Thơ trong khi lỗi thuộc về nhwungx vì sao

Skip to content

Tác giả: John Green. Dịch giả: Lê Hoàng Lan; Thể loại: Tiểu thuyết hiện đại, tình cảm, triết lý. Mức độ ưa thích: 10/10

“Sẽ đến một thời điểm mà tất cả chúng ta đều chết hết. Tất cả chúng ta. Sẽ đến một thời điểm mà không có người nào còn sống và nhớ xem ai đã từng hiện diện trên cõi đời này hay nhớ xem loài người chúng ta đã từng làm được những gì. Sẽ không ai còn sống để mà nhớ đến Aristotle hay Cleopatra, huống chi là nhớ đến bạn. Những gì chúng ta đã làm, gầy dựng nên, viết, suy nghĩ hay phát hiện được đều sẽ bị lãng quên và tất cả mọi thứ đều sẽ trở thành con số không tròn trĩnh. Có thể thời điểm đó sẽ đến sớm hoặc cũng có thể là hàng triệu năm nữa, nhưng cho dù chúng ta có may mắn sống sót qua ngày mặt trời giãy chết, chúng ta cũng sẽ không sống mãi được. Đã từng có thời kỳ con người thậm chí không có ý thức hệ như ngày nay. Và nếu cái việc không thể tránh khỏi như bị lãng quên khiến bạn lo lắng thì tôi khuyên bạn chân thành là hãy quên nó đi. Chúa biết rồi sẽ như vậy mà!”

Hazel Grace Lancaster là một bệnh nhi 16 tuổi bị ung thư tuyến giáp di căn vào phổi, suốt ngày phải đeo bình oxy để hỗ trợ thở, mê mẩn quyển sách có tựa “Nỗi đau tột cùng” của tác giả Peter Van Houten. Vì sự thúc ép của mẹ, cô bé tham gia sinh hoạt trong Hội Tương Trợ tại nhà thờ Tân giáo gần nhà và có một người bạn là Isaac 17 tuổi bị ung thư mắt. Ngày đẹp trời nọ [thật sự là một ngày đẹp trời chứ không phải vì những sự kiện xảy ra mà ta cho rằng nó đẹp trời], Isaac rủ theo Augustus Waters tham dự buổi sinh hoạt của Hội Tương Trợ, anh chàng này nhanh chóng phát hiện Hazel là một cô gái đặc biệt. Như tất cả những màn hấp dẫn lẫn nhau giữa nam và nữ đã diễn ra từ thời xa xưa, một tình cảm quen thuộc và mới mẻ đã nảy sinh giữa Hazel và Augustus, bắt đầu bằng việc chia sẻ niềm yêu thích trùng hợp nhau đối với cuốn “Nỗi đau tột cùng”.

“Khi lỗi thuộc về những vì sao” là quyển truyện tình cảm tâm lý của các bệnh nhân ung thư tuổi vị thành niên. Một câu chuyện quen thuộc nhưng kỳ lạ, được viết với giọng điệu xuất sắc. Suốt trong lúc đọc, Biển nhiều lần tự vấn bản thân có vô tình không khi bật cười bởi nhiều chi tiết lẽ ra phải khóc! Nhưng Biển nghĩ đó là dụng ý và là sự thành công của tác giả: xây dựng một câu chuyện tình trong bối cảnh bi thảm để càng làm nổi bật sự lạc quan của các nhân vật. Chỉ có một chi tiết mà Biển cho rằng hơi vô lý: những nhân vật 16, 17 tuổi trong truyện nói chuyện triết lý như những triết gia, “người bình thường” chưa chắc thông thái như vậy. Nhân vật chính là những bệnh nhi ung thư, tác giả cũng không cố tình tô hồng hay nói giảm nói tránh nên thỉnh thoảng truyện xuất hiện những nốt trầm khiến người đọc phải tạm dừng để cơn xúc động lắng xuống. Khi đọc lại lần thứ hai, phần kết truyện đã khiến Biển rơi lệ. Tuy vậy, các chi tiết hài hước xuyên suốt câu chuyện đã giúp bầu không khí trong sách đỡ nặng nề hơn, chẳng hạn như nhà thờ Tân giáo nơi diễn ra hoạt động của Hội Tương Trợ được xây bằng đá theo hình dạng thập tự, nơi sinh hoạt của nhóm là ngay chỗ trái tim Chúa, trong cuộc đối thoại đầu tiên với Augustus, cô bé Hazel đã lém lỉnh nói rằng “Ai đó nên mách lại với Chúa. Tôi muốn nói là thật nguy hiểm khi dung chứa một đám trẻ mắc bệnh ung thư ngay trong trái tim mình”.

Hoặc

“…có một hôm trong tiết khoa học hồi cấp hai, thầy Martinez hỏi xem ai trong lớp từng mơ được sống trên mây, và cả lớp đều giơ tay. Sau đó, thầy Martinez thủng thẳng bảo với bọn anh rằng ở độ cao trên đây gió thổi hơn một trăm năm mươi dặm một giờ, nhiệt độ là âm ba mươi độ, hoàn toàn không có oxy và khi ở trên mây tất cả chúng ta sẽ chết trong vòng vài giây”.

Chi tiết tự soạn điếu văn hoặc diễn tập đọc điếu văn cho tang lễ của chính mình nên được nhìn theo góc độ bi quan hay lạc quan? Dù đã đọc qua vài cuốn sách về ung thư, nhưng Biển chắc chắn nếu chính mình hoặc bản thân mình có bạn bè / người thân mắc căn bệnh ung thư, đó sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt và đau đớn. Dù đọc qua bao nhiêu lý thuyết, chuẩn bị tâm lý kỹ càng thế nào thì Biển cũng bi quan cho rằng đó tuyệt đối là một con đường đau khổ dẫn đến sự kết thúc, chỉ là con đường đó dài hay ngắn, tốc độ ta đi trên con đường đó nhanh hay chậm. Nhưng dù không bị bệnh ung thư thì con đường đời nào chẳng dẫn đến sự kết thúc, tùy thuộc cách chúng ta nhìn đích đến như thế nào.

Dù tình yêu thực chất chỉ là phản ứng hóa học của các hormone trong cơ thể nhưng khi đã tồn tại như con người thì hầu hết đều mong mỏi, đều khát cầu yêu và được yêu, đều mưu cầu hạnh phúc. Khi mối quan hệ yêu đương bị thử thách, bị ngăn cản bởi bệnh tật thì cảm giác tiếc nuối sẽ day dứt trong thời gian dài hoặc đến khi sinh mệnh chấm dứt. Không chỉ bản thân người bệnh phải nỗ lực chiến đấu chống lại bệnh tật, nỗ lực vật lộn với cảm xúc của mình, mà những người thân xung quanh cũng luôn phải trăn trở để cuộc sống trở nên “ổn”, trở nên có thể chịu đựng nổi. Khi nào con người còn tồn tại thì những nỗi phiền muộn vẫn sẽ phát sinh, vẫn còn những căn bệnh nan y không chữa được, nên để có thể tạm yên ổn vượt qua kiếp người thì Biển nghĩ một trong những cách khả thi nhất là cố gắng giữ tâm bình lặng và học cách buông bỏ.

Sau khi đọc cuốn sách này, Biển ưa thích thêm văn phong của tác giả John Green, tuy hoàn toàn là văn xuôi nhưng không hiểu sao Biển có cảm giác như đọc một tập thơ hoặc đang lắng nghe một bản nhạc tươi mới, lãng mạn và tinh tế. Bìa sách của phiên bản tiếng Việt dường như được giữ nguyên giống bìa nguyên tác, có lẽ Biển không cảm được phong cách của nó nên thấy hơi loạn, tuy vậy tựa sách và tên tác giả vẫn dễ đọc. Phần dịch thuật tốt, đọc mượt và dễ hiểu. Sách hơi dày nhưng nhịp truyện không chậm và nội dung không lê thê nên không mất hứng thú khi đọc. “Khi lỗi thuộc về những vì sao” là một quyển sách hay tuyệt, thích hợp cho độc giả trong lứa tuổi từ 12~65, nên mua, đáng đọc.

[Sea, 29-9-2019]

Nguồn FB: Cáo Biển Non Xanh

“Khi lỗi thuộc về những vì sao”, thì tình yêu thương là điều đúng đắn duy nhất còn lại trên thế giới, mọi thứ trên đời toàn bộ chỉ còn là tội lỗi, là bất công, là trái ngang khi hai kẻ yêu nhau không thể sống bên nhau trọn đời, trọn kiếp.

Nhưng dẫu cho người đọc có rơi bao nhiêu nước mắt, có lắng bao nhiêu trầm buồn. Thì cả hai nhân vật chính của câu chuyện, sau tất cả những giọt nước mắt, sau tất cả những tuyệt vọng vùng vẫy trong căn bệnh ung thư dày vò, vẫn rực lên một khát vọng sống, khát vọng yêu và được yêu thương dẫu cho đó là lần sau cuối. Vì Augustus – nam chính vẫn còn tin cuộc đời này có tồn tại một thứ gọi là kiếp sau.

“Khi lỗi thuộc về những vì sao”, không đơn giản chỉ là một câu chuyện tình, ẩn chứa sâu bên trong thứ tình cảm lấy nước mắt của độc giả, còn là những lý tưởng sống, những khát khao cống hiến rất trẻ và rất khỏe của những bệnh nhân ung thư.

Dường như, điều họ sợ không phải là cái chết. Không phải là cảnh thịt da tan vào đất và những khớp xương dần mục ruỗng dưới sự tấn công của dòi bọ. Cái họ sợ, là sự lãng quên. Là sự ra đi khi chưa kịp để lại dấu ấn nào trên cuộc đời. Giống như khi Augustus thấy cơ thể mình bỗng rực sáng chẳng khác nào một cây thông Noel – hình ảnh những tế bào ung thư đang di căn vào từng khớp xương một, thông qua tấm phim chụp X-quang. Anh không lo lắng về việc rồi mình sẽ chết như thế nào, vì sự chờ chết vốn đáng sợ hơn cái chết gấp trăm, gấp ngàn lần. Và anh, hay người yêu anh – Hazel vốn đã sống trong nỗi sợ ấy kể từ khi có những nhận thức rõ ràng về thế giới chung quanh rồi. Anh chỉ lo lắng về tình yêu của đời mình, để rồi dành điều ước quý giá nhất của mình cho cả hai người, cho một tình yêu.

Những giọt sâm banh là thứ người ta tạo nên bằng cách hái toàn bộ những vì sao trên bầu trời rồi đóng vào chai, Augustus và Hazel trong một buổi tối Amsterdam đầy lãng mạn, mặc kệ những cơn đau dày vò trong thể xác và tâm khảm, đã nhấp chén sao trời và để lại một tình yêu bất diệt trong cuộc đời.

‘Thế giới không phải công xưởng sản xuất điều ước”, và tất nhiên, chúng ta chỉ có một lần để sống trong đời, ít nhất là trong kiếp này. Chính vì thế cho nên, lãng phí nó là là một điều tội lỗi. ít nhất hãy sống một cuộc đời trọn vẹn, dù cho Đấng Tạo Hóa có trao cho ta những thứ quà tặng nặng gánh – một căn bệnh ung thư chẳng hạn.

ít nhất, hãy kiên cường. Kiên cường như Augustus, viết điếu văn cho chính bản thân mình với một khiếu hài hước ấn tượng và không phù hợp khi xuất hiện trong tâm trí của người sắp phải lìa đời. Dĩ nhiên, khi cuốn tiểu thuyết khép lại, anh rồi sẽ sống mãi trong tâm trí nhiều người dưới một phép ẩn dụ cho sự khát sống và khát yêu, dưới hình ảnh của một chàng trai, điếu-thuốc-không-bao-giờ-được-châm ngậm hờ nơi khóe miệng.

Kiên cường như Hazel, khi truy tìm kết thúc của một cuốn tiểu thuyết, dù cho cuộc sống hằng ngày của em đều phải phụ thuộc vào 1, hoặc 2 cái bình oxy nào đó, nhưng ít nhất, em vẫn có một mục đích để phấn đấu, để hoàn thành trước khi chết, và khi chàng trai thân yêu của em đã lìa đời, em vẫn kiên cường, sống tiếp. Giữa những lời điếu văn sáo rỗng hay những lời tiễn biệt thừa bi thương mà thiếu đi sự thấu hiểu, những giọt nước mắt nào mới là nỗi đau thật sự? Những giọt nước mắt nào có tác dụng xoa dịu những vết thương? Hazel còn kiên cường hơn cả khi em luôn sợ hãi bản thân mình sau khi chết đi, sẽ để lại trong lòng cha mẹ những vết sẹo xấu xí.

“Khi lỗi thuộc về những vì sao”, thì không ai là người có lỗi, và tất nhiên, không có gì phải đáng buồn nữa. “Khi lỗi thuộc về những vì sao” chúng ta có thể sống một cách vô ưu, vô tư lự. “Khi lỗi thuộc về những vì sao”, Augustus không cần phải lo lắng nhiều thêm nữa về nỗi sợ bị lãng quên, vì như Hazel đã nói:

“Sẽ đến một thời điểm mà tất cả chúng ta đều chết hết… không còn người nào sống và nhớ xem ai đã từng hiện diện trên cõi đời này hay nhớ xem loài người chúng ta đã từng làm được những gì. Sẽ không còn ai sống để mà nhớ đến Aristotle hay Cleopatra, huống chi là nhớ đến bạn… Và nếu cái việc không thể tránh khỏi như bị lãng quên khiến bạn lo lắng thì tôi khuyên bạn chân thành là hãy quên nó đi”.

Đúng vậy, hãy quên nó đi, quên tất cả những nỗi sợ hãi, tất cả những lo lắng muộn phiền cản trở việc bạn sống theo đúng con người mình. Trở về với bản chất thực và quên đi những giá trị người khác phủ lên con người bạn. Nỗi sợ bị lãng quên, rồi sẽ bị lãng quên.

Cuối cùng, đừng chỉ đọc cuốn tiểu thuyết này như một cuốn truyện ngôn tình, dẫu rằng nó có chứa một chuyện tình yêu đẹp, “Khi lỗi thuộc về những vì sao” là tập hợp của rất nhiều những phép ẩn dụ giúp chúng ta có thể liên tưởng và suy ngẫm đến cuộc đời mình, về cuộc sống, về cái chết, về khát vọng, về lý tưởng và dĩ nhiên là về tình yêu thương.

Mình vừa đọc xong nhũng trang cuối cùng của “KHI LỖI LẦM THUỘC VỀ NHỮNG VÌ SAO”, phải nói sao nhỉ?!! Mình chìm đắm trong chúng, chìm đắm trong những khung cảnh đời thường, những câu chuyện quá đổi đơn giản với chúng ta, nhưng lại là ước mơ của các nhân vật trong đây. Bởi lẽ, mỗi đứa trẻ ở đây đều mang trong mình căn bệnh quái ác… và cầm trong tay tấm vé của thần chết.

Nhưng, đây lại không phải là một câu chuyện buồn bi thương, hay một cuộc phân tích về căn bệnh ung thư. Mà nó đem đến cho mình một góc nhìn mới, một góc nhìn quá mạnh mẽ, hài hước và đầy yêu thương… của những đứa-trẻ-mắc-bệnh-ung-thư.

Mọi người sẽ thấy được tình yêu của gia đình đầy sự hy sinh, tình yêu tuổi mới lớn trong sáng nhưng không hề kém sâu đậm, thấy được sự mạnh mẽ đáng học tập tại đây. Và cũng phần nào hiểu được nỗi đau của họ khi nhận những lời động viên từ mọi người.

Hãy trân trọng cuộc sống của bản thân mình nhé. Bởi mình hạnh phúc hơn rất nhiều người khi mình khoẻ mạnh. Cám ơn mn đã xem ạ!

Review của độc giả

Đặng Trần Minh Trang: Mình xem phim r mới mua truyện. Lúc xem phim mình đã khóc rất nhiều. Giờ đọc truyện mới thấy truyện nó hay và chân thực đến cỡ nào, mình khóc vì nghị lực phi thường của 2 nhân vật, vì tình yêu đẹp, giản dị mà buồn sâu sắc đó. Mình cực kì thích mật mã OK của họ, không cầu kì khoa trương nhưng lại rất sâu sắc.

Nguyễn Hoàng Châu: Mình cực kì thích quyển này. Ngôn từ của nó ít bóng bẩy, cốt truyện rất thực tế và lột tả được rõ nỗi đau của những người bị ung thư, trái ngược với 1 số câu chuyện hay thước phim về bệnh nhân ung thư trên tivi được tô vẽ hay thi vị hoá lên mà mình đọc được. Nó khiến mình thấy đồng cảm với những số phận kém may mắn này hơn. Điểm đặc biệt nhất của câu chuyện là giọng văn của tác giả, cũng chính là của nhân vật chính, đôi khi dửng dưng thờ ơ nhưng vẫn tràn đầy yêu thương, cảm xúc

Thành Đạt: Tác phẩm đem lại cho mình những trải nghiệm đặc biệt về thái độ và tư tưởng của các bạn trẻ đang phải đương đầu với căn bệnh. Những thái độ tuyệt vời chính là nguồn cảm hứng của cuốn truyện ảnh hưởng tích cực nhất đến mình. Và là một tác phẩm nên đọc nữa. Cảm ơn!

Võ Thị Trang: cuốn sách hay, ý nghĩa đáng để đọc ,nội dung Sâu sắc, táo bạo, ngang tàng, và thô ráp, Khi lỗi thuộc về những vì sao là tác phẩm thương tâm và tham vọng nhất của John Green, tác giả của những giải thưởng, nhưng đồng thời lại khám phá một cách khéo léo nét hài hước, li kỳ, và bi thảm của việc sống và việc yêu.

Dương Thị Ngọc Huyền: Mình không rõ là do mình đang trong 1 tình trạng dễ tổn thương hay chính câu chuyện này đã tác dộng tới mình, nhưng mình đã khóc mỗi khi suy nghĩ tới quyển sách này. Cái kết dù là khá buồn nhưng chính vì vậy quyển sách này mới gây 1 ấn tượng mạnh cho chính người đọc, mình có 1 cách nhìn khác hơn về căn bệnh ung thư, và mình cũng đã tự đặt câu hỏi rằng nếu 1 ngày nào đó mình hay những người mình yêu bị ung thư thì mình phải làm sao. Thật tế là trước giờ mình chưa bao giờ hỏi bản thân như vậy, nhưng bây giờ mình đã và đang ngày ngày hỏi bản thân như thế, không phải là tiêu cực, mà nó khiến mình trân trọng từng khoảnh khắc trên đời nhiều hơn. Mình không thể diễn tả được hết cảm xúc của mình khi đọc nó, nên nếu được mong các bạn hãy tìm mau em nó và tận hưởng. Các bạn sẽ có chính xác câu trả lời cho câu hỏi “Liệu cuốn sách này có đáng đọc hay không?” Have a good day!

Nguyễn Ngọc Minh: Sách đọc hay dã man, tuy đôi lúc có vẻ văn phong của tác giả như đang lơ lửng trên không, nhưng với mình, mình rất thích thú bởi sự hóm hỉnh của những phép ẩn dụ bay bổng mà các nhân vật thể hiện. Mặt khác, sự ẩn dụ còn thể hiện rất kì công nỗi đau của nhân vật, thứ mà không phải tác phẩm nào cũng có thể đâu a !

Hầu Hải Yến: Có lẽ đây là cuốn tiểu thuyết duy nhất mình không highlight bất cứ dòng nào khi đọc [mà hình như lần nào đọc tiểu thuyết hay truyện, mình cũng ít highlight. Không biết tại sao?]. Mình sẽ phải đọc thêm lần nữa để thấm, bởi có quá nhiều câu từ mình chưa thể hiểu hết được. Ngọt ngào có, sâu lắng có, đau đớn cũng có, và bất ngờ. Mình đã cố gắng để dự đoán những tình tiết xảy ra sau nhưng không được. Là cuốn tiểu thuyết nhẹ nhàng, tình cảm, đầy chất nhân văn.

Mai Thị Minh Hiếu: Vừa đọc một lèo 200 trang nên viết nhận xét ngay. Sách thể hiện tinh thần lạc quan, hóm hỉnh của những cô cậu bé mắc bệnh hiểm nghèo, đọc nhưng sợ rất sợ cái kết, hy vọng không làm mình khóc, hy vọng thật nhiều bạn trẻ khi lạc lối, khi buồn đau nên đọc để thấy mình may mắn biết là bao nhiêu. Giờ mình sẽ đọc tiếp 150 trang còn lại, bạn nào tò mò vê kết sách như mình thì mua về đọc đi nhen.

Đọc xong cũng lâu rồi, ngại viết. Điểm trừ là dịch thuật không hay, cứ lủng củng thế nào. Nên khi đọc dễ bị mất hứng nhiều chỗ quá. Mình thích cách Hazel Grace nghĩ rằng trầm cảm là tác dụng phụ của việc chờ chết, thích cách Augustus Waters yêu Hazel Grace thế nào. Thế là mình cũng thích Gus quá luôn. Trong sách còn có “Nỗi đau tột cùng”, Peter Van Houten, cứ nghĩ là có thật í. Có một câu khiến mình nhớ mãi luôn, “Thế giới không phải là máy sản xuất điều ước” [không biết viết có đúng không nữa]. Gus vì mong muốn Hazel được đi Amsterdam để gặp Van Houten nên đã dùng điều ước của mình. Cảm động nhất vẫn là đoạn cuối, khi Gus nói rằng mình yêu Hazel thế nào, may mắn thế nào khi gặp và được yêu Hazel. Cá nhân mình đọc không đến nổi khóc, chỉ xúc động tí thôi. Dù sao đây là một cuốn sách hay, nên đọc.

Review này hoàn toàn là đống cảm xúc của mình sau khi đọc truyện.

Họ, những con người mạnh mẽ nhất mà tôi, may mắn rằng bản thân đã đọc. Họ không phải anh hùng hay triết gia vĩ đại nhưng đã cho tôi về thứ gọi là sự thật.

Tôi như tan trong suy nghĩ của Hazel về cuộc đời; cái cuộc đời chưa từng màu hồng với cô, đến khi gặp ánh sáng lạ lùng, “hấp dẫn chết người” là anh, Augustus. Cái tên Gus, tôi sẽ không gọi anh như vậy, nó chỉ dành cho những con người trong thế giới của riêng anh. Họ cho nhau hấp dẫn, đấu tranh để không làm tổn thương nhau hay chính bản thân phải đau khổ. Tôi cho là họ đã RẤT thành công! Họ trao cho nhau một hạnh phúc trọn vẹn. Tôi ngưỡng mộ điều đó.

Augustus nắm tay Hazel, cũng là khi anh đã chấp nhận cái chết hiển nhiên không một phép màu: “Thế giới này thật đẹp…”. Người ta có thể bi quan vì rất nhiều thứ vớ vẩn đến tệ lậu, chửi đời chửi người trong bực tức không tên; Mà anh, anh lọc ra được sắc trắng từ đống hỗn độn. Tôi đã thấy xấu hổ khi nhìn vào chính mình. Tôi đã từng cho rằng việc cố gắng chiến đấu không có gì đáng để được xưng như “anh hùng”, nhất là với bệnh tật, nhất là khi ta đã tuyệt vọng. Vậy thì sống chẳng phải quá đau khổ? Sống vì một ai đó đối với tôi là điều mệt mỏi nhất. Nhưng những con người trong câu chuyện này, họ sống vì bản thân họ trước, rồi đến người họ yêu thương. Cái chết trở thành đích ngắm gần gũi mà rõ ràng sáng tỏ như vậy, họ vẫn mỉm cười dù đâu đó trong thâm tâm họ cũng sợ chứ! Cái chết chưa bao giờ là điều tốt đẹp, nhưng họ biến nó thành động lực để sống đẹp đến phút giây cuối cùng.

Đề cử mãnh liệt cho các bạn đọc đang chênh vênh cảm xúc, thù ghét thế giới này

Video liên quan

Chủ Đề