20 bài hát ca tụng và thờ phượng hàng đầu năm 2022

Hãy hát chúc tụng Đức Giê-hô-va!

“Hễ tôi còn sống chừng nào tôi sẽ hát-xướng cho Đức Chúa Trời tôi chừng nấy”.—THI 146:2.

1. Điều gì thúc đẩy chàng trai trẻ Đa-vít sáng tác một số bài Thi-thiên?

Khi còn trẻ, Đa-vít đã dành hàng giờ để chăm sóc cho bầy chiên của cha ông trong các cánh đồng gần Bết-lê-hem. Khi chăn chiên, Đa-vít có thể quan sát các công trình sáng tạo tuyệt vời của Đức Giê-hô-va: bầu trời đầy sao, “các thú rừng” và “chim trời”. Ông được tác động sâu sắc đến nỗi muốn sáng tác những bài hát rung động lòng người để ca ngợi Đấng tạo nên những công trình tuyệt diệu ấy. Nhiều sáng tác của Đa-vít được ghi lại trong sách Thi-thiêna.—Đọc Thi-thiên 8:3, 4, 7-9.

2. (a) Âm nhạc có thể tác động thế nào đến người ta? Xin cho thí dụ. (b) Nơi Thi-thiên 34:7, 8 và 139:2-8, chúng ta có thể học được gì về mối quan hệ của Đa-vít với Đức Giê-hô-va?

2 Dường như trong giai đoạn này của cuộc đời, Đa-vít đã trở thành một người chơi nhạc thành thạo. Thật ra, ông chơi đàn cầm giỏi đến độ được mời vào cung đàn cho vua Sau-lơ nghe (Châm 22:29). Âm nhạc của Đa-vít đã làm dịu bớt nỗi lo âu của vua, như tác dụng của loại âm nhạc lành mạnh đối với người ta thời nay. Mỗi khi Đa-vít cầm lấy nhạc cụ, “Sau-lơ bèn được an-ủi” (1 Sa 16:23). Những bài hát mà người nhạc sĩ kính sợ Đức Chúa Trời này sáng tác vẫn còn giá trị đến nay. Hãy thử nghĩ xem! Ngày nay, hơn 3.000 năm sau khi Đa-vít sanh ra, hàng triệu người có hoàn cảnh khác nhau và sống ở khắp nơi trên thế giới thường xuyên đọc các bài Thi-thiên của Đa-vít để được an ủi và có hy vọng.—2 Sử 7:6; đọc Thi-thiên 34:7, 8; 139:2-8; A-mốt 6:5.

Vai trò quan trọng của âm nhạc trong sự thờ phượng thật

3, 4. Vào thời Đa-vít, có sắp đặt nào về âm nhạc trong sự thờ phượng thật?

3 Đa-vít có tài năng và sử dụng tài năng đó theo cách tốt nhất, đó là để tôn vinh Đức Giê-hô-va. Sau khi trở thành vua Y-sơ-ra-ên, Đa-vít sắp đặt để những điệu nhạc hay trở thành một phần trong việc thờ phượng ở đền tạm. Hơn một phần mười người Lê-vi trong độ tuổi phục vụ, 4.000 người, được giao nhiệm vụ “ngợi-khen”, với 288 người “học-tập trong nghề ca-hát cho Đức Giê-hô-va, tức là những người thông-thạo”.—1 Sử 23:3, 5; 25:7.

4 Chính Đa-vít đã sáng tác nhiều bài trong số những bài hát mà người Lê-vi trình bày. Bất cứ người Y-sơ-ra-ên nào có cơ hội nghe các bài thánh ca của Đa-vít chắc hẳn rất cảm động. Sau này, khi hòm giao ước được mang đến Giê-ru-sa-lem, “Đa-vít truyền cho các trưởng-tộc người Lê-vi; hãy cắt trong anh em họ những người hát-xướng, cầm các thứ nhạc khí, ống quyển, đàn-cầm, chập-chỏa để cất tiếng vui mừng vang rền lên”.—1 Sử 15:16.

5, 6. (a) Tại sao vào triều vua Đa-vít, âm nhạc được quan tâm nhiều đến thế? (b) Làm thế nào chúng ta biết âm nhạc được xem là có vai trò quan trọng trong sự thờ phượng ở Y-sơ-ra-ên xưa?

5 Tại sao âm nhạc vào thời Đa-vít được quan tâm nhiều đến thế? Có phải chỉ vì vua Đa-vít là nhạc sĩ? Không hẳn thế. Một lý do khác được tiết lộ nhiều thế kỷ sau, khi vua Ê-xê-chia tái thiết những hoạt động ở đền thờ. Nơi 2 Sử-ký 29:25 nói: “Vua [Ê-xê-chia] đặt người Lê-vi ở trong đền Đức Giê-hô-va cầm chập-chỏa, đàn-cầm, đàn-sắt, tùy theo lệ-định của Đa-vít, của Gát, là đấng tiên-kiến của vua, và của tiên-tri Na-than; vì lệ-định ấy do nơi Đức Giê-hô-va cậy các tiên-tri Ngài mà dạy bảo”.

6 Đúng vậy, qua các nhà tiên tri, Đức Giê-hô-va căn dặn những người thờ phượng ca hát chúc tụng Ngài. Những người ca hát thuộc chi phái thầy tế lễ thậm chí được miễn công việc mà những người Lê-vi khác phải làm, nhờ đó họ có đủ thời gian để sáng tác và rất có thể để tập dượt.—1 Sử 9:33.

7, 8. Về việc hát nhạc Nước Trời, điều gì quan trọng hơn tài năng?

7 Bạn có lẽ nói: “Về việc ca hát, tôi chắc chắn không bao giờ thông thạo như những người ca hát chuyên nghiệp trong đền tạm!”. Nhưng không phải tất cả nhạc sĩ người Lê-vi đều chuyên nghiệp. Theo 1 Sử-ký 25:8, họ cũng phải “học-tập”. Ngoài ra, điều đáng lưu ý là trong các chi phái khác của Y-sơ-ra-ên, có lẽ có những nhạc sĩ và người ca hát tài năng, nhưng Đức Giê-hô-va đã bổ nhiệm người Lê-vi để đảm trách phần âm nhạc. Chúng ta có thể chắc chắn rằng dù là người “thông-thạo” hoặc “học-tập”, tất cả người Lê-vi trung thành đặt hết lòng mình vào nhiệm vụ.

8 Đa-vít yêu âm nhạc và chơi nhạc thành thạo. Nhưng tài năng có phải là điều duy nhất có giá trị trước mặt Đức Chúa Trời không? Nơi Cô-lô-se 3:23, Phao-lô viết: “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta”. Thông điệp rất rõ ràng: Điều quan trọng là chúng ta “hết lòng” trong việc ca ngợi Đức Giê-hô-va.

Vai trò của âm nhạc sau thời Đa-vít

9. Hãy miêu tả điều bạn có thể thấy và nghe nếu được tham dự lễ khánh thành đền thờ vào thời Sa-lô-môn.

9 Vào triều đại của vua Sa-lô-môn, âm nhạc đóng vai trò nổi bật trong sự thờ phượng thật. Tại buổi khánh thành đền thờ, một ban nhạc lớn trong đó có 120 kèn đồng đã chơi nhạc. (Đọc 2 Sử-ký 5:12). Kinh Thánh cho chúng ta biết “kẻ thổi kèn [tất cả đều là thầy tế lễ] và kẻ ca-hát đồng-thinh hòa nhau như một người, mà khen-ngợi cảm-tạ Đức Giê-hô-va... rằng: Ngài từ-thiện, lòng thương-xót Ngài hằng có đời đời”. Ngay khi âm thanh vui mừng ấy vang lên, “đền của Đức Giê-hô-va bị mây lấp đầy”, cho thấy sự chấp thuận của Ngài. Thật hào hứng và kinh ngạc biết bao khi nghe tiếng của những kèn đồng cùng với hàng ngàn người ca hát hòa nhịp với nhau!—2 Sử-ký 5:13.

10, 11. Điều gì cho thấy các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu dùng âm nhạc trong việc thờ phượng?

10 Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu cũng dùng âm nhạc trong việc thờ phượng. Dĩ nhiên, những người thờ phượng vào thế kỷ thứ nhất nhóm lại tại những nhà riêng chứ không phải ở đền tạm hoặc đền thờ. Vì gặp sự bắt bớ và nhiều khó khăn, họ nhóm lại trong điều kiện không thuận lợi. Dù vậy, những tín đồ này vẫn ca ngợi Đức Chúa Trời qua các bài hát.

11 Sứ đồ Phao-lô khuyến khích các anh em ở Cô-lô-se: “Hãy dùng những ca-vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng-liêng mà dạy và khuyên nhau” (Cô 3:16). Sau khi Phao-lô và Si-la bị bắt bỏ tù, họ bắt đầu “cầu-nguyện, hát ngợi-khen Đức Chúa Trời” dù không có sách hát (Công 16:25). Nếu bị tù, bạn có thể hát thuộc lòng bao nhiêu bài hát Nước Trời?

12. Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy lòng quý trọng các bài hát Nước Trời?

12 Vì âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc thờ phượng, chúng ta nên tự hỏi: “Tôi có quý trọng điều này không? Tôi có cố gắng đến các buổi nhóm và hội nghị đúng giờ để cùng các anh chị hát bài hát mở đầu, và hết lòng cất giọng ca hát không? Tôi có căn dặn các con mình đừng xem khoảng thời gian hát giữa giờ của Trường Thánh Chức và Buổi họp công tác, hoặc giữa giờ diễn văn và Buổi học Tháp Canh là dịp để giải lao, và đừng đi ra ngoài nếu không cần thiết không?”. Ca hát là một phần trong sự thờ phượng của chúng ta. Thật vậy, dù là người “thông-thạo” hay người “học-tập”, tất cả chúng ta có thể và nên cùng cất tiếng ca ngợi Đức Giê-hô-va.—So sánh 2 Cô-rinh-tô 8:12.

Nhu cầu thay đổi theo thời gian

13, 14. Việc ca hát hết lòng tại các buổi nhóm mang đến lợi ích gì? Xin minh họa.

13 Cách đây hơn 100 năm, tạp chí Tháp Canh, thời đó gọi là “Tháp Canh của Si-ôn” (Zion’s Watch Tower), đã cho biết một trong những lý do các bài hát Nước Trời rất quan trọng: “Ca hát về lẽ thật là cách rất tốt để khắc sâu lẽ thật vào trí và lòng của dân Đức Chúa Trời”. Nhiều lời của các bài hát được dựa trên các đoạn Kinh Thánh, thế nên học thuộc lời của ít nhất vài bài hát là cách tốt để lẽ thật thấm sâu vào lòng chúng ta. Người đến nhóm họp lần đầu tiên thường rất cảm động khi nghe hội thánh ca hát hết lòng.

14 Vào một buổi tối năm 1869, anh Charles Taze Russell đi làm về thì nghe tiếng hát từ một tầng hầm. Vào thời điểm này, anh nản lòng vì nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ tìm được lẽ thật về Đức Chúa Trời. Vì thế, anh quyết định sẽ tập trung vào công việc làm ăn. Anh lý luận rằng nếu có tiền, ít nhất anh có thể giúp nhiều người về vật chất, dù không thể làm gì cho họ về thiêng liêng. Anh Russell bước vào căn phòng lớn đầy bụi bặm, dơ bẩn và thấy những nghi lễ tôn giáo đang được cử hành ở đấy. Anh ngồi xuống và lắng nghe. Sau này, anh cho biết những gì anh nghe vào tối hôm đó, “với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, là đủ để củng cố đức tin đang suy yếu [của anh] về Kinh Thánh, lời được Đức Chúa Trời soi dẫn”. Hãy lưu ý tiếng hát là điều đầu tiên thu hút anh Russell đến buổi lễ đó.

15. Sự hiểu biết mới nào dẫn đến việc tái bản sách hát?

15 Thời gian trôi qua, sự hiểu biết của chúng ta về Kinh Thánh được cải thiện. Châm-ngôn 4:18 nói: “Con đường người công-bình giống như sự sáng chiếu rạng, càng sáng thêm lên cho đến giữa trưa”. Ánh sáng ngày càng tỏ dẫn đến những sự điều chỉnh trong nội dung các bài hát của chúng ta. Trong 25 năm qua, Nhân Chứng Giê-hô-va trong nhiều nước đã vui thích dùng sách hát Hãy ca hát ngợi khen Đức Giê-hô-vab. Nhiều năm sau khi sách hát này được xuất bản lần đầu tiên, ánh sáng ngày càng tỏ hơn về một số chủ đề, và một số cụm từ dùng trong sách này hiện không còn thích hợp nữa. Chẳng hạn, chúng ta không còn nói “trật tự mới” nhưng là “thế giới mới”. Và bây giờ chúng ta nói “làm thánh danh” Đức Giê-hô-va, thay vì “biện minh” cho danh Ngài. Rõ ràng, cần phải cập nhật hóa sách hát về mặt giáo lý.

16. Nhờ sách hát mới, chúng ta có thể làm theo lời khuyên của Phao-lô nơi Ê-phê-sô 5:19 như thế nào? 

16 Vì lý do đó và những lý do khác, Hội đồng lãnh đạo đã chấp thuận việc xuất bản sách hát mới trong một số ngôn ngữ có tựa đề “Hãy hát chúc tụng Đức Giê-hô-va” (Sing to Jehovah). Sách hát mới này chỉ còn 135 bài. Vì có ít bài hơn, chúng ta có thể học thuộc lời của ít nhất một số bài hát mới. Điều này phù hợp với lời khuyên của Phao-lô ghi nơi Ê-phê-sô 5:19.—Đọc.

Thể hiện lòng quý trọng

17. Về việc ca hát tại các buổi nhóm họp, điều gì có thể giúp chúng ta vượt qua sự ngượng ngùng?

17 Chúng ta có nên ngượng ngùng mà không hát hết lòng tại các buổi nhóm họp không? Hãy nghĩ về điều này: Về lời nói, chẳng phải “chúng ta thảy đều vấp-phạm nhiều cách lắm” hay sao? (Gia 3:2). Dù vậy, chúng ta không để những sự bất toàn về cách nói năng cản trở chúng ta ca ngợi Đức Giê-hô-va trong công việc rao giảng từng nhà. Vậy, tại sao chúng ta lại để giọng hát không hoàn hảo của mình cản trở việc ca ngợi Đức Chúa Trời? Đức Giê-hô-va, Đấng “tạo miệng loài người”, vui lòng lắng nghe khi chúng ta cất tiếng ca ngợi Ngài.—Xuất 4:11.

18. Điều gì đã giúp nhiều anh chị học được các bài hát mới?

18 Đĩa tựa đề “Hãy hát ngợi khen Đức Giê-hô-va—Nhạc đệm piano” (Sing to Jehovah—Piano Accompaniment) đã giúp nhiều anh chị học những bài hát mới. Bạn sẽ rất thích thú khi lắng nghe những bản nhạc này. Khi thường nghe đĩa này ở nhà và theo dõi trong sách, bạn sẽ học được lời bài hát và cảm thấy tự tin để hát ở Phòng Nước Trời.

19. Những bước nào đã được thực hiện trong việc chuẩn bị cho phần âm nhạc thu sẵn?

19 Rất dễ để không chú ý gì nhiều đến phần âm nhạc thu sẵn tại các kỳ hội nghị đặc biệt, vòng quanh và địa hạt. Để chuẩn bị nhạc này, các anh chị đã phải bỏ ra nhiều công sức. Sau khi chọn bài nhạc, nhạc giao hưởng phải được soạn kỹ để 64 thành viên ban nhạc của Hội Tháp Canh có thể trình diễn. Các nhạc sĩ đã dành hàng giờ để xem các bản nhạc mà họ sẽ tập dượt và cuối cùng thu âm tại phòng thu ở Patterson, New York. Mười trong số các anh chị này không sống ở Hoa Kỳ. Họ xem đây là đặc ân để góp phần đem lại điệu nhạc hay vào những dịp nhóm họp đặc biệt. Chúng ta có thể cho thấy mình biết ơn về những nỗ lực đầy yêu thương của họ. Chúng ta hãy nhanh chóng ngồi vào chỗ và lắng nghe âm nhạc đã được chu đáo soạn sẵn khi chủ tọa hội nghị mời chúng ta làm thế.

20. Bạn quyết tâm làm gì?

20 Đức Giê-hô-va lắng nghe những bài hát ca ngợi Ngài, và xem trọng các bài hát đó. Chúng ta có thể làm Ngài vui lòng bằng cách hết lòng ca hát mỗi khi nhóm lại để thờ phượng. Thật vậy, dù là người “thông-thạo” hay người “học-tập”, chúng ta hãy “hát-xướng cho Đức Giê-hô-va”!—Thi 104:33.

[Chú thích]

a Điều đáng lưu ý là mười thế kỷ sau khi Đa-vít băng hà, muôn vàn thiên sứ đã thông báo sự ra đời của Đấng Mê-si cho những người đang chăn chiên ở cánh đồng gần Bết-lê-hem.—Lu-ca 2:4, 8, 13, 14.

b Sách hát gồm 225 bài đã có trong hơn 100 ngôn ngữ.

Bạn nghĩ sao?

• Trường hợp nào vào thời Kinh Thánh cho thấy âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc thờ phượng của chúng ta?

• Có sự liên hệ nào giữa việc vâng theo chỉ thị của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 22:37 với việc hết lòng hát các bài hát Nước Trời?

• Chúng ta có thể tỏ lòng biết ơn về các bài hát Nước Trời qua những cách nào?

[Hình nơi trang 23]

Bạn có căn dặn các con đừng đi ra ngoài trong lúc hát nếu không cần thiết không?

[Hình nơi trang 24]

Bạn có đang tập hát ở nhà không?