6 hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn

Mục lục


Lời nói đầu

Chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện không phải là vấn đề của riêng bệnh viện hay quốc gia mà là vấn đề toàn cầu. Nguy cơ của nhiễm khuẩn bệnh viện dễ làm cho bệnh viện - nơi chống nhiễm khuẩn trở thành nơi lây truyền bệnh nhiễm khuẩn. Bệnh viện với môi trường lây nhiễm cao là căn cứ địa của vi khuẩn, là nơi “rèn luyện” cho vi khuẩn chống lại chúng ta, là nơi có thể tiếp tay cho sự phát triển của vi khuẩn tạo ra những nhiễm khuẩn bệnh viện. Tuy nhiên, bệnh viện qua những biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn của mình sẽ khống chế sự phát triển, lan truyền của vi khuẩn. Chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn là một trong những khâu quan trọng để hạn chế nhiễm khuẩn bệnh viện - bệnh do bệnh viện gây ra - một vấn đề mà thế giới rất quan tâm. Để hệ thống hóa và thực hành những quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện cho nhân viên y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy xuất bản cuốn “Quy trình thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn do các tiến sĩ, bác sĩ có nhiều kinh nghiệm thực tế ở các khoa, phòng biên soạn. Các quy trình thực hành nêu trong tài liệu đã được Hội đồng Chống Nhiễm Khuẩn bệnh viện thông qua và có thời gian chứng minh hiệu quả qua các nghiên cứu thực hiện đề án chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Hy vọng tài liệu này giúp cho cán bộ y tế thực hiện đúng những hướng dẫn thực hành trong công việc hàng ngày để phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện cho bản thân và bệnh nhân. Đây là ấn bản đầu tiên về quy trình thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện tại bệnh viện Chợ Rẫy nên không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong nhận được đóng góp của quí đồng nghiệp trong qúa trình tham khảo. Tài liệu sẽ được cập nhật mỗi hai năm một lần. Một lần nữa, chúng tôi hy vọng hướng dẫn thực hành nầy sẽ gíup ích cho các khoa phòng trong thực hiện phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và hạn chế bệnh do bệnh viện gây ra.

PGS. TS Trương Văn Việt Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Phó Hiệu trưởng ĐHYD TP.HCM.


Chủ biên

  • PGS TS Trương Văn Việt, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy
  • TS BS Lê Thị Anh Thư, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn bệnh viện Chợ Rẫy

Ban biên tập

  • TS BS Nguyễn Văn Khôi, Phó Giám đốc
  • TS BS Lê Thị Anh Thư, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn
  • PGS TS Võ Thị Chi Mai, Trưởng khoa Vi Sinh
  • TS BS Trần Quang Bính, Trưởng khoa Nhiệt đới
  • BS CKII Hoàng Hoa Hải, Trưởng phòng Đào tạo Nghiên cứu Khoa học
  • CN Thái Thị Kim Nga, Trưởng phòng Điều dưỡng
  • BS CKII Lê Thành Ni, Phó phòng Y vụ
  • BS Phan Thị Xuân, Phó khoa Săn sóc Đặc biệt
  • BS Đặng Thị Vân Trang, Khoa Chống nhiễm khuẩn
  • BS Trịnh Thị Thanh Xuân, Khoa Chống nhiễm khuẩn
  • BS Vũ Thị Thoa, Khoa Chống nhiễm khuẩn
  • CN Nguyễn Phúc Tiến, Khoa Chống nhiễm khuẩn
  • ĐD Đặng Thúy Vân, Khoa Chống nhiễm khuẩn
  • CNĐD Bùi Ngọc Tuyền, Khoa Bệnh nhiệt đới
  • CNĐD Cao Thị Kim Liên, Khoa Săn sóc Đặc biệt Cố vấn chuyên môn PGS TS Đặng Vạn Phước, Phó Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, Phó Hiệu trưởng ĐHYD TP.HCM.

CD được xuất bản trong đề tài khoa học cấp Bộ "Nghiên cứu về nhiễm khuẩn bệnh viện và đề xuất các nội dung để xây dựng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện "


Nhiễm khuẩn bệnh viện là hậu quả không mong muốn trong thực hành khám bệnh, chữa bệnh. Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh, tăng sử dụng thuốc kháng sinh, kéo dài ngày nằm viện cho người bệnh, gia tăng chi phí điều trị và tăng tỷ lệ tử vong. Nếu ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình thực hành vô khuẩn cơ bản trong chăm sóc, chẩn đoán, điều trị người bệnh và ở những cơ sở mà nhân viên y tế còn hạn chế về kiến thức, thái độ về kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) thì tỷ lệ NKBV sẽ cao hơn. Để giảm tỷ lệ NKBV, đòi hỏi phải có sự quan tâm, nỗ lực của các nhà quản lý y tế các cấp, các nhà khoa học chuyên ngành, các cán bộ, nhân viên y tế của các bệnh viện trong việc xây dựng chính sách và duy trì việc thực hiện tốt các quy định về KSNK.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tham mưu để Quốc Hội, Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều quy định quy phạm pháp luật và quy định chuyên môn về KSNK, như Luật khám bệnh, chữa bệnh (Điều 33 và Điều 62), Thông tư số 18/2009/ TT-BYT ngày 14 tháng 10 năm 2009 hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác KSNK trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Quyết định số 1014/QĐ-YT ngày 30 tháng 3 năm 2012 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ nay đến 2015, Quyết định 3671/QĐ-BYT ngày 27 tháng 9 năm 2012 phê duyệt các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn… Đồng thời, Bộ Y tế đã thường xuyên chỉ đạo các cơ sở y tế, các bệnh viện duy trì thực hiện tốt công tác KSNK. Nhiều bệnh viện đã đầu tư xây dựng, phát triển khoa KSNK, nhiều đơn vị đã có sáng kiến như phát động phong trào rửa tay sạch, xây dựng các tiêu chí thi đua về thực hành công tác KSNK, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nhân viên y tế về KSNK, thực hiện các nghiên cứu khoa học về NKBV… Công tác KSNK ở nước ta ngày càng được quan tâm và hoạt động có hiệu quả hơn.

Cùng với các cố gắng của các bệnh viện trong việc KSNK, Bộ Y tế đánh giá cao sáng kiến của Chương trình “Tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh” do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ cho Việt Nam thông qua Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đề xuất với Bộ Y tế về việc biên soạn Tài liệu “Hướng dẫn thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn môi trường bệnh viện”. Tài liệu tham khảo này được nhóm chuyên gia trong nước và nước ngoài biên soạn rất công phu, được Hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế thành lập, bao gồm các nhà quản lý y tế, quản lý điều dưỡng, những cán bộ thực hành tại kiểm soát nhiễm khuẩn và thực hành điều dưỡng đến từ các cơ sở khám chữa bệnh thẩm định. Hội đồng đánh giá cao về tính cấp thiết, tính phù hợp và tính thực tiễn của tài liệu. Hội đồng kiến nghị Bộ Y tế xuất bản Tài liệu này để các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên ngành y trong cả nước tham khảo trong quá trình kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện và trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập, nhằm góp phần giảm tỷ lệ NKBV.

Thay mặt Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ Y tế tôi trân trọng cảm ơn Chương trình “Tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh”, cảm ơn các chuyên gia quốc tế, các chuyên gia trong nước đã hỗ trợ và hợp tác hiệu quả với Bộ Y tế trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ công tác nghiên cứu, soạn thảo tài liệu, đào tạo và nâng cao năng lực về kiểm soát nhiễm khuẩn của đội ngũ cán bộ y tế Việt Nam.

Trong quá trình sử dụng tài liệu, các cơ sở y tế, các cán bộ, nhân viên y tế và đông đảo bạn đọc nếu có ý kiến góp ý về nội dung và hình thức của tài liệu này, xin gửi về Cục Quản lý và Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế để Ban biên soạn nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện tài liệu hơn.