Từ nội dung bài thơ một giọt người hay nêu thông điệp anh/chị tâm đắc nhất vì sao

Câu hỏi: Thông điệp mà em tâm đắc nhất qua đoạn trích dưới đây là gì? Vì sao?

Bài thơ Tiếng ru

Con ong làm mật, yêu hoa

Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời.

Con người muốn sống, con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

Một ngôi sao chẳng sáng đêm

Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng.

Một người – đâu phải nhân gian?

Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!

Núi cao bởi có đất bồi

Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu?

Muôn dòng sông đổ biển sâu

Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn?

Tre già yêu lấy măng non

Chắt chiu như mẹ yêu con tháng ngày.

Mai sau con lớn hơn thày

Các con ôm cả hai tay đất tròn.

Tác giả: Tố Hữu.

Trả lời:

Bài học đúc kết từ thực tế là bài học quý giá nhất. Cuộc sống này dạy cho mỗi con người chúng ta nhiều điều từ tình yêu thương, sự sẻ chia, lòng nhân ái, cách trân trọng hạnh phúc đến sống sao để xứng đáng khi tồn tại trên đời. Từ những hình ảnh, sự vật quen thuộc của cuộc sống, Tố Hữu đã gửi gắm một thông điệp vào một đoạn trong bài thơ Tiếng ru của mình, đó là mối quan hệ giữa vật thể nhỏ bé và tập thể to lớn, giữa cá nhân với xã hội và truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta: tinh thần đoàn kết. Sẽ không có trời đêm đẹp đẽ, lung linh nếu duy nhất một ngôi sao tỏa sáng. Sẽ không có ruộng đồng bát ngát nếu duy nhất một cây lúa chín vàng. Sự hiện hữu của bất kỳ sự vật nào luôn gắn liền với ít nhiều các mối liên hệ với các sự sự vật khác, tạo nên một thế giới đa dạng, phong phú và phát triển không ngừng.Thực tế đó được minh chứng theo thời gian, từ những vật thể đơn giản nhất. Một cơ thể sống được cấu tạo từ vô vàn phân tử hữu cơ. Một phép tóan được tạo ra từ nhiều con số. Nhiều giọt nước làm nên biển cả, nhiều tia nắng lam nên ánh ban mai. Và nhiều người tạo ra sức mạnh, sức mạnh ấy mang tên đoàn kết. Đoàn kết là két thành một khối thống nhất, dùng sức mạnh của nhiều cá nhân hình thành sức mạnh tập thể, cùng hoạt động vì một mục tiêu chung nào đó. Không một cộng đồng nào tồn tại nếu ở đó chỉ có nỗ lực của một cá nhân. Không một kỳ tích nào xuất hiện nếu ở đó chỉ có hi vọng của một con người. Nhìn lại những trang sử vẻ vang của dân tộc, biết bao nhiêu chiến thắng hào hùng được lập nên từ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của nhân dân. Ngày nay, nhiều chương trình từ thiện cũng thể hiện tấm lòng nhân đạo như hiến máu, mái ấm tình thương,… Làm việc nhóm lúc nào cũng hiệu quả hơn so với cá nhân. Nhiều lĩnh vực đòi hỏi khả năng phối hợp giữa người với người để tạo ra thành tích tốt như xây dựng, quân đội, cơ khí,… Muốn thành công khi bước vào thế giới hiện đại này, ngoài tài năng sẵn có, điều kiện tiên quyết là con người ta phải có năng lực làm việc tập thể, tương tác tốt với người khác và biết hi sinh vì lợi ích chung. Đoàn kết giúp phát huy tối đa tài năng của mỗi cá nhân khi được sự giúp đỡ từ những người xung quanh, đồng thời cũng là bàn đạp vững chãi, nền tảng tinh thần để cộng đồng hoạt động và ngày một đi lên. Quan trọng là thế, nhưng vẫn có những người luôn chọn hướng đi vượt ra ngoài tập thể. Hai chữ đoàn kết với họ dường như là viên đá cản đường, ngăn bước chân họ tiến đến thành công, vì lúc nào cũng phải dừng lại đợi cả một khối người chậm chạp. Thật là một ý nghĩ sai lệch! Liệu việc tự cô lập bản thân, tách ra khỏi sức mạnh chung có thật sự khiến chúng ta vững vàng, hay những vội vã không lường trước hậu quả gây ra nhiều lỗi lầm không đáng có? Khi mỗi người sống và làm việc theo tập thể, theo những quy chế, chính sách và truyền thống ngàn đời, xã hội sẽ thống nhất một cách toàn diện. Hãy hướng bản thân theo lối sống tích cực cùng mọi người, hòa nhập vào sự sống chung của nhâ loại, đồng thời sáng tạo nếu có thể những dấu ấn riêng mình, để làm nên sự khác biệt, độc lập, tự do. Song song đó, tập thể cũng phải quan tâm chăm sóc đến mỗi cá nhân vì những cống hiến của họ đều rất quan trọng. Chúng ta luôn được giáo dục rằng: một người vì mọi người, mọi người vì một người. Nếu hai khía cạnh được thực hiện tốt thì lợi ích mang lại là thành quả của cộng đồng, cũng là của mỗi người trong cộng đống. Đó chính là thành quả tốt đẹp và hoàn thiện nhất. Em đã từng đọc trên mạng xã hội một châm ngôn sống rất hay: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình, nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”. Đích đến của đời người không phải cứ một sớm một chiều là đi tới. Đi một mình, cô đơn giữa biển người rồi ta sẽ đi được bao lâu, bao xa và nhận lấy bao vấp ngã? Đi cùng mọi người để ta có thể trò chuyện, sẻ chia những niềm vui và đỡ đần khi mệt mỏi giữa đường. Bài học quý giá này luôn nhắc nhở em phải biết đạt lợi ích tập thể lên trên cái tôi cá nhân nhỏ bé, sống và hành động vì điều chung, điều lớn, điều vĩ đại và cao cả trên đời.

Tham khảo một số bài văn mẫu cùng Top Tài Liệu nhé.

Cảm nhận về bài Tiếng ru – Mẫu 1

Bài thơ được sáng tác bằng thể lục bát, thể hiện tính nhân văn, triết lý sâu sắc của tác giả qua những câu từ nhẹ nhàng, như lời người mẹ nhắn nhủ con thơ. “Tiếng ru”, nằm trong tập Gió lộng, là một trong những bài thơ tiêu biểu của người con xứ Huế – Tố Hữu.

Con ong làm mật, yêu hoa

Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời.

Con người muốn sống, con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

Một ngôi sao chẳng sáng đêm

Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng.

Một người – đâu phải nhân gian?

Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!

Núi cao bởi có đất bồi

Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu?

Muôn dòng sông đổ biển sâu

Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn?

Tre già yêu lấy măng non

Chắt chiu như mẹ yêu con tháng ngày.

Mai sau con lớn hơn thày

Các con ôm cả hai tay đất tròn.

Đọc bài thơ, ta thấy không quá khó để thuộc nằm lòng bởi được viết bằng thể thơ lục bát, gieo vần điệu dễ nhớ, cộng với ngôn từ giản dị vốn là cái chất rất đặc trưng của Tố Hữu. Không chỉ thế, cách tác giả so sánh đối lập và ví von cũng tạo nên cái riêng của những vần thơ và làm cho chúng trở nên đắt giá: “núi” và “đất”, “cao” và “thấp”, “già” và “non”, “biển” và “sông”… Sự so sánh đó khiến những điều nhỏ nhoi trở nên vĩ đại và đồng thời, khiến những thứ tưởng như vĩ đại sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu thiếu những điều nhỏ nhoi.

Một lần nữa, ta lại thấy sự khẳng định triết lý một người vì mọi người, mọi người vì một người mà tác giả đưa ra ở khổ đầu tiên được thể hiện trong hai khổ liền sau đó. Từ cách dùng câu khẳng định, phủ định ở bốn câu trong khổ thứ hai lẫn những câu hỏi tu từ trong khổ thứ ba đều làm toát lên ý tứ mà tác giả đã viết trong khổ đầu tiên: mỗi thực thể sống đều phải gắn với đồng loại, với môi trường mà nó đang sống, đang tồn tại mà nếu tách ra, thì sẽ không có sự tồn tại đó.

Không dài và ấn tượng như Việt Bắc, nhưng Tiếng ru đơn giản hơn là một lời nhắn ngắn gọn nhưng da diết để nhắc nhở em thơ hãy biết yêu thương anh em, bầu bạn và rộng hơn là Trái đất nơi mình đang sống. Tâm hồn thơ trẻ, suy cho cùng, rất thích hợp để tiếp thu những điều không phức tạp và đầy ý nghĩa nhân văn như vậy.

Cảm nhận về bài Tiếng ru – Mẫu 2

Tố Hữu là một nhà thơ lớn trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Thơ ông tỏa sáng đến mọi tâm hồn vì dạt dào lòng nhân ái, vì chan chứa tình yêu thương giữa con người với con người mà tiêu biểu là bài Tiếng ru:

Con ong làm mật, yêu hoa

Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời.

Con người muốn sống, con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

Chúng ta nên hiểu đoạn thơ trên như thế nào?

Các loài sinh vật muốn tồn tại và phát triển phải gắn bó với môi trường mình sống. Cũng như:

Con ong làm mật, yêu hoa

Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời.

Mỗi mùa hoa nở rộ, chắc hẳn các bạn đều thấy loài ong bay lượn khắp nơi bởi lẽ hoa chính là nguồn sống. Còn gì thích thú hơn khi ngắm nhìn đàn cá tung tăng bơi lội, thân hình lấp lánh dưới làn nước trong veo. Bầu trời xanh mênh mông và không khí thoáng đãng là môi trường sống của chim. Thật thanh bình khi trên nền trời chấp chới những đàn chim đang sải cánh và mỗi buổi hoàng hôn, ánh nắng hắt lên viền quanh cánh chim chiều như vạng hào quang rực rỡ. Cánh chim chắc phải yêu biết mấy bầu trời sống của nó. Phải chăng vì vậy mà đã có một lần, Tố Hữu khóc thương cho con chim bị chết trong lồng vì mất tự do.

Rõ ràng hai câu thơ mở đầu đã nêu lên mối quan hệ tự nhiên giữa sinh vật và môi trường sống. Các loài vật tách rời khỏi môi trường sống thì sẽ chết, đó là quy luật tất yếu của tự nhiên. Đúng vậy, con cá không thể sống trên cạn, con ong không thể sống thiếu hoa, con chim không thể cất cánh trong lồng chật hẹp. Chỉ qua hai câu thơ, Tố Hữu đã để lại trong chúng ta nhiều suy nghĩ về tình cảm yêu thương, gắn bó với môi trường sống của mỗi loài.

Nếu hai câu đầu nói về quy luật của tự nhiên, hai câu thơ sau nhà thơ khéo léo chuyển sang nói về cuộc sống con người:

Con người muốn sống, con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

Bằng lời thơ ngọt ngào, tình cảm, tác giả đã khẳng định rằng con người không thể sống cô đơn mà phải có tình yêu thương, yêu thương đồng chí và anh em của mình. Vậy trước hết, chúng ta phải hiểu đúng đắn thế nào là tình đồng chí, tình anh em. Nói đến tình đồng chí là nói đến tình cảm của những người bạn bè, những người cùng chí hướng và lí tưởng với mình. Tình đồng chí thể hiện mối quan hệ xã hội gắn bó mà chúng ta cảm thấy vừa thiêng liêng, vừa gần gũi. Nói đến đồng chí là nói đến những người luôn giúp đỡ nhau, yêu thương che chở cho nhau như những người ruột thịt. Cũng như thế, nói đến tình anh em trong họ hàng, làng xóm:

Anh em như thể chân tay

Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần.

Tình cảm ấy từ xưa đã sâu nặng đối với mỗi người chúng ta. Đó chính là tình anh em ruột thịt trong gia đình, tình cảm anh em trong họ hàng, làng xóm. Tại sao con người muốn sống thì “phải yêu đồng chí, yêu người anh em?” Câu hỏi ấy được trả lời qua nhiều thế hệ từ xưa đến nay.

Tình đồng chí, tình anh em rất cần thiết đối với con người như con ong cần hoa, con cá cần nước, con chim cần bầu trời. Chúng ta phải hiểu con người muốn sống thì phải yêu đồng chí, yêu người anh em. Thật bất hạnh khi con người không có tình yêu thương. Chính tình yêu thương đã quyết định sự tồn tại của con người. Dường như tình cảm ấy đã thấm sâu trong máu thịt của mỗi người. Con người không có tình yêu thương sẽ cô độc biết bao, lẻ loi biết bao. Người đó sẽ phải một mình chống lại tất cả khó khăn rồi cuối cùng sẽ gục ngã vì không có tình yêu thương hay nói đúng hơn là không được yêu thương. Như những năm đất nước ta còn bị chiến tranh, các chiến sĩ cách mạng sống cô đơn trong tù. Họ đã phải thốt lên: “Cô đơn thay là cảnh thân tù” nhưng khi nghĩ đến đồng bào, đồng chí anh em, đến Tổ quốc thì dường như họ được tiếp thêm sức mạnh, giúp họ đứng vững trước khó khăn. Đọc tác phẩm Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam chúng ta thấy Sơn là một em bé giàu tình yêu thương, luôn giúp đỡ bạn. Và khi làm được một việc tốt, cho bạn chiếc áo mặc cho đỡ rét, “lòng Sơn bỗng thấy vui vui”. Tình cảm đó thật cảm động. Không có tình thương thì làm sao mẹ của Sơn lại cho mẹ Hiền vay tiền. Không có tình thương thì bà lão hàng xóm đã không thể cho chị Dậu [Nhân vật trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố] bát gạo mặc dù bà lão rất nghèo khổ. Bé Hồng, một em bé mồ côi cha, xa mẹ, hàng ngày lại bị gieo rắc những ý nghĩ xấu về mẹ mà vẫn luôn thương nhớ, kính trọng mẹ, khao khát được ở bên mẹ. Chắc hẳn bé Hồng phải yêu mẹ lắm và tình cảm ấy phải vô cùng sâu nặng thì em mới dám một mình chống lại hủ tục phong kiến. Những tình cảm ấy trong xã hội đen tối đáng quý và đánh kính biết bao. Và đây nữa, hành động của bác Bơ-men trong Chiếc lá cuối cùng của 0 Hen-ri là đỉnh cao của tình yêu thương. Chính vì yêu thương Giôn-xi, bác Bơ-men đã hi sinh cuộc sống của mình để cứu mạng sống của cô.

Quả thật, tình yêu thương đã khiến con người đẹp hơn, vĩ đại và đáng kính trọng hơn. Rõ ràng để có được cuộc sống cao đẹp ấy, chúng ta phải biết yêu thương nhau, đùm bọc, che chở nhau, đoàn kết với nhau. Hãy giữ lấy tình cảm yêu thương giữa con người với con người bởi lẽ đó là nguồn gốc của mọi hạnh phúc, cũng như con ong cần hoa, con cá cần nước, con chim cần bầu trời.

Bản thân mỗi chúng ta cũng được hưởng tình yêu thương của người thân trong gia đình, của thầy cô bè bạn. Đáp lại, chúng ta phải giúp đỡ, chan hòa với bạn, yêu kính bố mẹ, thầy cô và những người thân. Mỗi chúng ta hãy giữ gìn và trân trọng những tình cảm trong sáng ấy để tâm hồn mãi vui tươi. Bốn câu thơ mở đầu của bài Tiếng ru của Tố Hữu đã nêu lên một vấn đề xã hội, đó là tình yêu thương của con người với con người, có lòng yêu thương con người sẽ tồn tại và hạnh phúc.

Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người yêu người sống để yêu nhau.

Tố Hữu đã gửi gắm vào những vần thơ lời ca ngợi, lời khuyên nhủ mọi người hãy sống để yêu thương là cốt lõi của một tình cảm cao đẹp khác, bởi tình yêu thương làm cho con người sống ngày càng có ý nghĩa hơn. Bài thơ đúng là Tiếng ru của mẹ và mãi mãi lắng đọng trong tâm hồn mỗi chúng ta.

Video liên quan

Chủ Đề