Vì sao người cai nghiện tái nghiện

Học viên chờ uống thuốc tại cơ sở điều trị Methadone thuộc Trung tâm Y tế dự phòng quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: VGP/Phạm Huy

Cai nghiện xong rồi chắc… sẽ nghiện lại

Bạn thân vì sốc ma túy chết trên tay mình, bởi vậy chưa bao giờ H nghĩ sẽ lại bập vào con đường này. H là trẻ cô nhi, 7 tuổi trốn khỏi cô nhi viện, H lang thang đó đây rồi được một người phụ nữ tốt bụng chăm sóc như con đẻ. Nhưng ngặt nỗi, lớn lên không có giấy tờ nên bao nhiêu lần đi xin việc, dù chỉ là đẩy hàng, rửa bát thuê…cũng chẳng ai dám nhận.

H bảo đói thì đầu gối cũng phải bò, không ai nhận vào làm nên H đánh liều đi buôn ma túy, mà muốn buôn, giao hàng cho người ta thì phải thử xem hàng chuẩn hàng ngon không, vậy là dính. H là học viên đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, thuộc lực lượng thanh niên xung phong TPHCM [xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng].

H đã đi “hai khóa”, nhưng khi được hỏi, ra trường tính làm gì, H cười buồn: “Chắc em lại quay lại cướp giật hoặc buôn ma túy, rồi chẳng mấy mà lại đi cai. Cán bộ ở đây rất tốt, em cũng hiểu, cai xong phải làm lại cuộc đời nhưng không giấy tờ, ai dám nhận em đi làm”, H cười buồn.

H chỉ là một câu chuyện trong rất nhiều câu chuyện đặc biệt chúng tôi ghi nhận được trong chuyến về thăm trại cai nghiện trước đó.

Gia đình là động lực

Nói về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu cho biết hiện tình trạng tái nghiện cao, cắt cơn xong trả về cai nghiện tại cộng đồng chưa đủ khoảng thời gian để quên ma túy, dễ xảy ra tình trạng tái nghiện. 

Bên cạnh đó, trong chuyến tới thăm, chúc tết Cơ sở cai nghiện ma túy Phước Bình [Đồng Nai] trước Tết Nguyên đán 2017, bà Thu đã trực tiếp lắng nghe tâm sự của rất nhiều các học viên đang cai nghiện tại đây. Những câu chuyện khiến bà trăn trở bởi có em đã đi cai nghiện lần hai, thậm chí lần ba nhưng không bỏ được vì buồn: buồn chuyện cha mẹ, buồn vợ con, buồn vì đi cai nghiện về không có công ăn việc làm…

Trong đó, không ít em chia sẻ với bà rằng họ cảm thấy cô đơn lạc lõng khi bị kì thị ngay trong chính ngôi nhà của mình, bị đối xử không công bằng, bị xem thường so với các thành viên khác trong gia đình. Đi xin việc thì không được nhận, “và vì buồn quá nên chơi trở lại!”

“Nghị lực của mỗi người là quan trọng nhất, bên cạnh đó gia đình cần có cách cư xử đúng mực để động viên sát cánh bên các em, sát cánh để cách ly các em với các bạn xấu trước đây”,  Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu trải lòng.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu trò chuyện cùng các học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy Phước Bình. Ảnh: VGP/Phạm Huy

Cần học tập mô hình cai nghiện ma túy các nước

Trong cuộc làm việc của Đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm với UBND TPHCM mới đây [ngày 28/5], nhiều vấn đề được chỉ ra.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, cho biết số người nghiện mới có xu hướng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp [ma túy đá] có chiều hướng diễn biến phức tạp. Nhiều đối tượng sử dụng ma túy sau đó gây ra các loại án xâm phạm nhân thân, xâm phạm sở hữu với tính chất liều lĩnh, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. 

Thế mạnh của thành phố hiện nay là có 9 cơ sở cai nghiện có chức năng cai nghiện bắt buộc và 13 cơ sở tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện. Quy trình cai nghiện ngày càng hoàn thiện, nâng cao về chất lượng và thân thiện. Các cơ sở cai nghiện ma túy được chuyên môn hóa thực hiện các giai đoạn của quy trình cắt cơn, phục hồi sức khỏe đến giáo dục, xây dựng môi trường văn hóa, tổ chức dạy nghề, dạy văn hóa, sinh hoạt trị liệu, hướng dẫn kỹ năng và giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao nỗ lực của TPHCM vì đây là địa bàn trọng điểm, số người nhiễm mắc chiếm 30% cả nước, là địa bàn trọng điểm buôn bán, sản xuất, vận chuyển ma túy, hoạt động mại dâm tương đối lớn. TPHCM đã có nhiều thí điểm trong việc quản lý, kiểm soát vấn nạn này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá 70% nghiện ma túy đá và ngày càng tăng, việc buôn bán heroin, thuốc phiện vẫn còn rầm rộ bởi vậy không chủ quan. Methadone vẫn là nền tảng cai nghiện chủ lực, cần đảm bảo điều trị. Bà nhấn mạnh phải mở rộng hơn các cơ sở xã, phường. Hiện đưa ARV xuống xã phường, mới chỉ 10%, còn khiêm tốn, cần phát huy hơn nữa.

Về giải pháp cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, các cơ sở cai nghiện ma túy cần có giải pháp về nhân lực, thực hiện tốt mục tiêu 90 - 90 - 90 của Liên hiệp quốc [90% người nhiễm biết được tình trạng nhiễm; 90% người nhiễm được điều trị bằng thuốc ARV và 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp]. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa và tự chủ tài chính tại các cơ sở điều trị.

“Đặc biệt, cần học tập mô hình cai nghiện ma túy ở các nước khác. Ngoài ra, nên có sự tham gia của nhà trường trong việc tuyên truyền học sinh tránh xa tệ nạn”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Phạm Huy

Ngày 30/3/2021, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 11 thông qua Luật Phòng, chống ma túy. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Theo đó, một số quy định của Luật về cai nghiện ma túy, cụ thể như sau:

Các trường hợp được xác định tình trạng nghiện ma túy

Xác định tình trạng nghiện ma túy được thực hiện đối với người thuộc trường hợp sau đây:

- Người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời gian quản lý bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

- Người sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định;

- Người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

- Người đang trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

- Người tự nguyện xác định tình trạng nghiện ma túy.

Quyền và trách nhiệm của người được đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy

Người được đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy có quyền và trách nhiệm sau đây:

- Được bảo đảm danh dự, nhân phẩm; hỗ trợ đi lại, ăn ở, điều trị hội chứng cai và các bệnh kèm theo trong thời gian xác định tình trạng nghiện ma túy;

- Chấp hành, nội quy, quy chế của cơ sở xác định tình trạng nghiện ma túy; khai báo trung thực với nhân viên y tế về tiền sử sử dụng ma túy, các biểu hiện của việc sử dụng ma túy;

- Người từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc cha, mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 27 Luật Phòng, chống ma túy[1] khi nhận được kết quả xác định là nghiện ma túy có trách nhiệm đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện theo quy định hoặc đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trong trường hợp nghiện các chất dạng thuốc phiện với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.

Các biện pháp cai nghiện ma túy

Biện pháp cai nghiện ma túy bao gồm: Cai nghiện ma túy tự nguyện và cai nghiện ma túy bắt buộc.

Biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy; biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

Quy trình cai nghiện ma túy

Quy trình cai nghiện ma túy bao gồm các giai đoạn sau đây:

- Tiếp nhận, phân loại;

- Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác;

- Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách;

- Lao động trị liệu, học nghề;

- Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.

Việc cai nghiện ma túy bắt buộc phải bảo đảm đầy đủ các giai đoạn quy định nêu trên; việc cai nghiện ma túy tự nguyện phải bảo đảm hoàn thành đủ 03 giai đoạn gồm: Tiếp nhận, phân loại;Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác;Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách.

Trách nhiệm của người cai nghiện ma túy tự nguyện

Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng có trách nhiệm sau đây:

- Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn;

- Nộp chi phí liên quan đến cai nghiện ma túy theo quy định.

Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy có trách nhiệm sau đây:

- Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn;

- Nộp chi phí liên quan đến cai nghiện ma túy theo quy định.

- Trường hợp người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập mà có hoàn cảnh khó khăn được xét giảm hoặc miễn chi phí phải nộp.

Đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;

- Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

- Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;

- Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.

Các trường hợp người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;

- Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

- Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.

Trách nhiệm của người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghibắt buộc

- Tuân thủ các quy định về cai nghiện ma túy bắt buộc, nội quy, quy chế và chịu sự quản lý, giáo dục, điều trị của cơ sở cai nghiện bắt buộc;

- Tham gia các hoạt động điều trị, chữa bệnh, giáo dục, tư vấn, học văn hóa, học nghề, lao động trị liệu và các hoạt động phục hồi hành vi, nhân cách.

Thời hạn cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là từ đủ 06 tháng đến 12 tháng.Việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định và không phải là biện pháp xử lý hành chính.

Trách nhiệm của gia đình người nghiện ma túy, cộng đồng

Gia đình người nghiện ma túy có trách nhiệm sau đây:

- Hỗ trợ người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện ma túy, sau cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng;

- Phối hợp với cơ quan, người có thẩm quyền trong việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc; phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan hỗ trợ người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng.

Cộng đồng nơi người nghiện ma túy cư trú có trách nhiệm sau đây:

- Động viên, giúp đỡ người nghiện ma túy;

- Phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan hỗ trợ người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng./.

 

[1]Các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 27:a] Người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời gian quản lý bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;b] Người sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định;c] Người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;đ] Người tự nguyện xác định tình trạng nghiện ma túy.

Video liên quan

Chủ Đề