Bài văn tả ông bụt trong giấc mơ năm 2024

Một người bạn lúc nào cũng lo ngại rằng hiện nay trẻ em cỡ 4 hoặc 5 tuổi đã biết chuyện “không có ông già Noel đi phát quà cho trẻ em ngoan trong đêm Noel”. Khi các bậc cha mẹ - chỉ vì sợ đánh mất niềm tin hết sức “thiêng liêng” về “ông tiên” trong đêm Giáng sinh lúc nào cũng yêu trẻ con, nhất là những bé ngoan, sợ các em biết khôn, biết sự thực quá sớm sẽ làm các em già trước tuổi, sớm đánh mất sự hồn nhiên, vô tư, trong sáng mà tuổi thơ nào cũng đáng được hưởng - vì thế, lúc nào cũng “khăng khăng” nói với các em rằng ông già Noel là có thật. Nhiều em hỏi rất hồn nhiên: “Tại sao ba/mẹ lại phải “trả tiền” khi ông già Noel mang quà đến nhà ta? Lúc ấy con chỉ giả đò/vờ ngủ thôi, con biết hết”. Hoặc: “Ôi con thấy mấy anh trong phố hóa trang thành ông già Noel để chuẩn bị làm “dịch vụ tặng quà” cho trẻ em rồi. Các anh toàn đeo râu giả, mặc áo quần ông già Noel, cưỡi xe máy chạy phăng phăng à….”. Rồi: “Con nghĩ một mình ông già Noel thì làm sao mang quà cho hàng tỷ tỷ trẻ em ngoan trong đêm Noel được”[?].

Ông già Noel vui cùng trẻ em. Ảnh minh họa

Thời công nghệ thông tin toàn cầu với internet, điện thoại thông minh, các loại hình truyền thông đa phương tiện… thì làm sao các bậc phụ huynh có thể “bịa” chuyện không có thực với trẻ em được. Bạn và tôi đều tạm thời chọn giải pháp rằng, tốt nhất nên nói sự thật với các em, nói thế nào đó hướng cho các em không “quay lưng” với thế giới cổ tích. Rằng, ông già Noel cũng giống như ông Tiên, ông Bụt trong truyện cổ tích mà truyện cổ tích là thể hiện ước mơ “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác” của tổ tiên, ông bà ta từ ngàn xưa trao truyền lại cho cháu con. Các con có hay nằm mơ không, có phải không? Ông già Noel, ông Tiên, ông Bụt luôn giúp đỡ những người bất hạnh, nghèo khổ, hoạn nạn và hay mang quà tặng đến cho những bé ngoan… mà các con hay gặp trong mơ.

Chừng một thập niên trở lại đây, các nhà nghiên cứu văn hóa/văn học dân gian, các nhà giáo… từng đặt vấn đề “sửa lại” một số hành xử “báo oán” trong truyện Tấm Cám, như việc Tấm lừa Cám chết vì tắm nước sôi, sự việc đã “ác” - nhất là giữa người với người, huống chi với người cùng “máu mủ ruột rà” với mình. Sự thể còn “man rợ” hơn khi Tấm sai người “làm mắm” thi hài Cám gửi cho mẹ Cám ăn, đến khi mẹ Cám biết “ăn thịt con” thì lăn đùng ra chết vì khiếp sợ. Cuộc tranh luận chưa có hồi kết nhưng điều đáng quý là những con người thời hiện tại đã có bước “nhận diện” lại văn hóa dân gian với tư duy mới, phù hợp với những quy chuẩn về văn hóa hôm nay, về những chiều kích nhân bản trong thời đại mới. Cuộc tranh luận cũng có ý kiến rằng không thể sửa những văn bản truyền miệng từ bao đời của cha ông, vì những văn bản đó là “tiếng nói” của cha ông về quy luật “ác giả ác báo” - rằng cũng vì tham lam, ganh ghét, hai mẹ con cô Cám đã làm cho cô Tấm phải “chết đi sống lại biết bao lần”. Vấn đề là truyền đạt sao cho các em hiểu rằng những sự việc, tình tiết trên ngày nay là không còn phù hợp, những việc làm như vậy là việc làm mất nhân tính, mất tính người phổ quát, phẩm tính này có ở mỗi con người trên trái đất. Các em rồi sẽ hiểu, hiểu sâu sắc hơn về những hành xử thế nào là nhân ái, thiện tâm trong cuộc đời mình, trong mỗi ngày sống ở tương lai.

Tuổi thơ lứa chúng tôi, tuổi lên mười vẫn còn tin vào cổ tích. Đứa bé nào chơi trò chơi con nít mà “ăn gian”, “ăn dối” đều được cho rằng “chơi như con Cám” và cả bọn không cho chơi nữa. Có đứa nhà nghèo, đông em, phải nghỉ học sớm, giữ em, đi ở, cắt cỏ, chăn trâu cho nhà người, đêm nào cũng nằm mơ thấy ông Bụt về, ông cúi xuống đôi vai gầy guộc, đôi tay đang bưng mặt khóc, dịu dàng hỏi “vì sao con khóc?”. Có đứa bắt được con cá bống về nuôi dưới giếng nước trong sân nhà, giấu chẳng nói với ai chỉ thầm thì với đứa bạn thân về chuyện “rồi đây con bống sẽ đền đáp may mắn cho mình”, mỗi khi cho cá ăn vẫn gọi “bống bống bang bang…”.

Lớn lên, cuộc sống có bao đổi thay, nhiều khi cuộc sống đẹp như “cổ tích” về sự “lột xác” của những “Lọ Lem”, rồi nhiều khi xa xót trước cảnh “bãi bể hóa nương dâu”, bạn bè thân bỗng quay mặt dửng dưng, có người còn hành xử kiểu “đao kiếm giang hồ” với bằng hữu thâm giao. Và những đứa bé ngày nào lại có thêm bao niềm hạnh phúc trong mỗi suy nghĩ, mỗi việc làm nhân ái, vô tư, thiện nguyện trong cuộc sống và cùng với đó cũng học thêm bao bài học hành xử ở đời. Có lẽ điều đáng sợ không phải là “sự thực”, bởi con người luôn cần biết sự thực, thế nhưng con người dường chỉ cần những “sự thực được nhìn thẳng” để tìm giải pháp khắc phục khiếm khuyết, phát huy ưu điểm để không ngừng vươn tới giàu đẹp văn minh hay “sự thực biết cười” [Umberto Eco] để vui vẻ vượt qua những “hào quang giả dối”, những cái “thực mà giả”, chứ không cần thứ sự thật không mang tính người, sự thật trần trụi vô cảm với con người.

Vậy thì, khi các em hỏi về việc tại sao lại “bịa” chuyện ông già Noel đi tặng quà trong đêm Noel thì bạn cũng như tôi, hãy nhìn thế giới cổ tích đang biến đổi qua đôi mắt trẻ thơ và nói như một người bạn, rằng đó là sự thực của “giấc mơ ngày”, mơ mà “tỉnh”, ai cũng vậy, cả trẻ em, cả người lớn tuổi. Rằng tuổi thơ luôn đẹp vì được thêu dệt bằng những câu chuyện cổ tích mà nhiều nhà văn gọi là “tuổi thần tiên”.

Hãy luôn yêu trẻ con như yêu tuổi thơ mình. Một nhà thơ lớn tuổi ở nước Việt từng “van nài” với đàn trẻ con: “…này các em ơi/ các em cho tôi theo với/ tôi đang bé lại đây này” [Trúc Thông]. Và người viết bài này cũng từng ao ước “…nhiều khi muốn sà vào đám rước trẻ con đưa ma một con chim chết sau mưa…”.

Chủ Đề