Ví dụ về lý thuyết đóng khung trong truyền thông

Đóng khung [framing] là một cách để cấu trúc hóa và trình bày một vấn đề. Kỹ thuật này bao gồm giải thích và mô tả bối cảnh của vấn đề để giành sự ủng hộ tối đa từ người nghe. Đây là kỹ thuật quan trọng trong tranh luận cũng như thuyết phục công chúng mà nhà hoạt động xã hội cần phải làm chủ được.

Người nghe của bạn là ai? Họ có thể là bất cứ ai. Đó có thể là một nhân vật có sức ảnh hưởng, có thể là nạn nhân của tình trạng nào đó, một nhóm cộng đồng hoặc là giới truyền thông. Đối tượng người nghe cũng có thể thay đổi, hôm nay là nhóm người này, mai lại là một nhóm người khác. Người nghe có vai trò quyết định tới cách thức đóng khung vấn đề. Cách thức bạn trình bày vấn đề cần có sự liên hệ với những niềm tin và thái độ của họ.

Bất kể đối tượng người nghe là ai, thì khi tiến hành đóng khung một vấn đề, bạn cũng cần xác định cụ thể một số điểm sau:

– Vấn đề mà bạn nói đến là gì?

– Vấn đề này liên quan tới những ai?

– Những yếu tố nào góp phần tạo ra vấn đề?

– Những yếu tố nào sẽ góp phần vào giải pháp?

Tại sao bạn cần phải nghĩ về cách đóng khung một vấn đề?

Câu trả lời khá đơn giản. Đóng khung một vấn đề giúp chúng ta suy nghĩ một cách có hệ thống về bản chất của vấn đề đó và cách giải quyết nó. Việc đóng khung vấn đề cũng mang lại cho người nghe của bạn một cách tư duy cụ thể về vấn đề bạn nêu ra. Và cách tư duy chính là sức mạnh bởi vì nó chi phối suy nghĩ và hành động.

Nói cách khác, đóng khung một vấn đề nghĩa là gợi ý về bản chất của vấn đề đó, ai chịu trách nhiệm về nó và đâu là giải pháp khả dĩ. Nếu thành công, kĩ thuật này sẽ đưa bạn vào vị trí thuận lợi để định hướng cho cuộc thảo luận về vấn đề và tăng cơ hội để có những giải pháp hiệu quả. Bằng cách này bạn đem đến lợi ích cho bạn cũng như cộng đồng.

Cũng tương tự như cách một bức ảnh hoặc tranh vẽ được đóng khung ra sao sẽ ảnh hưởng tới cách chúng ta chiêm ngưỡng và đánh giá nó, thì cách mà một vấn đề xã hội được đặt ra, được trình bày [đóng khung] cũng ảnh hưởng đến nhận thức và giá trị quan của chúng ta.

Khái niệm tiếp theo, đóng khung lại [reframing] chính là mặt đối lập của framing. Nó là một cách thay đổi đối với cách thức trình bày của một vấn đề để chống lại các quan điểm đối lập.

Đôi khi, khung tham chiếu nguyên gốc của một vấn đề lại không phải là cách tốt nhất đối với bạn và những người khác cùng quan tâm để mô tả và giải thích về vấn đề đó. Trong trường hợp này, bạn có thể sẽ cần đóng khung lại vấn đề cho người nghe của mình. Điều này có thể làm tăng khả năng giải quyết vấn đề.

Khi nào bạn nên cân nhắc việc đóng khung hoặc đóng khung lại cho một vấn đề?

– Bất cứ khi nào bạn trình bày về vấn đề của mình và muốn giành sự ủng hộ.

– Khi bạn cố gắng gây ảnh hưởng tới chương trình nghị sự công cộng

– Khi cách đóng khung vấn đề của bên đối lập có khả năng can thiệp vào kế hoạch hành động của bạn

Trong hầu hết các tình huống, suy nghĩ trước về việc đóng khung vấn đề sẽ mang lại lợi ích cho bạn.

Làm sao để đóng khung một vấn đề cho hiệu quả nhất?

Để đóng khung một vấn đề, bạn nên bắt đầu với các câu hỏi sau:

– Bản chất của vấn đề này là gì?

– Những ai có liên quan?

– Những yếu tố nào góp phần tạo ra vấn đề?

– Những yếu tố nào góp phần giải quyết vấn đề?

Khi đã đặt ra những câu hỏi trên, bạn có thể bắt đầu trả lời chúng. Dưới đây là một vài hướng dẫn:

Bản chất của vấn đề này là gì?

Việc đóng khung nên bắt đầu với việc gọi tên cho tình trạng này như là một vấn nạn cần giải quyết. Việc gọi tên và đóng khung vấn đề cho phép bạn trình bày về nó bằng những từ ngữ cụ thể phù hợp mục tiêu/lý tưởng của bạn và mục đích của người nghe.

Có hai cách thông thường để đóng khung vấn đề là

[1] Đóng khung vấn đề dưới dạng “nền tảng chung hoặc đồng thuận giữa mình với người nghe

Cách này cho phép bạn trình bày được một vấn đề rộng từ nhiều góc độ. Hầu hết các vấn đề xã hội đều là kết quả của nhiều nhân tố khác nhau. Bằng cách xem xét vấn đề ở mức độ rộng nhất, bạn có thể trình bày về được nhiều trong số những nhân tố đó.

Ví dụ, sự tiết chế tình dục và tiếp cận với các biện pháp tránh thai là hai trong nhiều yếu tố tác động đến tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên.  Cách tiếp cận theo kiểu đóng khung vấn đề dưới dạng “nền tảng chung” sẽ giúp khắc họa vấn đề với bề rộng của nó, như “tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên”, hơn là chỉ giới hạn ở một nhân tố đơn lẻ như “thiếu các biện pháp tránh thai”. Ví dụ:

– Quan điểm 1: Sự tiết chế tình dục là phương pháp duy nhất có thể chấp nhận để ngăn chặn việc mang thai ở tuổi vị thành niên

– Quan điểm 2: Trẻ vị thành niên phải được tiếp cận với các biện pháp tránh thai để ngăn ngừa việc mang thai ở tuổi vị thành niên

– Nền tảng chung: Mang thai ở tuổi vị thành niên là vấn đề ở cấp độ cao hơn. Cần có nhiều chiến lược đa dạng để ngăn ngừa việc mang thai ở tuổi vị thành niên.

Bằng việc đặt vấn đề ở một mức độ rộng- ở đây là tình trạng mang thai vị thành niên- nhóm của bạn có thể xác lập được những điểm chung [nền tảng đồng thuận chung] để làm việc cùng nhau.

[2] Đóng khung vấn đề từ một “góc nhìn đơn lẻ”

Cách tiếp cận “góc nhìn đơn lẻ” cho phép bạn nhấn mạnh một hoặc một vài yếu tố đã góp phần tạo ra vấn đề. Cách này có thể là phù hợp nhất khi làm việc với một nhóm người cụ thể, quy mô nhỏ.

Trong nhiều trường hợp, việc đặt vấn đề từ một góc nhìn riêng biệt có thể tạo ảnh hưởng lên một vấn đề rộng hơn. Ví dụ:

– Quan điểm 1: Mang thai vị thành niên là một vấn đề lớn của cộng đồng

– Quan điểm 2: Các bệnh lây qua đường tình dục đang ảnh hưởng tới giới trẻ của chúng ta ở mức báo động

– Góc nhìn đơn lẻ: Trẻ vị thành niên rất cần được tiếp cận với các biện pháp tránh thai để ngăn ngừa nhiều vấn đề đa dạng về sức khỏe, bao gồm việc mang thai ở tuổi vị thành niên và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Bằng cách xác định việc tiết chế tình dục hoặc khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai như là vấn đề cụ thể cần nhấn mạnh, thì nỗ lực của bạn cho 1 trong 2 mục tiêu nói trên sẽ không chỉ tác động lên tình trạng mang thai ở trẻ vị thanh niên mà còn hạn chế được sự lây lan của các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Tùy thuộc vào cả 2 yếu tố là mục tiêu bạn muốn đạt được và người mà bạn làm việc cùng, thì phương pháp dùng để đóng khung vấn đề có thể thay đổi. Trên thực tế, nó còn có thể thay đổi tùythuộc vào người nghe của bạn tại một thời điểm cụ thể. Nhìn chung thì cách tiếp cận “nền tảng chung” sẽ phù hợp hơn cho đối tượng người nghe có quy mô lớn và đa dạng, vì họ có khả năng không đồng ý với mọi chiến lược bạn nêu ra; trong khi cách tiếp cận “góc nhìn đơn lẻ” có thể được dùng với các nhóm có tính đồng nhất cao hơn. Tuy vậy, mỗi tình huống đều cần được xem xét kỹ lưỡng.

Ai là người có liên quan

Đóng khung vấn đề cũng bao gồm việc xác định đối tượng người nghe mà bạn đang đối thoại hoặc tranh đấu cho quyền lợi của họ. Nhóm người nghe chủ chốt bao gồm những đối tượng của sự thay đổi. Họ là những cá nhân bị ảnh hưởng bởi vấn đề, hoặc là những người mà hành động của họ có thể góp phần tạo ra vấn đề hoặc tạo ra giải pháp.

Ví dụ, theo logic, đối tượng của sự thay đổi trong vấn đề mang thai vị thành niên sẽ bao gồm trẻ vị thành niên, nhưng cũng có thể bao gồm cả phụ huynh và giáo viên. Người nghe cũng có thể là các tác nhân của sự thay đổi – những người có thể đóng góp vào giải pháp. Trẻ vị thành viên có thể là những tác nhân tiềm năng mang lại sự thay đổi cho những bạn đồng trang lứa khác, vốn cũng gặp nguy cơ mang thai ở tuổi vị thành niên. Việc xác định rõ ràng, công khai đối tượng người nghe mà bạn hướng tới sẽ giúp bạn nhìn nhận rõ ràng được ai là người chịu trách nhiệm cho vấn đề và ai sẽ là tác nhân để giải quyết vấn đề.

Mấu chốt của việc đóng khung vấn đề nằm ở chỗ hiểu biết về người nghe của mình và đặt vấn đề theo hướng đáp ứng được nhu cầu của họ. Giành được sự ủng hộ từ người nghe là rất quan trọng đối với quá trình đóng khung vấn đề.

Điều gì góp phần tạo ra vấn đề

Đóng khung vấn đề giúp truyền đạt thông tin về những yếu tố đang góp phần tạo ra vấn đề. Những vấn đề tồn tại trong một hệ thống bao trùm hơn, chẳng hạn như hệ thống giáo dục hoặc hệ thống kinh tế có thể góp thêm vào hoặc làm vấn đề trở thành kinh niên.

Ví dụ như, một trong những nguy cơ gây ra việc mang thai tuổi vị thanh niên là lượng thời gian mà các em không chịu sự giám sát. Một số người có thể lập luận rằng đây là kết quả của việc hệ thống kinh tế và giáo dục đã không cung cấp các hoạt động thay thế cho thanh thiếu niên. Việc xác định những rào cản và sức kháng cự đến từ các hệ thống bao trùm sẽ giúp làm sáng tỏ các yếu tố đã góp phần tạo ra vấn đề. Khi đóng khung những điểm này để trình bày cho đối tượng người nghe cụ thể của bạn sẽ làm tăng cường sự ủng hộ của họ cho mục tiêu đấu tranh của bạn.

Điều gì có thể đóng góp cho giải pháp

Khi biết được những người chịu trách nhiệm, và những yếu tố khác góp phần tạo ra vấn đề, bạn có thể bắt đầu đi tìm giải pháp hoặc chiến lược để giải quyết nó. Việc đóng khung vấn đề với các giải pháp khả dĩ sẽ giúp tập trung hành động của người nghe. Các chiến lược bạn có thể đưa ra bao gồm:

– Giáo dục và đào tạo kỹ năng

– Tăng cường khả năng tiếp cận, hoặc giảm thiểu nó

– Cung cấp các biện pháp khích lệ hoặc hạn chế

– Bố trí các cơ hội và nguồn lực

– Gây ảnh hưởng lên chính sách công

Làm thế nào để chọn ra chiến lược phù hợp? Việc lựa chọn chiến lược sẽ phụ thuộc vào giá trị quan của người đưa ra lựa chọn. Ví dụ như, nhà trường và các tổ chức tôn giáo muốn ngăn chặn tình trạng có thai ở tuổi vị thành niên sẽ quan tâm đến việc đẩy mạnh giáo dục giới tính, trong khi các tổ chức chăm sóc sức khỏe và doanh nghiệp lại muốn tăng cường khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai. Việc đóng khung vấn đề sẽ cho phép nhiều chiến lược đa dạng có thể được trình bày ở thời điểm thích hợp và bằng cách thức phù hợp, nhằm tối đa hóa được sự ủng hộ từ các đối tượng người nghe tương ứng.

Bạn nên đóng khung lại một vấn đề [theo hướng khác] như thế nào?

Việc đóng khung lại một vấn đề [reframing] được thực hiện tương tự với cách đóng khung nguyên gốc. Tuy nhiên, bạn thường phải nỗ lực nhiều hơn để truyền tải thông điệp của mình. Vận động truyền thông có hiệu quả có thể sẽ là cần thiết để thay đổi một cái khung trình bày vốn đã tồn tại phổ biến của một vấn đề. Một trong những yêu cầu cơ bản để đóng khung lại thành công cho một vấn đề là phải biết tái cấu trúc vấn đề bằng ngôn ngữ của chính bạn, đồng thời điều chỉnh nó cho phù hợp với người nghe. Việc đóng khung lại một vấn đề sẽ yểm trợ tối đa cho nỗ lực của bạn và chống lại sự tuyên truyền của đối thủ.

Ví dụ: Ngành công nghiệp thuốc lá trong nhiều năm đã định hình việc hút thuốc như là một việc mà “cánh mày râu đích thực” đều làm. Các công ty này đã thành công trong việc xây dựng hình tượng những người đàn ông mạnh mẽ, gai góc là những người hút thuốc. Các nhóm vận động chống thuốc lá đã phải thay đổi hình ảnh đó bằng việc đóng khung lại việc hút thuốc như là một trong những vấn nạn sức khỏe. Những nhóm này bắt đầu trận chiến bằng việc miêu tả người hút thuốc theo kiểu là phổi đen, móng tay vàng khè và có hơi thở hôi. Chiến thuật đóng khung lại này đã tạo ra thành công trong việc thay đổi điểm nhấn của vấn đề.

Sau đây là một vài ví dụ về reframing liên quan đến ngành công nghiệp thuốc lá. Trong đó, hình ảnh tuyên truyền của các công ty thuốc lá sẽ được đưa ra trước và thông điệp reframe của các nhóm vận động sẽ được đưa ra sau, và in đậm:

Hút thuốc lá là lựa chọn cá nhân

Người ta hút thuốc là do bị nghiện

Cấm hút thuốc là phân biệt đối xử với người hút thuốc.

Người không hút thuốc có quyền được hít thở không khí trong lành.

Các công ty thuốc lá làm được các việc tốt đẹpthông qua các khoản tài trợ cho các sự viện văn hóa, thể thao và cộng đồng.

Các công ty thuốc lá cố gắng để rửa tội thông qua việc hợp tác

Thuốc lá chỉ là một trong những nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe. Tại sao chúng ta không đặt quy định về tỉ lệ chất béo?

Thuốc là là sản phẩm hợp pháp duy nhất mà có tác dụng là đem tới cái chết khi được sử dụng một cách có chủ ý.

Nguồn bài dịch: Reframing the Issue

Video liên quan

Chủ Đề