Tại sao bị dính ruột sau mổ?

Dính trong ổ bụng là dính ruột vào thành bụng, dính các tạng với nhau do các mô sẹo hình thành giữa các tạng và gây dính. Dính có thể xảy ra bên trong ruột, bên trong tử cung, hoặc giữa các bề mặt của các tạng và phúc mạc. Dính tiềm ẩn mối nguy hiểm cận kề do làm nghẽn đường đi của thức ăn, nghẽn tắc mạch máu, gây đau bụng, đầy hơi, táo bón, bí tiểu, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, hoại tử ruột.

Ai dễ bị dính trong ổ bụng?

Những người dễ bị dính trong bụng là: bệnh nhân sau phẫu thuật vùng bụng như mổ ruột thừa, túi mật, cắt nối ruột, mổ cấp cứu thai ngoài tử cung, mổ đẻ, mổ sỏi thận... Các thủ thuật nạo, hút thai có thể dẫn đến dính trong tử cung. Bệnh nhân bị viêm nhiễm trong ổ bụng như: viêm ruột thừa, viêm ruột non, ruột già, viêm tử cung, buồng trứng, viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang... đều có thể bị dính. Trong bệnh Crohn, nhiễm khuẩn có thể dẫn đến áp-xe trong hoặc xung quanh thành ruột, đặc biệt là quanh trực tràng và hậu môn. Điều trị áp-xe, bệnh lao ruột, nhiễm khuẩn vết mổ có thể dẫn đến dính ruột. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: lậu, giang mai, nhiễm Chlamydia... có thể dẫn đến dính trong tử cung, ống dẫn trứng và xung quanh buồng trứng gây đau vùng chậu mạn tính, kinh nguyệt không đều, vô sinh hoặc thai ngoài tử cung. Vi khuẩn có thể đi đến gan và gây ra tổn thương “dính chuỗi violin” giữa gan và cơ hoành. Những người bị các bệnh: chảy máu trong ổ bụng do thủng ruột, lạc nội mạc tử cung; ung thư trong ổ bụng hoặc vùng chậu; dừng xạ trị hoặc hóa trị ung thư bụng hoặc vùng chậu; dị vật như một miếng gạc hoặc một phần của thiết bị phẫu thuật vẫn còn trong ổ bụng sau khi phẫu thuật; dính bẩm sinh.

Tại sao bị dính ruột sau mổ?

Dính bên ngoài ruột và tử cung với nhau.

Làm sao biết bị dính trong bụng?

Ở một người có các trường hợp dễ dính nói trên, khi bị dính sẽ xảy ra các triệu chứng phụ thuộc vào vị trí kết dính và các biến chứng, thường gặp là: đau bụng cấp tính hoặc mạn tính, thỉnh thoảng hoặc thường xuyên, co thắt hoặc kéo, dính trên gan có thể gây ra đau khi hít sâu, dính ruột có thể gây đau khi duỗi người hoặc với lấy một món đồ trên cao, đau do kéo căng hoặc do tắc ruột. Đau vùng chậu cấp tính hoặc mạn tính, nếu dính gần âm đạo có thể gây đau khi giao hợp. Đau do co kéo dây thần kinh của tạng bị lạc chỗ. Bệnh nhân thấy chán ăn và buồn nôn là phổ biến. Đôi khi, bị nôn ói đi kèm sau khi đau và giảm đau sau khi nôn. Các rối loạn liên quan dính gồm: đau bụng hoặc vùng chậu mạn tính; vô sinh; trào ngược dạ dày - thực quản; thường xuyên đi tiểu hoặc ngược lại bị bí tiểu; đau ruột do nhu động; đau khi đi bộ, ngồi hoặc nằm ở những tư thế nhất định; thiếu máu và thiếu dinh dưỡng do cho ăn uống thiếu chất hoặc chán ăn; giảm chất lượng cuộc sống; bệnh nhân bị trầm cảm, có ý định tự tử.

Siêu âm và chụp Xquang có chuẩn bị (uống barium) có thể phát hiện dính ở ruột non và thụt tháo barium, phát hiện dính ở đại tràng. Chụp cắt lớp vi tính đôi khi cho thấy dính bên ngoài ruột. Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể cho thấy dính bên trong và bên ngoài ruột, tử cung. Nội soi ổ bụng thường có thể cho thấy dính bên ngoài ruột. Nội soi tử cung có thể phát hiện dính tử cung và chụp tử cung vòi trứng có cản quang (hysterosalpingography) có thể phát hiện dính trong tử cung và ống dẫn trứng.

Các biến chứng do dính

Trên bệnh nhân bị dính trong ổ bụng, dính ruột nếu không được phát hiện và điều trị sẽ xảy ra các biến chứng như sau:

Tắc ruột do mô xơ có thể gây tắc trong lòng ruột hoặc kéo quai ruột làm nghẽn đường đi của thức ăn. Vì tắc nghẽn có thể gây chán ăn, khô da và miệng, khát nước, ít đi tiểu do mất nước, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, táo bón, bí trung tiện, trướng bụng do hỗn hợp thức ăn và dịch, khí trong ruột và sốt do viêm đường ruột.

Hoại tử: dính có thể gây xoắn ruột dọc theo trục của nó làm tắc nghẽn mạch máu cung cấp máu và thậm chí hoại tử của phần ruột. Khi bị hoại tử, bệnh nhân có các triệu chứng: cơn đau bụng quặn dữ dội trên nền đau âm ỉ, sôi ruột, buồn nôn, ói mửa và chảy máu trực tràng.

Dính âm đạo và môi bé ở nữ giới: viêm âm đạo do vi khuẩn, phát ban do kích thích bởi quần áo có thể gây ra dính âm đạo hoặc môi bé ở phụ nữ.

Vô sinh do dính trong tử cung hoặc ống dẫn trứng.

Thai ngoài tử cung do dính trong ống dẫn trứng.

Phòng tránh dính cách nào?

Các bệnh là nguyên nhân gây dính kể trên có thể được phòng ngừa bằng các biện pháp như sau: bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để thực hiện các kỹ thuật phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, như nội soi ổ bụng thay vì phẫu thuật mở; khi phẫu thuật bác sĩ hạn chế cầm nắm các mô; sử dụng chỉ khâu không gây dị ứng; tránh dùng găng tay chứa tinh bột hoặc bột talc khi mổ; ngăn ngừa sự khô bề mặt tạng bằng cách sử dụng gạc ướt...; gắn các miếng chống dính (làm bằng cellulose được ôxy hóa) để tách rời các tạng trong và sau khi phẫu thuật, nhằm ngăn ngừa sự hình thành dây dính. Miếng chống dính này che trên bề mặt của các tạng trong 5 - 7 ngày giúp ngăn ngừa sự hình thành dây dính, sau đó nó sẽ tự hủy trong cơ thể trong vòng 7 - 14 ngày. Tiêm steroid trong ổ bụng để ngăn ngừa viêm. Tránh lặp lại phẫu thuật gỡ dính, vì mỗi lần phẫu thuật làm tăng nguy cơ gây dính mới.