Bạo lực gia đình chịu mức án như thế nào năm 2024

  1. KỸ NĂNG ĐẠI ĐIỆN CHO NẠN NHÂN BLGĐ TRONG XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH NGƯỜI GÂY BẠO LỰC

1. Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người gây bạo lực - Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định xử phạt hành chính và các biện pháp xử lý hành chính đối với các cá nhân, tổ chức có lỗi (cố ý hoặc vô ý) vi phạm các nguyên tắc quản lý nhà nước, nhưng không phải là tội phạm. Các hình thức xử phạt bao gồm: giáo dục tại cộng đồng, đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi mà người thực hiện BLGĐ có thể bị xử lý vi phạm hành chính bằng cách xử phạt hành chính, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính hoặc các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. - Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống BLGĐ. 1.1. Các hành vi bị xử phạt:

  • Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình
  • Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình
  • Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý
  • Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn, tảo hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ
  • Hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ
  • Hành vi cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi BLGĐ
  • Hành vi cố ý không ngăn chặn, báo tin hành vi BLGĐ và cản trở việc ngăn chặn, báo tin, xử lý hành vi BLGĐ
  • Vi phạm quy định về tiết lộ thông tin về nạn nhân BLGĐ
  • Hành vi lợi dụng hoạt động phòng, chống BLGĐ để trục lợi;
  • Vi phạm quy định về đăng ký hoạt động đối với cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, cơ sở tư vấn về phòng, chống BLGĐ;
  • Vi phạm quy định về quyết định cấm tiếp xúc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã

1.2. Các hình thức phạt: - Cảnh cáo - Phạt tiền; - Các hình thức xử phạt bổ sung hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả. - Nghị định 08/2009/NĐ-CP quy định người vi phạm quyết định cấm tiếp xúc: có thể bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính nếu có đơn đề nghị của nạn nhân BLGĐ và người vi phạm quyết định cấm tiếp xúc đã bị cơ quan có thẩm quyền nhắc nhở nhưng vẫn cố tình vi phạm. - Luật Hôn nhân và Gia đình (2014) quy định việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi ngược đãi, hành hạ, hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên trong gia đình. 1.3. Mức xử phạt - Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình: Phạt tiền đến 2.000.000 đồng và buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu; - Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình: Phạt tiền đến 2.000.000 đồng và buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu; - Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình: Phạt tiền đến 1.500.000 đồng và buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu; - Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý: Cảnh cáo hoặc Phạt tiền đến 1.000.000 đồng và buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu; - Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 300.000 đồng; - Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 300.000 đồng; - Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn, tảo hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 300.000 đồng; - Hành vi bạo lực về kinh tế: Phạt tiền đến 1.000.000 đồng; - Hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ: Phạt tiền đến 500.000 đồng; - Hành vi bạo lực đối với người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 1.000.000 đồng và buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu; - Hành vi cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng; - Hành vi cố ý không ngăn chặn, báo tin hành vi bạo lực gia đình và cản trở việc ngăn chặn, báo tin, xử lý hành vi bạo lực gia đình: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng; - Hành vi sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động hành vi bạo lực gia đình: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 1.000.000; - Vi phạm quy định về tiết lộ thông tin về nạn nhân bạo lực gia đình: Phạt tiền đến 3.000.000 đồng; - Hành vi lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để trục lợi: Phạt tiền đến 30.000.000 đồng - Vi phạm quy định về đăng ký hoạt động đối với cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình: Phạt tiền đến 10.000.000 đồng; - Vi phạm quy định về quyết định cấm tiếp xúc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 300.000 đồng. 1.4. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính Có 4 cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Đó là: 1. Chủ tịch UBND thực hiện quản lý nhà nước chung tại địa bàn địa phương; 2. Công an; 3. Bộ đội biên phòng; 4. Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 1.5. Biện pháp đình chỉ và ngăn chặn vi phạm hành chính trong tương lai Sau khi xác định rằng vụ việc BLGĐ là hành vi vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền cần áp dụng biện pháp để đình chỉ và ngăn chặn bạo lực tái diễn. Các biện pháp này được quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Luật phòng, chống BLGĐ. Các biện pháp này là nhằm kịp thời bảo vệ nạn nhân, chấm dứt bạo lực và/hoặc giảm thiệt hại do bạo lực gây ra. - Điều 122, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về Tạm giữ người theo thủ tục hành chính như sau:

  • Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.
  • Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.
  • Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

- Khi có căn cứ để cho rằng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu huỷ thì Công An, Bộ đội biên phòng, Hải quan được quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cũng như khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật (Điều 119, Luật xử lý vi phạm hành chính). 1.6. Các biện pháp khác liên quan tới vi phạm hành chính Trong lĩnh vực phòng chống BLGĐ, có một số biện áp xử lý hành chính khác có thể áp dụng khi mức độ bạo lực chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó là các biện pháp:

  • Giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
  • Đưa vào cơ sở giáo dục;
  • Đưa vào trường giáo dưỡng

Các biện pháp này được quy định tại Điều 89, 91, 93 của Luật xử lý vi phạm hành chính và Điều 43 của Luật phòng chống BLGĐ.