Phân tích nội dung cương lĩnh dân tộc của lênin

Your browser is no longer supported. Update it to get the best YouTube experience and our latest features. Learn more

Remind me later

Cộng đồng dân tộc với tính cách là quốc gia dân tộc xuất hiện khi xã hội có sự phân chia giai cấp. Mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp trở thành một trong những mối quan hệ chính trị cơ bản trong xã hội và tác động, chi phối đến nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Dựa trên quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp; phân tích hai xu hướng khách quan trong phong trào dân tộc dưới chủ nghĩa tư bản; dựa vào kinh nghiệm của phong trào cách mạng thế giới, thực tiễn cách mạng nước Nga trong việc giải quyết vấn đề dân tộc, khôi phục và thống nhất các lực lượng cách mạng ở nước Nga những năm đầu thế kỷ XX, V.I.Lênin đã xây dựng “Cương lĩnh dân tộc”. Đây là cơ sở lý luận cho việc thực hiện các chủ trương, sách lược cách mạng của giai cấp công nhân đối với các vấn đề dân tộc trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nội dung cơ bản của “Cương lĩnh dân tộc” thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

Một là, các dân tộc hoàn toàn bình đẳng

Quyền bình đẳng dân tộc là quyền của tất cả các dân tộc được hưởng những điều kiện và những khả năng như nhau đối với việc tự do phát triển các năng lực và thỏa mãn các nhu cầu của mình, có địa vị như nhau đối với tất cả các dân tộc. Theo V.I.Lênin, bình đẳng dân tộc về thực chất là xóa bỏ tình trạng người bóc lột người để từ đó xóa bỏ tình trạng dân tộc này có đặc quyền, đặc lợi so với dân tộc khác, dân tộc này đi áp bức dân tộc khác. Chính vì thế mà V.I.Lênin đã xem bình đẳng dân tộc là một nguyên tắc quan trọng và việc giải quyết nó là một bộ phận không thể thiếu trong cương lĩnh cách mạng nhằm thực hiện bình đẳng xã hội.

Quyền bình đẳng giữa các dân tộc bao gồm tất cả các lĩnh vực trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Đây là cơ sở pháp lý chung giải quyết các quan hệ dân tộc trên thế giới, trong khu vực hay trong một quốc gia. Điều đó được công pháp quốc tế và pháp luật quốc gia ghi nhận. Bình đẳng giữa các dân tộc cũng chính là kết quả đấu tranh của nhân dân lao động các nước trên thế giới.

Bình đẳng dân tộc phải được thể hiện trong nội dung kinh tế hay bình đẳng về kinh tế. Ở phương diện này, bình đẳng dân tộc phụ thuộc vào sự đồng đều về trình độ phát triển kinh tế của các dân tộc, cốt lõi là sự phát triển đồng đều về lực lượng sản xuất. Theo V.I.Lênin, lợi ích kinh tế gắn liền với lợi ích giai cấp, dân tộc, quốc gia. Bất cứ sự áp đặt nào trong hợp tác, giao lưu liên kết, bất kỳ đặc quyền kinh tế nào giành riêng cho các dân tộc, tộc người đều dẫn đến việc vi phạm lợi ích của các dân tộc, dẫn đến sự bất bình đẳng dân tộc.

Bình đẳng chính trị cũng là quyền của các dân tộc, tộc người. Bình đẳng về chính trị đóng vai trò là tiền đề, là điều kiện tiên quyết và là cơ sở để thực hiện quyền bình đẳng trên các lĩnh vực khác trong quan hệ giữa các dân tộc. Đối với các dân tộc bị áp bức, bị lệ thuộc, đấu tranh giành quyền bình đẳng về dân tộc, chính là điều kiện để có bình đẳng trên các phương diện khác của đời sống xã hội. Mọi biểu hiện của tư tưởng dân tộc cực đoan, sô vanh nước lớn, sự kỳ thị, phân biệt, đối xử giữa các dân tộc – tộc người; mọi biểu hiện nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, dân tộc đều vi phạm quyền bình đẳng chính trị của các quốc qia, dân tộc. Như vậy, bình đẳng về chính trị là quyền của mỗi dân tộc tự quyết định vận mệnh của dân tộc mình, bao gồm: quyền lựa chọn chế độ, con đường phát triển của dân tộc mình, quyền quyết định chính sách dân tộc mình trong lĩnh vực quan hệ với các dân tộc khác.

Bình đẳng trên lĩnh vực văn hóa có tầm quan trọng đặc biệt và liên quan đến nhiều yếu tố dân tộc – tộc người. Chính trên lĩnh vực văn hóa, các yếu tố tộc người – những yếu tố mà nhờ đó phân biệt được dân tộc này với dân tộc khác – được biểu hiện đầy đủ nhất. Văn hóa của mỗi dân tộc tạo nên sức sống bền vững của mỗi dân tộc. Trong quan hệ dân tộc, văn hóa là một nhân tố có ý nghĩa quyết định địa vị bình đẳng của một dân tộc này với dân tộc khác. V.I.Lênin khẳng định “Đối với những người mác xít, vấn đề khẩu hiệu “văn hóa dân tộc” có một ý nghĩa to lớn, chẳng những vì nó xác định nội dung tư tưởng của toàn bộ công tác tuyên truyền và cổ động của chúng ta về vấn đề dân tộc, là công tác khác với công tác tuyên truyền tư sản, mà còn vì toàn bộ cái cương lĩnh về tự trị dân tộc về văn hóa trứ danh đều dựa trên khẩu hiệu đó”1. Vấn đề bình đẳng trong văn hóa phải luôn luôn gắn liền với bình đẳng về kinh tế, chính trị.

Hai là, các dân tộc có quyền tự quyết

Quyền dân tộc tự quyết là quyền của các dân tộc tự mình định đoạt công việc và vận mệnh của mình. Quyền dân tộc tự quyết có thể biểu hiện ở những mức độ khác nhau, từ tự trị nội bộ đến tách ra thành các quốc gia dân tộc độc lập. Theo V.I. Lênin: “Quyền dân tộc tự quyết hoàn toàn chỉ có nghĩa là các dân tộc có quyền độc lập chính trị, có quyền tự do phân lập, về mặt chính trị khỏi dân tộc áp bức họ”2. Tuy nhiên, các dân tộc có quyền tự quyết không phải là các dân tộc tách ra mà chính là để các dân tộc xích lại với nhau trong quốc gia xã hội chủ nghĩa. Sức mạnh của khẩu hiệu đó là ở chỗ, nó gạt bỏ tất cả mọi sự nghi ngờ về mưu đồ xâm lăng của dân tộc này đối với dân tộc khác và nhằm chuẩn bị cho các dân tộc tiến đến sự liên minh tự nguyện vào một quốc gia xã hội chủ nghĩa bao gồm nhiều dân tộc. “Chủ nghĩa xã hội có mục đích không những xóa bỏ tình trạng nhân loại bị chia thành những quốc gia nhỏ và xóa bỏ mọi trạng thái biệt lập giữa các dân tộc, không những làm cho các dân tộc gần gũi nhau mà cũng cần nhằm thực hiện việc hợp nhất các dân tộc lại…Nhân loại chỉ có trải qua thời quá độ của chuyên chính của giai cấp bị áp bức, mới có thể xóa bỏ được gia cấp, cũng giống như vậy, nhân loại chỉ có trải qua thời kỳ quá độ hoàn toàn giải phóng tất cả các dân tộc bị áp bức, nghĩa là thời kỳ các dân tộc được tự do phân lập, thì mới có thể đạt tới sự hợp nhất tất nhiên giữa các dân tộc”3.

Ba là, liên hiệp công nhân các dân tộc lại

Liên hiệp công nhân các dân tộc lại là sự đoàn kết thống nhất giai cấp công nhân tất cả các dân tộc trên cơ sở có cùng địa vị kinh tế – xã hội, có sự thống nhất về lợi ích giai cấp, có cùng sứ mệnh lịch sử…; là liên minh quốc tế trong cuộc đấu tranh chống áp bức giai cấp và áp bức dân tộc, vì sự giải phóng dân tộc và xã hội. V.I.Lênin khẳng định: Việc giải phóng khỏi ách tư bản, việc xây dựng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa là nhiệm vụ quốc tế của tất cả những người vô sản, của tất cả nhân dân lao động các nước. Liên hiệp giai cấp công nhân tất cả các dân tộc chính là điều kiện giải quyết tốt các quan hệ dân tộc, thực hiện quyền bình đẳng và quyền dân tộc tự quyết trên thực tế.

Những nội dung cơ bản của “Cương lĩnh dân tộc” chính là cơ sở lý luận và cơ sở pháp lý để giải quyết các quan hệ dân tộc. Đặc biệt hiện nay, vấn đề dân tộc đang diễn ra vô cùng phức tạp. Những xung đột dân tộc, tộc người, những mưu đồ đồng hóa dân tộc vẫn tiếp tục tồn tại dưới nhiều sắc thái tinh vi, nhiều quốc gia khu vực. Ở Việt Nam, những năm gần đây các thế lực thù địch cũng ráo riết lợi dụng vấn đề dân tộc, những khó khăn trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, kích động bạo loạn, ly khai, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc. Việc giải quyết những tranh chấp hay mâu thuẫn liên quan đến dân tộc, đòi hỏi chúng ta phải nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc, sáng suốt, những quan điểm của V.I.Lênin  về vấn đề dân tộc cũng như nội dung của “Cương lĩnh dân tộc”; phải đấu tranh kiên quyết làm thất bại mọi thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền. Nhận thức sâu sắc và vận dụng đúng đắn những nội dung cơ bản của “Cương lĩnh dân tộc” trong hoạt động thực tiễn chính là góp phần ổn định chính trị xã hội, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Vận dụng những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và của Đảng cộng sản Việt Nam, tỉnh Bắc Kạn những năm qua đã giải quyết và thực hiện tốt công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung,  công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được các cấp, các ngành quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện, đã đem lại hiệu quả thiết thực, cơ sở hạ tầng được cải thiện, bước đầu đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống của đồng bào các dân tộc, nhất là hệ thống đường giao thông, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế… Các chính sách dân tộc đã tạo điều kiện trực tiếp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các khu vực khó khăn có điều kiện sớm thoát nghèo và ổn định cuộc sống, góp phần tích cực cho công tác xoá đói giảm nghèo bền vững. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, Ban Dân tộc đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện và ban hành các chính sách phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi, ban hành một số chính sách, giải pháp thực hiện các đề án, quyết định cụ thể nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội và giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh ở vùng dân tộc miền núi trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc như: Chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 – 2020; chính sách đối với người có uy tín; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện tốt vai trò tham mưu, giúp UBND tỉnh tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện tốt các dự án như: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đã có nhiều công trình  giao thông, thủy lợi, điện, trường lớp học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, nước sinh hoạt tập trung và duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư,.. Đồng thời, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020 đã được triển khai sâu rộng, đúng đối tượng và tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Các công trình giao thông, thủy lợi, trường học được đầu tư xây dựng đã phát huy tốt hiệu quả, thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Bắc Kạn. Trình độ phát triển sản xuất từng bước được nâng cao, thông qua các dự án, mô hình phát triển sản xuất người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất và tiếp cận dần với sản xuất hàng hóa…

Kết quả, toàn tỉnh đã đầu tư cơ sở hạ tầng được 758 công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; cải tạo, xây mới các công trình thủy lợi nhỏ; công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; công trình  y tế, trường, lớp học; công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. Thực hiện duy tu bảo dưỡng 642 công trình giao thông, thủy lợi, điện, công trình văn hóa. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực được 179 lớp, 05 cuộc tham quan, học tập với 9.447 lượt học viên tham gia và trên 95% lượt học viên là người dân tộc thiểu số…Công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh đã cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế – xã hội trong những năm qua.

Nông Thị Thanh Hường

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Chú thích:

[1] V. I.Lênin toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mát-xcơ-va, 1980, tập 24, tr.166

[2] Sđd, tập 27, tr.327

[3] Sđd, tập 27, tr.328

Video liên quan

Chủ Đề