Trình bày công lao của một nhân vật lịch sử thời phong kiến đối với dân tộc

GS.NGND Phan Huy Lê - Ảnh: V.V.TUÂN

“Tất cả các nền văn hóa từng tồn tại trên lãnh thổ VN đều là di sản của văn hóa VN, đều là bộ phận tạo thành của văn hóa VN"

GS Phan Huy Lê

GS Phan Huy Lê đã nêu những thành tựu nổi bật mới trong nghiên cứu suốt chiều dài lịch sử VN. Theo đó, bên cạnh văn hóa Đông Sơn thì việc nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Óc Eo đã đạt được nhiều thành tựu. Ba nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo tồn tại ở ba miền Bắc, Trung, Nam đều phát triển rực rỡ và bổ sung cho nhau.

Trong thời kỳ Bắc thuộc, đã có thêm những cơ sở để khẳng định cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan kéo dài gần tròn 10 năm [713-722] chứ không phải chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, bùng nổ và thất bại trong năm 722. Điều đặc biệt, cuộc khởi nghĩa không chỉ quy tụ nhân dân trong nước mà còn liên kết với nhiều quốc gia xung quanh như Chân Lạp, Chăm Pa...

Ghi nhận công lao nhà Nguyễn

GS Lê nhấn mạnh: “Một trong những công lao rất lớn của chúa Nguyễn và nhà Nguyễn là mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước, khai phá đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1757 chúa Nguyễn đã định hình được lãnh thổ VN mà về cơ bản gần giống như lãnh thổ VN hiện nay từ phía Bắc vào Cà Mau, từ Tây nguyên ra biển, bao gồm cả vùng biển, các đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Nhà Nguyễn có công rất lớn trong việc hình thành và định hình một nhà nước thống nhất và xác lập lãnh thổ - không gian sinh tồn của nước VN. Công lao nhà Nguyễn về phương diện này không thể chối cãi. Đã đến lúc cần nhìn rõ công, tội của nhà Nguyễn”.

Tuy nhiên, GS Lê cũng nhắc lại hai tội lớn của nhà Nguyễn là để mất nước vào tay quân Pháp và quá bảo thủ, từ chối tất cả các đề nghị canh tân đất nước của nhiều nhà trí thức tiến bộ.

“Nhìn nhận về lịch sử phải hết sức khách quan và cái gì khách quan của lịch sử mới tồn tại lâu dài được. Còn cái gì mà trong một tình thế thời sự nào đó ta phải tôn vinh hoặc hạ thấp thì nó chỉ tồn tại trong một điều kiện nhất định nào đó. Sử học đành rằng phải làm tròn trách nhiệm công dân nhưng sứ mạng cao cả nhất của sử học là làm thế nào để tạo nên được những trang sử bằng cứ liệu lịch sử khách quan, trung thực”.

Những khoảng trống lịch sử

Phần thứ hai của bài thuyết trình, GS Phan Huy Lê thẳng thắn chỉ ra nhiều khoảng trống lịch sử nguy hiểm trong tư duy, nhận thức về lịch sử VN hiện nay.

Ông cho rằng nhận thức về lịch sử VN hiện nay vẫn xuất phát từ truyền thống thời quân chủ, đó chủ yếu là lịch sử của các vương triều, của nhà vua, các triều thần, còn lịch sử nhân dân rất mờ nhạt. Lịch sử của các dân tộc thiểu số không được nhắc đến. Sử học hiện đại VN trong một thời gian dài cũng chỉ trình bày nặng về lịch sử người Việt.

“Vì vậy, trên cả nước thì chỉ có lịch sử miền Bắc là được trình bày có ngọn nguồn từ thời nguyên thủy đến thời Hùng Vương, An Dương Vương, thời Bắc thuộc đến thời phong kiến, cận đại, hiện đại. Còn lịch sử của Nam Trung bộ chỉ mới bắt đầu từ thế kỷ 16, lịch sử Nam bộ chỉ bắt đầu từ thế kỷ 17.

Trước đó lịch sử ở hai vùng đất này ra sao thì chúng ta bỏ trống. Đó là một khoảng trống lịch sử cực kỳ nguy hiểm. Vì từ khoảng trống này đã làm nảy sinh nhiều nhận thức tùy tiện, bất lợi cho chủ quyền lãnh thổ VN hiện nay.

Tôi nhớ mãi là sau năm 1975 khi chúng tôi vào miền Nam, nhiều trí thức trong đó đã nói rằng họ rất băn khoăn khi nhân dân hỏi thì không biết trả lời thế nào về lịch sử Nam bộ trước khi người Việt vào khai phá. Nếu lấy từ thế kỷ 17 người Việt vào khai phá Nam bộ thì người ta sẽ đặt câu hỏi ngược lại vậy lịch sử của Nam bộ, của Sài Gòn trước đó thế nào? Không lẽ từ trên trời rơi xuống? Rõ ràng đây là nhận thức phiến diện tạo thành một khoảng trống lịch sử.

Vì sao nước ta có 54 dân tộc mà chỉ có tôn vinh lịch sử của người Việt, gạt bỏ các dân tộc khác ra ngoài?” - ông Lê trăn trở.

Xác lập quan điểm lịch sử mới

Lời giải mà GS Phan Huy Lê đưa ra để san lấp các khoảng trống lịch sử đó là cần phải xác lập một quan điểm, nhận thức mới về lịch sử VN. “Một quan điểm tuy không được đưa vào các văn kiện của Liên Hiệp Quốc nhưng gần như tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới đều thừa nhận, đó là lịch sử của bất cứ một quốc gia dân tộc nào cũng đều xuất phát từ lãnh thổ hiện nay để viết sử.

Tất cả những gì diễn ra trên không gian địa lý, lãnh thổ đó đều thuộc về chủ quyền khai thác, bảo quản và nghiên cứu của chính quốc gia đang làm chủ đó, dù trước đó có những dân tộc đã từng có nhà nước riêng.

Tất cả các tầng lớp cư dân, cộng đồng, tộc người hay các vương quốc từng tồn tại trên các không gian lãnh thổ đó đều thuộc về lịch sử và văn hóa của nhà nước hiện nay đang quản lý lãnh thổ đó”.

GS Lê lấy ví dụ Trung Quốc trước đây cũng viết lịch sử đất nước chủ yếu là của người Hán, nhưng bước sang đầu thế kỷ 21 thì quan điểm đó đã thay đổi, bây giờ họ trình bày lịch sử của Trung Hoa bao gồm nhiều tộc người như người Hán, người Mãn Thanh, người Mông và cả các vương triều phi Hán như nhà Nguyên, nhà Thanh...

Nếu xác lập quan điểm lịch sử mới này, chúng ta sẽ tìm được giải pháp xuyên suốt cho vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vấn đề Nam bộ.

“Lãnh thổ VN hiện nay đã được nhiều tổ chức quốc tế công nhận - tức là một lãnh thổ hợp pháp, nên tất cả những gì diễn ra trên lãnh thổ này, kể cả đất liền, hải đảo và hải phận đều là một bộ phận của lịch sử và văn hóa VN.

Như vậy, lịch sử VN không chỉ là lịch sử của một bộ phận người Việt mà là lịch sử của tất cả các dân tộc nằm trong đại gia đình các dân tộc VN, trong đó bao gồm cả các dân tộc trước đây đã từng có nhà nước riêng như người Chăm, người Khmer... Tất cả các nền văn hóa từng tồn tại trên lãnh thổ VN đều là di sản của văn hóa VN, đều là bộ phận tạo thành của văn hóa VN” - GS Lê nêu quan điểm mới về nhận thức lịch sử VN.

Cũng từ nguyên tắc này, với cuộc kháng chiến chống Pháp thì cần nghiên cứu trình bày cả vùng chiếm đóng của Pháp, trong đó bao gồm cả Hà Nội thời kỳ Pháp chiếm đóng, cả quốc gia Việt Nam thời Bảo Đại.

Tương tự, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ [1954-1975] cũng cần nghiên cứu sâu hơn về những vùng tạm chiếm ở miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn, và cả lịch sử của VN cộng hòa. GS nói rõ hơn: “Trước đây ta vạch ra ranh giới của địch và ta và chỉ trình bày phía ta đã làm mất đi căn cứ pháp lý trọng yếu để khẳng định chủ quyền với lãnh thổ VN. Quan điểm lịch sử mới này vừa là thực tế lịch sử vừa là bộ phận có tính chất khách quan trung thực và là căn cứ pháp lý trọng yếu để khẳng định chủ quyền VN trên bộ, đặc biệt là trên biển, hải đảo”.

GS.TS sử học Nguyễn Quang Ngọc cũng cho rằng việc trình bày lịch sử ở từng khu vực trong lãnh thổ VN không nhất thiết cứ phải dựa trên mối quan hệ là sự đoàn kết mà có khi sự mâu thuẫn, đối lập, chiến tranh... trong từng giai đoạn lịch sử cũng là những mối quan hệ cần trình bày khách quan.

“Nói về VN mà lại không có các vương triều phía Nam thì không đảm bảo tính toàn vẹn. Không thể nói vấn đề các vương quốc phía Nam là vấn đề “nhạy cảm”, không nên nói. Vua Gia Long với sự cố gắng hết sức của mình đã đem lại sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta như hôm nay thì sao không đưa ông ấy vào lịch sử?” - GS Ngọc đặt câu hỏi.

PGS.TS Trần Đức Cường, nguyên viện trưởng Viện Sử học, còn trăn trở thêm là chúng ta chưa được đọc các công trình viết một cách kỹ lưỡng về nhiều vấn đề thời hiện đại như cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, hợp tác hóa nông nghiệp...

“Chúng tôi viết khách quan trung thực về những sự kiện lịch sử đã xảy ra nhưng xuyên suốt vẫn vì lợi ích của dân tộc, đất nước” - PGS.TS Trần Đức Cường khẳng định.

Nhìn vào lịch sử để nhận ra bài học bảo vệ đất nước

Ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương - chia sẻ những vấn đề mà các nhà sử học băn khoăn, trăn trở cũng là những vấn đề mà những người làm công tác tuyên giáo đang phải đối mặt và tìm cách giải quyết. Dù lịch sử có liên quan rất lớn với chính trị, nhưng các cơ quan lãnh đạo luôn nhìn vào lịch sử để nhận ra bài học về xây dựng, bảo vệ đất nước.

VŨ VIẾT TUÂN

Những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá đối với cách mạng Việt Nam

[ĐCSVN] - Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Năm nay kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thấm nhuần và khắc sâu những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta và để tăng thêm ý chí và sức mạnh, tiếp tục đưa đất nước ta phát triển như Bác hằng mong muốn.

Thứ nhất, Người ra đi tìm đường cứu nước và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Mỗi người chúng ta không thể nào quên giữa lúc dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, nhiều nhà yêu nước đương thời tiếp tục con đường cứu nước theo lối cũ đã không thành công thì ngày 05/6/1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành [tức là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này] ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới với khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho nhân dân, cho đất nước, Nguyễn Tất Thành đã bất chấp mọi nguy hiểm, gian khổ, đi qua nhiều nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã rút ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước thuộc địa. Người đã bắt gặp ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin để tìm ra con đường cứu nước.

Sau những năm tháng bôn ba, Nguyễn Ái Quốc đã xác định con đường cứu nước muốn thành công phải kết hợp phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân quốc tế. Ngày 03/02/1930, thay mặt Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị tại Hồng Kông để hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt, chương trình vắn tắt của Đảng cũng được thông qua tại hội nghị này. Ngày 03/02/1930 mãi mãi là mốc son trong lịch sử của dân tộc Việt Nam với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì thành lập. Từ mốc son ấy, cả dân tộc đoàn kết, bền lòng phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng lập nên những kỳ tích vang dội trong 90 năm qua đã chứng minh: Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. [Ảnh tư liệu TTXVN]

Thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc Cách mạng tháng Tám, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng với niềm tin của dân tộc và sự giao phó của lịch sử. Từ ngày 03/02/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng nước ta đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vang dội trong thế kỷ XX và gần hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Đó là thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945 lật đổ ách thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp và triều đình phong kiến, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần nay là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến 09 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, góp phần làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Thứ ba, ngày 02/9/1969, Bác Hồ đã vĩnh biệt chúng ta và để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc mang tầm tư tưởng và trí tuệ của thời đại. Thực hiện bản Di chúc bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, 50 năm qua cách mạng Việt Nam đã không ngừng tiến lên giành được nhiều thắng lợi vẻ vang.

Một là, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực hiện Di chúc của Người: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân cả nước triệu người như một, phát huy sức mạnh cao độ của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975 mà đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Sau khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Đảng ta đã tập trung trí tuệ lãnh đạo nhân dân ta tiến hành sự nghiệp cách mạng trên cả nước. Mặc dù tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều biến động phức tạp, vừa phải thường xuyên đối phó với những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động, vừa phải xây dựng đất nước từ một nền kinh tế lạc hậu, đi lên từ đống tro tàn đổ nát của chiến tranh, vừa phải thực hiện nghĩa vụ quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Giúp cho bạn cũng là giúp cho mình”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã phấn đấu gian khổ và thu được những kết quả hết sức quan trọng là khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh; thiết lập và củng cố chính quyền nhân dân trên phạm vi cả nước; phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, khoa học, y tế. Đồng thời tiến hành thắng lợi hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Hai là, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tiến hành thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đời sống của nhân dân ngày một nâng cao. Thực hiện Di chúc của Người, trải qua 9 kỳ Đại hội Đảng, kể từ Đại hội IV đến Đại hội XII, Đảng ta đã ngày càng xác định rõ hơn những quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, Đảng ta xác định: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng nền văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”. Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo tiến hành sau gần 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kinh tế kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành và phát triển. GDP tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa – xã hội có bước phát triển, bộ mặt đất nước và đời sống nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết dân tộc không ngừng được phát huy. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Ba là, thường xuyên tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường giáo dục nền tảng tư tưởng của Đảng. Để thực hiện những điều căn dặn về xây dựng Đảng của Bác viết trong Di chúc, Đảng ta đã xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt trong mỗi giai đoạn cách mạng. Đảng ta luôn xác định tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng nhằm tăng cường sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng đã đặt ra trong nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng. Các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đề ra những chủ trương và biện pháp quan trọng về xây dựng Đảng, củng cố, kiện toàn và làm trong sạch bộ máy nhà nước, đẩy mạnh công tác tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; khắc phục những yếu kém trong bộ máy các tổ chức Đảng và Nhà nước, trong đó hết sức chú trọng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng đã xác định là giặc “nội xâm”.

Có thể nói, chưa bao giờ cuộc đấu tranh trên lĩnh vực này được Đảng, Nhà nước tiến hành quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng như thời gian qua. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Cuộc đấu tranh này “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không ngừng nghỉ”. Dân chủ trong Đảng và trong xã hội được mở rộng góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển. Qua các cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng từ Trung ương đến cơ sở đã có những chuyển biến nhất định, sức mạnh và tính chiến đấu của nhiều tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên rõ rệt, góp phần xây dựng Đảng ta không ngừng vững mạnh và ngang tầm với nhiệm vụ. Cùng với kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn khẳng định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong Đảng và trong toàn xã hội để chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành tư tưởng chính trị chủ đạo trong đời sống đất nước.

Bốn là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Thực hiện Di chúc của Bác: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”, Đảng ta luôn chú ý đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ làm người kế tục sự nghiệp cách mạng của thế hệ cha anh. Các nghị quyết về công tác thanh niên, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ… đều đề cập nhiệm vụ giáo dục, chăm lo thế hệ trẻ, coi thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, công tác lãnh đạo đối với hoạt động của thanh niên và tuổi trẻ có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực. Các hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội sinh viên Việt Nam ngày càng lôi cuốn, thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia. Những tấm gương điển hình tiên tiến, xung kích đi đầu trong chiến đấu, lao động, học tập và công tác, nhất là trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế đã tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của thế hệ trẻ.

Trên cơ sở quán triệt: “Xây dựng Đoàn là xây dựng Đảng trước một bước”, các tổ chức cơ sở Đoàn đã phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên, sinh viên trong thi đua thực hiện các nghị quyết của Đảng, hưởng ứng và tích cực tham gia Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, hấp dấn, sôi nổi để góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Thông qua đó, tạo môi trường để thế hệ trẻ trải nghiệm, từ rèn luyện mình, từng bước trưởng thành, phấn đấu, bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Năm là, xây dựng tinh thần quốc tế vô sản chân chính, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nâng cao vị thế đất nước. Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, ngay từ khi ra đời đã giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa quốc tế vô sản, đề ra nhiệm vụ đoàn kết với giai cấp vô sản thế giới, với các dân tộc bị áp bức, coi đó là một nguyên tắc, một trong những nhân tố quyết định thành công của cách mạng Việt Nam. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng xác định củng cố sự đoàn kết với các phong trào cách mạng các nước, đồng thời nắm vững phương châm ngoại giao linh hoạt, có nguyên tắc trên tinh thần Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển; nhất quán coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, tiếp tục đoàn kết, ủng hộ các phong trào cách mạng, các xu hướng và trào lưu tiến bộ của thời đại vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; nêu cao nguyên tắc độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, phát huy sức mạnh dân tộc, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, trên cơ sở sức mạnh bên trong vừa tranh thủ và tận dụng sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của các lực lượng bên ngoài.

Thực thi đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 188/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 nước, đối tác toàn diện với 11 nước… Việt Nam cũng là thành viên của 63 tổ chức quốc tế và có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ trên thế gới. Việt Nam là thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế và khu vực, như: WTO, APEC, ASEAN, Phong trào không liên kết, Thành viên Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016; Tham gia và hoạt động tích cực với vai trò ngày càng được khẳng định tại các tổ chức của Liên hợp quốc, như được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021. Đồng thời năm 2020 Việt Nam cũng là Chủ tịch tổ chức ASEAN. Ngay trong thời điểm chống đại dịch COVID-19 này, Việt Nam đang phát huy trách nhiệm cao được Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và nhiều nước trên thế giới ca ngợi.

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người để tiếp tục thấm nhuần và tiếp tục vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Từ những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, chúng ta tin tưởng rằng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản vô giá của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, mãi mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ to lớn đối với các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam đạt được những kỳ tích vẻ vang hơn nữa để đưa dân tộc đi tới tương lai tươi sáng./.

TS. Bùi Thế Đức
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

  • “Tây Bắc - Vang mãi bản hòa ca”
  • VTV Công bố đề cử hạng mục Phóng sự thời sự và Diễn viên nữ ấn tượng
  • Thế hệ trẻ nắm bắt, tìm hiểu về những hi sinh của thế hệ cha, ông
  • Kinh phí lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch di tích sẽ được sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên
  • Góp phần quảng bá hình ảnh cây tre, đất nước, con người Việt Nam
  • Bình Định phát huy, khơi dậy nội lực phát triển từ “Học” và “Làm theo” Bác Hồ
  • Công bố 10 đề cử giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2022

Video liên quan

Chủ Đề