Tỉnh Đắk Nông có bao nhiêu đơn vị hành chính cấp huyện?

[CPP] Đơn vị hành chính Việt Nam hiện nay được chia thành 3 cấp [cấp Tỉnh, cấp Huyện và cấp Xã]. Danh sách các huyện thuộc cấp thứ 2. Hiện nay Tỉnh Đắk Nông có 8 đơn vị hành chính cấp Huyện, trong đó có 1 thành phố thuộc tỉnh và 7 huyện.

Danh sách các huyện của Đắk Nông

Danh sách các đơn vị cấp huyện ở Tỉnh Đắk Nông được phân theo nhóm [thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện], ở mỗi nhóm thứ tự được sắp xếp theo bảng chữ cái từ a-z.

Tỉnh Đắk Nông là một trong những địa phương trong cả nước có địa giới và các đơn vị hành chính có nhiều lần tách nhập, sáp nhập, thay đổi qua các thời kỳ lịch sử.

Vào những năm cuối thế kỷ XIX, vùng Đắk Nông là nơi xa xôi, hẻo lánh, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, sống theo cộng đồng, thị tộc, bộ lạc, trải trên một địa bàn rộng lớn. Ngay từ thời điểm đó, Đắk Nông đã được xác định là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế và có vị trí chiến lược về quân sự đối với cả khu vực. Vì vậy, các giáo sĩ phương Tây đã tổ chức khảo sát, vẽ bản đồ thổ nhưỡng và dân cư tại địa phương nhằm phục vụ cho việc truyền giáo, chinh phục và khai thác của thực dân Pháp. Sau khi xâm lược Việt Nam, Pháp nhanh chóng đưa quân đến vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng, thiết lập bộ máy cai trị của chính quyền thực dân. Pháp thành lập một số đồn điền ở vùng này để nghiên cứu và kiểm soát dân chúng, tập trung ở Đắk Mil, Đắk Song.

Ngày 22-10-1956, chính quyền Sài Gòn ban hành sắc lệnh chia lại địa giới miền Nam thành 22 tỉnh. Địa bàn tỉnh Đắk Nông ngày nay là một bộ phận thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng, ở khu vực thượng lưu sông Đồng Nai.

Ngày 23-01-1959, chính quyền Ngô Đình Diệm ra Sắc lệnh số 24-NV thành lập tỉnh Quảng Đức. Tỉnh Quảng Đức với diện tích là 5.797 km2, tỉnh lỵ đặt tại Gia Nghĩa, dân số lúc đó có khoảng 37.000 người, phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người M’nông.

Tháng 12-1960, Trung ương Đảng quyết định thành lập tỉnh Quảng Đức, dựa trên sự phân chia địa giới của chính quyền Sài Gòn. Khi mới thành lập, tỉnh Quảng Đức thuộc Liên tỉnh IV, do Liên khu V trực tiếp chỉ đạo.

Đến tháng 6-1961, Khu 6 được thành lập, tỉnh Quảng Đức thuộc sự chỉ đạo của Khu 6. Đến giữa năm 1961, khu VI được thành lập, tỉnh Quảng Đức thuộc về sự chỉ đạo của khu VI. Đầu năm 1962, tỉnh Quảng Đức giải thể; cắt huyện Khiêm Đức về tỉnh Lâm Đồng, thành lập Ban cán sự B7; huyện Đức Lập và Đức Xuyên nhập về Đắk Lắk; huyện Kiến Đức nhập về Phước Long. Tháng 10-1962, cắt huyện Khiêm Đức và xã Đăng Gia của huyện Đức Trọng thành lập huyện mới, mang mật danh E25, các huyện khác như cũ.

Năm 1963, tỉnh Quảng Đức được tái lập. Huyện E25 giải thể và trở lại mang tên Khiêm Đức như trước. Lúc này, tỉnh Quảng Đức thuộc sự chỉ đạo của khu X. Tháng 10 – 1963, giải thể khu X, cũng đồng thời giải thể tỉnh Quảng Đức, huyện Đức Lập, Đức Xuyên về lại tỉnh Đắk Lắk, Khiêm Đức về Lâm Đồng, Kiến Đức vẫn tiếp tục đặt dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Phước Long.

Đến đầu năm 1965, tỉnh Quảng Đức được tái lập. Năm 1966, khi Khu 10 được tái lập, quyết định giải thể tỉnh Quảng Đức và chia thành hai cơ quan: Tiền phương A và Tiền phương B. Năm 1967, do nhiệm vụ chiến trường đặt ra, hai cơ quan Tiền phương A và B hợp nhất thành tỉnh Quảng Đức.

Tháng 5-1971, giải thể tỉnh Quảng Đức, đồng thời giải thể luôn Khu 10; giao Khiêm Đức, Kiến Đức, Gia Nghĩa về Lâm Đồng dưới sự chỉ đạo của Khu 6; huyện Đức Xuyên nhập về Đức Lập thuộc tỉnh Đắk Lắk do Khu 5 chỉ đạo.

Tháng 4-1974, cắt Kiến Đức về Phước Long. Địa giới hành chính của các huyện theo cách tổ chức này kéo dài cho đến ngày giải phóng.

Tháng 5-1975, Trung ương Cục miền Nam quyết định tái lập lại tỉnh Quảng Đức, gồm các huyện Đức Lập, Khiêm Đức, Kiến Đức và thị trấn Gia Nghĩa. Đến tháng 11-1975, tỉnh Quảng Đức sáp nhập vào tỉnh Đắk Lắk. Huyện Khiêm Đức sáp nhập với huyện Kiến Đức thành huyện Khiêm Kiến Đức.

Ngày 15-01-1976, Ban Thường vụ huyện đã có cuộc họp để thống nhất các nhiệm vụ mới, trong đó có việc đổi tên huyện Khiêm Kiến Đức thành huyện Đắk Nông. Huyện Đắk Nông gồm 10 đơn vị hành chính cấp xã, huyện lỵ được đặt tại Gia Nghĩa. Tháng 6-1976 huyện Đức Lập đổi tên thành huyện Đắk Mil gồm 7 xã.

Ngày 22-02-1986, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 19/QĐ-HĐBT về thành lập huyện Đắk R'Lấp, trên cơ sở tách từ huyện Đắk Nông.

Ngày 09-11-1987, huyện Krông Nô được thành lập theo Quyết định số 212/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, trên cơ sở tách các xã Đức Xuyên, Quảng Phú của huyện Đắk Nông cùng với một số xã của huyện Đắk Mil và huyện Lắk.

Ngày 19-6-1990, huyện Cư Jút được thành lập theo Quyết định số 227/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, trên cơ sở tách 5 xã [Ea T’Linh, Tâm Thắng, Trúc Sơn, Ea Pô, Nam Dong] của thị xã Buôn Ma Thuột.

Ngày 21-6-2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2011/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Đắk Nông và huyện Đắk Mil để thành lập huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Lắk.

Ngày 26-11-2003, Quốc hội khóa XI đã ra Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia tách tỉnh Đắk Lắk thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Tỉnh Đắk Nông được thành lập. trên cơ sở tách 6 huyện phía nam của tỉnh Đắk Lắk [cũ], gồm: Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Nông, Đắk R’Lấp và Krông Nô.

Ngày 25-12-2003, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 876-QĐ/TW về việc thành lập Đảng bộ và chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời tỉnh Đắk Nông. Từ ngày 01- 01-2004, tỉnh Đắk Nông chính thức đi vào hoạt động.

Ngày 27-6-2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2005/NĐ-CP về việc  thành lập Thị xã Gia Nghĩa và đổi tên huyện Đắk Nông thành huyện Đắk G’Long.

Ngày 22-11- 2006, Chính phủ đã ra Nghị định số 142/2006/NĐ-CP về việc thành lập huyện Tuy Đức thuộc tỉnh Đắk Nông.

Trải qua quá trình thay đổi về địa giới hành chính, đến nay toàn tỉnh có 1 thành phố, 7 huyện, 71 đơn vị hành chính cấp xã [gồm 6 phường, 5 thị trấn và 60 xã].

Phạm Lục

 

Ngày 17/5/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 497-QĐ/TU về việc lấy ngày 20 tháng 12 năm 1960 làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Nông.

Từ ngày 01/01/2020 thị xã Gia Nghĩa lên thành phố Gia Nghĩa theo Nghị quyết số 835/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ Đề