Bị đòi nợ trên facebook

Tôi cần phải làm gì trong trường hợp này, thưa luật sư?

Trả lời:

Theo Luật sư Nguyễn Thị Xuyến - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trước tiên bạn cần lưu lại bằng chứng, để cơ quan có thẩm quyền có căn cứ giải quyết vụ việc, bằng cách lập vi bằng ghi nhận lại bài viết đó.

Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền với hình ảnh của mình. Khi người khác muốn sử dụng hình ảnh của cá nhân thì bắt buộc phải được người đó đồng ý. Đặc biệt, nếu sử dụng hình ảnh để quảng cáo hoặc vì mục đích thương mại, người sử dụng còn phải trả thù lao cho người có hình ảnh.

Vì vậy, việc chủ nợ tự ý lấy ảnh của con nợ, đăng ảnh người đó lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... nhằm gây áp lực, ép buộc người vay phải trả nợ thì đều là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền hình ảnh của người vay.

Trường hợp này bạn không vay tiền của nhóm người này, thì có thể là người thân, bạn bè, đồng nghiệp... của người vay. Bởi khi vay tiền qua app hoặc qua công ty tài chính, nhiều người phải cung cấp số điện thoại, thông tin của người thân, bạn bè... để tham chiếu.

Đến khi người vay không trả được nợ, các app hoặc công ty tài chính sẽ đòi nợ từ người thân của con nợ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều người không vay nhưng liên tục bị đòi nợ, thậm chí là đăng ảnh, chế ảnh... đăng Facebook, Zalo... hòng ép người này phải trả nợ thay cho người vay.

Việc bạn cần làm là Tố cáo với cơ quan công an hoặc khởi kiện ra tòa với người thực hiện hành vi đòi nợ trên facebook của bạn.

Để tố cáo với cơ quan công an, bạn cần chuẩn bị đơn tố cáo với các nội dung: Họ tên người tố cáo, ngày tháng năm tố cáo, nội dung tố cáo về việc bị đăng ảnh lên Facebook nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của mình...

Ngoài ra, cần phải cung cấp các giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc tố cáo: Hình ảnh bị đăng lên Facebook kèm theo thông tin về việc bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm... rồi nộp cho công an cấp xã/phường. Cơ quan này sẽ tiến hành điều tra, xác minh bước đầu và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Ngoài việc gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an, bạn còn có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân. Trong đơn khởi kiện cần nêu rõ, quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là quyền hình ảnh, nhân phẩm, danh dự, uy tín của cá nhân.

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn khởi kiện là Tòa án nhân dân cấp huyện - nơi người tự ý đăng ảnh lên Facebook cư trú, làm việc.

Trong trường hợp này, người cho vay có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất, mức độ hành vi:

Bị xử phạt hành chính

Căn cứ điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, chủ nợ tự ý đăng ảnh người vay lên Facebook để đòi tiền có thể bị phạt hành chính từ 05 - 10 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu người nào sửa chữa, ghép ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm xâm phạm uy tín, nhân phẩm của cá nhân thì có thể bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 18 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Phải chịu trách nhiệm hình sự

Ngoài bị phạt tiền, nếu hành vi đăng ảnh người khác lên Facebook đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác thì người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự.

Nếu việc đòi nợ khiến nạn nhân tự sát hoặc làm người bị đòi nợ bị rối loạn tâm thần... thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 02 - 05 năm.

Có thể thấy, nếu để đòi nợ, người cho vay tự ý đăng ảnh người vay lên Facebook nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người đó thì có thể bị phạt hành chính đến 10 triệu đồng; ghép ảnh nhằm xúc phạm danh dự, uy tín người khác thì có thể bị phạt đến 40 triệu đồng. Nếu nặng hơn thì người vi phạm có thể phải đi tù đến 05 năm.

  • Ý kiến
  • Thời sự

Thứ bảy, 14/5/2022, 21:00 (GMT+7)

Facebook của tôi bỗng nhiên bị tấn công hội đồng, trở thành nơi để người ta đòi nợ.

Vừa làm được bài thơ tâm đắc, tôi liền đăng lên Facebook để chia sẻ cùng bạn bè. Háo hức theo dõi phần thông báo bình luận về bài đăng của mình với lượt tương tác cũng kha khá, tôi giật mình khi thấy có một tài khoản lạ bình luận bằng hình ảnh. Nội dung hình ảnh được cắt ghép từ trang thông tin điện tử của Công an TP HCM, truy tìm người vay nợ kèm theo đầy đủ hình ảnh và thông tin cá nhân của người được truy tìm. Cuối hình ảnh còn có một đoạn như sau: "Bên tôi sẽ tiếp tục đăng bài, phát tờ rơi, toàn bộ quá trình đòi nợ có xảy ra rủi ro bên chúng tôi không chịu trách nhiệm". Kèm theo đó là số điện thoại để liên hệ trả nợ.

Mới đầu, tôi hơi ngờ ngợ vì không hề quen biết tài khoản này, cũng chưa bao giờ liên hệ với số đó. Mở thông tin của tài khoản ra xem, tôi nhận ra đây chỉ là tài khoản ảo, sử dụng với mục đích xấu. Người vay nợ được nhắc đến trong hình ảnh thực chất là một người bạn của tôi, có kết bạn trên Facebook. Vậy là tài khoản đòi nợ kia đã theo dõi và vào bình luận bài viết của tôi, mượn chỗ để đòi nợ. Tôi thấy cũng hơi bực vì nếu bạn tôi có vay mượn của tổ chức, cá nhân nào đó thì cũng là giao dịch dân sự của hai bên, không liên quan đến tôi, sao lại lôi tôi vào cuộc?

Ngày hôm sau, lại có một tài khoản khác bình luận dưới bài viết của tôi bằng hình ảnh đòi nợ tương tự. Lần này, tôi bức xúc thật sự. Tôi không thể chấp nhận việc bài viết của mình trở thành mảnh đất để các chủ nợ của bạn bè vào hoạt động. Tôi đã báo cáo hành vi quấy rối này cho Facebook nhưng chắc sẽ chẳng có tác dụng nhiều. Bởi lẽ, tài khoản này bị báo cáo thì sẽ có tài khoản khác vào quấy rối.

>> Ba năm không dám đòi nợ vì sợ bị mượn thêm

Tôi đã thử liên hệ anh bạn có tên trong hình ảnh, nhưng chưa nắm được thông tin gì. Mặc dù không liên quan, cũng không biết thực hư câu chuyện thế nào, nhưng các bình luận kiểu đòi nợ như vậy rất khó chịu với tôi, gây hiểu lầm cho khổ chủ. Không biết có phải vì bất lực trong việc đòi nợ hay là hành vi cố ý để làm nhục người khác, nhưng có thể thấy sự xem thường pháp luật từ những bình luận đòi nợ kiểu này.

Tôi cho rằng, đã đến lúc cơ quan chức năng cần giám sát, xử lý mạnh tay, đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, để không còn tình trạng ứng xử kém văn hóa, bị vạ lây từ việc đòi nợ trên Facebook như những gì tôi đang gặp phải. Nếu các bạn cũng gặp tình trạng tương tự, hãy cho tôi biết nên xử lý trường hợp này thế nào?

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.