Bệnh viện nào chuyên bán thuốc về tiểu đường

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quang Toàn, hiện nay có rất nhiều trang mạng sử dụng hình ảnh Bệnh viện Nội tiết Trung ương để bán các loại thuốc điều trị đái tháo đường với nội dung: chữa khỏi hoàn toàn tiểu đường, không dùng thuốc tây, không insulin.

Theo chuyên gia này, bệnh tiểu đường, theo y học còn gọi là bệnh đái tháo đường, là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính rất phổ biến. Khi mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể bạn mất đi khả năng sử dụng hoặc sản xuất ra hormone insulin một cách thích hợp.

Mắc bệnh đái tháo đường có nghĩa là bạn có lượng đường trong máu quá cao do nhiều nguyên nhân. Tình trạng này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho cơ thể, bao gồm cả mắt, thận, thần kinh và tim.

"Cho đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào tìm ra phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường như các cơ sở khám chữa bệnh đang quảng cáo", bác sĩ Toàn khẳng định.

Bác sĩ phân tích, ở giai đoạn đầu bệnh còn nhẹ, sử dụng một số loại thuốc đông y có thể giúp giảm đường huyết. Khi người bệnh đến khám ở các phòng mạch và cơ sở khám chữa bệnh thì thấy đường huyết ở ngưỡng bình thường và nghĩ rằng đã điều trị bệnh khỏi hẳn. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng.

Người bệnh có lượng đường trong máu bình thường là do sử dụng thuốc – không phải vì bệnh đái tháo đường đã biến mất. Khi đó, họ cần tiếp tục sử dụng thuốc kết hợp với luyện tập và ăn uống hợp lý, nếu không glucose máu sẽ tăng trở lại.

Trả lời câu hỏi vì sao bệnh đái tháo đường vẫn không chữa khỏi hẳn?, bác sĩ Toàn cho hay, ở người bệnh đái tháo đường, các tế bào đảo tụy suy giảm chức năng dẫn đến giảm tiết insulin hoặc lượng hormon này không được sử dụng hiệu quả. Trong đó insulin tham gia vào quá trình chuyển hóa glucose, vận chuyển đường vào trong tế bào sinh năng lượng.

Kết quả của sự thiếu hụt insulin là lượng đường trong máu tăng cao. Chức năng tuyến tụy sẽ suy giảm theo thời gian, đến một lúc nào đó người bệnh tiểu đường dùng thuốc mà không thể đáp ứng mà phải tiêm insulin. Đây là bằng chứng cho thấy bệnh đái tháo đường vẫn chưa thể khỏi.

Để kiểm soát bệnh đái tháo đường hiệu quả, người bệnh cần lưu ý những điểm sau:

Một là, sử dụng thuốc hạ đường huyết thường xuyên. Nếu bạn đã được kê toa thuốc hạ đường huyết, bạn nên dùng thuốc theo đúng chỉ định và tái khám định kỳ để được điều chỉnh liều lượng nếu cần.

Hai là, kiểm soát chế độ ăn. Việc bạn ăn gì, uống gì cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nồng độ đường máu. Do đó, chế độ ăn nên hạn chế thực phẩm nhiều đường, tinh bột, bánh kẹo ngọt, nước uống có gas… nên ăn nhiều rau xanh, các loại quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt…

Ba là, tập thể dục thường xuyên. Việc ngồi nhiều, ít vận động làm tăng kháng insulin, khiến đường máu sẽ khó ổn định. Do đó, bạn nên cố gắng luyện tập hàng ngày như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, chơi cầu lông, bơi lội… để làm giảm đường huyết.

Hội nghị khoa học toàn quốc kết hợp Đông - Tây y trong chẩn đoán và điều trị đái tháo đường do Hội Đông y Việt Nam tổ chức ngày 28/7 - Ảnh: VGP/HM

Tại Hội nghị khoa học toàn quốc kết hợp Đông - Tây y trong chẩn đoán và điều trị đái tháo đường do Hội Đông y Việt Nam tổ chức ngày 28/7, TTND.PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, bệnh đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia. Đến nay, việc điều trị và quản lý bệnh đái tháo đường vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo báo cáo điều tra quốc gia do Bệnh viện Nội tiết Trung ương thực hiện trên quy mô toàn quốc, năm 2002, đối tượng ở độ tuổi từ 30-69 mắc bệnh đái tháo đường chiếm 2,7%. Sau 10 năm, đến năm 2012, tỉ lệ này tăng lên 5,4%. Điều tra mới nhất năm 2020 cho thấy, tỉ lệ này đã tăng lên 7,3%.

Điều nguy hiểm là có hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.

Nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường rất phức tạp nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và ít vận động thể lực. Việc thực hiện lối sống lành mạnh sẽ giúp phòng ngừa mắc đái tháo đường tới 70%.

Theo TS.BS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc BV Nội tiết Trung ương, hiện nay, việc kết hợp điều trị Đông y với Tây y trên bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt là bệnh nhân đã có biến chứng về thần kinh, bệnh nhân sau mắc tai biến có hiệu quả rất cao.

"Rất nhiều bệnh nhân bị biến chứng thần kinh, cơ thể bị tê buốt, không ngủ được, tuy nhiên khi được điều trị kết hợp bằng thuốc Tây y với phương pháp châm cứu của Đông y thì hiệu quả rất cao. Những bệnh nhân sau khi bị tai biến từ bệnh đái tháo đường, nếu áp dụng các phương pháp Đông y và phục hồi chức năng cũng rất hiệu quả", TS.BS Phan Hướng Dương chia sẻ.

Lãnh đạo BV Nội tiết Trung ương cũng cho biết, ông đã nhiều lần cảnh báo người bệnh không nên sử dụng các thuốc Đông y không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh. Nếu thuốc có nguồn gốc rõ ràng và có sự theo dõi của bác sĩ thì người bệnh hoàn toàn có thể sử dụng vì sự kết hợp này mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh.

Theo Đông y, bệnh đái tháo đường đã được ghi trong Hoàng đế Nội kinh, với bệnh danh Tiêu khát, nguyên nhân do ngũ tạng hư nhược, ăn uống và tình chí không điều độ.

Biểu hiện lâm sàng thường gặp: Ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều [Tam đa nhất thiểu]; thuộc phạm vi chứng tiêu khát của y học cổ truyền.

Theo Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm, Bộ Y tế có đưa ra mục tiêu, trong thập kỷ này phải khống chế tỉ lệ tiền đái tháo đường dưới 16%; khống chế tỉ lệ đái tháo đường dưới 8%; 50% số người bị bệnh đái tháo đường được phát hiện; 50% số người phát hiện bệnh được quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn.

Chủ Đề