Nửa đời sau của ta review

Tình yêu vốn không thể định nghĩa được bởi bản thân nó đã bao hàm rất nhiều những tình cảm khác. Có người nói tình yêu là sự cho đi, tình yêu là sự san sẻ chăm sóc; có người lại nói tình yêu được thai nghén từ tình người, là sự rung động đỉnh điểm của con tim. Có thể thấy rằng, tình yêu tồn tại giữa nhân loại có rất nhiều thù hình khác nhau, được nhìn nhận ở những khía cạnh cũng khác nhau đặt trong sự đa dạng của hoàn cảnh. Bởi thế, không có đáp số chung nào cho tình yêu và càng không có mẫu số chung nào cho tình cảm giữa người với người. Để phản ánh điều đó, vở kịch “Nửa đời ngơ ngác” của sân khấu kịch nghệ thuật Hoàng Thái Thanh đã tái hiện một cách sinh động và chân thật những lát cắt của tình yêu và một phương diện tối tăm trong nó: sự thù hận. Điều đó đã tinh tế mang lại những cung bậc cảm xúc cho khán giả, dẫn dắt họ bằng những mảnh đời với những câu chuyện xót xa, dữ dội nhưng cũng lấy đi nhiều nước mắt của sự đồng cảm.

Vở kịch đưa khán giả trở về bối cảnh làng quê bình dị Việt Nam ở một khoảng thời gian xưa cũ nào đó trong quá khứ, nơi thật yên ã và dân dã với những chiếc ghe xuôi mái chèo vượt dòng sông, nơi có sự rộn ràng và vui nhộn của khu chợ huyện đông đúc hòa quyện cùng với thiên nhiên tươi trẻ, và là nơi có tất cả những con người với những câu chuyện đời khác nhau. Chính nơi đó, đã có sự giao thoa giữa hai tâm hồn, hai trái tim cháy bùng bởi ngọn lửa tình yêu của tuổi trẻ là anh Tư Nhớ và chị Lê.

Anh Tư thì sống bằng nghề lái ghe chở mướn, chị Lê thì là con gái của một gia đình khá giả trong thị trấn. Tình yêu của hai người đã vượt lên mọi rào cản của gia đình, của xã hội; cả anh lẫn chị đều không màng tới những định kiến khắc nghiệt, những cái nhìn dị nghị của người đời mà đến với nhau, sống một đời sống bình thường của những con người nghèo khổ bình thường trong cái thị trấn nho nhỏ ấy. Bình thường nhưng không tầm thường, anh Tư và chị Lê chung sống bằng tất cả tình yêu chân thành của bản thân, đặt ra ngoài công danh sự nghiệp và nhu cầu vật chất. Họ đã sống bằng chính tình yêu và sự thấu cảm của mình. Rõ ràng, anh Tư và chị Lê là hai con người sinh ra đã thuộc hai thế giới khác nhau, số phận của họ vốn là hai con đường không bao giờ có giao điểm.

Nhưng bằng tình yêu và chỉ bằng tình yêu chân thành, họ đã đến với nhau. Điều đó càng khẳng định rằng: trong cuộc sống không có sự sắp đặt nào cho tình yêu, không có bất cứ đại diện nào như tiền tài, công danh, … thể hiện cho sự bền bỉ và thắt chặt của tình yêu. Dù phải hy sinh rất nhiều để sống với đúng với tình cảm của mình nhưng cả hai nhân vật anh Tư và chị Lê đã sống rất hạnh phúc, họ là minh chứng cho việc: tình yêu đã thắng được hoàn cảnh. Ta có thể thấy rằng, dù cắm rễ trong một khoảnh đất cằn cỗi của định kiến và ranh giới giàu nghèo nhưng tình yêu của họ đã đâm chồi nãy lộc, đơm hoa kết trái, bằng chứng cho việc đó là họ đã có cho nhau một đứa con, một sinh linh trong sáng và là quả ngọt cho tình yêu thuần khiết ấy.

Tình yêu chân thành đã vượt lên sự khốn khó của số phận

Trong cuộc sống, những thứ càng trong sạch và thuần khiết thì càng dễ bị phương hại. Ở chuyện tình yêu mộc mạc của anh Tư và chị Lê thì cái thứ hủy hoại chúng không gì khác chính là những định kiến khắc nghiệt,tàn nhẫn của xã hội – đó là những lằn ranh không do riêng ai vạch ra nhưng những người ở cái chợ huyện nho nhỏ ấy đã góp phần tạo ra nó. Lằn ranh đó vốn đã tồn tại sẵn giữa lòng đời, nó chia cắt những con người thành hai nửa giàu-nghèo, sang-hèn, đẹp-xấu,… và hẳn nhiên là nó không phân những con người yêu nhau về cùng một phía mà họ lại bị chia cắt bởi nó.

Bà Hai – mẹ của chị Lê – là đại diện cho những định kiến cay nghiệt của cả cái huyện ấy. Bà chính là tiếng nói khách quan cho thái độ tỉnh táo của xã hội: “Thời này làm gì còn một túp lều tranh hai quả tim vàng hả con”. Tuy anh Tư và chị Lê đã yêu và tình yêu ấy đã chiến thắng được hoàn cảnh cơ cực của hai vợ chồng nhưng không thể phủ nhận một hiện thực đau lòng rằng anh Tư rất nghèo khổ và không có khả năng lo cho chị Lê một cuộc sống ấm no mà chị xứng đáng nhận. Với tư duy tỉnh táo, nhân vật bà Hai đã cho chúng ta thấy rõ điều đó: kẻ si tình nghèo khổ cũng chính là kẻ tội đồ bất nhơn vì đã đẩy vợ con vào con đường đói nghèo về sau. Bằng thủ đoạn của mình, bà Hai đã nhẫn tâm chia cắt đôi uyên ương, điều này đã để lại suy ngẫm cho khán giả: liệu việc làm của bà Hai là sai trái? Có thể bà Hai đã không nhìn nhận những tình yêu mà không màng tới vật chất nhưng xét cho cùng thì chị Lê cũng là con ruột của bà. Hành động của bà tuy có cay nghiệt nhưng đó là hành động của một người mẹ thương con, mong ước một cuộc sống hôn nhân môn đăng hậu đối cho người con của mình.

Đó là một việc làm nếu nhìn dưới góc độ khách quan thì ta vẫn có thể cảm thông được. Điều đó còn được thể hiện qua nét mặt của bà Hai khi hay tin chị Lê đã mang thai của anh Tư, đó là một nét mặt kinh hãi đến ám ảnh, đau đớn đến tột cùng; nét mặt ấy bàng quang như một tiếng khóc không thành tiếng đại diện cho bao nhiêu bão tố lòng của bà Hai, nét mặt của một bà mẹ mất con. Xót xa cho chuyện tình lãng mạn của anh Tư và chị Lê nhưng cũng đau đớn cho kiếp làm mẹ với một tư tưởng tỉnh táo của bà Hai. Đến lúc này, định kiến của một xã hội tỉnh táo đã chi phối, đánh bại được tình yêu chân thành nhưng đó cũng chính là căn nguyên cho mối tư thù giữa những con người kéo dài hàng thập kỉ …

Tình yêu vì đời mà oán hận, thù hằn vì người mà quay lại làm tổn thương lẫn nhau. Những sai lầm trong quá khứ bỗng chóc hóa thành lưỡi dao sắc nhọn găm vào lòng nạn nhân của nó và thứ chảy ra không còn là máu, hơn cả máu, đó là những nỗi buồn không biên giới, khiến con người ta mù quáng ôm mối hận của mình đi mãi trong cái đường hầm tăm tối đã mất dần đi ánh sáng. Trên mảnh đất chật hẹp của cuộc đời ấy, những con người – là nạn nhân của quá khứ – cứ quanh quẩn với một trái tim cằn cỗi, úa tàn, đầy vết thương mới cũ vì thù hận mà nay đã chai sẹo với cuộc sống xung quanh, không còn cảm nhận được cả tình yêu mà đánh mất đi ý nghĩa sống. Họ cứ loay hoay tìm kiếm trong vô vọng một chút ánh sáng le lói để soi rọi trong căn hầm tối ấy một con đường để hóa giải hận thù, họ chật vật mãi để trả cho mình những món nợ đời, nợ tình mà đứng trước dòng chảy xiết của thời gian cũng không thể nào vơi bớt, sống một cuộc sống lay lắt cũng chính vì thù oán …

Như nhân vật út Lý – em ruột của chị Lê – từ nhỏ đã đem lòng thương anh Tư để rồi khi chị Lê lấy chồng nơi xa xứ đổi lấy sự tự do cho anh Tư, út Lý nay lại càng đem lòng yêu anh nhiều hơn. Miệt mài và nhiệt thành trong tình yêu, út Lý mong mỏi rằng có thể hy sinh cả cuộc đời mình cho anh Tư để anh quên đi bóng hình xưa cũ của người vợ đã phụ mình và đứa con chưa chào đời đã mất, đồng thời cũng giúp anh quên đi mối hận thù với gia đình chị. Tới đây, chúng ta lại thấy được một lát cắt khác trong cuộc sống rằng: người ta dùng tình yêu để xoa dịu nỗi đau, để kéo người khác ra khỏi cuộc sống tràn ngập màu của lửa hận, người ta tin rằng tình yêu có thể như cánh tay vươn ra cứu một con người khỏi bờ vực của nỗi đau và tuyệt vọng dù có phải đánh đổi cả nửa thời gian trân quý của đời mình.

Hình ảnh hoa quỳnh là một hình ảnh mang tính tượng trưng rất nhân văn, sáng tạo đã làm ấm vở kịch. Bông hoa ấy chính là đại diện cho con đường hóa giải thù hận cho những nhân vật trung tâm của vở kịch, nếu trước kia ở nhà bà Hai nó chẳng có ra lấy một bông hoa thì sau khi được trồng ở nhà của anh Tư Nhớ thì nó lại phát triển, nở ra một bông hoa quỳnh nhỏ nhắn, xinh đẹp, trắng ngần. Có thể nói, chính tình yêu không điều kiện của út Lý dành cho anh Tư đã vun đắp, tưới tiêu cho cây quỳnh ra hoa. Bông hoa ấy thể hiện cái duyên của út Lý và anh Tư Nhớ và cũng là một lời khẳng định cho mọi người: tình yêu có thể làm những điều tưởng chừng không thể, làm ra hoa loài cây khó ra hoa nhất và cũng chính tình yêu là cơ hội, là ánh sáng ấm áp, là con đường dẫn lối người ta để hóa giải hận thù.

Ở cuối vở kịch, khi số phận đã cho anh Tư, chị Lê và út Lý – ba con người, ba mắt xích của mối hận tình hàng chục năm – đối diện với nhau. Nhưng chính bởi sức mạnh của thời gian, mọi thứ đã thay đổi. “Hi, anh Tư”, câu nói cho thấy chị Lê đã hoàn toàn đổi thay. Bao nhiêu năm sống với chồng nơi đất người, chị Lê giờ đã thay đổi về cả ngoại hình lẫn tính cách, chị không còn là Lê của tuổi hai mươi lăm đắm say trong tình yêu của tuổi trẻ, không còn là Lê đã hẹn ước trọn đời với anh Tư bên bến ghe năm nào. Tập quên đi quá khứ, chị cũng dần quen với cuộc sống ở nước ngoài, vốn là một thế giới đầy màu sắc, mới mẻ và hoàn toàn khác hẳn với cuộc sống cũ của chị nơi chợ huyện.

Cách biệt nửa bầu trời, trải qua sự sói mòn của thời gian, chị Lê giờ đây dường như đã không còn vương vấn mối tình xưa với anh Tư, có thể nói, vết thương nơi chị đã không còn rỉ máu suốt những năm qua. Mà để lại đó, chính là vết sẹo của quá khứ mà căn nguyên là do cú sốc mất con khiến chị không thể mang thai được nữa, chứ không còn là mối tình đầu của cuộc đời chị. Tuy có thể tập quên đi bi kịch của năm ấy nhưng chúng ta có thể thấy rõ rằng: con người vẫn là tù nhân của quá khứ, chúng là một phần trong bản ngã của mỗi chúng ta, có thể tập sống mà quên đi chúng nhưng quá khứ vẫn nằm đâu đó trong tiềm thức, trong ý niệm về thời gian của con người. Cũng chính vì thế, chị Lê đã không ngày nào ngủ ngon giấc trong khoảng thời gian tại ngoại mà bị ám ảnh bởi nỗi đau mất con giày xéo tâm can chị mười mấy năm trước.

Cũng ở cuối vở kịch, toàn bộ nút thắt đã được tháo ra một cách tinh tế, hợp lý và khách quan. Ba người gặp lại, nhưng người anh Tư ôm vào lòng và lo lắng nhất chính là nhân vật út Lý. Cái ôm ấy đã cho thấy rằng, sau bao nhiêu năm, anh Tư đã ý thức rõ ràng được tình yêu dành cho út Lý mà anh đã chôn giấu, đã cất nó vào một cái khoảnh đau đớn trong con tim mình. Âu cũng vì anh đã mù quáng trốn chạy quá khứ mà không nhận ra được tình cảm ấy, đó là bị kịch của một con người vì đời mà thù hận.

Người ta thường nói: chúng ta có thể chắc chắn sự bất biến của thời gian nhưng không ai đặt niềm tin tuyệt đối vào sự bất biến của con tim. Trong tình cảnh mà anh Tư đã trải qua, nó không hẳn là như thế. Vốn dĩ, trái tim của anh Tư không hề đổi thay, bao nhiêu năm kể từ bi kịch lần ấy, anh Tư vẫn đem lòng yêu và chờ đợi chị Lê, đó là tình yêu của một lý trí thù hận. Rồi út Lý đi vào cuộc đời anh và hóa giải mối hận ấy, anh đã nhận ra tình yêu dành cho Lý, đó là tình yêu của một con tim nguôi ngoai. Anh chọn Lý không phải vì anh không chung thủy với tình yêu của cuộc đời, chỉ là sau bao nhiêu thăng trầm, anh đã chọn cho mình tình yêu đã dùng biết bao nước mắt để hòa loãng sự căm phẫn đời của anh – thứ đã khiến cuộc sống của anh trở thành ngục tối – chứ không phải tình yêu khiến anh thù hận và oán than. Đến đây có thể thấy rằng, tình yêu đã thực sự hóa giải được hận thù, nỗi oán hận suốt bấy nhiêu năm nay đã được buông xuống ở cuối vở kịch. Hoa quỳnh thực sự nở rộ … Một kết thúc có hậu và thõa mãn người xem.

Tình yêu ngậm ngùi đã hóa giải lòng người thù hận

Khép lại tất cả là tất cả cảm xúc vỡ òa của khán giả có cả nước mắt lẫn tràng pháo tay. Hơn cả một tác phẩm nghệ thuật, “Nửa đời ngơ ngác” đã truyền tải một thông điệp về triết lý nhân sinh của tình yêu trong cuộc sống bằng tài năng diễn xuất cùng thần thái xúc cảm mãnh liệt của các diễn viên. Điều đó một lần nữa cho thấy tinh hoa trong nghệ thuật kịch nói Việt Nam.

Không chỉ riêng Tư Nhớ với tình yêu chân thành của anh chở ghe nghèo, chị hai Lê với trái tim một thời cháy bỏng tình cảm yêu đương giản dị nay lại thay đổi để thích nghi với cuộc sống hay út Lý với trái tim tin yêu xót xa nhưng cũng mãnh liệt để thay đổi sự thù hận mấy mươi năm và bà Hai với tiếng nói đại diện cho định kiến của một xã hội tỉnh táo, cay nghiệt, … tác phẩm “Nửa đời ngơ ngác” không chỉ nói về một làng quê hay một chợ huyện cụ thể nào đó của Việt Nam mà nó là một bức tranh thu nhỏ tái hiện chân thực một lát cắt của tình yêu trong xã hội mà ta có thể bắt gặp ở đâu đó giữa dòng đời: tình yêu đem lại hạnh phúc cho con người nhưng tình yêu cũng có thể hủy hoại hạnh phúc nơi con người rồi cũng chính nó, hóa giải tất cả những hận thù. Đời là thế:

Chủ Đề