Cả nhà quây quần trong căn phòng nhỏ

Đông lắm, sao mà nhớ được

Từ đầu hẻm 104 đường Tam Bình men theo con đường đất chừng một cây số là đến xóm, với xấp xỉ 20 mái nhà đơn sơ tựa vào nhau san sát. Bà Lý Thị Phôn [66 tuổi] ngồi lọt thỏm giữa tứ bề… rau muống, đôi tay thoăn thoắt nhặt từng cọng tuốt bỏ lá, giới thiệu mình là chị Hai của xóm này. 

Theo bà Phôn, hơn mười năm trước, nơi đây còn hoang vắng, cỏ mọc lút đầu người. Bấy giờ, mười anh chị em của bà từ Sóc Trăng lên TPHCM mưu sinh bằng đủ nghề, thuê trọ, sống tản mác khắp thành phố. Những căn phòng trọ nhỏ xíu mà giá thuê và nhân khẩu của từng nhà thì… nở ra theo thời gian. “Ở quê mần ăn không được nên cả nhà mới kéo hết lên đây. Mà lên đây rồi, thấy anh chị em sao “chia lìa” quá, đứa đầu này đứa đầu kia mạnh ai nấy sống, tình cảm lạt nhách nên cái mong mỏi đoàn tụ cứ quấn lấy tui” - bà Phôn chia sẻ.

Thanh niên trong xóm gắn bó với nghề bào bông chuối cho chợ đầu mối

Rồi bà Phôn may mắn gặp được người chủ đất tốt bụng, cho thuê lại mảnh đất rộng hơn 1.000 mét vuông này. Bà rủ anh chị em cùng lập nhà, dựng thành xóm nhà lá. Tiền thuê đất trả theo năm, chia đều trên từng nhà. Từ ba, bốn nóc nhà của hơn mười năm trước; nay xóm nhà lá… nở thành 19, 20 nóc nhà. “Tụi con nít ở đây lớn nhanh như cỏ mọc, lập gia đình rồi cũng không chịu đi đâu, thích thì sống chung với cha mẹ, không thích thì “tách hộ” ra dựng nóc nhà khác” - bà Phôn cười khà khà.

“Hiện gia đình lớn của mình có tổng bao nhiêu người vậy cô?” - tôi hỏi. Chừng như bất ngờ, bà Phôn ngưng tay, sững mấy giây rồi phì cười: “Trời, đông lắm, sao mà nhớ được!”.

Ngồi sát bên, bà Liên - em gái bà Phôn - cũng bật cười thành tiếng: “Hỏi khó quá, ai ở đây mà nhớ được… chết liền!”. Chị Nhi - con dâu bà Phôn - lẩm nhẩm, quả quyết: “Chừng trăm mấy chứ không nhiều đâu”. Dù vậy, khi tôi hỏi lại “là khoảng trăm mấy?”, chị Nhi cười trừ, lắc đầu liên tục. Theo chị, muốn có con số chính xác, phải hỏi người chủ đất; do mấy lần người này vào xóm đưa một cuốn sổ để điểm danh đi đăng ký tạm trú. 

Bà Phôn dặn thêm, nếu lấy được con số nhân khẩu đại gia đình bà thì nhớ… cộng thêm hai người. Năm ngoái, TPHCM đón làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư, gia đình ba thành viên người em thứ chín của bà Phôn - vốn có nhà nơi khác - đều nhiễm bệnh, đi cách ly. Cô con gái 23 tuổi qua đời sau một tuần điều trị.

“Vợ chồng nhỏ em tui buồn lắm nên bán nhà rồi vô đây sống với mọi người luôn. Tội, tụi nó chỉ có một đứa con. Con nhỏ đẹp lắm! Tụi tui mới làm giỗ giáp năm cho nó tuần rồi nè” - bà Phôn chia sẻ.

Xóm nhỏ với 19, 20 nóc nhà nằm yên bình bên mé rạch Gò Dưa

Sống "hơi nghèo", nhưng... kệ!

Sau lưng bà Phôn, con rạch đang mùa cạn nước, mấy chiếc xuồng nằm chỏng chơ đón nắng. Đám rau muống dọc bờ kênh xanh mướt là nguồn sống quanh năm của đại gia đình xóm nhỏ. Theo bà Phôn, đàn bà trong xóm chủ yếu làm nghề hái và tuốt lá rau muống; đàn ông làm… thợ đụng hoặc bào bông chuối cho chợ đầu mối. Thêm mấy người làm công nhân, lương bổng ổn định hơn. Những ngày nước kênh đầy, họ rủ nhau giăng lưới bắt cá, lớp dành ăn, lớp phân công một, hai người đem ra chợ bán, mua gạo về chia cho từng hộ.

“Sống có hơi nghèo, nhưng kệ, miễn thoải mái tâm lý” - bà Phôn lại bật cười sảng khoái. Bà dẫn chứng, trước kia con dâu bà làm công nhân một công ty may mặc; sau thấy áp lực, giờ giấc khó chăm sóc gia đình nên nghỉ việc, đi hái và tuốt lá rau muống cùng bà. Cuộc sống đắp đổi qua ngày nên chuyện tương lai hiếm khi họ nghĩ đến. Với họ, hạnh phúc nhất là trong hiện tại được tận hưởng khoảng không gian thoáng mát, yên tĩnh, thanh bình, nuôi mấy chục con gà thả vườn không sợ ai bắt trộm và có “sân chơi” cho bọn trẻ. Thỉnh thoảng cuối tuần, cả xóm quây quần, nấu món gì đó thật ngon, nhấm nháp chút đỉnh bia và hàn huyên đủ chuyện. 

Bà Lý Thị Phôn - “chị Hai” của xóm nhà lá

Bà Liên hồ hởi khoe người con dâu tên Quỳnh, quê Phú Yên, cũng rất biết “nhập gia tùy tục”. Năm đó, con trai bà đi làm công nhân, gặp và yêu Quỳnh. Cô gái theo người yêu về sống với gia đình. Không lâu sau, ba má Quỳnh biết chuyện, đặt vấn đề cho đôi trẻ cưới xin. “Lúc đó tui hoảng lắm, tui kêu chưa chuẩn bị gì cả mà cưới xin gì. Vậy nhưng bên kia hối, nói không cần cho gì, mạnh bên nào bên nấy lo cho hai đứa cái đám cưới là được. Họ dễ thương và cũng không nặng nhẹ chuyện hồi môn” - bà Liên kể. 

Đám cưới gọn gàng, đơn sơ. Bà Liên gom góp tiền, mượn thêm anh chị em đi sắm đôi bông tai năm phân vàng làm quà tặng con dâu. Trong mắt bà, người con dâu này giỏi giang, còn sanh được cho bà hai đứa cháu đẹp như thiên thần. Bà nói: “Con dâu tui, người không cao ráo, nhưng xinh lắm. Hai đứa con của nó đứa nào đứa nấy trắng trẻo, đẹp lắm”. Các con sống với nhau đã tám năm, bà vui khi chưa từng nghe chúng lời qua tiếng lại. Theo bà, cái nếp… “chung sống để lo mà làm ăn, nghèo khó cãi nhau chi, cãi mà giàu được thì hẵng cãi” của vợ chồng chị Quỳnh cũng là nếp sống chung của tất cả các đôi, các gia đình lớn, nhỏ của xóm nhà lá này. 

Niềm tự hào của bà Liên còn là cô cháu gái Nguyễn Nhật Thy, con gái đầu của chị Quỳnh, đang học lớp Hai Trường tiểu học Thái Văn Lung [TP.Thủ Đức, TPHCM]. Bà Liên khoe: “Nó học giỏi, nhận nhiều bằng khen lắm! Xóm này học hành cao hay không giờ phải chờ coi con nhỏ đó quyết định thế nào nay mai thôi”.

Bởi, có một… truyền thống của đại gia đình họ là không ai học qua lớp Bảy. Lũ trẻ lớn lên, học được bao nhiêu thì học, chán thì đi làm thợ may, tuốt rau hay ai kêu gì làm nấy, miễn… vui.

Một người em dâu của bà Phôn cũng mưu sinh bằng nghề hái và tuốt lá rau muống

Bồi hồi nỗi nhớ quê

Mấy lần, chị em bà Phôn tự nhận mình như sống giữa chốn… thâm sơn cùng cốc. Hơn mười năm, họ hiếm khi rời xóm. Phần vì lớn tuổi, phần vì không biết chạy xe máy nên các “giao dịch” với… thế giới bên ngoài do con cháu đảm nhận. Như chồng chị Nhi gom rau muống đã được tuốt sạch lá cho các mối quen, bọn trẻ làm công nhân thường được gửi đi chợ giùm lúc tan ca… 

Dù vui và bằng lòng với cuộc sống hiện tại, vẫn có một điều khiến anh chị em bà Phôn canh cánh trong lòng là nỗi nhớ quê. Bà Phôn thở dài: “Quê mà, dễ gì quên nổi. Làm ít tiền nên lâu lắm tụi tui mới về thăm một lần; chủ yếu ghé mộ ông bà, tổ tiên thắp nhang, thăm bà con dòng họ chút đỉnh rồi đi chứ đâu còn nhà cửa ở dưới, sập hết trơn”. Mấy hôm nay, câu chuyện nhớ quê lại làm bà Phôn thổn thức, vì cụ Sện [86 tuổi], mẹ bà, cứ nằng nặc đòi về quê sống… một mình.

“Má tui dạo này hay hờn con cháu nên nói vậy thôi. Chứ giờ ăn uống cũng phải có người đút mà hở ra là giận hờn rồi cứ muốn mình ên về quê sống vậy đó” - bà Phôn cười. 

Chị Nhi - con dâu bà Phôn - trước căn nhà lá rộng chừng 30m2 có giá thuê 6 triệu đồng/năm của mình

Nhưng, rất nhanh, bà cúi đầu như nói với chính mình: “Cũng không biết được… người già thì hay nhớ quê, má tui lên thành phố hơn mười năm mà số lần về quê đếm trên đầu ngón tay”. Cụ Sện hiện đang ở chung với người con trai út. Sau lần bị tai biến cách đây mấy năm, đi đứng khó khăn, cụ trở nên như con nít, hay lẫy, hờn cháu con. Cần cái ly nhưng… nhờ con lấy cái dĩa, con mang cho cái dĩa thì dỗi hờn. Người già, có ai lại không vậy!

Sực nhớ ra điều gì, bà Phôn ngẩng mặt, cười hồn nhiên: “Giờ tui mơ trúng số, tui đưa cả nhà về quê, chia mỗi hộ vài chục triệu đồng để có vốn làm ăn”. 

Tuyết Dân

Hướng dẫn “Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Đừng nói cuộc đời tẻ nhạt nhé em” hay, chi tiết nhất theo các bộ đề Đọc hiểu do Top Tài Liệu sưu tầm từ các đề thi Ngữ Văn của các năm học gần nhất. Kèm theo đó là kiến thức mở rộng hữu ích dành cho thầy cô và các bạn học sinh tham khảo.

Đọc đoạn thơ dưới đây và trả lời các câu hỏi :

“Đừng nói cuộc đời mình tẻ nhạt nhé em

Hạnh phúc ở trong những điều giản dị

Trong ngày, trong đêm

Đừng than phiền cuộc sống nhé em

Hạnh phúc ngay cả khi em khóc

Bởi trái tim buồn là trái tim vui

Hạnh phúc bình thường và giản dị lắm

Là tiếng xe mỗi chiều của bố

Cả nhà quây quần trong căn phòng nhỏ

Chị xới cơm đầy bắt phải ăn no

Hạnh phúc là khi đêm về không có tiếng mẹ ho

Là ngọn đèn soi tương lai em sáng

Là điểm mười mỗi khi lên bảng

Là ánh mắt một người lạ như quen

Hạnh phúc là khi mình có một cái tên

Vậy đừng nói cuộc đời tẻ nhạt nhé em

Tuổi mười tám còn khờ khạo lắm

Đừng tô vẽ một chân trời xa toàn màu hồng thắm

Hạnh phúc vẹn nguyên giữa cuộc đời thường.”

[Thanh Huyền, Hạnh Phúc]

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Đừng nói cuộc đời tẻ nhạt nhé em

1/ Xác định phương thức biểu đạt chính, phong cách nghệ thuật, thể thơ của đoạn Đừng nói cuộc đời tẻ nhạt nhé em?

Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích

+ Phương thức biểu đạt: Tự sự

+ Phong cách ngôn ngữ: Nghệ thuật

+ Thể thơ tự do

2/ Theo tác giả, hạnh phúc bình thường và giản dị lắm khi nào?

Theo tác giả, hạnh phúc bình thường và giản dị lắm khi: “Là tiếng xe mỗi chiều của bố”, “Cả nhà quây quần trong căn phòng nhỏ”, “Chị xới cơm đầy bắt phải ăn no”

3/ Anh/chị hiểu thế nào về 2 câu thơ

Hạnh phúc ngay cả khi em khóc

Bởi trái tim buồn là trái tim vui

Hai câu thơ; “Hạnh phúc ngay cả khi em khóc/Bởi trái tim buồn là trái tim vui…” có thể hiểu: Hạnh phúc không chỉ biểu hiện bằng nụ cười vui sướng mà còn bằng cả những giọt nước mắt hân hoan; hạnh phúc còn ở ngay cả trong nỗi buồn, đi qua nỗi buồn sẽ tìm thấy niềm vui…

4/ Theo anh/chị, tại sao tác giả cho rằng “Đừng tô vẽ một chân trời xa toàn màu hồng thắm/Hạnh phúc vẹn nguyên giữa cuộc đời thường…”?
Tác giả cho rằng: “Đừng tô vẽ một chân trời xa toàn màu hồng thắm/Hạnh phúc vẹn nguyên giữa cuộc đời thường…” vì:

– Tuổi 18 còn nhiều khờ khạo, ngây thơ, khoan vội vàng chạy theo những ảo vọng xa xôi, hãy biết trân trọng những điều giản dị, nhỏ bé giữa đời thường.

– Đó là lời khuyên sâu sắc, ý nghĩa, nhắc nhở chúng ta phải biết trân trọng hạnh phúc vốn có bên mình

5/ Thanh Huyền quan niệm về hạnh phúc như thế nào trong bài thơ trên? Quan niệm ấy được thể hiện cụ thể ở những hình ảnh, từ ngữ nào?

Thanh Huyền quan niệm hạnh phúc xuất phát từ những điều giản dị, gần gũi. Hạnh phúc được biểu hiện cụ thể qua hình ảnh, từ ngữ như “tiếng xe về mỗi chiều của bố”, “Cả nhà quây quần trong căn phòng nhỏ”, “Chị xới cơm đầy bắt phải ăn no”, “khi đêm về không có tiếng mẹ ho”, “Là ngọn đèn soi tương lai em sáng”, “ điểm 10 mỗi khi lên bảng”, “Là ánh mắt một người lạ như quen”, “Hạnh phúc là khi mình có 1 cái tên”

6/ Tại sao tác giả lại nói: Hạnh phúc là ánh mắt một người lạ như quen?

Tác giả nói: “Hạnh phúc là ánh mắt một người lạ như quen” là vì khi ta gặp một người xa lạ nhưng có cái nhìn ấm áp, dễ gần thì ta cảm thấy như gặp được người quen, ta cảm thấy tin tưởng và hạnh phúc.

7/ Anh chị suy nghĩ gì về lời nhắn nhủ của nhân vật trữ tình dành cho em mình?

– Tác giả nhắn nhủ em bằng tình cảm chân thành và tình yêu thương của người chị dành cho em, hạnh phúc xuất phát từ những điều giản dị, hãy biết trân trọng nó. Hạnh phúc trong cuộc sống chính là từ bản thân mỗi chúng ta xây dựng nên. Không tô thắm màu hồng của hạnh phúc mà chắt chiu nó bằng những điều đơn giản, đời thường.

– Biết trân trọng hạnh phúc chắc chắn hạnh phúc sẽ mỉm cười với mỗi chúng ta. Bên cạnh đó vẫn có những người luôn ảo tưởng về những hạnh phúc xa xôi, không thực tế vì vậy rất dễ rơi vào cảm giác bất hạnh. Mỗi chúng ta hãy trân trọng hạnh phúc của mình trong những điều giản dị nhất.

8/ Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật hai biện pháp tu từ trong Đừng nói cuộc đời tẻ nhạt nhé em

a. Phép điệp từ: đừng nói…đừng than…đừng tô vẽ…

– Hiệu quả nghệ thuật: Nhấn mạnh lời khuyên chân tình của nhân vật trữ tình với người em khi cảm nhận về hạnh phúc trong đời sống con người.

b. Biện pháp tu từ: so sánh: Hạnh phúc là tiếng xe…là khi đêm về…là ngọn đèn…là điểm mười…là ánh mắt…

– Hiệu quả nghệ thuật: Biện pháp tu từ so sánh làm cho cách diễn đạt trở nên gợi hình ảnh cụ thể, dễ hiểu về hạnh phúc. Qua đó, tác giả đã gợi ra hạnh phúc là những điều giản dị, gần gũi với mỗi người.

9/ Tại sao nhân vật trữ tình có lời khuyên nhủ: “Vậy đừng nói cuộc đời tẻ nhạt nhé em”

Nhân vật trữ tình có lời khuyên nhủ: “Vậy đừng nói cuộc đời tẻ nhạt nhé em” là vì:

– Cuộc đời vô cùng phong phú, đa dạng, phức tạp, nghịch lí…

– Cần có cái nhìn lạc quan, tin tưởng, yêu đời…

10/ Thông điệp được gửi gắm qua Đừng nói cuộc đời tẻ nhạt nhé em

– Đừng quên hạnh phúc ở trong những điều giản dị

– Hãy trân trọng và giữ gìn hạnh phúc mà mình có được

– Hạnh phúc là những điều hết sức bình thường, gần gũi trong cuộc sống đời thường: gia đình đầm ấm, hi vọng tương lai tươi sáng.

Đề 1. Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn [khoảng 200 chữ] trình bày suy nghĩ của bản thân về tinh thần lạc quan.

Bài làm

Lạc quan, tích cực là thái độ sống vô cùng quan trọng mà mỗi chúng ta cần có. Sống lạc quan là cách ta vui vẻ đón nhận những thay đổi xung quanh mình, nhìn nhận vấn đề theo một chiều hướng tốt đẹp. Thái độ sống cởi mở ấy sẽ giúp ta nhận ra được những giá trị quý giá trong cuộc sống. Từ đó, ta biết trân trọng hơn những gì mình đang có, cảm thấy yêu đời hơn. Không những thế, lạc quan, tích cực trong cuộc sống còn giúp tăng hiệu quả trong công việc và học tập, giúp ta giải quyết vấn đề, mâu thuẫn nhanh chóng hơn và theo chiều hướng tốt đẹp. Ngoài ra, khi ta sống tích cực, đó còn là một cách lan tỏa yêu thương đến cộng đồng và xã hội. Nó giúp ta biết quan tâm nhiều hơn đến người thân của mình, yêu bản thân nhiều hơn. Đáng buồn thay, trong xã hội hiện đại, nhiều bạn trẻ vẫn còn đang sống với thái độ bi quan, đầy tiêu cực mà đó là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh trầm cảm. Để sống lạc quan hơn, chúng ta phải biết dành cho mình khoảng thời gian thư giãn, nhìn nhận vấn đề nhẹ nhàng hơn, tích cực hơn, trân trọng bản thân,…. Tóm lại, chúng ta nên sống tích cực, lạc quan trong cách suy nghĩ vì chính mình và vì mọi người xung quanh

Đề 2. Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn [khoảng 200 chữ] trình bày suy nghĩ của bản thân về tình yêu thương.

Bài làm

Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển con người đang dần phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn từ cuộc sống, nhưng chúng ta không bao giờ được quên lối sống yêu thương bởi lẽ: “yêu thương khi cho đi sẽ còn mãi”. Tình yêu thương giữa con người với con người từ xưa đến nay vẫn luôn luôn được coi trọng, nó không chỉ là truyền thống của dân tộc Việt Nam, mà nó còn là một phẩm chất vô cùng đáng quý mà mỗi người cần phải có. Trong xã hội này, hiện nay có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn dựa trên nền tảng yêu thương, san sẻ, giúp đỡ nhau. Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác một chút sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn. Hiện nay khi xã hội ngày càng phát triển nhiều người chỉ chạy theo đồng tiền khiến họ có những suy nghĩ lệch lạc, sai lầm về sự yêu thương và trân trọng đối với mọi người xung quanh, niềm vui họ đang nghĩ đến chỉ là những đồng tiền mà họ đang chạy đua với nó, đây là một thái độ rất đáng báo động, chúng ta cần phải thay đổi tư tưởng sống ngày càng một đúng đắn hơn. Mỗi chúng ta cần phải biết yêu thương, chia sẻ với mọi người xung quanh để xây dựng một xã hội phát triển bền vững dựa trên nền tảng tình cảm yêu thương giữa con người với con người.

Đề bài: Nghị luận xã hội trân trọng cuộc sống mỗi ngày

Đáp án

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: trân trọng cuộc sống mỗi ngày.

Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

Trân trọng cuộc sống mỗi ngày: là việc mỗi chúng ta biết trân trọng thời gian, sử dụng thời gian hợp lí vào những việc có ích; biết nắm bắt, tận hưởng những phút giây, những khoảnh khắc đẹp đẽ của cuộc sống; biết yêu đời, gạt bỏ những muộn phiền lại phía sau.

Trân trọng cuộc sống mỗi ngày có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống của mỗi người.

b. Phân tích

– Biểu hiện của người biết trân trọng cuộc sống mỗi ngày:

Người biết trân trọng cuộc sống là người có cuộc sống tràn đầy năng lượng tích cực, tràn đầy niềm vui, sống với nhiệt huyết và luôn cảm thấy cuộc đời tươi đẹp.

Biết sử dụng thời gian một cách hợp lí, tạo ra nhiều của cải vật chất có giá trị cho bản thân cũng như cống hiến cho xã hội.

Biết cân bằng giữa làm việc và tận hưởng cuộc sống, làm việc hết mình, tận hưởng tối đa, có thể cân bằng giữa lí trí và cảm xúc.

– Ý nghĩa của việc trân trọng cuộc sống mỗi ngày:

Trân trọng cuộc sống giúp cho chúng ta nhìn cuộc đời bằng lăng kính, bằng góc nhìn tươi vui khiến ta có động lực để làm mọi việc dễ dàng hơn.

Nếu trong xã hội, con người ai cũng biết trân trọng cuộc sống, sống tận hưởng mọi khoảnh khắc, chúng ta sẽ có một cuộc sống vui vẻ hơn, tốt đẹp hơn, sẽ không còn những tranh giành, những đấu đá.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người biết trân trọng cuộc sống, sống trọn vẹn từng khoảnh khắc làm ví dụ minh họa cho bài làm văn của mình.

d. Liên hệ bản thân

Mỗi người học sinh chúng ta trân trọng cuộc sống mỗi ngày bằng cách cố gắng học tập, rèn luyện bản thân để trở thành một công dân tốt.

Sống yêu thương, chan hòa với những người xung quanh, sẵn sàng cho đi, san sẻ, giúp đỡ người khác.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: trân trọng cuộc sống mỗi ngày.

Video liên quan

Chủ Đề