Vi xử lý amd a10 5800k

Mới đây, AMD tung ra dòng APU Trinity thế hệ thứ 2 với kiến trúc Piledriver mới. Tuy xét về sức mạnh xử lý, AMD Trinity mới chưa thể sánh bằng dòng bộ xử lý cao cấp của Intel nhưng xét về giá trị sán phẩm thì AMD đã có nhiều thành công.

Một “lá bài” rất đáng chú ý của AMD gần đây là APU AMD A10 5800K dành cho máy tính để bàn mà AMD vừa tung ra hồi đầu tháng 10 vừa qua. APU này đã cho thấy AMD cạnh tranh với Intel như thế nào về bộ xử lý tầm trung.

Khác biệt của Piledriver

Nhân Piledriver có thể xem là nâng cấp của kiến trúc Bulldozer trong dòng bộ xử lý FX hiện thời, chỉ khác một chút. Bộ đệm L3 không còn nữa mà đẩy bộ đệm L2 lên 4MB với A10 và A8, còn A6 và A4 chỉ có L2 1MB. Tại sao? Cache L3 có thể tăng tốc độ trong vài trường hợp nhưng lại ngốn điện, làm giảm hiệu quả bộ xử lý đi. Trong khi cache L2 có thể bật hoặc tắt theo nhân, còn cache L3 phải luôn bật.

FM2 và chipset

Socket mới FM2 là điểm khá khó chịu cho người dùng vì bạn không thể dùng các bo mạch chủ cũ socket AM2/AM2+ hay AM3 chung được, kể cả socket FM1. Hiện thời trên thị trường, các bo mạch hỗ trợ FM2 chỉ gồm 3 chipset: A55, A75 và A85X. Ba chipset này đều hỗ trợ các giao tiếp mới như USB 3.0, SATA 6Gb/s, CrossFire, 4 ngõ USB 3.0 và đến 10 ngõ USB 2.0.

Đánh giá

So với bộ xử lý tầm trung, cùng tầm giá với A10-5800K là Core i3 3220 của Intel, ta thấy A10-5800K tuy chưa vượt hơn về mặt tốc độ xử lý nhưng về đồ hoạ, A10-5800K rất đáng giá khi có đồ hoạ Radeon HD 7660D. Các ứng dụng Microsoft Excel, WinRAR, A10-5800K nhanh hơn AMD Phenom II X4 980 và AMD A8-3850 nhưng lại chậm hơn một chút so với Core i3 3220.

Thử nghiệm với Excel 2010, AMD A10 chạy tương đương với Phenom II X4 980 và nhanh hơn A8-3850 đến 30%, nhưng lại chậm hơn một chút so với Core i3-3220 khoảng 5%. Còn với chương trình nén/giải nén WinRAR, A10-5800K nhanh hơn Phenom II X4 980 13% và AMD A8-3850 31%, nhưng vẫn chậm hơn Core i3-3220 9%.

Nhưng với Photoshop, A10-5800K nhỉnh hơn Phenom II X4 980 một chút [4%], trong khi vượt hẳn A8-3850 đến 31% và Core i3 3220 16%.

Trong mã hoá với HandBrake, nhìn chung không có mức chênh lệch lớn giữa 4 bộ xử lý, nhưng A10 cho kết quả tốt nhất: hơn A8-3850 7%, hơn Phenom II X4 980 4% và i3-3220 9%. Còn với x264 HD Benchmark 3.0 mã hoá video ở 1280×720 2-pass, kết quả cũng không nhiều chênh lệch nhưng lần này Phenom II X4 980 lại vượt lên dẫn đầu với 76,2 fps, có thể đây là sự khác biệt của cache L3 mà ứng dụng này tận dụng tốt. Tuy xung nhịp mặc định của A10 [3,8GHz] hơn A8 [2,9GHz] đến 31% nhưng A10 chỉ nhanh hơn A8 5% trong phép thử này.

Bộ đệm L3 lại cho thấy rõ ưu điểm hơn nữa khi thử chuyển đổi định dạng video AVI sang MPG với TMPGEnc 4.0 XPress. Phenom II X4 980 trội hơn hẳn 3 bộ xử lý còn lại. A10 chỉ nhỉnh hơn A8 chút ít và thua Core i3 chút ít.

Đến game, A10-5800K mới tỏ rõ thực lực của mình. Thử nghiệm với một loạt game chạy với đồ hoạ tích hợp trong bộ xử lý, ta chỉ xét đến 3 bộ xử lý [bỏ Phenom II X4 980]. A10-5800K được AMD trang bị cho chip đồ hoạ Radeon HD7660D và A8-3850 là HD 6550D, trong khi Intel trang bị cho Core i3 3220 chip HD Graphics 2500.

StarCraft II ở mức chất lượng đồ hoạ trung bình, tận dụng DirectX 9, tắt khử răng cưa, A10-5800K vượt trội với 73 khung hình/giây so với A8-3850 và Core i3 3220. Game Resident Evil 5 trên nền đồ hoạ DirectX 10 cũng tương tự, A1-5800K rất ấn tượng với 103 fps khi thiết lập ở mức đồ hoạ thấp và không bật khử răng cưa. Còn với Battlefield, A8-3850 [59 fps] gần bắt kịp A10-5800K [67 fps] và đều trội hơn hẳn so với Core i3 3220 [chỉ ở 20 fps]. Kịch bản cũng gần như tương tự với các game Far Cry 2, Sleeping Dogs, Crysis 2, Max Payne 3 và The Witcher 2. Trong khi Core i3-3220 phải “vật lộn” và hầu như không chơi được một số game trong danh sách trên [trừ 3 game Star Craft II, President Evil 5 và Far Cry 2] thì A10-5800K dễ dàng khuất phục chúng.

Xét về điện năng tiêu tốn, A10-5800K chưa thực sự tạo ấn tượng. Thử nghiệm ở 2 điều kiện, chơi game và trạng thái nghỉ, A10-5800K không “tiến bộ” hơn A8-3850 nhiều, trong khi Core i-3 3220 chứng tỏ kiến trúc Ivy Bridge cải thiện về thiết kế điện năng rất tốt so với Trinity. Khi tải nặng, A10-5800K tiêu hao 116 watt và ở trạng thái nghỉ là 35 watt, trong khi Core i3 3220 chỉ tiêu hao 61 watt khi chạy game và 33 watt ở trạng thái nghỉ.

Kết luận

Với ứng dụng, A10-5800K hầu như tương đương với Core i3-3220, nhưng với ứng dụng thiên về đồ hoạ như Photoshop CS5 thì A10-5800K trội hơn một chút. Đối với thử nghiệm mã hoá, chuyển đổi định dạng video cũng tương tự: A10-5800K không vượt hơn hẳn A8-3850 hay Core i3 3220 và thua Phenom II X4 980 [nhờ có cache L3].

Riêng đối với game sử dụng chip đồ hoạ tích hợp, A10-5800K vượt hơn hẳn A8-3850 cũng như Core i3 3220 khi chạy ở độ phân giải 1280×800 và mức thiết lập thấp. Đây rõ ràng là giải pháp chơi game tiết kiệm cho game thủ. Và bạn cũng có thể kết hợp công nghệ CrossFire nếu sử dụng thêm card đồ hoạ Radeon rời với chip tích hợp này.

Nhưng A10-5800K lại không tạo nhiều ấn tượng về điện năng khi chỉ vượt hơn Llano A8-3850 “đời cũ” một chút và vẫn tụt xa phía sau so với Core i3. Trinity vẫn còn cần cải thiện nhiều về mặt điện năng để có thể bắt kịp Ivy Bridge.

Một điểm khác mà ta chưa khai phá được A10-5800K trong bài là khả năng ép xung của APU này. Đây có thể là vũ khí thứ 2 của A10-5800K bên cạnh chip đồ hoạ tích hợp rất mạnh của nó. Dòng Phenom đã chứng tỏ khả năng ép xung tuyệt vời, liệu dòng Trinity có nhãn “K” có phá được kỷ lục ép xung nào khác?

Nhìn chung, Trinity mạnh hơn Llano và nếu bạn là game thủ không có nhiều điều kiện kinh tế để trang bị card đồ hoạ rời hoặc có thể nâng cấp đồ hoạ rời về sau thì A10-5800K là cấu hình có thể chấp nhận được và là lựa chọn hợp lý cho hệ thống chơi game vì bạn vẫn có thể nâng cấp lên card đồ hoạ rời để kết hợp CrossFire với đồ hoạ tích hợp Radeon 7660D.


Bùi Lê Duy
Tin học & Đời sống 167 – Tháng 11.2012

Chủ Đề