Các chỉ tiêu đánh giá sản phẩm cá tra năm 2024

Cá tra phi lê đông lạnh phải đảm bảo chỉ tiêu chất lượng theo QCVN 02-27:2017/BNNPTNT như thế nào? Mong được phản hồi.

Cá tra phi lê đông lạnh phải đảm bảo chỉ tiêu chất lượng theo QCVN 02 - 27: 2017/BNNPTNT như thế nào?

Tại Tiểu mục 2.1 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02-27:2017/BNNPTNT có quy định về chỉ tiêu chất lượng đối với cá tra phi lê đông lạnh như sau:

(1) Tỷ lệ mạ băng

Tỷ lệ mạ băng không được lớn hơn 20 % khối lượng tổng của sản phẩm.

(2) Hàm lượng nước

Hàm lượng nước không được lớn hơn 86 % khối lượng tịnh của sản phẩm.

(3) Chỉ tiêu cảm quan

- Xác định khuyết tật

Đơn vị mẫu được coi là khuyết tật khi có một hoặc nhiều đặc tính được xác định dưới đây:

+ Cháy lạnh:

Có trên 10 % diện tích bề mặt của một đơn vị sản phẩm có biểu hiện sự thất thoát quá mức về độ ẩm như có màu trắng hoặc màu vàng khác thường trên bề mặt che kín màu sắc của thịt cá và thấm sâu vào sản phẩm, khó loại bỏ bằng dao hoặc dụng cụ sắc nhọn khác mà không ảnh hưởng đến trạng thái bên ngoài của sản phẩm.

+ Tạp chất:

Bất kỳ chất nào có mặt trong đơn vị mẫu mà không phải là thành phần của sản phẩm (không bao gồm vật liệu bao gói và nước mạ băng) dễ dàng phát hiện, cho thấy sự không phù hợp với quy phạm sản xuất và quy phạm vệ sinh tốt.

+ Sót xương:

Trong 1 kg mẫu sản phẩm có nhiều hơn một xương với chiều dài lớn hơn hoặc bằng 10 mm hoặc có đường kính lớn hơn hoặc bằng 1 mm; xương với chiều dài nhỏ hơn hoặc bằng 5 mm và đường kính nhỏ hơn 2 mm thì không được coi là sót xương. Mảnh xương (được cắt ra từ xương cột sống) được bỏ qua nếu nó có chiều rộng nhỏ hơn hoặc bằng 2 mm hoặc có thể dễ dàng gỡ được bằng móng tay.

+ Đốm đỏ:

Cơ thịt cá tra phi lê xuất hiện các đốm máu đông do cá bị bệnh hoặc tổn thương cơ học trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, sản xuất.

+ Ký sinh trùng:

Có sự hiện diện của ký sinh trùng có đường kính nang lớn hơn 3 mm hoặc ký sinh trùng không kết nang có chiều dài lớn hơn 10 mm.

+ Mùi, vị lạ:

Sản phẩm bị ảnh hưởng bởi mùi hoặc vị không mong muốn, bền và dễ nhận biết, biểu hiện của sự phân huỷ hoặc ôi dầu.

- Mức chấp nhận khuyết tật về cảm quan

Số mẫu được xác định khuyết tật không được vượt quá mức chấp nhận được nêu dưới đây:

Các chỉ tiêu đánh giá sản phẩm cá tra năm 2024

Chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với cá tra phi lê đông lạnh theo QCVN 02 - 27: 2017/BNNPTNT là gì?

Tại Tiểu mục 2.2 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02-27:2017/BNNPTNT có quy định chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với cá tra phi lê đông lạnh như sau:

- Chỉ tiêu vi sinh vật theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 8-3: 2012/BYT.

- Chỉ tiêu hoá học

+ Dư lượng thuốc thú y theo Thông tư 24/2013/TT-BYT.

+ Hàm lượng kim loại nặng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 8-2: 2011/BYT.

+ Hàm lượng phụ gia thực phẩm theo Thông tư 27/2012/TT-BYT và Thông tư 08/2015/TT-BYT (hiện tại Thông tư 27/2012/TT-BYT và Thông tư 08/2015/TT-BYT đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Thông tư 24/2019/TT-BYT)

Các chỉ tiêu đánh giá sản phẩm cá tra năm 2024

Cá tra phi lê đông lạnh phải đảm bảo chỉ tiêu chất lượng theo QCVN 02 - 27: 2017/BNNPTNT như thế nào? (Hình từ Internet)

Sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh sẽ được đánh giá thử nghiệm mẫu điển hình, kết hợp đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất và trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.

Theo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 10 tháng đầu năm 2021, Cục đã thực hiện lấy 868 mẫu cá tra tại 34 vùng nuôi để phân tích dư lượng hóa chất, kháng sinh. Kết quả phát hiện 13 mẫu cá tra vi phạm các chỉ tiêu vi phạm bao gồm: Enrofloxacin, Ofloxacin, Ivermectin, Ciprofloxacin, Leuco Malachite Green. Các trường hợp phát hiện vi phạm đều được điều tra, xử lý theo đúng quy định tại Thông tư 31/2015/TT-BNNPTNT.

Trong 11 tháng năm 2021, số lô hàng cá tra bị phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm khi thẩm tra, kiểm tra trước xuất khẩu là 23 lô. Đặc biệt, không có lô hàng bị cảnh báo chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bởi các thị trường nhập khẩu có yêu cầu kiểm tra, chứng nhận bởi Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản trước khi xuất khẩu. Các chỉ tiêu vi phạm chủ yếu là vi sinh vật như TPC, Coliforms, E.Coli.

“Số lô hàng bị cảnh báo tại các thị trường tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020, các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh vi phạm chủ yếu năm 2020 là Fipronil, Chlorate,... thì năm nay không còn cảnh báo”, đại diện Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết.

Về thị trường cảnh báo, Trung Quốc có 1 lô, Nga có 9 lô, Braxin có 12 lô, EU có 1 lô. Về chỉ tiêu vi phạm, có 13 lô cảnh báo về chỉ tiêu vi sinh (chiếm 56,5%), 8 lô cảnh báo về tỷ lệ mạ băng (chiếm 34,8%), 2 lô cảnh báo về phụ gia (chiếm 8,7%).

Các thị trường nhập khẩu chính cá tra của Việt Nam gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Mexico, Brazil, ASEAN. Hiện có 258 cơ sở chế biến cá tra được công nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và trong Danh sách xuất khẩu sang các quốc gia, vùng lãnh thổ có yêu cầu lập danh sách và lô hàng được cấp Giấy chứng nhận thực phẩm thủy sản xuất khẩu bởi Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, trong năm 2022, Cục sẽ tiếp tục triển khai Chương trình giám sát dư lượng quốc gia đối với động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi. Theo dõi, cập nhật tình hình các lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh để kịp thời cảnh báo doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp. Cập nhật, phổ biến về quy định/yêu cầu của cơ quan thẩm quyền các thị trường cho doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu khi có thay đổi. Chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ để kịp thời xử lý, tháo gỡ các vướng mắc của thị trường nhập khẩu, trước mắt tập trung tháo gỡ trong xuất khẩu thủy sản nuôi, cá tra nói riêng vào Mỹ, Brazil...

Đồng thời đề nghị các địa phương thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp. Đối với các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu cần thúc đẩy phát triển vùng nuôi, tăng sản lượng giúp giảm giá thành nguyên liệu. Tăng cường đầu tư công nghệ chế biến, gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, nắm bắt rõ các thủ tục, cập nhật quy định của các thị trường để giảm thiểu rủi ro trong quá trình xuất khẩu.