Bảng hướng dẫn tang mõ

Vạn lý cô vân tùy tán lạc, Túng ngô đồng đầu thiết ngạnh nhơn, Nhậm bỉ ư tư hoán bì xác, Đại chúng văn thinh lịnh, nhi hành, Vật sử tương tâm nhi tấu bạt.( Vỗ xích ! rồi trao cho duy na.).

2. KHAI CHUNG GIA TRÌ(Nơi bàn Tụng kinh)

Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới

Thiết vi u ám tất giai văn

Văn trần thanh tịnh chứng viên thông

Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác.

Văn chung thinh, phiền não khinh

Trí tuệ trưởng, Bồ đề sinh

Ly địa ngục xuất hỏa khanh

Nguyện thành Phật, độ chúng sanh

Án Dà Ra Đế Gia Tóa Ha (3L).

3. Khai tăng chung(Bảo chúng, treo với bảng)

Kim chung mộc bảng tứ phương khai

Thần Thánh đề huề bộ xuất lai

Thinh âm phổ biến thập phương xứ

Chư Phật Bồ tát giáng đàn trai.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát.

4. KHAI MỘC BẢNG (Hình nhật không cân góc)

Ngọc bảng tùng tư chấn cửu thiên

Tam đồ sạ thính giải oan khiên

Viên âm quảng biến vô biên giới

Bồ tát Thiên Long thị giám minh.

Nam Mô Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát.

5. KHAI ĐẠI HỒNG CHUNG

Bồ lao nhứt chuyển hướng chung thinh

Phạm sát kình chùy chấn địa minh

Lục thú tài văn phiền não tức

Tam đồ sạ thính khổ toan đình

Nam Mô Siêu Thập Địa Bồ Tát.

6. KHAI ĐẠI CỔ ( Trống lớn)

Pháp luân thường chuyển huệ tâm khai

Cát đoạn sanh tử toạ bảo đài

Kim Cang đảnh lễ y vương vị

Thân tâm thanh tịnh bái Như Lai.

Nam Mô Thiên Tràng Vương Bồ Tát.

Nam Mô Cổ Lôi Âm Bồ Tát.

7. KHAI MỘC ĐẠC (Mõ Gia trì)

Gia trì mật niệm tẩy trần tâm

Mộc ngư khảo hướng chuyển tam luân

Tề chúng lục hòa tuyên bối diếp

Tứ sanh cửu hữu lễ kim thân

Án Yết Đế Yết Đế Ta Bà Ha./.

Bài kệ đánh Chuông trống Bát-Nhã:

Bát nhã hội, Bát nhã hội, Thỉnh Phật thượng đường, đại chúng đồng văn bát nhã âm , Phổ nguyện pháp giới đẳng hữu tình, cộng nhập Bát Nhã Ba La Mật môn.

GN - Chuông và mõ là hai pháp khí quan trọng để hàng Phật tử tụng kinh, niệm Phật tại tư gia.

HỎI: Xin quý Báo hướng dẫn cho gia đình chúng tôi về ý nghĩa và cách thức sử dụng chuông mõ, nhất là cách thức tụng kinh, niệm Phật tại tư gia.

(NGUYÊN HẠNH, [email protected])

ĐÁP: Bạn Nguyên Hạnh thân mến!

Chuông gia trì và mõ là hai pháp khí quan trọng để hàng Phật tử tụng kinh, niệm Phật tại tư gia. Chuông gia trì được đúc bằng chất liệu đồng, kích thước vừa và nhỏ, thường đặt phía bên tay phải người chủ lễ, khi thỉnh chuông tiếng ngân vang thanh thoát mà trầm hùng.

Chuông gia trì chủ yếu sử dụng trong khi làm lễ, tụng niệm. Tiếng chuông gia trì là những hiệu lệnh cần thiết để buổi lễ diễn ra nhịp nhàng đúng với trình tự của khoa nghi, giúp mọi người tham dự lễ hòa hợp, thanh tịnh và hướng đến nhất tâm.

Người thỉnh chuông gia trì gọi là duy-na. Trong buổi lễ, duy-na là người điều hành buổi lễ theo đúng với ý hướng của vị chủ lễ. Vì vậy, người thỉnh chuông gia trì phải am tường khoa nghi và chú tâm cao độ mới có thể làm tốt phận sự của mình.

Ngoài chuông gia trì, mõ cũng là một pháp khí rất quan trọng. Mõ được làm bằng gỗ, hình bầu dục, được đặt phía bên tay trái người chủ lễ, khi gõ mõ phát ra tiếng trầm hùng mà thanh thoát.

Trong khi tụng niệm, tiếng mõ có tác dụng duy trì sự nhịp nhàng đều đặn, không lộn xộn đồng thời tạo ra cảm giác hân hoan, phấn chấn, và nhờ đó, người tụng niệm khỏi bị rối trí loạn tâm, chuyên nhất vào tiếng kệ lời kinh. Ngoài ra, tiếng mõ nhằm cảnh tỉnh tâm trí những người tham gia tụng niệm khỏi bị buồn ngủ, dã dượi, và cũng chính vì ý này mà quai mõ, thân mõ thường chạm trổ hình cá, loài không bao giờ nhắm mắt ngủ để biểu thị cho sự luôn luôn tỉnh thức.

Người gõ mõ trong buổi lễ gọi là duyệt chúng, nghĩa là làm cho đại chúng đẹp lòng, tụng niệm một cách hòa hợp, hân hoan. Vì thế, gõ mõ làm cho vui lòng đại chúng trong khi tụng niệm nhằm giúp họ hướng đến nhất tâm là cả một nghệ thuật, phải học tập và rèn luyện thật nhiều mới có thể làm tròn phận sự.

Về cách thức sử dụng chuông mõ tại tư gia, trước khi làm lễ cần đốt hương đèn, kế đó chủ lễ mặc áo tràng trang nghiêm bước vào vị trí trước bàn kinh chuẩn bị quỳ niêm hương, thỉnh ba tiếng chuông (trước khi thỉnh chuông cần thức chuông, giập nhẹ dùi vào vành chuông). Trong trường hợp không có người giúp chuông mõ hay tụng niệm một mình thì vị chủ lễ phải kiêm hết cả chuông lẫn mõ.

Kế đến vị chủ lễ xướng bài Quán tưởng, cuối bài xá Phật một xá, thỉnh một tiếng chuông. Rồi đến đảnh lễ Tam bảo, trước mỗi lạy thỉnh một tiếng chuông (khi vị chủ lễ lạy trán chạm đất thì giập chuông - dùng dùi chuông gõ vào vành chuông nhưng giữ lại, không cho âm thanh ngân lên).

Sau khi lễ Phật xong, mọi người ngồi xuống hướng về Tam bảo, chuẩn bị khai chuông mõ để tụng niệm. Ở đây, để tiện diễn đạt, tạm quy ước tiếng chuông là (c) và tiếng mõ là (m). Trước, thỉnh ba tiếng chuông rời nhau - (c), (c), (c). Sau ba tiếng chuông, gõ bảy tiếng mõ theo cách: bốn tiếng đầu rời, hai tiếng sau dính liền, một tiếng sau cùng rời - (m), (m), (m), (m), (m)(m), (m). Tiếp theo là thỉnh chuông và mõ đan xen nhau theo cách: chuông trước mõ sau, ba lần như vậy thì ngừng chuông, kế mõ gõ tiếng thứ tư, tiếng mõ thứ năm và sáu dính liền nhau, tiếng mõ thứ bảy rời - (c), (m), (c), (m), (c), (m), (m), (m)(m), (m) - chấm dứt bằng tiếng giập chuông.

Khai chuông mõ xong thì bắt đầu tụng niệm, lệ thường mỗi chữ một tiếng mõ. Cần chú ý là khi tiếng kinh (kệ) đầu tiên cất lên, chưa gõ mõ, tiếng thứ hai mới đệm một tiếng mõ, tiếng thứ ba không gõ mõ, tiếng thứ tư, thứ năm về sau nhịp mõ đều đặn. Nếu tụng thần chú thì nhanh, tụng kinh sám thì chậm hoặc vừa; tụng kinh bộ thì nên gõ mõ theo lối “nhanh dần đều”. Đến khi chấm dứt bài kinh (kệ), muốn dừng lại, thì những tiếng mõ gần cuối gõ chậm lại, hai tiếng mõ áp chót dính liền và tiếng mõ cuối cùng gõ rời ra - (m), (m)(m), (m).

Thỉnh chuông cũng vậy, thường thì cuối bài kệ hay cuối đoạn kinh điểm một tiếng chuông. Lúc niệm Phật, muốn chuyển qua danh hiệu khác, thỉnh một tiếng chuông. Khi muốn chấm dứt thì tiếng thứ năm (hoặc thứ ba) gần cuối bài kinh (kệ) thỉnh một tiếng chuông, tiếng cuối cùng thỉnh thêm một tiếng chuông nữa.

Về cách thức tụng niệm, bạn hãy thỉnh một cuốn kinh Nhật tụng bằng tiếng Việt (tránh dùng kinh Nhật tụng phiên âm Hán-Việt, vì phần nhiều không hiểu nghĩa). Trong kinh, mỗi phần đều có hướng dẫn tụng niệm rất rõ ràng. Phối hợp với cách sử dụng chuông mõ như đã nêu, bạn có thể tụng kinh, niệm Phật, lễ Phật hàng ngày rất dễ dàng.