các ông đừng lẫn lộn chủ nghĩa cộng sản, mà nhiều trí thức Pháp đã coi là hy vọng cuối cùng của loài người, với những người đã thực hiện nó”. Khi được hỏi liệu Việt Nam có như Đông Âu không, ông thẳng thắn: “Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có những sai lầm, nhưng không ai quên công lớn của Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành lại độc lập, thống nhất, giải phóng dân tộc”. Những phát ngôn đó càng khiến nhiều người cảm phục bản lĩnh, nhân cách của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường.

Câu chuyện về bản lĩnh của đội ngũ trí thức Việt Nam một lần nữa cho chúng ta thêm bài học từ những tấm gương. Khi người trí thức đặt hết tài năng và trí tuệ vào vận mệnh và tiền đồ của Tổ quốc, vượt lên những thị phi và cơm áo đời thường, quyết không để kẻ xấu lôi kéo thì họ chẳng những khẳng định được phẩm giá mà còn luôn lan tỏa tiếng thơm. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa người trí thức chân chính với những kẻ cơ hội chính trị, nhân danh đổi mới để đi ngược lại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

Hiện nay, thật đáng buồn khi vẫn còn một số ít trí thức đang ngộ nhận mục tiêu lý tưởng. Họ tự cho mình là cấp tiến, yêu nước, thương dân nhưng lại bị kẻ xấu kích động, lôi kéo, “lợi dụng”. Họ nói, viết và làm những điều có hại cho lợi ích cộng đồng, lợi ích dân tộc. Một bộ phận mơ hồ về chính trị, giảm sút niềm tin con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; cực đoan chính trị; phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nói xấu Đảng, chống đối chế độ, xúc phạm đến lãnh tụ, anh hùng dân tộc...

Đối với mỗi con người, bản lĩnh là tố chất cần thiết quyết định sự vững vàng, tính kiên định, sự độc lập chủ động trong hành động trước mọi hoàn cảnh, nhất là trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống. Đó là một bản chất sống có tính tổng hợp của con người xã hội, tạo nên hệ “miễn dịch” trước những biến cố của thời đại và của bản thân; tạo nên cách ứng xử “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, để người trí thức luôn giữ được chân giá trị của mình. Ôn cố để tri tân, mỗi trí thức cần nhìn nhận và xây dựng cho mình bản lĩnh trong dòng chảy thời cuộc bằng tri thức và kinh nghiệm, trải nghiệm và cả sự nhìn nhận từ những tấm gương trí thức trong lịch sử dân tộc/.

TS Hà Sơn Thái - Nguyễn Văn Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

  • Ra mắt, giới thiệu sách “Tiểu đoàn 59 - Anh hùng của lòng dân”
  • Nhiều hoạt động tại Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII
  • 628 nghệ nhân được phong tặng, truy tặng Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú
  • Trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho đồng chí Vũ Oanh
  • Hà Nội tổ chức Cuộc thi nhảy hiện đại “Nhịp sống trẻ”
  • Triển lãm ảnh về di sản Nghệ thuật Xòe Thái và du lịch 8 tỉnh Tây Bắc
  • 70 năm chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân quan: Dấu ấn lịch sử

Video liên quan

Chủ Đề